Chúng mình sai rồi! Chúng mình đổ cho thầy cô háo danh ưa thành thích hão, nhưng chính chúng mình cũng thế, cũng so kè hơn kém trường này lớp nọ, cũng chạy đua quà cáp thầy cô mong con mình được ưu ái nâng đỡ hơn con người khác, cũng ngấm ngầm dung túng nếu con mình quay cóp được điểm cao, cũng con biết làm gì không quan trọng bằng con mình hơn những ai. Thế nên con chúng mình dần thành ra học để thi, dần ỷ vào nâng đỡ quà cáp thầy cô, ỷ vào học thêm, mất đi khả năng tìm tòi học hỏi để lập thân. Cũng chính tại chúng mình, các con mới bảo nhau quay cóp, giấu điểm xấu khoe khoang điểm tốt, mạo cả giấy tờ đi xin học bổng. Thế nên con chúng mình lớn lên mặc nhiên cho chạy cửa sau quan trọng hơn đi cửa trước, bằng cấp quan trọng hơn năng lực, tiền bạc quan trọng hơn con người, thành tích quan trọng hơn sự thật. Tất tật cùng nhau, rủ nhau đi lừa dối lẫn nhau.
Chúng mình sai rồi. Đáng phải dạy con học để biết sống làm người độc lập tự cường, không đòi hỏi ai giúp đỡ, học khoan dung hòa hợp với người với vật xung quanh, học hợp tác với cả người tốt và với cả người chưa tốt, học để nhìn rõ bản thân và những người khác, học để đủ dũng cảm là sự thật và đối mặt với sự thật dù là chuyện buồn vui hay cay đắng, để có thể thanh thản vững chắc bước qua những nhiễu loạn đương thời, thì chúng mình bắt con chăm chăm học làm toán viết văn theo bài mẫu, cứ dập khuôn mà áp, nhai đi nhai lại ngày này qua tháng khác, để con mình lớn lên thành những cỗ máy biết ăn cơm, ngơ ngác ngu ngơ tưởng mình là siêu nhân cứu thế, hơi tí là chửi bới, nhất mực áp cái khuôn của mình lên người khác, sợ mọi thứ khác mình, mọi thứ ngoài khuôn khổ.Ảnh mình chụp với bọn nhóc ở Ecopark một năm xa lắm
Chúng mình luôn dạy con những điều to tát, nào phải biết mơ lớn làm to, phải biết lao mình ra biển rộng, đến nỗi trẻ cấp hai cũng vung tay, khua chân hò hét ầm ầm khẩu hiệu “think big, go global”. Chúng đã biết bơi đâu mà vội lao ra biển lớn, đã biết nghĩ biết làm những điều nhỏ nhặt bình thường cho bản thân, cho cha mẹ ông bà đâu mà đã đòi làm những chuyện to tát “trị quốc, bình thiên hạ”. Quần áo bẩn chúng còn chưa biết giặt, bố mẹ vắng nhà cũng chỉ biết gọi bún chả, pizza về ăn, ông bà ốm còn chưa biết hỏi thăm, bị người khác bắt nạt còn chưa biết cãi, ngã xuống ao còn chửa biết bơi vào, thì làm sao có thể vội vàng lao ra đời mong làm đủ những điều trên trời dưới biển. Thứ chúng cần trước hết, là học cách suy nghĩ độc lập, là tự chăm sóc bản thân, là biết quan tâm giúp đỡ những người thân thiết nhất, là biết bảo vệ mình khỏi những mối nguy thường trực xung quanh, là biết tự kiếm ra đồng tiền bằng mồ hôi sức lực. Khi chúng đã biết lo cho mình, khi đã biết sống giản dị bình thường, chúng sẽ biết nhìn ra xa hơn, tự biết nghĩ đến những điều to lớn.Ảnh mình chụp với bác họ ở quê
Chúng mình thiếu sót khi con mình nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt, biết sử Tàu nhiều hơn sử Việt, thuộc vô số bài hát nhạc Hàn nhưng không hát nổi một nửa câu dân ca, nằng nặc đòi bố mẹ bán nhà, vay nặng lãi để con đi du học. Giỏi tiếng Anh thì tốt quá, biết những thứ bên ngoài đất nước mình cũng rất hay, nhưng chả thèm quan tâm, chả đọc chả nghe chả nhìn chả biết gì về chính ông bà cha mẹ, chính những thứ đã làm nên phần máu thịt thiết tha trong chúng, thì sai thật mất rồi. Chúng mình cho con đi nghỉ resort, nhưng quên đem con về thăm mẹ ở quê, dạy con biết chơi đàn piano,nhưng không nhớ dạy con hiếu thuận ông bà, đem tiền bạc từ thiện nơi này nơi khác, nhưng không dạy con biết giúp chính người nhà. Những thứ chúng mình dạy các con, không sai nhưng chưa đủ.
Chúng mình dạy con phải cạnh tranh. Con mình ngày nào cũng bị so với con người khác, con mình ngày nào cũng thấy bố mẹ chúng so bì tị nạnh với nhau, với anh em trong nhà, với đồng nghiệp ở cơ quan, mong kéo phần hơn về mình, mong đạp người khác để bước cao hơn. Chúng mình sai rồi! Người cạnh tranh giỏi nhất không phải người cả ngày quay ngang quay ngửa nhìn người khác làm gì, mà là người chăm chú học hỏi xây dựng năng lực bản thân. Người cạnh tranh giỏi nhất không phải người lo đấu đá, mà là người biết hợp tác, tạo ra mạng lưới những người cùng chí hướng, cùng năng lực để giúp nhau sống tốt hơn, vui hơn, thành đạt hơn. Chính hợp tác mới là cách cạnh tranh khiến mình mạnh hơn lên, bền vững mà an hòa vui vẻ.
Có rất nhiều điều người lớn chúng mình đã làm sai. Chúng mình có biết không? Tự đáy lòng mình ai cũng biết. Chỉ là chúng mình đã bị cuộc sống cuốn vào, làm cho mờ mắt, lạc lối tức thời. Chỉ là chúng mình đã nghĩ cho mình nhiều hơn cho con trẻ. Cả mình cũng thế, cũng sai nhiều. Giờ thì phải nhận lỗi mà sửa sai thôi.
Bố mẹ mình là giáo viên và họ nói với mình rằng: "Nền giáo dục không chịu trách nhiệm cho đạo đức của mỗi cá nhân, chính cha mẹ và môi trường sống của cá nhân chịu trách nhiệm cho điều đó". Vì họ được trả lương để truyền tải kiến thức, họ không có quyền chỉnh đốn các em về mặt làm người (ngày xưa còn được, giờ lớn tiếng với mấy em còn có thể bị mất việc). Thời gian ở trên trường thật ra quá ít nếu so với ở nhà, và bản thân mình tin chắc rằng những gì cha mẹ làm, nói và nghĩ sẽ tác động lớn hơn nhiều so với thầy cô trên lớp.
Mình cũng đồng ý là nhiều bậc phụ huynh quên mất các thành viên trong một gia đình, đặc biệt là bố mẹ, chính là những người thầy đầu tiên của một đứa trẻ. Gia đình vẫn là nơi trẻ học làm người từ những ngày đầu tiên. Việc đổ trách nhiệm và kỳ vọng sang nhà trường là điều nhiều người chúng mình thường làm, nhưng lại là điều không nên làm nhất.
Là một giáo viên, mình nghĩ câu nói của bố mẹ bạn rất đúng, vì ngày càng có quá nhiều kiến thức được đưa vào chương trình để nhồi nhét cho học sinh, nhiều khi dạy hết giờ còn chưa hết chương trình nên quá khó để bàn đến đạo đức.
Tuy nhiên nếu nói nền giáo dục không chịu trách nhiệm cho đạo đức của mỗi cá nhân thì mình nghĩ không hoàn toàn đúng đâu bạn. Vì một trong những mục đích quan trọng nhất của kiến thức vẫn luôn là để một người sống tốt hơn. Và ngay cả ngày nay khi kiến thức bị nhồi nhét, mình nghĩ cũng có rất nhiều thầy cô tận tâm hoàn toàn có thể có cách khiến học trò của họ ít nhất là biết sống chuẩn mực hơn. Mình vẫn nhớ ông thầy dạy kinh tế lượng của mình ở KTQD ngày xưa toàn kể chuyện đạo đức khi học sinh mệt mỏi, nhưng thầy kể hay lắm, nên bọn mình cứ thấm từng chút từng chút một.
Mình cũng không có ý phản bác gì bạn đâu, chỉ nghĩ rằng chính bản thân ta cứ cố gắng tâm niệm ta làm được gì ta làm trước. Hậu quả và nguyên nhân đều dễ chỉ ra, nhưng để thay đổi được thì thường cần nhiều hơn 1 người hay 1 tầng lớp :)
Chào chị, ý em không phải là nền giáo dục không làm gì hết, vì đã là giáo viên thì luôn tâm niệm phải cố gắng dạy các em trở thành những con người tốt nhất cho bản thân, gia đình và xã hội. Giống như cha mẹ luôn cố gắng tạo điều kiện và nuôi dưỡng con, nhưng khi nếu con gặp thất bại trong cuộc sống thì không thể nào đổ lỗi là "tại cha mẹ không XYZ nên con mới thất bại". Nền GD VN mình đã rất tốt nếu so với nền KT hiện tại, nên cũng coi như cố gắng hết sức rồi, thành bại không nên đổ thừa do GD nữa. Nói rõ hơn là: Không phải không chịu trách nhiệm là không làm gì hết, mà là đã, đang làm hết sức rồi nhưng không phải chịu trách nhiệm. Em tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có một thầy cô giáo để truyền cảm hứng và để nhớ Cảm ơn chị đã chia sẻ.
có lẽ chị đã viết những lời từ rất lâu, và đến hôm nay, gần 5 năm sau, e mới đọc được. Thực sự, để tự nhận ra bản thân đã sai lầm là một điều vô cùng khó, nhất là vào thời điểm chị viết được bài! Có lẽ, nếu chị ko bằng một cách nào đó, đã tự thoát ra khỏi môi trường xung quanh, thì e nghĩ cũng rất hiếm người có thể suy nghĩ được như thế. "Chúng minh sai" hay nói là các bậc cha mẹ thường sai, họ bị lôi cuốn vào cuộc chơi nhưng ko thể nào biết được luật. Nhưng đó ko phải là căn nguyên. Bằng sự tự trải nghiệm của e khi ko chấp nhận cách bố mẹ lôi mình vào cuộc chơi của họ, con đường tự đứa con trải qua sẽ gian truân hơn nhiều lần. Và khi nhìn những thứ xung quanh, những đứa con trẻ sụp đổ như một cái cây bị đốn gãy. Công bằng mà nói, ngay đến những người lớn, tay đã kiếm ra tiền để tự nuôi nấng mình, còn ko có mấy người dám tách ra khỏi guồng quay của xã hội. Âu đó cũng là những điều e trăn trở lâu nay!
Cảm ơn bạn và rất khâm phục bạn đã đủ dũng cảm để đấu tranh được là mình và chọn cuộc sống của mình. Thật lòng, dù con mình đã lớn, mình vẫn đang học làm mẹ và vẫn thấy mình đang tiếp tục sai và phải sửa sai. Dù cái tôi của mình rất tổn thương, vẫn có nhiều lúc mình phải tự nói "mình sai rồi!". Làm bố làm mẹ thực sự là công việc khó nhất mình từng làm suốt hơn 23 năm qua (kể từ khi được làm mẹ) và giờ vẫn thế.