Phía trên cầu là những ánh đèn lấp lánh của cuộc sống hiện đại đang từng ngày phát triển. Nhưng phía dưới chân cầu lại là một cuộc sống khác…

Góc khuất dưới chân cầu Long Biên

Nằm dưới chân cầu Long Biên lịch sử, sát sườn chợ đầu mối Long Biên, xóm 7, khu dân cư số 2 (Phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) được người ta gọi vui với nhau đây là “xóm liều”, là khu ổ chuột giữa lòng thủ đô.
Khu ổ chuột từ trên cầu Long Biên nhìn xuống (Ảnh: 3G team)
Con đường dẫn vào khu dân cư ngổn ngang rác thải chưa qua xử lý. Dòng nước đục ngầu chất đầy rác thải và bốc mùi khó chịu lại nằm ngay sát khu nhà ở. Ai đi qua đây đều cảm thấy khó thở vì mùi hoa quả thối, rác sinh hoạt, nước cống thậm chí cả phân bốc lên nồng nặc, nhất là những hôm trời nắng nóng.
Dòng nước thải hôi thối và chất đầy rác thải
...lại nằm ngay sát khu nhà ở (Ảnh: 3G team)
Trong những con ngõ chưa đầy một mét là các dãy nhà xiêu vẹo được dựng tạm bợ bằng những tấm gỗ cũ và những tấm tôn đã hoen rỉ. Những căn nhà ở đây có diện tích từ 8-10m² với giá thành không rẻ, dao động từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng. Chưa kể, tiền điện hàng tháng lên đến 5 nghìn đồng/số, nước 35 nghìn đồng/ người. Bên trong những căn nhà ấy cũng không có mấy đồ dùng giá trị.
Những dãy nhà xiêu vẹo được dựng tạm bợ (Ảnh: 3G team)
Xóm trọ lụp xụp này là nơi tránh nắng tránh mưa cho biết bao phận người dưới chân cầu. Họ chủ yếu là những người lao động ngoại tỉnh, đến từ Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ... lên làm những công việc như bán hàng rong, thu mua phế liệu, khuân vác hàng hóa trong chợ Long Biên.

Đọc thêm:

Họ sống theo kiểu tạm bợ, không cố định. Nhà cửa không những tồi tàn, mà hễ mở cửa ra là "đón" rác vào nhà. Đặc biệt trong những ngày này, Hà Nội bắt đầu bước vào đợt nắng nóng, mùi hôi càng khó chịu hơn khi rác thải phân hủy mạnh. Đến ngày mưa cũng không khá khẩm hơn là mấy khi nước dâng cao, có khi mưa lớn, nước tràn lên gần bờ, rác trôi lềnh bềnh, lối đi lại của người dân cũng vì thế mà bẩn thỉu, nhếch nhác. Khốn khổ là thế, nhưng những người lao động nghèo cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác, họ đành cố bám trụ lại nơi đây để mưu sinh, tằn tiện sống qua ngày.

“Xa nhà thì phải chịu thế thôi”

Một ngày của người dân nơi đây thường bắt đầu từ 1h sáng cho đến lúc mặt trời lặn. Bởi vậy, những căn nhà này chỉ đơn giản là nơi có thể cho họ một chốn ngả lưng, che mưa che nắng.
Chia sẻ về những khó khăn, người dân ở đây cho biết: “Ngày nắng thì không sao, đến ngày mưa là nước ngập vào tận nhà, có nhiều căn còn bị dột ướt hết giường chiếu, nước ngập có khi 2 đến 3 ngày mới rút”. Không những vậy, họ còn đối mặt với nỗi lo rằng những khu trọ này có khả năng sẽ bị giải tỏa trong thời gian tới. Ngày trước, ở đây cũng có một số căn ven sông đã bị giải tỏa để làm đường.
Khi được hỏi tại sao không tìm đến những nơi có điều kiện sống tốt hơn, họ chỉ cười và lắc đầu: “Bọn chị xa nhà thì phải chịu thế thôi, làm sao thoải mái như ở nhà được”.
Vào buổi sáng, xóm trọ gần như không có tiếng động, thi thoảng chỉ có tiếng xe cộ đi qua, hay là tiếng một người dân vừa đi trở hàng thuê trong đêm trở về. Trò chuyện với chị T, một người lao động quê ở Ba Vì đã sống ở đây hơn 3 năm, chị cho biết những người lao động ở đây thường làm việc từ khoảng 8 giờ tối đến khoảng 2 3 giờ sáng sớm mới về. Chính vì vậy, thời gian buổi sáng thường là lúc mọi người đều đang nghỉ ngơi.  Còn những người làm công việc bán hoa quả ngoài chợ thì họ phải rời nhà từ 2 hoặc 3 giờ sáng. “Nói chung bọn chị khổ lắm, phải đi lấy hàng từ 3 giờ sáng để bán, 5 giờ chiều về, thậm chí có những người thì 8 rưỡi mới về tới nhà”.
Chị T. không ngại ngần chia sẻ về khó khăn cuộc sống nơi đây (Ảnh: 3G team)

10 năm mưu sinh đơn độc

Bên cạnh những mảnh đời cơ cực, nhọc nhằn như chị T. hay những gia đình cùng nhau mưu sinh, ở đâu đó trong xóm trọ này vẫn có những hoàn cảnh đáng thương và cô quạnh biết chừng nào.
Tìm đến căn nhà nhỏ bé, tối tăm và chất đầy bao bìa nơi cuối xóm, chúng tôi bắt gặp câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thìn – người phụ nữ với 10 năm mưu sinh đơn độc bên “đống rác”.

Đọc thêm:

Theo như chia sẻ, bà Thìn năm nay đã ngoài 80 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội. Lắng nghe câu chuyện của bà, nhiều người không khỏi xót xa và chạnh lòng.
Khi nhắc về gia đình, khóe mắt bà có chút cay cay: “Con cái bà chán lắm, có mỗi thằng con trai thì nó nghiện ngập rồi qua đời. Còn ông mất cũng 20 năm nay. Ở quê bà cũng chẳng còn ai, có mỗi ông cậu ruột nay cũng đã già yếu”.
Những ngày mưu sinh từ sáng đến chiều tối của bà (Ảnh: 3G team)
Dù tuổi tác đã cao nhưng hàng ngày, bà Thìn vẫn đi nhặt rác, phế liệu ở quanh khu chợ Long Biên để kiếm sống. Vất vả dưới cái nắng nôi hay hôi thối của rác thải là thế, nhưng số tiền bà thu được lại chẳng đáng là bao. Mỗi ngày, thu nhập của bà dao động từ 30-50 ngàn đồng. Bà chia sẻ: “Hôm nào bà cũng đi làm lúc 2h sáng, những hôm mệt thì 4-5h bà mới đi. Hàng ngày, bà đi bới ở thùng rác, nhặt về rồi phơi luôn tại phòng, khô thì bà mang đi bán. Rẻ lắm con ạ, có 30 ngàn 1 cân giấy thôi, mà mua họ không bán đâu vì họ sợ mình trả rẻ. Thỉnh thoảng, thương hại thì người ta cho. Nói chung cuộc sống khó khăn lắm con ạ”- bà vừa nói vừa soạn lại đống bìa còn sót lại trong nhà không phút ngơi tay.
Bà Thìn soạn lại đống bìa còn sót lại trong nhà (Ảnh: 3G team)
Căn nhà chỉ vỏn vẹn 10m² với giá thuê khá cao so với thu nhập hàng tháng của bà. Số tiền thuê phòng 1 triệu đồng không lớn đối với nhiều người nhưng khiến bà lại phải oằn mình mưu sinh mỗi tháng để chi trả. Trong nhà không có quá nhiều đồ đạc, chỉ có chiếc quạt cây, chiếc nồi cơm và vô vàn giấy bìa là “đáng giá”.
Nơi nghỉ ngơi ẩm thấp, chật chội của bà (Ảnh 3G team)
Nỗi lo về “cơm áo gạo tiền” chưa bao giờ là nguôi ngoai trong tâm trí người phụ nữ này. Qua những năm tháng làm lụng, đôi mắt bà cũng đã mờ nhòe, bàn tay thì chai sạn, nhăn nheo. Thế nhưng, cái nghèo, cái khổ vẫn cứ đeo bám những con người nơi xóm trọ từ ngày này qua ngày khác.
Khuôn mặt bà in hằn những năm tháng vất vả (Ảnh: 3G team)
Phóng sự khu ổ chuột dưới chân cầu Long Biên (Thực hiện: Team 3G)

Hà Nội đang phát triển lên từng ngày với những tòa nhà cao chọc trời, nhưng ở đâu đó, phía dưới chân cầu Long Biên lịch sử, vẫn còn những phận đời tối tăm, tạm bợ. Những người như chị T. hay đến cả bà Thìn vẫn miệt mài, lặng lẽ mưu sinh mà chẳng biết đến bao giờ thoát được cái khổ?
Gác lại bộn bề và lo toan của cuộc sống, khi những người lao động dần trở về nhà, xóm trọ lại rộn rã tiếng nói cười. Họ kể cho nhau nghe về một ngày mưu sinh vất vả.
Người dân ngồi quây quần bên nhau sau một ngày làm việc vất vả (Ảnh: 3G team)
Những nụ cười
...vẫn thường trực trên môi họ như xua đi mọi khó khăn của cuộc sống (Ảnh: 3G team)        
Họ sống vui vẻ và lạc quan hơn bao giờ hết (Ảnh: 3G team)
Vất vả, bươn trải là thế, nhưng cái xóm mà người ta gọi là “xóm liều, xóm tạm” này lại đầy ắp tiếng cười và sự lạc quan. Sống giữa cái “khổ” nhưng chưa bao giờ họ thấy nản lòng và bỏ cuộc, ở đâu đó vẫn chứa đựng niềm tin, sự hi vọng vào một tương lai tươi sáng.
                                                               Chỉ đạo sản xuất: Giảng viên Đỗ Anh Đức
                             Người thực hiện: Team 3G