Con gái nhỏ, ngày hôm nay của con thế nào?
Ảnh bởi
Pille R. Priske
trên
Unsplash
Đã lâu, mẹ không cặm cụi ngồi gõ gõ một thứ gì. Cảm giác mười ngón tay lướt trên bàn phím lại hóa ra vô cùng xúc động, mang tới cho mẹ một thứ cảm xúc bay bổng, nhẹ nhõm. Giống như mùa xuân tới, bàn chân của một cậu bé chăn bò lại được đạp lên đám cỏ lạo xạo ướt mưa phùn sau một mùa đông dài bọc nó trong đôi tất ấm. Rưng rưng như vậy đó con.
Góc bếp trong hiện thực, mẹ vẫn hàng ngày đỏ lửa, nhưng góc bếp nơi sâu xa trong mẹ, hôm nay mẹ sẽ lại bắt đầu gom củi lửa về đun sau bao ngày để nó im lìm.
Con gái ương bướng lười ăn cơm của mẹ, đã bao giờ con nhìn vào bát cơm con ăn và nghĩ; Ồ, hóa ra mấy hạt cơm bé bé trắng trắng xinh xinh thế kia lại phải trải qua cả một quá trình triết học để đến được nơi bàn ăn con ngồi? - Chính là Ngũ hành của việc nấu cơm.
Theo triết học cổ Trung Hoa (mà mẹ đọc được ở đâu đó khái niệm này lại chính là sản phẩm của người Việt cổ) , rằng tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn trải qua năm trạng thái là: Hỏa (火), Thủy (水), Mộc (木), Kim (金), Thổ (土). Ngũ là 5, Hành là vận động, Ngũ hành dùng để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật trong mối tương quan hài hòa, thống nhất.
Nấu cơm là nấu chín gạo, có gì liên quan tới mấy món Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ kia cơ chứ! Vậy mà mẹ lại thấy là rất có liên quan, thậm chí Ngũ hành còn giải thích được tại sao một nồi cơm nấu kiểu này thì ngon hơn kiểu khác nữa con ạ.
Mẹ không có ý quy chụp, nhưng gái ơi, con hãy nghĩ về cả một quá trình đưa hạt gạo qua căn bếp lên bàn ăn và con sẽ thấy Ngũ hành hiển hiện ở đó.
Đầu tiên muốn nấu cơm, con phải chuẩn bị nồi. Nồi nấu cơm con dùng làm từ kim loại đúng chứ, là Kim đó. Xưa các cụ dùng nồi đồng, nay đến thời của mẹ, dù là nồi cơm điện thông thường, nồi cao tần hay gì gì nữa thì cũng đều là Kim cả.
Hạt thóc, hạt gạo có phải là Mộc không? Bỏ những hạt gạo trắng xinh vào trong nồi là đã trải qua Kim và Mộc.
Hạt gạo thành cơm, thành một khối liên kết mềm mại, bông tơi chứ không phải thành những hạt khô khốc, rời rạc là nhờ nấu gạo với nước. Công thức "tổ tiên mách bảo" là nước hơn gạo 1 đốt ngón tay đó con. Đây chính là Thủy con ạ.
Gạo ngâm nước sẽ mãi chẳng thành cơm nếu không được nấu trên lửa (hay chính là Hỏa), dù là ngọn lửa từ củi gỗ, rơm tre như những ngày xa xa hay ngọn lửa của thời hiện đại là bếp ga, bếp hồng ngoại, bếp từ hay nhiệt từ dây mayso của nồi cơm điện.
Còn yếu tố Thổ, nó ở đâu trong chuỗi Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ này. Thực ra, đây lại chính là cả một vấn đề triết học :)). Con biết không, khi mẹ còn nhỏ, mẹ thường ở nhà nấu cơm chờ ông bà đi làm về. Hồi đó chưa có bếp ga, bếp điện như bây giờ, chỉ là nấu nồi cơm trên cái kiềng bếp, dùng rơm rạ, trấu củi để nấu. Mẹ được dạy rằng, khi cơm sôi tới chín, là khi đó bắc nồi cơm xuống, ủ vào trong đống tro nóng để cơm chín nục hơn, ngon hơn. Có những lần lười, mẹ nấu xong, vần vò nó trên cái kiềng bếp dưới ngọn lửa liu riu để không phải vùi cơm vì ngại bắc lên bắc xuống, vì sợ làm rơi tro bếp vào bên trong nồi cơm. Thế nhưng dù có vần cơm kỹ tới đâu thì hôm đó những hạt cơm lại rời rạc, chặt chặt và cứng hơn khi ủ xuống tro. Và bây giờ, mẹ nghĩ đó chính là Thổ trong việc nấu cơm con ạ. Trải qua cả một quá trình Kim Mộc Thủy Hỏa, điểm kết thúc quyết định hạt gạo trở thành cơm chính là Thổ. Tro bếp (là từ Mộc- củi, rơm- qua Hỏa để trở thành Thổ, về với đất) đã biến hạt gạo thành hạt cơm bông xốp, mềm mại có trong chiếc bát trên bàn ăn của con, có đúng không con gái?
Thế hệ ông bà, thế hệ anh chị của mẹ, thế hệ mẹ, những người "được" ăn cơm bếp rơm, bếp củi, đều đã không dưới một lần thốt lên là cơm ngày xưa ngon hơn bây giờ, dù rằng bây giờ gạo được nấu nhanh, tiện lợi hơn ngày xưa rất nhiều. Thì ra, quá trình nấu cơm bây giờ thiếu hẳn đi một trong năm nguyên tố ngũ hành: Thổ. Hạt gạo, hay chính là hạt thóc, khởi đầu là từ một mầm chồi nằm trong đất, được đất nuôi dưỡng mà trở thành cây lúa nuôi sống biết bao con người, bao thế hệ xưa nay; và rồi hạt gạo đó cần trở về với đất, được đất ôm ấp, bao bọc để biến đổi hoàn toàn, một bước "nhảy vọt" như triết học định nghĩa.
Con ạ, hạt cơm quý lắm, trải qua cả một "triết học" như vậy cơ mà. Giống như hạt thóc tìm về với đất để biến đổi thành cơm, mẹ nghĩ con gái hiểu mẹ mong muốn ở con (hay cũng chính nhắc nhở bản thân mẹ) về cội rễ, về khởi nguyên, căn gốc của mình. Cứ luôn sống, cứ luôn biến đổi, cứ trải qua hết thủy hỏa cuộc đời, chỉ cần vẫn giữ bản thân hướng về cái gốc, cái ban đầu, về bản ngã thì cuộc đời này sẽ chẳng bất công với con đâu. Mẹ luôn tin tưởng là thế, và con gái mẹ cũng tin như thế, phải không?