Các trường quốc tế đang mọc ra như nấm, đặc biệt ở khối mầm non và tiểu học, với cơ sở vật chất ngày càng hoành tráng và những lời hứa về chất lượng đào tạo ngày càng to tát đã làm các bậc phụ huynh tin rằng họ đang đưa ra lựa chọn tốt nhất cho con mình…
Ảnh mình chụp trên một con dốc ở Nagoya từ 2007
Thế nhưng, sau những năm hăm hở gửi con vào trường quốc tế, nhiều bố mẹ đã nhìn ra những vấn đề nảy sinh từ chính quá trình học tập của con mình và bắt đầu tự hỏi: Trường quốc tế – có đáng không?
Có đáng đồng tiền bát gạo?
  Dù vì lý do gì, thì việc cho con vào học ở các trường quốc tế tại Việt Nam cũng là một lựa chọn tốn kém. Nếu làm một phép so sánh nhỏ, mức học phí 16,000 đôla Mỹ mà một phụ huynh phải bỏ ra cho con mình theo học lớp 10 tại một trường quốc tế H tại Hà Nội, cũng gấp 3 lần học phí phải trả tại một trường công đồng cấp có chất lượng tốt tại Melbourne (Australia), khoản tiền này cũng tương đương với thu nhập 6 năm làm việc của một công chức nhà nước ở Việt Nam. Đấy là chưa kể các khoản lệ phí đi kèm đẳng cấp quốc tế như đồng phục, phí học bổ trợ, xe đưa đón, các hoạt động giao lưu, lệ phí thi cho các bài thi chuẩn hóa quốc tế, ăn trưa tại trường… Tổng chi phí lên tới trên 20,000 USD cho một năm học/học sinh.
Tuy nhiên, chất lượng và dịch vụ mà học sinh và phụ huynh nhận được có luôn tương đương với khoản tiền mà họ chi trả không?
Bên cạnh một số trường quốc tế đã được kiểm định và công nhận chất lượng bởi các cơ quan kiểm định quốc tế có uy tín, thì một số trường quốc tế khác không nhắc gì đến chuyện họ đã được kiểm định và công nhận chất lượng chưa, và nếu có thì đơn vị nào kiểm định và chất lượng đào tạo của họ được công nhận trong phạm vi nào.
Nhiều trường tự gọi mình là trường quốc tế, nhưng thực chất lại là trường Việt Nam, đem áp một bộ giáo trình của một quốc gia khác vào dạy mà không có cơ sở và hiểu biết rõ ràng về việc tại sao họ lại dùng chương trình đó, phương pháp giảng dạy đi với nó là gì, yêu cầu đối với giáo viên và điều kiện dạy-học ra sao, quy trình quản lý chất lượng thế nào.
Có trường quốc tế có vốn đầu tư trong nước, tuy được đầu tư cơ sở vật chất rất hoành tráng, nhưng lãnh đạo nhà trường lại là những người chưa từng có kinh nghiệm quản lý trường học quốc tế, hay được đào tạo bài bản về quản lý trường học. Cơ sở đào tạo rất lớn ấy bị xuống cấp nhanh chóng do người quản lý đã không duy trì các hoạt động duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Giáo viên nước ngoài vừa yếu trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy, vừa thiếu ý thức, lại cũng không được đào tạo về văn hóa bản địa để tôn trọng và làm việc với học sinh Việt. Các tiêu chí về quản lý chất lượng bị nới lỏng một cách cố ý để thỏa hiệp với các mục tiêu thương mại ngắn hạn đã khiến một số trường quốc tế trở thành những cái quán “treo đầu dê, bán thịt chó” trá hình.
Một số trường quốc tế cung cấp hai lựa chọn cho học viên: chương trình quốc tế và chương trình song ngữ. Chương trình quốc tế là học theo chương trình đào tạo của một quốc gia khác được coi là ưu việt, thường dành cho con em người nước ngoài học tại Việt Nam. Bằng cấp của chương trình này sẽ được hệ thống giáo dục nước mà nó đăng ký công nhận. Chương trình song ngữ áp dụng chương trình giáo dục theo quy định của Việt Nam, dạy bằng tiếng Việt, tăng cường tiếng Anh và một số môn học khác bằng tiếng Anh. Đa phần các phụ huynh Việt Nam chọn chương trình thứ hai, bởi họ muốn con mình vẫn là người Việt, nhưng giỏi tiếng Anh và bắt kịp được với các bạn quốc tế ở các môn học khác.
Về lý thuyết, mô hình song ngữ  khá ổn. Nhưng thực tiễn thực hiện lại không được như kỳ vọng. Mặc dù học sinh theo học chương trình này hơn hẳn các bạn đồng lứa học tại các trường Việt Nam về khả năng tiếng Anh. Nhưng việc áp dụng nửa vời theo kiểu chương trình Việt -Tây này khiến các em yếu hơn trình độ trung bình của học sinh trong các trường công và tư thục Việt Nam ở các môn cơ bản trong chương trình đào tạo của Bộ Giáo Dục. Do thời lượng học tập bị phân đôi, các em cũng không đáp ứng được các yêu cầu về môn học và trình độ để thi được các chứng chỉ hay bằng công nhận quốc tế.
Những đứa trẻ kẹt giữa các nền văn hóa?
Trường quốc tế thường giúp cho trẻ năng động hơn, có khả năng trình bày và có ý thức tốt hơn về quyền của bản thân. Các em có môi trường để phát triển ngoại ngữ và khả năng hòa nhập với nhiều nền văn hóa khác nhau cũng như chấp nhận những khác biệt văn hóa.
Một số trường quốc tế được xây dựng theo mô hình giáo dục của một quốc gia hay nền văn hóa cụ thể, giúp học sinh tìm hiểu và dần phát triển được ngôn ngữ và bản sắc văn hóa của nước bạn. Các em cũng có dịp học cùng và hòa nhập tốt với những học sinh đến từ các quốc gia hoặc nền văn hóa đó. Mượn tiếng, rất nhiều trường quốc tế quảng cáo rầm rộ về khả năng tạo ra các “công dân quốc tế” có thể thành công trong mọi nền văn hóa.
Tuy nhiên, một nguy cơ mà trẻ học ở các trường quốc tế tại Việt Nam gặp phải là sự rối loạn hoặc xói mòn bản ngã văn hóa, gây ra bởi sự không nhất quán giữa giáo dục gia đình, xã hội và giáo dục ở trường. Các em có thể thành thạo ngoại ngữ, nhưng lại kém cỏi khi sử dụng chính tiếng mẹ đẻ. Nhiều học sinh Việt tại các trường trung học quốc tế không thích chơi với các bạn Việt Nam mà chỉ hào hứng kết thân với các bạn nói tiếng Anh, ăn mặc theo trào lưu Rap hay Hiphop, và nói tiếng Anh ở mọi nơi mọi lúc, kể cả với những người không biết tiếng Anh. Một số em thích ăn đồ Tây hơn đồ ăn Việt vì cả ngày ở trường đều ăn đồ ăn nhanh đã thành quen. Một số em hòa nhập rất tốt với các khái niệm và triết lý phương Tây như quyền và lợi ích cá nhân, nhưng lại không biết áp dụng nó sao cho phù hợp trong môi trường phương Đông của Việt Nam.
Nhiều em trở thành khách trong chính nhà mình, thành người xa lạ trên chính quê hương mình. Các em không thể quay về học và hòa nhập với các bạn ở các trường Việt, không chỉ vì độ chênh nội dung học tập mà còn vì cả nếp sống, cách tư duy và hành xử không còn phù hợp với đa phần người Việt. Thế nhưng chính những học sinh ấy cũng không hoàn toàn thuộc về nền văn hóa mới, bởi cái các em tiếp thụ mới chỉ là những hào nhoáng bên ngoài, là phần nổi của tảng băng trôi văn hóa. Với những người đến từ nền văn hóa ấy, các em vẫn chỉ là những kẻ qua đường, những vị khách đang cố bon chen tìm một chỗ đứng trong thế giới của họ.  Các em bỗng nhiên trở thành những kẻ mắc kẹt giữa các nền văn hóa, thành nạn nhân của sự giáo dục nửa vời và không nhất quán.
Cái máy xay tiền?
Cũng vì những chênh lệch trong nội dung chương trình, trong văn hóa ứng xử, trong cách học mà đa phần những học sinh đã theo học ở các trường quốc tếkhó có thể quay về hòa nhập và học tốt ở các trường công và tư của Việt Nam, đặc biệt là ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các em, sau khi học hết chương trình giáo dục tiểu học và trung học, cũng khó lòng thi được vào các trường đại học công lập có uy tín trong nước.
Điều đó có nghĩa là, những phụ huynh đã cho con học trong hệ thống trường quốc tế, sẽ phải theo đuổi con đường đó đến cuối cùng. Họ sẽ phải tính toán chi phí để đảm bảo cho con theo học hết chương trình giáo dục phổ thông và có thể cả đại học tại các trường quốc tế, trong nước hoặc ở nước ngoài. Nếu tính chi phí sơ sơ cho một học sinh học hết 12 năm giáo dục cơ sở tại một trường quốc tế tốt ở Hà Nội, số tiền phải bỏ ra không hề nhỏ, khoảng từ 150000 USD đến 200 000 USD.
Với những phụ huynh không tiên lượng được điều này mà đã vội vàng cho con vào học trường quốc tế khi thực lực tài chính chưa đủ mạnh, họ bị mắc kẹt trong chính cái máy xay tiền mà mình đã vác về nhà.
Trường quốc tế, có đáng không?
Trường quốc tế là một lựa chọn tốt nếu bạn chọn được đúng một trường thực sự là trường quốc tế về mô hình, chất lượng, dịch vụ và cam kết giáo dục. Trường quốc tế là một lựa chọn tốt nếu bạn hiểu rõ những rủi ro mà nó mang lại, giống như bất cứ mô hình giáo dục nào khác, và có biện pháp ứng phó phù hợp.
Trường quốc tế là một lựa chọn tốt nếu nó khớp với lộ trình giáo dục và các giá trị giáo dục mà bạn và con bạn đang hướng tới.
Đó là lựa chọn tốt, nếu bạn luôn ý thức được rằng nó không hoàn hảo.
Nếu cho con theo học trường quốc tế, bạn nên tìm hiểu rất kỹ về trường mà bạn định gửi con vào: chương trình, giáo trình, giáo viên, cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo nội bộ và kiểm định chất lượng bên ngoài, phạm vi giá trị của hệ thống kiểm định và công nhận chất lượng mà nó có, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Tính trung thực của những thông tin do các trường cung cấp, đều cần được thẩm định cẩn trọng qua nhiều kênh.
Nếu bạn đã cho con học tại các trường quốc tế, cũng nên lập ra ban đại diện phụ huynh của từng lớp, là những người hiểu biết về giáo dục và luật pháp, có thể thẩm tra thông tin và buộc nhà trường thực hiện các cam kết với phụ huynh. Đừng vội tin vào những mỹ từ và thuật ngữ to tát mà họ đem ra dụ bạn, hãy yêu cầu họ cung cấp bằng chứng có thể thẩm tra về những gì họ hứa và làm.
Dù bạn cho con học ở đâu đi nữa, hãy đưa ra những lựa chọn có hiểu biết và cẩn trọng, bởi ta chỉ được cùng con ta lớn có một lần.
Phạm Việt Hà
Hà Nội 17 tháng 8 năm 2011