TRUYỆN KIẾM HIỆP LỊCH SỬ: NGƯ LONG ĐAO TRUYỀN KỲ
Truyện kiếm hiệp "Ngư Long Đao truyền kỳ" được tôi viết nhân một lần về thăm Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy (T.P Hải Phòng).
Thời kỳ chuyển giao lịch sử luôn tạo nên những con người kiệt xuất. Căn bản, hoàn cảnh phi thường cần những con người phi thường mới có thể giải quyết được. Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung là một cá nhân như vậy. Đó là lý do tôi luôn muốn viết một câu truyện kiếm hiệp liên quan đến nhân vật này
Bối cảnh lịch sử của “Ngư Long Đao truyền kỳ”: Năm 1540, lo sợ quân Minh sẽ tấn công Đại Việt, vương triều non trẻ mình mới gây dựng sẽ bị quân Minh tấn công từ phía Bắc và vua Lê tấn công từ phía Nam, Thượng hoàng Mạc Đăng Dung thân hành lên Ải Nam Quan đầu hàng nhà Minh, cắt lấy mấy động vùng biên cho Trung Quốc để đổi lấy hòa bình.
Tuy nhiên sau này các học giả khảo cứu thì thấy mấy động đó thực ra trước đó đã bị Trung Quốc chiếm mất từ thời Lý.
TRUYỆN KIẾM HIỆP LỊCH SỬ: NGƯ LONG ĐAO TRUYỀN KỲ
Tác giả: Hoàng Tùng
PHI LỘ
Bằng quân mạc thoại phong hầu sự
Nhất tướng công thành vạn cốt khô
1. Đặng Lộc đất Cổ Trai đao pháp nổi tiếng thiên hạ, võ công độc bộ một vùng biên hải. Bảo vật trấn gia của họ Đặng là Ngư Long đao, đã lưu truyền tổng cộng mười ba đời. Thanh đao dài bảy thước, nặng bốn mươi hai cân, chuôi đao có hình con cá chép đầu rồng đang há miệng ngậm lấy lưỡi dao, được trạm khắc cực kỳ tinh xảo.
Chiều hôm đó, Đặng Lộc mang Ngư Long đao ra giữa sân luyện võ. Bảo đao tung hoành ngang dọc như một con bạch long vùng vẫy tạo nên luồng đao quang lấp lánh.
Ngoài bờ rào có tiếng vỗ tay tán thưởng: “Đặng gia đao pháp quả nhiên danh bất hư truyền”. Đặng Lộc ngước nhìn. Đó là một người ăn mặc theo lối nho sinh nhưng đôi mắt lộ thần quang, chứng tỏ đó là kẻ có nội lực không phải tầm thường.
Đặng Lộc tính vốn thích kết giao với bạn võ, thấy chàng trai phong độ hơn người liền mời vào nhà: “Các hạ dáng như nho sinh nhưng hai bàn tay gân guốc, gân cốt vững mạnh chứng tỏ là con nhà võ”. Thư sinh cười vang: “Đúng là không qua mắt được cao thủ. Tôi tên là Trịnh Đĩnh, người đất Hoan Châu”. Đặng Lộc cười vang: “Thì ra là Trịnh huynh. Đã nghe tiếng kiếm pháp của Trịnh gia lừng danh vùng Hoan Ái, ai ngờ hôm nay được giáp mặt”. Cả hai khoát tay nhau ngồi vào bàn rượu, đàm đạo chuyện võ công.
Trăng lên vằng vặc. Đặng, Trịnh từ chuyện võ công lan sang chuyện nhân tình thế thái đều rất tâm đầu ý hợp, mới gặp mà tưởng như đã có mối giao tình thân thiết. Rượu đã hết mấy vò. Trong men nồng của chén bồ đào mỹ tửu, Trịnh Đĩnh quỳ thụp xuống: “Một ngày nói chuyện với Đặng huynh bằng mười năm luyện kiếm. Tôi muốn được cùng huynh kết nghĩa anh em, mong huynh đừng chê cười”.
Đặng Lộc vội buông chén rượu xuống đỡ họ Trịnh. Cả hai cắt máu ăn thề, thắp hương tế cáo trời đất, nguyện không sinh cùng năm nhưng mong cùng được chết một ngày. Trịnh Đĩnh kém Đặng Lộc hai tuổi nên tôn Đặng Lộc là anh
2. Lưu lại nhà Đặng Lộc được mấy hôm, Trịnh Đĩnh xin cáo từ. Họ Đặng thấy người em kết nghĩa như có điều gì khó nói liền gặng hỏi. Trịnh Đĩnh nói: “Đệ có việc phải đi. Lần này dấn thân vào chốn nguy hiểm, không biết bao giờ mới có thể gặp lại”. Họ Đặng vỗ về: “Hai ta đã kết nghĩa huynh đệ, tình thân như thủ túc. Đệ gặp nguy hiểm, ta sao có thể khoanh tay đứng nhìn? Mọi chuyện thế nào, đệ cứ nói rõ, chẳng lẽ ta không giúp được chút gì hay sao?”.
Trịnh Đĩnh nhìn xa xăm: “Lần này đệ phải tìm giết một người. Kẻ đó võ công trác việt, sức khỏe hơn người, lại có quyền thế nghiêng cả nước. Giáp mặt với hắn cơ hội sống sót rất mong manh.”. Đặng Lộc quát to: “Đã có Ngư Long đao của ta, lại thêm Huyết kiếm của đệ. Hai anh em ta liên thủ, kẻ nào có thể chống cự nổi?”.
Trịnh Đĩnh nói nhẹ: “Kẻ đó là Mạc Đăng Dung”.
Tiếng nói khẽ khàng nhưng Đặng Lộc nghe tưởng như sấm động bên tai
3. Mạc Đăng Dung lúc đó đã nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, lui về sau màn chính, giữ chức Thượng hoàng. Kể từ khi nhà Mạc tiếm ngôi vua Lê, lòng người xôn xao, nổi loạn xảy ra khắp nơi. Tuy nhiên vua Mạc là kẻ hùng tài đại lược, lại nhân trí anh minh. Những cuộc nổi loạn dần bị dẹp tan. Cuộc sống của người dân yên ổn trở lại. Vua Mạc lại là người trọng hiền tài. Những bậc danh nho nổi tiếng thiên hạ như Nguyễn Thiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều dần về làm quan cho nhà Mạc.
Đặng Lộc vốn không mấy quan tâm đến chuyện triều đình. Có điều từ khi nhà Mạc nắm quyền, giặc cướp ít đi hẳn. Chàng nghĩ, nếu như mọi chuyện vẫn tốt đẹp thế này thì nhà Mạc nắm quyền có lẽ còn tốt hơn những vị hôn quân như Lê Uy Mục. Vậy nên khi nghe Trịnh Đạt nói, chàng nhíu mày: “Người dân đã bao năm chịu cảnh binh đao, giờ có được một chút thanh bình. Vua Mạc anh minh, hãy cứ để ông ta nắm quyền, chẳng phải tốt hơn sao?”
Trịnh Đĩnh liếc nhìn Đặng Lộc: “Huynh là người trung hậu, không biết Mạc Đăng Dung là kẻ quỷ quyệt thế nào. Hắn giờ đang bán đất cho nhà Minh để mong giữ ngai vàng. Nếu họ Mạc tiếp tục cầm quyền, chẳng mấy mà Đại Việt này rơi vào tay ngoại bang. Nếu huynh đệ ta hạ sát được y, giành lại ngôi báu cho nhà Lê thì đó là phúc lớn cho thiên hạ”.
Đặng Lộc im lặng không nói. Trịnh Đĩnh mân mê cán kiếm: “Đệ biết huynh có điều khó nghĩ. Thực ra Mạc Đăng Dung không phải là kẻ tầm thường. Y từng đỗ võ trạng, không những sức khỏe hơn người mà còn có đao pháp vô địch, e rằng dưới gầm trời Nam này chẳng ai sánh nổi”. Đặng Lộc đỏ mặt. Trịnh Đĩnh nói tiếp: “Chuyến này đệ vâng mệnh vua, phải đối mặt với y, thực ra lành ít dữ nhiều. Nếu có bề gì, huynh đừng trả thù cho đệ kẻo lại liên lụy đến thanh danh”.
Đặng Lộc nổi nóng khoát tay: “Lời thề kết nghĩa đâu phải chỉ để nói suông? Ta sao có thể để đệ một mình vào chốn nguy hiểm. Chuyến này, ta sẽ đi cùng đệ một phen”. Trịnh Đĩnh nghe nói lộ vẻ vui mừng, quỳ mọp xuống lạy tạ.
4. Trịnh Đĩnh có nội gián, biết được từng đường đi nước bước của đoàn tùy giá. Sau khi Thượng hoàng Mạc Đăng Dung thân hành lên tận Ải Nam Quan cầu hòa với vua Minh, giờ cả đoàn đang trên đường về lại kinh thành Thăng Long.
Trịnh Đĩnh chọn nghỉ ở Phong Sơn quán. Quán trọ nằm giữa vùng hoang sơ, cách đất Kinh Bắc một ngày đường. Theo tính toán, đoàn tùy giá sẽ nghỉ lại một đêm ở đây. Đó sẽ là nơi tiện bề ám toán Mạc Đăng Dung nhất.
Huynh đệ Đặng, Trịnh đóng giả làm khách thương, thuê trọ ở Phong Sơn quán, chờ đến khi đoàn tùy giá đi qua. Trong lúc chờ đợi, thấy Trịnh Đĩnh không bao giờ rút kiếm ra khỏi vỏ, Đặng Lộc lấy làm lạ mới hỏi. Trịnh Đĩnh nói: “Huyết kiếm đã có lời nguyền, kiếm đã rút ra khỏi vỏ ắt sẽ uống máu người. Nếu trước kia thân phụ đệ rút kiếm ra khỏi vỏ thì lão già Mạc Đăng Dung đâu có sống được đến ngày hôm nay?”.
Đặng Lộc ngạc nhiên: “Thân phụ đệ từng giao đấu với họ Mạc hay sao?”. Trịnh Đĩnh trầm ngâm: “Ba mươi năm trước, người đã giao đấu với lão Mạc trong cuộc thi Võ trạng. Theo lệ thì gươm đao không được rút ra khỏi vỏ để tránh gây sát thương đối thủ. Ai ngờ lão Mạc đến lúc bị dồn vào đường cùng đã rút đao ra khỏi vỏ chém thân phụ đệ cụt mất một bàn tay. Người về nhà, tủi nhục đến thổ huyết mà qua đời. Lão Mạc lấy được chức võ trạng, làm quan to trong triều rồi cướp ngôi vua. Đệ thề sẽ lấy mạng lão Mạc để trả thù cho gia tiên. Giờ có huynh giúp sức, ngày rửa hận chắc sẽ không xa”.
Đặng Lộc lắc đầu: “Lão Mạc quả nhiên là kẻ trí xảo”. Trịnh Đĩnh tiếp lời: “Vua Lê giờ có Nguyễn Kim làm quân sư, tài trí hơn người, lực lượng ngày càng lớn mạnh, chẳng mấy mà ngụy Mạc sẽ không có đất chôn. Khi đó công tích ngày hôm nay của huynh trưởng sẽ được đền đáp, tước lộc an hưởng mấy đời không hết”. Đặng Lộc cười to: “Ta đến đây trước tiên là vì tình nghĩa huynh đệ, sau là thấy việc muốn trừ hại cho dân chứ nào đâu mong chờ chút quan lộc làm gì”.
5. Đoàn tùy giá về đến Phong Sơn quán, nghỉ lại qua đêm. Hai anh em Đặng, Trịnh quan sát kỹ càng, thấy trong đoàn tùy giá không ít cao thủ. Đặng Lộc tỏ ý lo ngại. Trịnh Đĩnh cười: “Đệ đã chuẩn bị mọi thứ kỹ càng”. Rồi họ Trịnh rút trong mình ra mấy mũi phi tiêu. Đặng Lộc thấy lạ, cầm lấy hỏi. Trịnh Đĩnh nói: “Đây là phi tiêu tẩm nọc rắn độc ngàn năm. Chỉ cần bị phi tiêu đâm xước da là lưỡi cứng đơ không kêu được, chân tay mất cảm giác, sau nửa canh giờ là chầu Diêm Vương”.
Đặng Lộc nhíu mày: “Ta thấy thứ này quá bá đạo!” Trịnh Đĩnh cười nhạt: “Lượng tiểu phi quân tử. Vô độc bất trượng phu. Huynh đệ ta chỉ có hai người, nếu không dùng thủ đoạn làm sao có thể giáp mặt lão Mạc được? Đệ sẽ dùng độc tiêu triệt hạ đám lâu la canh gác. Riêng với lão Mạc, ta sẽ đấu võ đàng hoàng để y tâm phục khẩu phục là được”. Đặng Lộc gật đầu, đút phi tiêu vào trong người.
Đêm đã về khuya. Trời tối thẫm đen đặc quánh như mực. Đám vệ sĩ sau một ngày đường mệt mỏi đã chập chờn gà gật. Trịnh Đĩnh ra tay ám toán. Mấy tên vệ sĩ còn thức dính độc tiêu lập tức quỵ xuống. Họ Trịnh vào trong nhà trọ, phóng tiêu như vãi trấu. Chẳng mấy cả đám lính đi theo tùy giá đều dính độc, miệng sùi bọt, mắt trợn ngược.
Quán trọ đầy xác chết, tĩnh lặng như tờ. Hai anh em Đặng, Trịnh quan sát xung quanh, thấy trên lầu còn một căn phòng vẫn đang có ánh đèn le lói. Cả hai lập tức tiến đến. Trịnh Đĩnh giơ chân đạp mạnh vào cánh cửa rồi cả hai lao vào phòng như một cơn gió lốc.
6. Phòng trọ đơn sơ, chính là phòng nghỉ của Mạc Đăng Dung. Họ Mạc vẫn mặc nguyên quần áo, ngồi gục đầu bên vò rượu. Thấy người lạ xông vào, Mạc Đăng Dung ngước mắt lên, ánh nhìn vẫn còn long lanh ngấn lệ. Trịnh Đĩnh cầm Huyết kiếm chỉ vào mặt họ Mạc: “Ta vâng lệnh vua Lê, hôm nay đến đây lấy mạng lão nghịch tặc”
Mạc Đăng Dung từ từ đứng lên. Ngọn bạch lạp cháy giần giật. Tuy đã qua tuổi tráng niên nhưng cơ thể họ Mạc vẫn rất cường tráng, uy thế hơn người. Mạc Đăng Dung nhìn chăm chăm vào thanh Huyết kiếm, giọng trầm đục: “Ngươi là hậu duệ của Trịnh Long?” Trịnh Đĩnh khảng khái: “Đúng vậy! Ngươi dùng thủ đoạn khiến phụ thân ta thân bại danh liệt. Giờ đến lúc ngươi phải trả nợ”.
Mạc Đăng Dung cười lớn: “Thi võ trạng không được rút binh khí ra khỏi vỏ. Thế mà cha ngươi lén đâm ta một kiếm trước khiến ta suýt mất mạng. Ta mới rút đao chặt tay lão, kể ra cũng đã là nương tay”. Trịnh Đĩnh hét lên: “Lão tặc nói láo! Trịnh gia kiếm pháp vô địch thiên hạ, sao có thể bại dưới tay lão thất phu như ngươi?”. Mạc Đăng Dung cười khẩy, liếc nhìn Đặng Lộc: “Ngư Long đao của Đặng gia?” Rồi họ Mạc nhìn xoáy vào Trịnh Đĩnh: “Nếu kiếm pháp nhà ngươi vô địch thiên hạ, sao lại phải dẫn thêm người của Đặng gia đến đây? Sợ rằng kiếm pháp Trịnh gia còn kém đao pháp Đặng gia đến vài bậc”.
Trịnh Đĩnh thét lên một tiếng, phóng kiếm tấn công. Huyết kiếm xuất chiêu, uy lực mãnh liệt. Mạc Đăng Dung đá tung chiếc bàn về phía họ Trịnh, lui về phía sau với lấy đại đao đón đánh. Đặng Lộc lập tức cầm Ngư Long đao dồn hết sức chém tới. Họ Mạc tiếp chiêu. Hai thanh đao chạm nhau tóe lửa, tạo nên tiếng kêu đinh tai nhức óc. Trong chớp mắt, thanh đao của Mạc Đăng Dung đã bị Ngư Long đao chém gẫy làm hai mảnh. Trịnh Đĩnh lập tức dùng Huyết kiếm đâm tới. Họ Mạc luống cuống tránh né nhưng cũng bị dính một kiếm vào vai khiến chiếc áo hoàng bào rách tơi tả, máu chảy nhuốm tay áo. Trịnh Đĩnh cười lớn: “Thế nào? Kiếm pháp của Trịnh gia có xứng đáng vô địch thiên hạ hay không? Nếu ngày xưa lão không dùng thủ đoạn, làm gì có chuyện cha ta thất bại?”
Mạc Đăng Dung cởi phăng chiếc áo hoàng bào ra, khoe một cơ thể lực lưỡng. Họ Mạc chỉ tay sát ngực, nơi đó có một vết sẹo sâu hoắm: “Đây chẳng phải là tuyệt chiêu tối hậu của Trịnh gia kiếm pháp hay sao? Cha ngươi không rút kiếm ra khỏi vỏ, sao lại có thể đâm ta thế này được?” Trịnh Đĩnh nhìn vết kiếm. Đúng là vết đâm của Huyết kiếm. Tuyệt kỹ gia truyền của Trịnh gia tạo thành vết đâm không kẻ nào có thể bắt chước được.
Đặng Lộc liếc nhìn thấy nghĩa đệ của mình khuôn mặt lúc trắng lúc đỏ, chàng biết là Mạc Đăng Dung đã nói sự thật. Chàng nhíu mày bước lên: “Ta không phục vụ vua Lê, cũng không có thù hằn gì với ông. Ta chỉ đến đây để lấy mạng kẻ đã bán đất cho giặc phương Bắc”. Họ Mạc nghe lời nói của Đặng Lộc như bị trúng một mũi tên vào ngực, lùi lại lảo đảo: “Ngươi nói đúng, ta là kẻ bán đất cầu an. Nhưng ai khiến ta rơi vào tình thế này? Ta là kẻ bán nước thì thằng nhãi Duy Ninh* phải là thiên cổ tội nhân. Hắn nghe lời xúi giục của Nguyễn Kim, đã mấy lần viết thư xúi giục vua Minh sang xâm lấn Đại Việt. Theo ngươi, ai là kẻ bán nước?”.
Tay đao của Đặng Lộc run run. Mạc Đăng Dung mắt long lanh, nói lớn: “Ta mà chịu nhục cầu hòa với giặc Minh, quân giặc lấy cớ dẫn quân sang Đại Việt, nước ta lại một lần nữa bị đô hộ, bao giờ Đại Việt mới lại giành được độc lập?”
Đặng Lộc cúi đầu suy ngẫm. Những điều Mạc Đăng Dung nói không phải không có lý. Mấy năm nay Đại Việt mới thanh bình trở lại. Từ ngày vua Lê khởi nghĩa ở vùng châu Hoan châu Ái, kêu gọi người dân lật đổ nhà Mạc. Thế nhưng dân chúng cũng đã chán ngán nhà Lê nên chẳng mấy người hưởng ứng. Giờ vua Lê lại định mời ngoại bang vào xâm chiếm Đại Việt, thế thì kẻ bán nước phải là vua Lê chứ đâu phải Mạc Đăng Dung? Chàng ngước nhìn họ Mạc. Còn đâu hình ảnh của một vị Thượng hoàng quyền uy? Trước mắt chàng chỉ là một người đàn ông trung niên tóc nhuốm bạc, đôi mắt u sầu buồn bã.
Quay sang phía Trịnh Đĩnh, Đặng Lộc trầm giọng: “Trịnh đệ, ta thấy những điều ông ta nói không phải không có lý. Nếu như vua Lê không xúi bẩy Minh triều thì làm sao ông ta phải cắt đất mà đổi lấy yên bình cho trăm họ. Ta thấy nhà Mạc cũng được lòng dân, dấy động can qua chỉ khiến trăm họ khổ sở. Tốt nhất hãy mặc kệ mọi chuyện, huynh đệ ta về lại Đặng gia mà vui thú luyện võ, chốn quan trường nham hiểm đâu phải chỗ dành cho anh em ta?”
Trịnh Đĩnh cúi đầu suy ngẫm rồi bước lại phía Đặng Lộc. Bỗng y xuất kiếm nhanh như chớp giật. Đặng Lộc bị Huyết kiếm đâm trúng tim, mắt trợn ngược, miệng lắp bắp: “Trịnh đệ…???” Trịnh Đĩnh cười nham hiểm: “Ngươi tưởng ta muốn kết nghĩa huynh đệ với ngươi sao? Nếu không vì võ công của lão Mạc quá mạnh, ta đâu cần nhờ đến thanh Ngư Long đao của ngươi? Giơ ngươi không còn hữu ích nữa, ta để ngươi sống làm gì?” Nói đoạn Trịnh Đĩnh giơ chân đạp mạnh. Thân hình Đặng Lộc đổ rụm xuống đất. Ngư Long đao văng ra kêu loảng xoảng.
Đặng Lộc nhìn xác người nghĩa huynh, nhếch mép cười khẩy: “Giờ không còn Ngư Long đao, Huyết kiếm của ta sẽ là thiên hạ vô địch”. Rồi y bước đến phía Mạc Đăng Dung, mắt vằn tia máu: “Lão già, hãy chịu chết!” Mạc Đăng Dung nhắm mắt cam chịu.
Bỗng Trịnh Đĩnh thấy chân nhói đau. Rồi người y cứng đờ. Đặng Lộc bằng chút tàn lực cuối cùng đã nhao đến, dùng độc tiêu cắm mạnh vào chân họ Trịnh. Mạc Đăng Dung vùng dậy nhặt lấy Ngư Long đao, bước đến chém mạnh khiến Trịnh Đĩnh đứt làm hai đoạn.
Phía dưới, Đặng Lộc kêu nhẹ mấy tiếng. Mạc Đăng Dung vội quỳ xuống, nâng đầu chàng lên. Đặng Lộc lập cập: “Thượng hoàng, tôi là kẻ có tội, đã xâm hại đến ngài”. Họ Mạc ứa nước mắt: “Nếu có được vài tay đao uy vũ như cậu, ta nào sợ giặc Minh? Giờ ta mang danh là kẻ bán nước, một ngàn năm nữa ta sẽ vẫn bị người đời phỉ nhổ” Đặng Lộc thều thào: “Ngài có nỗi khổ tâm riêng. Rồi đời sau sẽ hiểu được tâm tư của ngài”. Nói đoạn, họ Đặng nhắm mắt thở hắt ra. Mạc Đăng Dung ngửa mặt lên trời khóc lớn.
Sau khi về lại kinh thành Thăng Long, Thượng hoàng Mạc Đăng Dung cho mang thi thể của Đặng Lộc về tận Đặng gia. Ngài cho chôn thanh Ngư Long đao cùng với Đặng Lộc, lại truy phong cho họ Đặng làm quan nhất phẩm, con cháu đời đời hưởng lộc triều đình. Ngài cũng cho rèn một thanh đao giống hệt Ngư Long đao, lúc nào cũng mang bên mình để tưởng nhớ đến Đặng Lộc. Mạc Đăng Dung gọi thanh đao của mình là Định Nam đao với khát vọng dẹp nốt tàn dư của nhà Lê ở phương Nam.
Định Nam đao sau này trở thành bảo vật trấn gia của họ Mạc. Thanh đao giờ vẫn được lưu giữ tại Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc ở xã Ngũ Đoan, Hải Phòng.
Tác giả HOÀNG TÙNG
(Cổ Trai, 9/9/2013)
1. Duy Ninh: Tên tục của vua Lê Trang Tông, vị vua đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng. Lê Trang Tông đã hai lần nghe theo mưu của Nguyễn Kim, sai người sang phương Bắc thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc để mong giành lại ngôi báu.
2. Định Nam Đao: Cây đao với trọng lượng 25kg và ước tính khi chưa bị han gỉ có thể nặng tới hơn 30kg, hiện đang được lưu thờ tại khu tưởng niệm Vương Triều Mạc (xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng).
3. Mạc Đăng Dung: Mạc Thái Tổ (chữ Hán: 莫太祖; 23 tháng 11, 1483 - 22 tháng 8, 1541), tên thật là Mạc Đăng Dung (莫登庸), là nhà chính trị, hoàng đế sáng lập ra triều đại nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam. Ông bước vào đường quan lộ sau khi thi đậu Võ trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long dưới triều Lê Uy Mục. Từ một võ quan cấp thấp, nhờ tài thao lược và mưu trí, Mạc Đăng Dung đã vươn tới tột bậc quyền lực vào năm 1527 khi được thăng tới chức Thái sư, tước An Hưng vương thời Lê Cung Hoàng. Xuất thân hàn vi, lập thân bằng đường binh nghiệp, Mạc Đăng Dung là người có công đầu trong việc tạo lập lại thế ổn định và đà phát triển của xã hội cũng như chính trường Đại Việt sau hơn 20 năm hỗn loạn đầu thế kỷ 16. Việc phế bỏ vai trò vương quyền của họ Lê, dòng họ đã để lại những dấu ấn sâu đậm đối với lịch sử dân tộc, cắt đất cầu hòa, quỳ lạy một viên quan Trung Quốc, nhận lịch sóc Trung Quốc, đã khiến ông trở thành tâm điểm chỉ trích của các sử gia, tri thức Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất