Dịch từ bài gốc (bài đầu trong chuỗi về sự đọc) của Will Self trên Lithub
---
Ta nên đọc như thế nào? Chữ nên kia, dù ưa hay chẳng, khiến cho sự đọc giống như một mệnh lệnh đạo đức; ta có thể là dạng độc giả sâu sắc thâm trầm và nhiệt huyết, nhưng thường thì trong cách chúng ta chuyển hóa các ký tự trên trang viết hay trên màn hình thành hình ảnh và ý tưởng trong tâm trí vẫn còn một cái gì đó khiến ta thấy hụt hẫng. Khoa học thần kinh tân thời có thể đưa ra ít nhất dăm ba câu trả lời: khả năng đọc và viết - không như khả năng nói - chẳng được đóng sẵn vào não người, mà trái lại nhờ sự linh hoạt của thần kinh mà chúng ta không ngừng thay đổi bản thân hòng hoàn thiện hai kỹ năng này. Có lẽ đó là lý do vì sao đọc lúc nào cũng mang cảm giác gắng gượng - trừ phi chúng ta đã nhuần nhị cái mánh đọc chỉ để giải khuây, mà chốc sau tôi sẽ bàn trở lại.
Vậy là, sự đọc luôn mang trong mình tính nỗ lực - và đồng thời, theo từ ngữ của khoa học nhận thức, đó là một công việc nặng nhọc. Khi ai đó đọc những đoạn văn cầu kỳ - như những đoạn ra sức chuyển tải đời sống con người trong hết thảy sự đa diện, cầu kỳ cả về xúc giác lẫn tri giác - khi được đưa vào một máy quét MRI, ta có thể thấy hiển thị hình ảnh gần như toàn thể não bộ của họ sáng lên không khác gì một cây thông Giáng Sinh. Không những vậy, mà các phần của não bộ sử dụng mỗi khi ta phát ngôn, đi đứng hay làm tình cũng được thắp sáng lên y hệt như khi ta đọc về cuộc trò chuyện, chuyến đi lại, hay cuộc ái ân.
Rất lâu trước đây, khi những dữ liệu ấy chưa hề tồn tại, nhà phê bình văn học Pháp René Girard cho rằng khắc họa hành vi và động cơ của nhân vật trong tiểu thuyết cũng có giá trị tương tự như một nghiên cứu của các nhà tâm lý học lý thuyết - mà nay dường như có hẳn hòi cả một ngành khoa học chứng thực ý tưởng đó. Thú vị thay, tôi lại hình dung độc giả trong một máy MRI đọc về một người đang đọc… trong một máy MRI - và tôi tự hỏi thuật dàn cảnh này của cá nhân tôi sẽ trông như thế nào trước các kỹ thuật gia văn chương của tương lai, và liệu nó có thể chuyển từ đang thành nên, cốt để mách với chúng ta rằng - rốt cuộc - chúng ta nên đọc làm sao. Tôi phải thú nhận rằng: tôi chẳng còn cái cảm giác an toàn với các phương pháp trước kia của mình - nhìn lại, vì tôi dựa trên nghiên cứu thực tiễn tiến hành trên duy nhất một chủ thể: chính tôi.
Nuôi dạy bởi cha mẹ mọt sách nhưng không mấy kỷ luật, lúc nào tôi cũng cảm thấy mình thụ hưởng màn giới thiệu vào thế giới đọc tuyệt vời nhất có thể được hình dung: những quyển tiểu thuyết thị trường cùng các tác phẩm thời cuộc về tâm lý chêm xen trên kệ với chỗ sách tiếng Anh kinh điển của ông cụ vốn người Anh cùng bộ sưu tập hỗn tạp các văn bản triết học (nhiều trong số chúng tới từ thư viện khổng lồ của ông nội, một người tự học). Và còn rất nhiều những quyển sách khác - do các ông anh ông em hay chính tôi mua về từ các hiệu sách cũ và chợ đen. Chẳng một ai tỏ ra sùng kính chỗ sách ấy: chúng để đọc, chả phải để thờ. Và bởi cha mẹ ở nhà cũng tuyên chỉ - nhằm gieo vào đầu lũ chúng tôi khuynh hướng mọt sách của mình - rằng nhà chúng tôi không có truyền hình, nên chủ yếu chúng tôi chỉ đọc và đọc: vùng ngoại ô nước Anh trung lưu thập niên 60 làm gì có đời sống đường phố, trừ phi bạn ưa ngắm bãi cỏ mọc cao.
Tôi chẳng ngắm cỏ. Tôi đọc - và đọc, và lại đọc nữa. Tôi đọc tất cả những gì có trong tay - và bởi chẳng ai kê toa đọc sao cho phải, tôi đọc suồng sã, trộn tiểu thuyết với phi hư cấu, sách trẻ em với sách người lớn. Chuyển từ những giam hãm ủy mị trong Khu vườn bí mật sang những giới hạn khiếp kinh của chiếc máy bay ném bom của đại tá Yossaria, khi nó bay vòng quanh Bologna, với tôi, hết sức chóng mặt. Và dù tôi chẳng hề hiểu hết dụng ý châm biếm trong kiệt tác của Heller (lần đầu tôi đọc Catch-22 là lúc 12 tuổi), câu mở đầu của tiểu thuyết chắc chắn đã đính tôi vào cái chủ nghĩa lãng mạn méo mó của mình: “Đó là một tình yêu sét đánh…”
Mẹ tôi ưa đọc bằng một sự riết róng như thể đong đầy nhục cảm - các chuyến đi tới thư viện cho mượn sách, nơi chúng tôi tì chân kin kít lên sàn nhà sáng bóng giữa các kệ sách vừa sáng màu vừa tang tóc, mang trong chúng cái bầu không khí của nghi thức tế tụng - thẻ thư viện của tôi tương đương với một tấm thiệp dự tiệc, một lượt lục vấn giáo lý, hoặc cả hai. Khi cha tôi bỏ nhà đi, anh em tôi, 11 và 9 tuổi, thường dự các “tiệc đọc sách” cùng người mẹ trầm cảm và cực kiệm lời. Ở giai đoạn này từ ngữ trên trang giấy mã hóa không chỉ những ý nghĩ hay tưởng tượng của tác giả, mà còn một thứ trí tuệ sâu xa bảo rằng đấy là một lối thoát - một hầm thời gian đi về quá khứ, hay một hầm không gian, phóng chiếu khắp cõi thiên hà và vào vô vàn vô số những thế gian ta có thể hình dung được.
Tôi ưa các tập khoa học giả tưởng của Gollancz bìa chỉ tuyền màu vàng tươi mỗi khi mượn sách ở thư viện - và thường tôi khinh hết lượng sách được cho phép về: bảy quyển. Lần đầu tôi đọc tiểu thuyết của JG Ballard cũng tương tự. Tôi còn quá nhỏ để hiểu các tai nạn xe cộ bị dục hóa của ông hay các phô trương của cái ác - nhưng cái viễn cảnh đầy đe dọa trong sách của ông cuốn hút tôi, ở lại cùng tôi, và nhiều năm sau chính nhà văn này cũng trở thành một người bạn và người đỡ đầu cho tôi: ắt hẳn đây chính là một trái ngọt kết từ sự vùi mình vào con chữ. Dĩ nhiên, tôi cũng được dạy đọc - nếu hiểu theo cách đọc bảng chữ cái. Mẹ tôi, một bà mẹ Mỹ gương mẫu, dùng thẻ từ vựng và một tấm vải nhung dày phủ lên sofa để viết lên rồi dùng lòng bàn tay để xóa. Thứ màu nhiệm ấy khơi gợi ở tôi sự sớm nhận thức, và quả tình là tôi có thể đọc trôi chảy từ trước khi vào nhà trẻ.


Đọc thêm:

Nhưng chỉ đọc theo kiểu giải mã con chữ vẫn chưa tính là đọc theo trọn vẹn ý nghĩa - chẳng khác gì cái kiểu đọc những quyển “hay ho tới trang cuối cùng” chẳng dạy gì cho chúng ta ngoài kỹ năng lật sách. Đúng, đọc những tác phẩm không quá khó xô chúng ta dọc theo từng hàng chữ, cuốn chúng ta tiếp theo những giải pháp nhỏ nhoi để đến với những câu đố tầm thường chẳng kém, và ta cũng nhận về chút gì đó khoan khoái. Nhưng hãy chấp nhận đi: đọc một quyển của Dan Brown để gọi là thưởng thức văn học cũng như chơi Kandy Krush cốt để rèn luyện tư duy chiến lược cao cấp vậy - và mặc dù “đọc cho vui” có thể bao hàm rất nhiều kiểu văn khác nhau, miễn sao món ngon của người này là món lạ của kẻ kia; và khi trả lời cho câu hỏi Vì sao chúng ta nên đọc? bằng “đọc cho vui” chẳng có tí trọng lượng nào, như thú hưởng lạc so với cái chúng ta phải gọi là thế giới thật.
Đây là thứ mang tôi trở lại sự lăng nhăng, lang chạ được nhắc ở trên: một sự trác táng sinh ra từ chung thủy chứ chẳng phải từ cảm giác bị bỏ rơi; một sự thủy chung không trao cho riêng một tác phẩm hay một tác giả nào, mà trao cho tấm da cừu viết chữ đã được nhào đi nắn lại, đan xen và tôi quyện vào nhau, cấu thành toàn thể và trọn vẹn văn chương. Đọc một cách lăng loàn là hiểu bằng hết những ve vuốt của một tác phẩm trong vòng tay của một tác phẩm khác - và người đọc trắc nết cũng chính là một nhà sư phạm bậc thầy. Ta nên đọc như thế nào? Chúng ta hãy đọc như những kẻ phàm ăn ngốn ngấu, nuốt chửng từng bọng chữ to kềnh. Chẳng một ai bảo tôi chớ nên đột ngột chuyển hướng từ Thung lũng búp bê sang Anh em nhà Karamazov - nên tôi cứ chuyển; chẳng khác gì họ ngăn tôi chớ nên trộn lẫn các đoạn văn trong Đồi Fanny với những đoạn do Frantz Fanon viết ra - nhưng tôi cứ trộn. Khi đọc không chọn lọc đắn đo, tôi đã học cách đắn đo chọn lọc - và cũng học cả cách hiểu: bởi lẽ chỉ qua việc thụ đắc được những khối dữ liệu lớn, ta mới có thể sáng chế ra những lược đồ đủ để lĩnh hội nội dung mới.
Ta nên đọc như thế nào? Ta nên đọc mà chẳng kỳ vọng sẽ hiểu hết tất cả những gì chúng ta đọc: nếu bắt gặp một từ nào đó ta không hiểu nghĩa, hay một biểu nghĩa nào đó ta không hoàn toàn chắc chắn, cứ việc lướt qua, thoải mái với nhận thức rằng ngôn cảnh sẽ cung cấp câu trả lời, hoặc nhà văn sẽ dùng lại những từ ngữ này trong một ngôn cảnh khác. Dù là hình vị riêng lẻ hay với cả một trứ tác tuyệt luân: hiểu, gắn bó và thưởng thức không chỉ dựa vào khả năng tạm ngưng nghi ngại, mà còn là khả năng trì hoãn công cuộc hiểu thấu - cho phép tồn tại một thứ xa hoa ngọt ngào nhất, khi ta tiếp tục đọc, sự xa hoa của hoài nghi. 
Một trong nhiều vấn đề tới từ việc đọc sách số chính là sự thôi thúc muốn toàn bộ từ ngữ hiện ra tường minh như các màn hình hiển thị chúng: chạm ngón tay là định nghĩa hiện ra - một cú quẹt chúng ta sẽ có các chú thích, thuật ngữ và bình chú đầy đặn đến đáng sợ. Nhưng ngẫm lại, tôi thấy mọi thứ lại nằm ở sự bất khả trong việc hình thành nên sự gắn kết sâu sắc nhất: tôi học được nhiều hơn khi cưỡng lại ý muốn đứng dậy và tìm từ điển hay bách khoa toàn thư thay vì trước kia đã từng làm - thế là tôi tiếp tục học cách đọc theo hệt cách như vậy.  
Để tái hiện những hoàn cảnh khi tôi có thể đạt tới những mức độ thấm đẫm văn chương như thế độc giả hiện nay cần phải tham gia một khóa an cư, đến một chốn nào đó không có internet, và đủ hẻo lánh để tái thiết cái nhìn trong trẻo của một đứa trẻ trước những toan lo đời thường. Và rồi còn có ennui - từ chán chường chúng ta mới có phát minh, và chẳng có gì sáng tạo hơn sự đọc, trừ sự viết, có lẽ. Nếu có một thứ mà nền văn hóa của chúng ta, với thói quy đổi khôn ngớt sản phẩm văn hóa thành hàng hóa, không thể tránh né, tốt hơn hết nó hãy chừa lại một tí hin chán ngắt nào đó nguyên vẹn, chớ tiền bạc hóa nó đi.
Tôi tin rằng những khi lướt qua chỗ sách vở của cha mẹ không chút đắn đo tính toán đã cho phép tôi, lúc vào Đại học, hấp thu hầu hết những đầu sách đáng sợ giảng viên buộc sinh viên phải ngốn ngấu - cho mỗi bài luận, thường mười quyển sách hoặc tương đương; và chúng tôi phải đọc ít nhất mỗi tuần hai tiểu luận. Đó là một nền giáo dục ưu tú - hiển nhiên là thế; nhưng sự ưu tú đa phần ngự ở cái sự rèn luyện kéo dài ba năm hai vùng Broca và Wernicke: những vùng não đảm nhận phần giải nghĩa ngôn ngữ.
Tôi vận dụng hết những neuron ú hụ, xung hoạt của mình vào một cuộc đời biếng nhác - tôi hay đùa rằng tôi bỏ hết những năm hai mươi nằm ườn ra giường đọc tiểu thuyết, và như Freud đã quan sát đầy tinh tế, chẳng hề có gì gọi là đùa cả. Tôi chẳng có một ước ao toàn bộ bài viết này sẽ kết thúc kiểu một bài công kích vào việc đọc qua màn hình - làm như thế hẳn là có hơi quá tay, khi mà độc giả các vị rất nhiều khả năng cũng đang đọc những dòng này qua màn hình ngay lúc này. Nhưng tôi tự hỏi cái hiện trạng này đại diện được chăng cho một câu đố chia nhỏ về vô cực như người đọc trong máy MRI đọc về một người đọc đang đọc trong máy MRI. Nói thế chỉ để nói rằng mắt người đọc số dịch chuyển trên màn hình quá nhanh, và ở một màn hình khác - rất có thể, đang hiển thị hình ảnh chứ chả còn là từ ngữ - thế là các dịch chuyển mắt đời thực của chúng ta bị khung và bảng tóm lại. 
Sự ẩn dật chay tịnh cần thiết như đối trọng của toàn bộ chỗ lăng loàn trắc nết kia: giữ đức tin với một văn bản duy nhất, đọc cho tới tận cùng, bất luận những khúc lê thê ề à hay những đoạn tím lịm tìm sim phảng phất mùi phản bội độc giả. Và lẽ đương nhiên, giữa cái thời buổi mà toàn bộ văn chương thế giới đều sẵn có gần như ngay tức khắc, sự bất động kia rất khó - nếu không muốn nói là bất khả - đạt được.
Thời điểm mà văn hóa của chúng ta đạt “đỉnh cao của giấy” - cuối thập niên 90 - bàn bên giường của tôi chông chênh hàng đống sách tôi đang đọc cùng một lúc. Hai mươi năm sau, chỉ còn một máy đọc số, tải đầy nhiều nhất khoảng 70 văn bản tôi đang đọc đồng thời. Đừng hiểu sai ý tôi: tôi vẫn có thời gian - và vẫn sở hữu sự xảo trá - để có lượt hạnh ngộ bí mật với những tác phẩm đặc biệt lả lơi đó thôi; và tôi vẫn trung thành mãnh liệt với ý nghĩ rằng chính sự xoay mòng giữa tình trạng đơn giao và đa thê (hay đa phu) về chữ nghĩa là lúc mà chúng ta tìm thấy tình yêu đích thực - và gắn bó - với sự đọc.
k.

Đọc thêm: