Hôm nay mình đọc được một bài viết rất hay của page Đạo sĩ nên mình xin phép được copy để có thể thảo luận ở trên Spiderum một cách khách quan , chuyên nghiệp hơn

M.Gorky, đại thi hào người Nga từng nhận xét: "Văn học là nhân học".

Theo tôi trên đời này, ngoài phụ nữ ra, thì còn có hai điều rất khó hiểu và khó hiểu đúng, đó là tình yêu và văn chương. Có ai dám nói rằng mình hiểu tình yêu và cũng có ai dám nói rằng mình định nghĩa được văn chương chứ?

Nhưng dẫu khó hiểu thì cũng vẫn nên cố mà hiểu, mà muốn hiểu phải học. Học văn, cần lưu ý tới 2 điểm: Học cách cảm nhận văn học và rèn luyện tư duy sáng tạo văn học.

Cảm nhận văn học, tức chúng ta học văn là để nhận thức đúng đắn hơn về cuộc sống và con người thông qua các tác phẩm văn học của người khác. Bản chất của cuộc sống cũng là bản chất của con người, thế nên "văn học mới là nhân học". Cảm nhận văn học để chúng ta nhìn nhận đúng về quan điểm của người khác, tìm hiểu hơi thở cuộc sống, triết lý nhân sinh quan của họ qua từng câu chữ.

Tư duy văn học là tư duy sáng tạo, là học cách làm văn. Đó là chúng ta học cách diễn đạt, trình bầy suy nghĩ và cảm nhận của mình một cách thật rành mạch, rõ ràng giúp người khác có thể hiểu được bản thân. Từ đó qua văn chương của bản thân có thể lan tỏa thông điệp, quan điểm của mình ra tới thế giới.

Chỉ có điều đáng tiếc, cách dạy và học văn ở Việt Nam đi quá sâu tới học cách cảm nhận văn và nhân sinh của người khác mà không chú trọng đến việc rèn luyện và thể hiện quan điểm, tư duy của học sinh.

Không tin ư? Các bạn nhìn vào đề văn hàng chục năm nay trong kì thi THPT quốc gia mà xem. Đôi lúc có thay đổi chút, nhưng phần lớn vẫn là phân tích nghệ thuật dùng từ, hàm ý của tác giả. Nghị luận xã hội một quan điểm hay triết lý và liên hệ xã hội. Rồi cuối cùng là phân tích và bình luận văn học về một vài tác phẩm ở SGK văn.

Quan trọng, và nguy hại lớn nhất, đó là việc bài văn 5 điểm nó lặp đi lặp lại trong cỡ 20 tác phẩm văn học kinh điển trong chương trình học. Thế là nhiều em học sinh, nhiều thày cô giáo, nhiều trung tâm luyện thi "đoán đề" và dạy học trò "học tủ". Và buồn cười hơn, đó là chấm điểm văn về "cảm thụ văn học" lại có barem. Thế là học văn là chỉ học cách rèn luyện để hiểu về tư tưởng, hàm ý của những tác giả khác ư? Vậy khát vọng thể hiện quan điểm, suy nghĩ và nhân sinh quan của học sinh đâu? Sáng tạo văn học, cái "muôn mầu cuộc sống" nó ở đâu?

Suốt bao năm làm văn, học sinh Việt Nam thường quá  quen với mẫu đề, kiểu: Em hãy tả/phát biểu/phân tích cảm nhận của mình về cái gì đó. Thế nhưng, nếu em học sinh nào ngu dại phát biểu đúng suy nghĩ của mình về vấn đề, nhưng nó khác với ý của cô giáo, kết quả thường không mấy khả quan cho lắm.

Đôi lúc, cách dạy và học văn của Việt Nam, khiến nhiều em học sinh suy nghĩ rằng muốn được điểm cao phải viết thật dài. Kiểu như muốn được 9-10 thì bài văn phải 5-7 tờ, đám viết cố lắm mà chỉ được 2-3 tờ thì không mơ tưởng điểm cao.

Buồn!

Văn học không phải dạy các em thành những con vẹt hay những cái máy. Văn học là nhân học, không phải là môn học thuộc. Văn học là dạy học sinh về tư duy dáng tạo, không phải tư duy lối mòn.

Không biết thời của các bạn như thế nào, chứ thời của chúng tôi kiểu như thế đấy. Tức là, rất nhiều giáo viên văn có xu hướng biến học sinh thành những con vẹt trong việc học – làm văn khi ép chúng nó phải làm văn theo ý cho sẵn. Nguyên nhân, đó chính là ngay cả bản thân nhiều thầy cô giáo cũng đang yếu kém về tư duy văn học!

Vâng, đấy là nhận định chủ quan của tôi. Nguyên nhân của vấn đề này do đâu ạ? Xin thưa, đó chính là quan điểm học theo khối rất máy móc còn tồn tại ở Việt Nam. Nhiều học sinh có quan điểm thế này, nếu mải chơi mất gốc kiến thức Toán, Lý, Hóa không thể vào khối A được thì đành phải vào khối C, và mặc định đó là những môn học thuộc. Tư duy sai lầm, dẫn đến có không ít nhà báo năm xưa cũng từng đậu đại học kiểu 9 điểm 3 môn như thế.  Họ thiếu kiến thức về tư duy logic, lại chạy theo tư duy lối mòn, dẫn đến truyền thông báo chí Việt Nam nhiều khi đúng nghĩa là 'truyền thông xứ Vẹt'.

Hay khi vào đại học, có không ít người "ngẫu nhiên đậu sư phạm văn sử" bằng cách  gồng mình lên học thuộc lòng một vài đề  tủ nào đó, nếu trúng tủ thì đậu thôi. Và những thầy cô này ra trường, lại dạy học trò học văn, sử theo kiểu học vẹt như thế. Nó rất dễ dẫn tới một vòng lặp đáng buồn, thay vì học văn để rèn tư duy sáng tạo, các em học sinh dần bước vào tư duy lối mòn, cứ rập khuôn máy móc.

(Học sinh nào may mắn, được học với thầy cô dạy văn "có tâm và có tầm" thì sẽ thực sự may mắn. Đáng tiếc, số lượng những nhà giáo như này rất ít, vì xuất phát điểm của nguồn đầu vào tuyển "giáo viên văn" là không được cao.

Nói ra hẳn nhiều bạn sư phạm Văn tự ái, cơ mà những em học sinh có tư duy tốt họ thường chọn Ngoại thương, Bách Khoa, Kinh tế hết rồi)

Nhìn sang Trung Quốc mà thấy buồn, ngay cả cách ra đề văn thôi đã thấy hơn hẳn Việt Nam mình một cái tầm. Đây không phải là tự nhục, mà sự thật,  môn văn ở Trung Quốc thực sự là một môn học đầy tính nghệ thuật và sáng tạo, mang  âm hưởng đậm nét của văn hóa Hoa Hạ.

Đề văn Trung Quốc nhiều khi yêu cầu các em đưa ra quan điểm suy nghĩ của mình về một bài thơ Đường cách đấy hơn ngàn năm, đôi lúc là của một tác giả vô danh. Mà phần lớn học sinh mới chỉ đọc nó lần đầu.

Lấy ví dụ, đề thi văn của Bắc Kinh năm 2007, yêu cầu học sinh đưa ra quan điểm bản thân về 2 câu thơ: "Tế vũ thấp y khan bất kiến. Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh" (tạm dịch: Mưa mong manh thấm áo nhìn không tỏ. Hoa rụng đất nhẹ nhàng nghe không thấu) là câu thơ trích trong bài Biệt nghiêm sĩ Nguyên (tạm dịch: Tặng nghiêm sĩ Nguyên khi từ biệt) của nhà thơ đời Đường Lý Trường Khanh. Rõ ràng, đây là bài thơ khá vô danh của một tác giả không tiếng tăm gì, trong một rừng thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ. Những người học tủ học vẹt mà không đủ tư duy, kiến thức chắc chắn sẽ chấp nhận cảnh giấy trắng.

Hay đề văn của tỉnh Giang Tô 2019, yêu cầu học sinh tự lựa chọn thể loại văn để thể hiện quan điểm của mình về nhận định triết lý:

"Mỗi vật đều có 1 tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua ngọt cay nhạt mặn, năm vị điều hoà, cùng tồn tại hoà trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế."

Với những đề bài mở như ở Trung Quốc, để  làm được bài buộc thí sinh phải có vốn kiến thức xã hội phong phú, tức là trước đó buộc các em phải chịu khó tìm đọc nhiều tài liệu liên quan để đọc và nắm những nội dung mấu chốt ngoài sách giáo khoa. Bên cạnh đó, các em sẽ tự tìm cho mình cách phân tích, bình luận, liên hệ để hiểu sâu hơn một vấn đề nào đó… Có nền tảng vững vàng, có kiến thức xã hội liên quan, lồng ghép thêm cái nhìn của cá nhân nhân trước thời cuộc, như thế mới có thể làm tốt được bài văn dạng đấy. Như thế, văn mới thực sự là môn xã hội, giúp các em rèn luyện tư duy sáng tạo.  

Để làm được điều này, học sinh Trung Quốc từ nhỏ đã được dạy rằng "văn học là nhân học", học văn là để chiêm nghiệm nhân sinh và thể hiện nhân sinh. Để viết được văn hay, các em đều hiểu rằng mình cần tích lũy kiến thức, để trong văn học có văn hóa, có lịch sử, và có cả triết học.

Các em từ nhỏ đã được học cách hệ thống văn học, viết thế nào cho hào hùng, viết thế nào cho bi thiết. Khi cần lạc quan tuyệt không u ám, khi muốn buồn bã  thì tràn ngập thê lương... để tác dụng mạnh lên cảm xúc người đọc. Các em học về văn bát cổ, thơ Đường luật, thủ thuật viết văn biền ngẫu, lồng ghép "tiểu đối", "trường đoạn" thế nào cho lời văn hoặc cổ kính trang nghiêm, hoặc dào dạt hào trẻ trung, hoặc hào hùng phấn chấn.

Ở Việt Nam thì ngược lại. Ví dụ ở cấp 1, có những bài văn tường thật tả cảnh, tả vật … thì đáng nhẽ hãy để học sinh viết bằng sự cảm nhận ngây thơ của chính các em, đó mới là sự thú vị của văn học. Nhưng không, nó luôn bắt đầu bằng những dạng bài máy móc, rập khuôn theo văn mẫu và theo ý các thầy cô. Ví dụ con lợn thì phải ủn ỉn, hai tai phải như 2 cái lá cây, cái đuôi phải phe phẩy, cái chân cái đầu to bằng cái gì và nó có ích như thế nào. Con chó thì nhất định phải kêu gâu gâu chứ không được ẳng ẳng, nó cũng nhất thiết phải là người bạn thân thiết của gia đình, chứ không được là một con chó dữ giật xích ra cắn ai đó. Đấy, cứ bắt trẻ rập khuôn sáo mòn như thế, không có gì khó hiểu khi có đứa học trò nó tả ông nội như sau: Nhà em có nuôi một ông nội rất ngoan và nghe lời.

Hay như đến cấp 2 rồi, học văn tả cảnh tả tình thì mùa thu phải vàng, ta phải buồn man mác, hoặc có thêm ít mưa ngâu với lá rụng, thêm vài từ tượng thanh tượng hình nữa thì rất dễ được điểm cao. Hoặc khi bình luận phân tích về một sự vật/hiện tượng/đoạn trích nào đấy, chỉ cần viết đủ mấy ý mà đáp án của cô nghiễm nhiên là được 7 rồi. Còn ai mà biết thêm thắt chút hoa lá cành, viết dài dài, chữ đẹp đẹp ắt kiếm 8-9 dễ như trở bàn tay. Ngược lại, đứa nào viết không đủ ý thì sẽ ăn ngay 4-5, hoặc chệch khỏi ý đáp án thì sẽ được 2 điểm kèm theo lời phê: Lạc đề, hoặc em không hiểu ý tác giả.

Sang cấp 3, đến  tiết mục ôn thi đại học, vẫn có không ít thầy cô luyện thi môn văn có tiếng trên MXH cũng đang áp dụng kiểu máy móc như thế này. Tác phẩm này ra đời hoàn cảnh nào, ý tác giả muốn truyền tải cái gì, điểm nhấn then chốt là sao … toàn những nội dung cũ kỹ và sáo rỗng.

Nhưng không trách được, ra đề như nào và cách chấm ra sao thì các em phải làm và học theo như thế. Thiết nghĩ, nếu không đổi mới phần gốc trong cách học và giảng dạy môn văn ở nhà trường, việc ra một đề thi thật sự hay để học sinh có thể phát huy khả năng sáng tạo và cảm nhận văn chương của các em là một nan đề. Ra rồi ai sẽ làm được đây, và ngay cả nhiều thầy cô chắc cũng không đủ kiến thức chấm nổi bài làm kiểu đó.

Để tạo được sự yêu thích học văn cho các em quả là điều không đơn giản nhưng trước hết, chính thầy cô đứng trên bục giảng phải là người có đủ tư duy văn học và biết truyền lửa. Niềm say mê của thầy cô trước những áng văn hay, những thân phận thăng trầm của đời sống sẽ truyền cảm hứng tích cực tới các thế hệ học trò.

Nhưng không, rất nhiều thầy cô dạy văn ở Việt Nam đang làm ngược lại. Họ đang hướng học trò của mình học văn theo kiểu máy móc, lối mòn với vài ba ý định sẵn, khi triển khai thành bài mẫu, chỉ thêm vào những câu, những từ cho trơn tru, bay bổng chứ không có một chút gì gọi là sự sáng tạo hay sự cảm thụ riêng của học sinh. Mục đích của học môn văn, đó là rèn khả năng tư duy bay bổng, khám phá nội hàm của văn chương, tìm hiểu vẻ đẹp cuộc sống thì chả có mấy thầy cô nào chịu dạy học trò.

Và thế là, thay vì là một môn học hấp dẫn và thị vị như cái tên của nó, thì môn văn dễ trở thành môn buồn ngủ, là nơi dạy các em thành những con vẹt chỉ biết lặp lại ý của tiền nhân.  Thế là khi các em học sinh  nghĩ đến những bài văn dài dằng dặc phải đọc rồi học thuộc là ngán ngẩm lắc đầu, hoặc để thi đại học thì cắm đầu cắm cổ ê a học tủ.  

Kết quả của tư duy "làm theo văn mẫu" còn không ít hậu quả tai hại. Tất cả là bắt nguồn từ sai lầm của một triết lý giáo dục trong việc dạy và học môn văn ở Việt Nam.

Học văn không phải để rèn luyện tư duy sáng tạo, học văn là để học sinh dẫm lên tư duy lối mòn. Dạy văn  không hướng học trò tới nhân văn, không truyền tải được hơi thở cuộc sống, mà là đang lặp lại những tiếng vọng từ quá khứ.

Hy vọng thời gian tới nền giáo dục nước nhà có chuyển biến, thay đổi trong "triết lý dạy và học văn ở Việt Nam".