mơ ước là có thật nhiều sách như này này
Thật khó khi phải nói về chính mình, phải nói về những người đã từng bị ta xa lánh hắt hủi, thật khó để mang trong mình được dòng máu và tư tưởng của người mà mình không hề mong muốn, và càng khó hơn khi phải nói về tất cả mọi điều của cuộc sống. 
Tôi đã được sinh ra từ đâu, tôi đến từ đâu và tôi có nhiệm vụ gì? Tôi chỉ thấy ánh trăng hôm nay tròn rồi ngày mai lại khuyết, mùa xuân hoa nở rồi mùa đông lại tàn, đời người trôi qua cũng mông lung và mơ hồ tựa như một giấc mộng, tựa như những trang sách, những con chữ và mùi hương phảng phất đâu đây của giấy, của những tháng ngày xưa cũ bất chợt hiện lên trong một vùng ký ức xa xôi nào đó trong trái tim. 
Tôi cũng như anh, cũng mơ mộng, cũng vui mừng, cũng hạnh phúc, cũng khổ đau, cũng cô đơn đến tận cùng,  thế đấy, thế mới biết hai ta là một, thế mới biết chúng ta đâu có khác biệt gì đâu, chỉ là không được lớn lên, không được ở gần bên cạnh, chỉ là không có cùng chung những ký ức mà thôi. 
Nhưng thế thì cũng có sao đâu, anh vẫn sống mãi ở đây, ở trong trái tim của biết bao nhiêu người, anh chưa từng tồn tại nhưng lại chẳng bao giờ chết đi và cho đến tận cuối cùng, tôi vẫn mến yêu anh như những người tri kỷ, những người thân thiết nhất trong cuộc đời mình, anh khiến cho tôi khóc, anh làm cho tôi cười, anh giúp tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, chẳng ai có thể hiểu tôi hơn anh và cũng chẳng ai có thể hiểu về anh hơn tôi. 
Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, biết bao thất bại, bao cay đắng xen lẫn với ngọt ngào, sau tất cả, tôi sẽ lại tìm một nơi nào đó cho riêng mình, chỉ có tôi với bạn, với ánh trăng chiếu qua khung cửa sổ, trong cơn gió, cùng với tiếng nhạc, với nỗi cô đơn và chúng ta sẽ lại như vậy, cho đến muôn đời sau, có được không?

***

1. Hãy yêu những cuốn sách

Khi còn đi học điều khiến tôi háo hức nhất đó là nhận được bộ sách giáo khoa mới. Việc đầu tiên mà tôi làm đó là bọc bìa cho những cuốn sách đó thật cẩn thận, dán nhãn thật đẹp và đọc qua tất cả. Những cuốn sách ấy cho đến tận cuối năm học vẫn đều mới nguyên và tôi có một nguyên tắc đó là không bao giờ được viết hay vẽ bậy vào sách. 
Mỗi lần chuyển chỗ mới tôi đều nói với những người ngồi cạnh điều này vậy nên cũng chẳng có ai dám viết bậy vào sách. Cho đến ngày hôm nay thì nguyên tắc ấy vẫn còn, những cuốn sách mà tôi có đều được giữ gìn rất cẩn thận. Với tôi sách mang theo rất nhiều ý nghĩa, vừa là những ký ức tuổi thơ, của một thời xưa cũ, vừa là những người bạn, là nơi lưu trữ tri thức của nhân loại chứ không chỉ đơn thuần là những tờ giấy được đóng bìa lại với nhau. 
Tôi coi trọng vì nhiều lý do nhưng trên hết vẫn là yêu mến tài năng và công sức của tác giả. Nếu như ai ở đây đã từng viết một cuốn sách, ý tôi là những cuốn sách thật sự chất lượng và tâm huyết mới thấy rằng viết sách là công việc gian khổ đến thế nào, sẽ có những lúc bạn ngồi im một chỗ, nhìn chăm chăm vào màn hình, hai tay sẵn sàng trên bàn phím, nhưng đến cuối cùng lại cảm thấy bất lực và không thể viết được dù chỉ là một chữ.
Thật sự đó là điều rất tệ. Trong cuộc sống cho đi chính là nhận lại, vậy nên hãy yêu những cuốn sách và chúng sẽ cho bạn cả thế giới. 


Sách cũng giống như bạn hữu, nên ít và nên được lựa chọn kỹ - Samuel Johnson


2. Học kỹ năng đọc nhanh

Bạn đọc được bao nhiêu từ một phút? Bạn đọc một cuốn sách mất bao lâu? Bạn đọc bao nhiêu cuốn sách mỗi tháng? Và quan trọng hơn là sau khi đọc xong một cuốn sách bạn hiểu được bao nhiêu nội dung của cuốn sách ấy? Nếu bạn mất một tháng để đọc xong một cuốn sách thì mỗi năm bạn chỉ đọc được 12 cuốn sách. 
Liệu 12 cuốn đó có đáng để đọc hay không? Và nếu thói quen đó được duy trì đều đặn suốt 10 năm thì số sách bạn đọc được chỉ là 120 cuốn. Một con số quá tệ hại. Kỹ năng đọc nhanh là vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp bạn đọc được nhiều hơn và tiết kiệm thời gian hơn. Bạn nghĩ rằng đọc nhanh sẽ làm giảm khả năng cảm nhận. 
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ sau: Khi bạn lái xe ở tốc độ 20km/h bạn không hoàn toàn tập trung vào việc lái xe, bạn có thể vừa lái xe vừa nhìn ngắm quang cảnh hai bên đường, suy nghĩ những chuyện vẩn vơ. Sẽ ra sao nếu bạn tăng tốc lên 80km/h, tôi chắc chắn khi ấy bạn sẽ tập trung hoàn toàn vào việc lái xe và chẳng thể nhìn được xung quanh. 
Đọc nhanh không những giúp bạn đọc nhanh hơn mà còn giúp bạn tập trung và hiểu nội dung tốt hơn, tất nhiên phải lấy đọc hiểu làm gốc, tức là tốc độ được tăng lên nhưng bạn vẫn có thể hiểu được một cách trọn vẹn chứ chỉ đọc lấy danh thôi thì tôi cho rằng đó là điều không nên. 
Tôi cảm thấy may mắn vì được trời phú cho khả năng đọc nhanh từ thuở nhỏ mà không cần phải học, hồi đấy tự nhận mình là máy nghiền sách, cứ thấy cái gì có chữ là đọc ngấu nghiến, thấy chỗ nào có chữ là phải đọc, đọc hết, đọc bằng sạch thì thôi.
Có rất nhiều cuốn sách về đọc nhanh, trên mạng cũng có nhiều bài viết, bạn có thể làm theo những chỉ dẫn trên đó và tin tôi đi, bạn sẽ bất ngờ về khả năng của mình đấy.

Đọc thêm:

 

3. Phân loại sách cần đọc

Sách cũng như nhiều thứ khác, có rất nhiều thể loại và bạn phải biết phân loại chúng. Có ai lại đi đọc từ đầu đến cuối một cuốn từ điển Anh  – Việt bao giờ không? Những cuốn sách như vậy dùng để tra cứu khi cần mà thôi. 
Một giáo viên dạy tiếng anh mà đi đọc sách về ngôn ngữ lập trình thì có hiểu gì hay không? Có những cuốn sách bạn chỉ cần đọc lướt qua, có những cuốn cần đọc chậm, vừa đọc vừa nghiền ngẫm suy nghĩ liên hệ thực tế, có những cuốn cần vừa đọc vừa làm theo mới có thể hiểu được, có những cuốn cần đọc đi đọc lại, sách gối đầu giường, có những cuốn chỉ cần đọc khi tìm hiểu thông tin về lĩnh vực đó, có những cuốn đọc xong là có thể vứt ngay vào sọt rác mà không cần suy nghĩ, có những cuốn đọc đi đọc lại vẫn không hiểu thì hãy để đấy đợi sau này đọc lại. 
Sách có nhiều loại hãy biết phân loại chúng để đọc sách hiệu quả hơn, đừng đọc lướt qua cuốn Kinh thánh, và đừng nghiền ngẫm truyện ngôn tình.
 

4. Đừng đọc sách dựa vào danh tiếng hay giá tiền

Cách đây một vài năm tôi thường chọn những cuốn sách kinh điển, những cuốn đạt giải Nobel hay những cuốn Best Seller để đọc vì nghĩ rằng chúng là những cuốn sách hay. 
Nhưng tôi đã sai! 
Những cuốn sách được nhiều người đọc nhất không đảm bảo đó là một cuốn sách hay, thậm chí đối với tôi đó là những cuốn sách dở tệ. Một sai lầm lớn nữa đó là mỗi khi có đợt giảm giá là tôi sẽ mua rất nhiều mà đôi khi quên mất một điều quan trọn đó là mua nó để làm gì. 
Khi chọn một cuốn sách để đọc, hãy nghĩ đến điều bạn quan tâm, đừng nghĩ đến những thứ khác. Những tiêu chí trên có thể giúp bạn chọn được những cuốn sách hay nhưng chưa hẳn là đã phù hợp với bạn. 
Hơn nữa khi lựa chọn những cuốn sách kinh điển có thể bạn đã đặt kỳ vọng quá cao vào nó nên khi nội dung không được như ý bạn sẽ dễ thất vọng, hoặc chúng quá khó để có thể cảm nhận được. 
Nếu sau này được hỏi về cuốn sách hay nhất mà bạn từng đọc thì liệu trong những tiêu chí trên bạn có dựa vào tiêu chí nào hay không? Hãy đưa ra những lựa chọn của riêng mình, hãy quan tâm xem nó có thực sự phù hợp với bạn hay không chứ đừng chọn sách theo lời quảng cáo. 
Giá trị của một cuốn sách thực sự nằm ở nội dung của nó chứ không phải cái khác. Bạn đừng đặt giá cả lên hàng đầu với những thứ đặc biệt giá trị như sách. Vì nếu chúng ta chuyển hóa kiến thức của một cuốn sách thành giá tiền thì có những cuốn sách sẽ là vô giá và có nhiều cuốn tôi khẳng định là có giá trị âm.

Đọc thêm:

 

5. Đừng đánh giá sách qua số trang

Một cuốn sách dài nghìn trang chưa chắc đã dở và một cuốn sách ngắn chưa chắc đã hay. Tôi lấy làm ngạc nhiên với một số người khi họ đưa ra lý do để không đọc cuốn sách đó là vì chúng quá dài? Vậy những cuốn sách mà họ đọc đều rất ngắn ư? 
Không, không phải vậy, họ là những người ít đọc sách, lười đọc sách và thiếu tính kiên nhẫn. Tôi đã từng đọc những cuốn sách cả nghìn trang mà vẫn thấy chúng quá ngắn, có những cuốn chỉ vài trăm trang thôi nhưng lại dài lê thê.
Vậy sự khác biệt ở đây là gì? 
Rất đơn giản đó chính là nội dung của cuốn sách. Khi viết các tác giả cũng đã cố gắng giảm số lượng câu chữ xuống mức thấp nhất để diễn đạt được nhiều nội dung nhất có thể, thế nên hãy quan tâm đến nội dung thay vì số trang của cuốn sách. 
Sẽ có rất nhiều cuốn sách có nội dung giống nhau, hãy chọn những cuốn sách có văn phong hay hơn, có lối trình bày ngắn gọn, sâu sắc hay chỉ đơn giản là có một tấm bìa và chất lượng giấy tốt hơn, đẹp hơn, tất cả tuỳ thuộc hoàn toàn vào quyết định của bạn.

Đời người có ba việc nên làm là: trồng một cái cây, viết một cuốn sách và sinh một đứa con. - P.CÁT-TƠ-RÔ

6. Sách chọn người đọc

Bạn có tin vào việc đũa phép chọn phù thủy, ngựa hay chọn chủ tốt hay bảo kiếm chọn anh hùng hay không? Khi chết linh hồn và tư tưởng của chúng ta sẽ đi về nơi đâu? 
Đối với những người đã mất cả đời khổ tâm nghiên cứu viết nên một cuốn sách thì có lẽ linh hồn và tư tưởng của họ đã hoà vào trong cuốn sách đó vì vậy mỗi cuốn sách là nơi lưu trữ linh hồn và tư tưởng của người đó và nó chọn người xứng đáng để đọc nó chứ không phải là bị chọn. 
Điều này chỉ là lý tưởng hóa vì trong một số trường hợp nó đúng với tôi, khi đang gặp bế tắc thật tình cờ là luôn có những cuốn sách sẽ giúp tôi tìm được câu trả lời, còn với bạn thì sao?

7. Những trang sách đầu tiên

Khi cầm một cuốn sách trên tay, việc đầu tiên tôi làm là hít thật sâu mùi thơm toả ra từ những trang giấy của cuốn sách ấy, đó là mùi hương tuyệt vời nhất mà tôi từng biết. Ngay sau đó, tôi sẽ tìm đến mục lục của cuốn sách xem chúng có được sắp xếp có khoa học và hợp lý hay không? 
Tiếp theo là đọc những trang đầu tiên, nếu sau khi đọc xong mười trang đầu tiên mà bạn vẫn không  biết đó là một cuốn sách như thế nào thì bạn cần cải thiện kỹ năng này ngay lập tức. Nếu không có kỹ năng này sẽ rất khó để bạn có thể mua được một cuốn sách hay, một cuốn sách phù hợp với mình. Bạn sẽ phải đọc đến cả nửa cuốn sách, hay toàn bộ mới biết đó là một cuốn sách như thế nào ư? 
Thật là đáng tiếc khi lãng phí thời gian khủng khiếp đến vậy. Sau khi đọc xong mười trang đầu tiên, thậm chí chỉ cần đọc một trang, hoặc một vài dòng chữ đầu đầu tiên thôi tôi cũng có thể biết đây là một cuốn sách như thế nào.
Hãy xem văn phong của tác giả, cách tư duy của tác giả, những kiến thức mà cuốn sách muốn truyền đạt. Bạn có thể tin hay không tuỳ bạn nhưng để có được kỹ năng này, tôi khuyên bạn nên đọc nhiều, cứ đọc đi rồi kỹ năng ấy sẽ đến, lượng đổi chất đổi mà.  
Khi biết đó là một cuốn sách hay thì việc bạn cần làm tiếp theo đó là xem giá tiền ở phía sau, đó là một công việc chẳng mấy dễ chịu vì đôi khi có những sách quá đắt để có thể mua, mặc dù biết đó là một cuốn sách hay cũng đành ngậm ngùi lặng lẽ bước đi xem những cuốn sách khác.

Đọc thêm:

8. Hãy để sách dẫn dắt tư duy, hãy tưởng tượng, hãy đắm chìm trong thế giới ấy

Sách không chỉ đơn giản là những dòng chữ được in trên giấy rồi đóng bìa cho đẹp, chúng là cả một thế giới. Khi đọc những cuốn sách của Dan Brown bạn sẽ được đi khắp thế giới để ngắm nhìn những di tích lịch sử kỳ vĩ nhất. 
Khi đọc Harry Potter, bạn sẽ được đắm mình trong thế giới phép thuật. 
Khi đọc The Lord of the Ring bạn sẽ biết về một thế giới hoàn toàn khác, kỳ vĩ và bí ẩn. Biết về người Hobbit, những con người nhỏ bé nhưng có ý chí và nghị lực phi thường.
Khi đọc Sherlock Holmes bạn sẽ được dõi theo những vụ án ly kỳ. 
Khi đọc ngôn tình bạn sẽ đắm chìm trong thế giới của tình cảm lãng mạn. 
Khi đọc Rừng Na Uy, bạn sẽ say sưa nghĩ về tuổi thanh xuân tươi đẹp.
Sách sẽ dẫn chúng ta đến những nơi mà chúng muốn, hãy đắm chìm trong nó bởi vì sách là một thế giới riêng. Nhưng đắm chìm không có nghĩa là ngủ quên và không bao giờ thức giấc, mọi cuốn sách đều đến từ cuộc sống và hãy mang nó ra thực tế. Vì suy cho cùng thì tất cả những điều trong sách cũng đến từ cuộc sống này và sách chỉ đóng vai trò cầu nối mà thôi.


 

9. Đừng tin tất cả mọi thứ từ sách

Có một câu nói rất vui của nhà văn Mark Twain như thế này: 
- Hãy cẩn thận khi đọc những cuốn sách về sức khoẻ. Bạn có thể chết vì một lỗi in ấn. 
Không biết đã có ai chết vì việc này hay chưa nhưng dù sao đó cũng là một lời cảnh báo cho tất cả mọi người. 
Đọc sách nếu đạt đến trình độ thật sự là phải đưa ra nhận định, phải đóng vai trò vừa là bạn vừa là một người thầy đang chấm điểm cuốn sách mà người học trò của mình vừa mới hoàn thành. 
Nó có hay không? 
Nó hay ở chỗ nào? 
Nó đúng hay sai? 
Nó tốt hay xấu? 
Nó phù hợp với những ai? 
Có một nguyên tắc mà tôi muốn tất cả mọi người đều phải ghi nhớ đó là: Bất cứ khi nghe được, học được, hoặc nhận được một thông tin hay kiến thức nào đó việc đầu tiên hãy tìm cách phản biện lại trước khi nghe theo vì vậy đọc để học hỏi, để đánh giá, để khám phá thêm những kiến thức mới, để so sánh với thực tế chứ không phải đọc để nghe theo nó, hoàn toàn tin tuyệt đối vào nó, nếu tin mọi điều từ sách thì thà đừng đọc sách còn hơn.
 

10. Tạo thói quen đọc sách

Tôi thường đọc sách vào buổi tối và mỗi sáng sau khi thức dậy, trước khi đi ngủ hay bất cứ khi nào rảnh rỗi, cả ngày cuối tuần nếu không còn công việc nào phải làm. Bạn nên để sách ở mọi nơi trong nhà để dễ dàng vớ lấy và đọc bất cứ khi nào, nếu không bạn có thể mang theo chúng mọi lúc mọi nơi. Ban đầu sẽ rất khó nhưng thói quen là thứ có thể rèn luyện được và chính những thói quen tạo nên tính cách của một người. Hãy nói cho tôi biết thói quen của bạn là gì, tôi sẽ biết bạn là ai. Tất cả chỉ có vậy. 

Đọc thêm:

 

11. Bắt đầu công việc viết lách

Có một cách đọc sách rất tốt đó là hãy bắt đầu viết một cuốn sách, vì có viết thì mới hiểu được công việc này đơn giản đến thế nào và cũng phức tạp đến thế nào. 
Muốn viết được sách thì bạn không những là cần phải đọc sách mà còn cần phải hiểu rất rõ, rất sâu về nhiều vấn đề khác nữa, từ khi bắt đầu viết số lượng sách mà tôi buộc phải đọc bỗng nhiên tăng vọt và chủ đề thì cũng bao quát gần như tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. 
Khi đã đọc đủ nhiều, hãy viết thứ gì đó. Một truyện ngắn, một bài review sách, một bài viết về cuộc sống, một bài cảm nhận dựa trên quan điểm cá nhân, hay một cuốn tiểu thuyết, gì cũng được hãy viết những gì bạn thích hãy trở thành một nhà văn hãy viết để khi nhìn thấy những cái tên như: Dan Brown, Haruki Murakami, J.K. Rowling, Toilken, Napoleon Hill, Dale Canergie, Nguyễn Nhật Ánh…hay những nhà văn nổi tiếng khác chúng ta chỉ thốt lên một câu nhẹ nhàng: À đây là cuốn sách của một người đồng nghiệp”.

12. Đọc sách có chiến lược

Nếu bạn đọc sách chỉ để tìm thấy niềm vui, đó cũng chẳng có gì xấu nhưng xin hãy nhớ là sách tác động trực tiếp đến tư duy, đến suy nghĩ của người đọc, vậy nên trước khi quyết định đọc thì nên chọn lựa thật kỹ càng. 
Đọc sách hay thì tốt cho tư duy, đọc sách dở thì dẫn đến tư duy sai lệch, tư duy sai lệch thì hành động và lời nói sai lệch theo. Không những chẳng làm được việc mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng, lãng phí thời gian và tài nguyên của con người. 
Vậy nên đọc sách không cần nhiều nhưng phải thật tốt, thật đáng giá. Khi còn trẻ bạn có thể đọc bất cứ cuốn sách nào bạn thích, đọc bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào. Vậy đã có khi nào bạn đề ra cho mình một chiến lược đọc sách cụ thể hay chưa? Để trở thành một người như bạn mong muốn thì cần đọc những cuốn sách nào? Đã bao giờ bạn cầm một cuốn sách trên tay và tự hỏi: Mình đọc cuốn sách này để đạt được những gì, cuốn sách này có cung cấp thông tin hữu ích hay không? Nếu chưa thì bạn hãy làm ngay đi vì có hàng triệu cuốn sách ở ngoài kia, bạn sẽ chẳng thể nào đọc được hết những cuốn sách ấy, hãy đọc những cuốn sách thực sự giúp ích cho bạn để hoàn thành mục tiêu hay mục đích cụ thể, như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều. 
 

13. Bạn sẽ không thể nào trở nên thông thái được nếu chỉ đọc những gì mình thích

Bạn thích đọc sách về văn học. Bạn đọc rất nhiều rất nhiều, nhưng cuối cùng thì sao? Bạn vẫn chẳng biết gì về kinh tế? 
Bạn thích đọc sách về ngôn tình, thế là bạn đọc rất rất nhiều. Nhưng sau khi đọc xong tất cả những cuốn ấy, bạn vẫn chẳng biết gì về triết học. 
Nhà văn Haruki Murakami, tác giả nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng nói: Nếu bạn đọc những cuốn sách mà tất cả mọi người đều đọc thì bạn chỉ có thể suy nghĩ giống như tất cả mọi người mà thôi. 
Hãy đa dạng loại sách, dĩ nhiên là chỉ chyên sâu vào những mục tiêu của bạn, song bên cạnh đó biết thêm những lĩnh vực khác cũng là một điều rất tốt, vì không ít thì nhiều các lĩnh vực sẽ có liên quan đến nhau. 
Bạn có thể tìm hiểu về những người thành công, họ đọc sách về nhiều lĩnh vực khác nhau, không ai chỉ đọc một loại sách mà trở nên thông thái đâu, đó là điều không thể.

Nếu bạn chỉ đọc những cuốn sách mà tất cả mọi người đều đọc, bạn chỉ có thể nghĩ tới điều tất cả mọi người đều nghĩ tới. - Haruki Murakami

14. Đọc ít nhưng nói quá nhiều

Rất nhiều kẻ viết sách chỉ để chứng minh một điều: Tao là một thằng ngu. 
Nhưng vẫn có nhiều kẻ mua, đọc và ngợi khen cuốn sách để chứng minh rằng tác giả đã sai, có nhiều kẻ còn ngu hơn tác giả rất nhiều.
Những kẻ có kiến thức nửa vời là những kẻ nguy hiểm nhất trên đời. Bạn đã từng gặp ai sau khi đọc được dăm ba cuốn sách rồi sau đó bắt đầu lên mặt dạy đời hay chưa? Tôi từng gặp kha khá người như vậy. Dĩ nhiên là tôi cũng đã từng có thời gian như thế khi đọc được kha khá cuốn sách nhưng thật may mắn tôi đã chẳng dạy đời ai hết mà chỉ tự nhủ trong lòng rằng: Cái gì mình cũng biết, sau đó tự hào về mình lắm. Đó cũng là tâm lý của tuổi trẻ, kiêu ngạo và nông nổi. Nhưng càng đọc nhiều thì lại càng thấy mình biết ít, càng học mà lại càng thấy mình ngu đi nghĩa là bạn đang tiến bộ đấy. 
Theo tôi không có cuốn sách nào là tốt nhất hay dở tệ mà chỉ có những cuốn sách phù hợp với từng giai đoạn, từng lứa tuổi, từng hoàn cảnh của mỗi người. Nếu bạn thấy cuốn sách đó phù hợp và giúp ích được cho mình thì hãy cứ đọc thôi, đừng quá quan tâm đến những lời đánh giá của người khác. Hãy coi việc đọc sách là niềm vui và tận hưởng nó một cách trọn vẹn. 
Chúng ta đọc sách vì ham mê học hỏi chứ không phải là để mang kiến thức học được đi cãi nhau, tự cho mình là nhất rồi coi thường người khác. Tôi rất ít khi dám tranh luận ở Việt Nam vì người biết thì không chịu nói còn những người không biết thì lại nói rất nhiều. Họ luôn phán xét người khác, họ cho rằng ai đọc sách này thì ngu, đọc sách kia mới là người thông minh, vâng khi bạn phán xét  và miệt thị người khác thì tôi chẳng biết họ có ngu hay không, tôi chỉ thấy bạn là người không tôn trọng người khác mà thôi.

15. Đọc nhiều không có nghĩa là biết nhiều 

Ai nói đọc nhiều sách nghĩa là có kiến thức uyên bác thì người đó đã nhầm to. Tôi xin nói với bạn thế này: 
Nếu bạn muốn mình già đi thì bạn chẳng cần phải làm gì cả, nhưng nếu muốn có kiến thức thì bạn phải học. Đừng bao giờ đánh giá trình độ của ai đó qua tuổi tác vì đó là hai chuyện chẳng liên quan gì đến nhau.  
Hãy nhớ là Chữ và Nghĩa luôn đi kèm với nhau. Đọc hết chữ thì dễ lắm, đọc hết nghĩa mới khó. Một người đọc cả trăm cuốn sách về ngôn tình thì biết gì về kinh tế? Một kẻ đọc cả trăm cuốn  văn học kinh điển thì biết bao nhiêu về lập trình? Đọc nhiều, nhưng quan trọng là bạn đọc cái gì? Đọc nhiều mà lại có thói khoe khoang thì chứng tỏ đọc nhiều mà hiểu ít, người như vậy làm sao có thể tiến bộ được?



16. Đừng bao giờ cho người khác mượn sách

Tôi đã từng cho một vài người bạn mượn sách và hầu hết là bọn họ đều không trả lại. Tôi bỏ tiền ra mua cuốn sách đó, nâng niu giữ gìn chúng để rồi chúng một đi không trở lại, điều đó thật là tệ. Và hơn nữa những người có thói quen mượn sách thường là những người chỉ xem đó là một thú vui nhất thời, họ sẽ đọc hời hợt hoặc mượn về chỉ để khoe với người khác. 
Với tôi sách là tri thức, mà tri thức thì không thể vay mượn hay mua bằng tiền được, tuy hơi tàn nhẫn như đó là sự thật. Họ có tiền mua những thứ khác tại sao lại không có tiền mua sách, rõ ràng là họ đã không coi trọng tri thức, vậy thì tại sao tôi phải cho người đó mượn thứ mà họ không coi trọng. 
Tất nhiên vẫn sẽ có những người yêu sách thật sự và không có tiền để mua những cuốn sách đó, nhưng biết sao được đây là nguyên tắc rồi, tôi xin lỗi, tôi không thể thay đổi nó được, nếu bạn thích bạn hãy đi mua cho mình một cuốn, trên mạng có rất nhiều cần tôi chỉ cho, vậy nhé.
Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được chọn lựa; chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều - Louisa May Alcott

17. Đừng để sách vở cản trở con đường học tập của bạn

 Trên con đường theo đuổi tri thức sách vở chỉ tuy đóng vai trò quan trọng nhưng cũng chỉ là một phần chứ không phải là tất cả. Một cuốn sách có dày cỡ nào cũng không thể nói hết được mọi điều về cuộc sống, và một bộ óc thông thái, một cuộc đời dẫu có vinh quang, có trải nghiệm nhiều đến đâu cũng không thế nào hiểu hết được mọi chuyện, ai cũng cần phải sống, và ai cũng cần phải đọc. 
Có nhiều người cho rằng cứ phải đến trường mới là đi học còn đi làm thì không phải như vậy. Hồi còn học cấp hai, tôi cũng đọc khá nhiều sách báo các loại và rất tự tin vào vốn kiến thức của mình thế nhưng khi ngồi nói chuyện với những người chẳng được đi học và đã đi làm từ sớm thì nhận thấy kiến thức về xã hội của họ lại hơn mình rất nhiều, lúc đó tôi tự hỏi liệu học có phải chỉ đơn giản là cắm đầu ở nhà và đọc sách, học có phải chỉ là mọt sách hay không? Sau đó tôi nhận ra đó là một sai lầm. 
Tôi cho rằng chỉ cần luôn bước chân đi với tinh thần học hỏi không ngừng thì mỗi ngày đều có thể được coi là đi học, đâu phải cứ ngồi nhà vùi đầu sách vở thì mới được coi là đi học, và nếu như chúng ta coi việc học là niềm vui thì chẳng phải ngày nào cũng là một ngày tuyệt vời hay sao. 
Trong hiến pháp cá nhân của mình tôi có một nguyên tắc đó là nếu ngày hôm đó không học thêm được điều gì mới thì nhất quyết sẽ không đi ngủ. Điều này được duy trì suốt nhiều năm qua và những điều mà tôi học được hoàn toàn không phải là những điều to lớn hay vĩ đại gì cả, đó là những trải nghiệm rất đỗi bình thường nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc với điều đó, vậy là đủ rồi.

18. Sách là người thầy vĩ đại

Đọc sách là cưỡi lên vai người khổng lồ. Trong số những người thầy vĩ đại của loài người thì Sách luôn có một trị trí đặc biệt. Trải dài suốt hàng ngàn lịch sử chưa bao giờ giá trị ấy bị lung lay, thay đổi phút giây nào. Tại sao chỉ là cưỡi lên vai mà không phải là cưỡi lên đầu? Có bao giờ bạn hỏi vậy không? 
Đây là một câu nói hay, vì cưỡi lên vai ta có thể nhìn xa hơn, rộng hơn, có thể lựa vào sức của họ mà di chuyển chứ không quyết định được phương hướng của họ. Người ta đi đúng hướng thì không sao, đi sai đường, lạc lối thì ta cũng vậy. Thế nên bạn cũng đừng vội vàng cho rằng cứ mua thật nhiều sách thì sẽ có thật nhiều kiến thức. Hai điều đó không đồng nghĩa với nhau đâu. 
Đọc một cuốn sách mà không hiểu gì còn đỡ hơn là đọc những cuốn sách làm cho nhận thức bị lệch lạc, sai lầm dẫn đến những hậu quả tệ hại về sau. Hãy chọn lựa thật kỹ những cuốn sách tốt để đọc vì mua một cuốn sách thì mất tiền mà chỉ thu về một đống giấy vụn. Đọc nó thì cũng chỉ thêm mất thời gian. 

Hiểu những điều sách nói cũng coi như biết thêm một vài điều mới lạ. Áp dụng nó vào cuộc sống, biến nó thành kiến thức của mình, phù hợp với hoàn cảnh cũng coi là có đôi chút thành công. Quan sát sự vận động của cuộc sống, dựa trên nền tảng kiến thức từ sách, biến nó thành những kiến thức mới lạ của riêng mình , tự viết ra những kiến thức ấy rồi dạy lại cho đời và được công nhận, đó mới là đọc sách. Và khi đó sách mới chính là một người thầy thật sự.

19. Tại sao phải đọc sách

Sẽ có nhiều người thắc mắc là tại sao phải đọc sách khi mà bây giờ đã có quá nhiều thông tin trên internet, thật lòng mà nói thì đây là một câu hỏi hết sức ngớ ngẩn mà tôi đã từng thắc mắc. 
Hồi cấp 3 tôi có hỏi một thằng bạn về mục đích của việc đi học và nhận được một câu trả lời theo tôi là khá hay, đó là đi học để có được tư duy, hay đúng hơn là để xây dựng tư duy. Để có được một vài phút bắn pháo hoa rực rỡ thì phải cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị và nếu nhìn kỹ hơn nữa thì cần tới cả hàng trăm năm để làm được điều đó, từ khi con người biết phát minh ra thuốc nổ rồi chế tạo rồi làm thế nào cho nó trở nên đẹp đẽ.
Bất cứ một sự thành công nào cũng phải dựa trên một nền tảng nhất định, được vun đắp từng chút từng chút một, không bao giờ có chuyện thành công sau một đêm những người trúng sổ xố dù giải thưởng có lớn đến đâu thì cũng không bao giờ được coi là thành công vì định nghĩa hai chữ thành công khác với điều này. 
Đọc sách không phải là trúng sổ xổ mà xây một toà tháp cao từ những những viên gạch nhỏ, toà tháp mà tôi muốn nói ở đây chính là trí tuệ của bạn. Đó là thứ không ai có thể nhìn thấu được, nó không có dáng hình cụ thể nhưng là thứ quan trọng nhất của một con người, bạn có thể xây dựng nó bằng nhiều cách khác nhau như đi làm, đi chơi, đi học, đi du lịch trải nghiệm, xem phim, nghe ca nhạc....đọc sách chỉ 1 trong những cách để tạo nên, hay để xây dựng nên trí tuệ của chúng ta mà thôi. 
Nhiều người theo tôi là hơi buồn cười và suy nghĩ hơi nông cạn vì họ cho rằng: Đọc sách không giúp ích được gì, đọc cũng có giàu được đéo đâu, đọc nhiều chỉ tổ đau đầu. Đối với họ thì hôm nay đọc sách là ngày mai chắc phải giàu luôn thì mới được, họ không biết rằng cuốn sách chúng ta đọc ngày hôm nay, có khi phải 10 năm sau mới thấy phát huy tác dụng, hơn nữa sẽ có những thay đổi mà chỉ bản thân chúng ta mới có thể cảm nhận được còn người ngoài thì không bao giờ có thể hiểu được và kiến thức sẽ theo chúng ta đến suốt đời chứ không bao giờ mất đi. 

Einstein từng nói: Thông tin không phải là kiến thức, internet tuy rộng lớn nhưng xin bạn đừng nhẫm lẫn giữa hai khái niệm này, cá nhân tôi chỉ dành 30p mỗi ngày để đọc báo mà có đọc thì cũng chỉ lướt qua vì có những thứ chỉ cần đọc tiêu đề là đủ rồi, việc biết được hàng trăm ngàn thông tin thực chất không hề làm cho bạn thông minh lên mà ngược lại, nó còn làm cho bạn ngu đi đấy. Hơn nữa chất lượng các bài viết ở VN thực sự không cao, đối với cá nhân tôi thì nó khá là thấp, mà toàn là đi dịch của nước ngoài, nếu có đọc có lẽ tôi chỉ đọc duy nhất chuyên mục Góc nhìn của báo Vnexpress, cái đó thì tạm được, cũng chỉ tạm được mà thôi.

Đọc thêm:

 

20. Sách chỉ là giấy vụn

Hồi còn làm admin của một hội những người đọc sách trên Facebook  tôi có tổ chức một vài buổi offline ở Hà Nội tại quán cafe sách 26 Hàng Vôi. 
Hôm đó tôi có mang một vài cuốn sách đến để tặng cho mọi người, đến cuối buổi tôi tặng cho một bạn ít tuổi hơn tôi và kèm theo câu nói: 
- Anh tặng em một đống giấy vụn. 
Thanh niên đó ngạc nhiên hỏi vì sao lại thế. Tôi bảo: 
- Nếu anh tặng cho em mà em mang về rồi vứt đấy, không chịu đọc thì chẳng là đống giấy vụn thì là gì. 
Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất vì còn hai điều tệ hơn nữa đó là đọc nhưng không hiểu hết được điều mà cuốn sách muốn nói, vừa mất thời gian lại chẳng nhận được gì. 

Đọc xong, mà lại hiểu sai lệch điều cuốn sách muốn nói thì còn tệ hơn, không chỉ lãng phí thời gian để đọc mà còn lãng phí thời gian để nhận ra sai lầm và sửa chữa nó, đến cuối cùng thì sách còn chẳng bằng đống giấy vụn, vì đống giấy vụn ngày trước bán đi còn mua được ít kẹo ăn vặt, còn sách thì phải mất tiền mua, vậy mà đọc xong có khi lại mang hoạ vào người. 
Chính vì những cản trở như vậy mà người đọc sách theo đúng nghĩa không nhiều, hay đúng hơn là rất hiếm. Tôi đã gặp quá nhiều kẻ mang tiếng đọc sách nhưng xét về sự ngu dốt và thiển cận thì không ai có thể sánh bằng, mà cái kiểu học nửa vời rồi đi mỉa mai, châm biếm người khác thì nhiều vô kể. 
Vì vậy đừng nghĩ rằng mua một cuốn sách về nhà là sẽ có được tri thức, và đừng nghĩ rằng đọc sách là sẽ có được tri thức bởi vì đó là hai việc không liên quan đến nhau.

21. Đọc sách phải suy nghĩ và áp dụng vào thực tế

Người đọc quá nhiều và dùng tới bộ óc quá ít sẽ rơi vào thói quen suy nghĩ lười biếng – Albert Einstein. 
Bạn đắm chìm trong thế giới của sách nhưng xin hãy nhớ cho, người viết ra cuốn sách ấy cũng chỉ là một con người bình thường và nội dung của sách cũng được lấy từ cuộc sống.
Bạn đọc sách kinh dị và tin là trên đời này có ma. Nếu bạn tin trên đời này có ma quỷ thì bạn cũng hãy tin là có thần thánh. 
Bạn đọc truyện ngôn tình và cho rằng tình yêu phải lãng mạn như thế, đẹp đẽ như thế thì xin hãy nhớ cho, tình yêu cũng có đau khổ, chia lìa. 
Nếu bạn đọc sách về phép thuật và tin có phù thuỷ thật ở ngoài đời, thì xin hãy nhớ cho, phù thuỷ có phép thuật giỏi giang đến mấy rồi cũng bị đánh bại. 
Bạn đọc truyện kiếm hiệp và tin vào võ công, vào cao thủ võ lâm. Vậy thì hãy nhớ, cao thủ đến mấy rồi cũng chết nghoẻo củ tỏi, không hơn không kém. 
Nếu bạn đọc sách về thành công, rồi ngưỡng mộ rồi tự tin nói rằng mình cũng sẽ thành công như thế, bạn quên mất một điều đó là để có được thành công như ngày hôm nay họ đã trải qua chặng đường gian khó như thế nào, bạn đã từng trải qua những khó khăn chồng chất, những thất bại cay đắng như vậy chưa mà đòi thành công như họ. 
Thực tế đi, đừng có mơ mộng nữa.
 

22. Đọc sách để tập thể dục trí não 

Để có được một thân hình đẹp không phải ngẫu nhiên mà có, phải tập luyện và tập luyện mỗi ngày. Để có được một trí tuệ thông thái thì phải không ngừng học tập, phải đọc sách mỗi ngày. Chúng ta bị một lệch lạc nhận thức khá nghiêm trọng đó là chúng ta cho rằng người ta thành công vì họ thông minh, vì họ giỏi vì họ, vì họ may mắn.
Thế nhưng Edison lại nói hoàn toàn khác, thông minh chỉ chiếm 1% còn lại 99% là mồ hôi và nước mắt. Rất nhiều người thành công cũng nói vậy, và  thú thật tôi chưa từng thấy ai chỉ dựa vào thông minh mà thành công được hết, tôi thấy họ học, và học và học một cách kinh khủng khiếp. Tôi không phủ nhận thông minh là một trong những yếu tố cần thiết để thành công nhưng nếu chỉ thông minh thôi mà không chịu học, không rèn luyện thì cũng chỉ như viên ngọc không được mài dũa, không bao giờ có thể tỏa sáng lấp lánh được.

Hiệu sách luôn vắng vẻ còn bệnh viện thì lúc nào cũng đông đúc – Hoàng Vũ Anh. 

23. Đọc sách không đảm bảo sẽ thành công, nhưng thành công nhất định phải đọc sách

Những người thành công thường đọc rất nhiều sách. Thomas Edison từng đọc hơn 10.000 cuốn sách. Elon Musk đọc 2 cuốn sách mỗi ngày.  Abraham Lincoln cũng mê sách phi hư cấu kinh điển. Tổng thống Herbert Hoover đặc biệt thích tác phẩm về luyện kim. Nhà vô địch về đọc sách ở Nhà Trắng chính là ông Theodore Roosevelt. Ông từng đọc mỗi ngày một cuốn dù bận rộn. Những ngày rảnh, ông đọc hai tới ba tác phẩm. Tổng thống Jimmy Carter từng tham gia các khóa học nâng cao tốc độ đọc sách. Tổng thống Mỹ Barrack Obama đang đặt mục tiêu bắt kịp lượng sách đọc so với Franklin D. Roosevelt (Tổng thống thứ 32 nước Mỹ) – người từng đọc 22.000 cuốn sách cho tới khi qua đời năm 1945. Bạn thấy đó, những người thành công nhất là những người đọc sách nhiều nhất.
 

24. Mỗi người xung quanh là một cuốn sách, hãy đọc nó

Khi đọc cuốn sách viết về Jack Ma ông ấy nói rằng ông ấy đọc rất ít sách và chủ yếu là đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung, vậy thì tại sao ông ấy lại thành công đến vậy? Phải chăng, đây là một trường hợp đặc biệt. Thật ra là không phải vậy. Mã Vân cho rằng mỗi người là một cuốn sách và nếu biết cách đọc nó thì cũng đáng giá như việc đọc sách vậy. Cách đọc của Mã Vân độc đáo như vậy đấy. Sách có ba loại cơ mà, và cuốn sách đáng giá nhất mang tên cuộc sống, hãy đọc nó thật kỹ bởi vì tất cả những cuốn sách giấy đều là ghi chép từ cuốn sách Cuộc Sống vào mà thôi, còn việc đọc sách giấy thực chất cũng chỉ là đọc cuốn sách Cuộc Sống theo một cách khác mà thôi.
 Một người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết đọc – Mark Twain.

25. Kẻ biết chữ mà không chịu đọc sách so với người mù chữ cũng chẳng khá hơn là bao

Nỗi khổ của người mù chữ đó là có muốn đọc sách cũng không thể nào đọc được. Còn niềm bất hạnh của những người biết chữ là không dùng khả năng của mình vào việc đọc. Đọc sách không phải là tất cả, nhưng nếu bớt chút thời gian đi buôn chuyện, chơi game, mua sắm, xem tivi để đọc sách thì sẽ tốt hơn rất nhiều.. Người Việt Nam rất lười đọc sách, ai cũng biết. Việt Nam là nước nghèo nàn, lạc hậu điều này thì cả thế giới đều biết. Người Do Thái là người thông minh nhất thế giới. Tôi biết điều này từ rất lâu và luôn muốn tìm hiểu tại sao? Lý do lại đơn giản đến bất ngờ: Họ đọc rất nhiều sách.

26. Hội chứng đói sách

Có người nghiện rượu, có người nghiện ma tuý, có người nghiện game, có người nghiện smart phone, có người nghiện tình dục, và cũng có những người nghiện sách. Đối với những người có khả năng đọc nhanh mà lại nghèo như tôi thì thường xuyên ở trong tình trạng không có sách để đọc. Vậy khi đói sách thì phải làm sao. Lôi những cuốn sách cũ ra đọc. Đọc những thứ vớ vẩn khác tạm thời. Đọc trên mạng. Viết một cái gì đó. Ra hiệu sách và đọc luôn ở đó. Mua sách mới về đọc. Đi mượn sách của ai đó. Có khá nhiều cách giải quyết đấy chứ. Tôi thường ít khi lôi sách cũ ra đọc mà đâm đầu vào viết sách thôi, vì viết chính là một cách rất tốt để đọc. Còn bạn, bạn chọn cách nào?
Trong những cuốn sách ẩn chứa linh hồn của suốt chiều dài quá khứ. - Thomas Carlyle

27. Những kẻ đọc sách là ngu dốt hơn cả

Trong số những kẻ ngu dốt mà tôi từng gặp và tiếp xúc thì những kẻ đọc sách là những kẻ ngu dốt hơn cả, đó là những người mà tôi vừa muốn lại gần và kết thân cũng vừa muốn tránh đi thật xa và đừng bao giờ gặp lại. Chúng ta đều biết tri thức là vô hạn và khả năng của con người thì có hạn, chính vì điều này đã dẫn đến việc khi cái tôi được dung túng quá mức và chưa đi kèm với một nhận thức đúng đắn và trình độ đủ sâu để hiểu về nó thì sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng chúng ta luôn luôn đúng, người khác thì luôn luôn sai.
Họ không ngừng bảo vệ quan điểm của cá nhân mình và chỉ trích quan điểm của người khác, họ làm như vậy để làm gì, bạn có tin là họ muốn làm vậy để đóng góp công sức cho xã hội hay không? Hay chỉ đơn giản là muốn thể hiện mình. Tôi tự hỏi nếu không thực sự có kiến thức thì họ có mạnh mồm đến như vậy hay không, thường là không, những người thực sự có kiến thức cũng không, chỉ có những kẻ hiểu biết được một chút luôn là người nói nhiều nhất, chỉ trích nhiệt tình nhất và bảo thủ đến tận cùng. 
Nói chuyện với những người thông thái thực sự rất tuyệt, nói chuyện với bác nông dân thật thà chất phác cũng vậy, chỉ có nói chuyện với những kẻ học hành nửa vời là khiến tôi phát ớn, nhất là những kẻ đọc sách, tốt nhất chúng ta không nên gặp nhau, không nên làm bạn, vui lòng tránh xa xa nhau ra kẻo không lại như mấy ông thầy bói, có ngày sứt đầu mẻ trán mất thôi.
Còn tiếp....