"Tặng vài người bạn của tớ - cho những tháng ngày vẫn đang chênh vênh trên con đường tìm được người khách hàng tâm giao chịu xuất ví mua hàng :). Vài người bạn đó trong bài viết này được tới tóm chung bằng cụm từ - Bạn tớ"
“Để viết về một người thật hay thì điều tốt nhất là phải hiểu sâu sắc về con người đó. Để viết về một nghề thật hay thì có lẽ đơn giản hơn, phải làm nghề đó thật tốt.”
Có lẽ, từ lúc phát minh ra hàng hóa, rồi nghĩ đến việc trao đổi hàng hóa với nhau để chuyên môn hóa xã hội thì con người đã nghĩ đến nghề sale. Đơn giản đó là việc làm thế nào để những người khác (tạm gọi là khách hàng dưới góc độ kinh tế) cảm thấy thích sản phẩm của bạn hơn những đối thủ cạnh tranh để xuất hầu bao ra mà mua, sử dụng, trải nghiệm. Cuộc sống càng phát triển, con người càng phát minh ra nhiều sản phẩm để phục vụ nhu cầu của bản thân, kể cả là những nhu cầu thiết yếu hay phù phiếm, thì nghề sales lúc này càng có đất diễn và trở thành bánh lái cho mọi doanh nghiệp khi muốn tăng doanh số, đạt chỉ tiêu và phát triển thương hiệu.
Nhưng tớ không ở đây để nói về kĩ năng sale, cũng không nói về vai trò của sales trong cơ cấu, tổ chức bộ máy của công ty hay làm thế nào để đưa ra chiến lược bán hàng phù hợp với sản phẩm chiến lược @@. Tớ chỉ đơn giản có vài người bạn làm sales, lắng nghe những chia sẻ của chính các bạn trong nghề, về những trải nghiệm của họ rồi ngồi đây viết lại vài dòng, coi như một chút mảnh vui buồn cho cuộc đời đi làm – khi còn trẻ và cả sau này đọc lại.
Nghề sales– Nghề không yêu cầu kinh nghiệm nhưng buộc bạn phải nghiệm ra nhiều điều
Bạn mới học hết cấp 3, đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc hay đang hoàn thành luận án tiến sĩ về hạt nhân nguyên tử? Chúc mừng bạn, với từng đó kinh nghiệm ở bất kì cấp độ nào bạn đều đã có thể ứng tuyển cho một vị trí saleman – hay còn gọi là bán hàng tại bất kì một tổ chức, doanh nghiệp nào. Thời buổi "kinh tế thị trường khó khăn", và báo chí hàng ngày nhan nhản đưa tin về số liệu vài chục nghìn sinh viên thất nghiệp mỗi năm vì không có việc làm, không đủ kinh nghiệm khi ứng tuyển tại các Công ty thì bất cứ ai đang dành những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ để học về kinh tế học Marc – Lenin hay quy luật cầu tăng cung giảm của thị trường ngoại hối Mỹ cũng đều giật mình thảng thốt khi không biết tương lai mình sẽ đi về đâu. 
Nghề sales lúc đó – với những yêu cầu không quá khắt khe, không đòi hỏi kinh nghiệm trên trời dưới bể, không bắt bạn vừa biết lập trình Python nhưng lại phải vừa biết về ROE, ROA và tỷ suất lợi nhuận biên – trở thành một cứu cánh tuyệt vời cho những tâm hồn hoang mang đó.

Nhưng nói vậy, không có nghĩa không có kinh nghiệm tức là bạn chỉ cần nhảy vào và làm được ngay. Bạn tớ - một “cựu sinh viên” với tấm bằng giỏi của một ngôi trường kinh tế hàng đầu Việt Nam (nghe quen không, y hệt cái tít báo về sinh viên thất nghiệp ở trên nhé ) – ngày đầu tiên đi phỏng vấn đã được gặp ngay bài test thân thuộc nhất trong nghề sales: “Sell me this pen”. (ai mà thấy lạ với cái này có thể xem The Wolf of Wall Street nhé). Sau một hồi thao thao bất tuyệt hẳn 30 phút về việc tại sao anh nên mua cái bút của em thì anh phỏng vấn nó (giờ là team leader trực tiếp dẫn dắt nó luôn) chỉ buông nhẹ một câu là: “Nhưng giả sử anh là một bác nông dân quanh năm làm ruộng thì những gì em nói nãy giờ có vô nghĩa không?” Bài học nhập môn đầu tiên khi vào “nghề” – luôn biết đối tượng mình đang nói chuyện là ai?
Sao cái này nó lại popular đến thế vậy ta
Nghề sales– Nghề của sự nắm bắt tâm lý, thấu hiểu con người và che giấu cảm xúc
Sau một buổi phỏng vấn mà bạn tớ nghĩ fail không thể fail hơn được, thì nó cuối cùng cũng được nhận vào làm. Nhưng càng làm, có lẽ nó nhận ra nhiều điều mà một thằng trước giờ tự nhận mình là anti – social không nhận ra được.
Đó là khi giữa một cặp vợ chồng cùng đến mua hàng, bạn phải ngồi đối diện với người cùng giới để tạo sự thoải mái nhất cho cả hai. Cách bạn quan sát từng cử chỉ, hành động của người đối diện, từ cái cau mày, nhăn trán suy nghĩ đến cách họ ngáp vặt, trao đổi qua lại với nhau để hiểu được tâm lý đối phương. Từ việc luôn hướng về phía người đối diện một góc nghiêng 45 độ để thể hiện sự chăm chú lắng nghe đến cử chỉ tay để trên bàn như thế nào để tạo sự thoải mái nhất cho người đối diện. Rồi thì tài liệu, chính sách bán hàng phải được chuẩn bị từ trước nhưng không quá vội vàng khi được hỏi tới, tránh tạo cảm giác bị lợi dụng từ phía khách hàng.
Chưa hết, đó còn là những lúc tổ chức hội nghị, mời khách hàng đến để giới thiệu sản phẩm, Cách bài trí gian phòng sao cho vừa chuyên nghiệp nhưng lại không quá choáng ngợp, cách bật nhạc dịu dàng êm ru khi chốt deal nhưng bật nhạc xập xình, to đến điếc tai khi khách hàng chờ đợi sales vào. Tất cả những thứ đó đều là tâm lý học hành vi được lồng ghép khéo léo vào trong chỉ để cuối cùng, thuyết phục được người khác mua hàng của mình. Bạn tớ, từ một người ngại tiếp xúc, ngại nói chuyện, khá rè rặt khi rao tiếp thì cuối cùng đã trở thành một tay saleman chính hiệu, và như nó vẫn nói – “người đi kể những câu chuyện hay”.
Và tất nhiên, trong cái bối cảnh đó thì không ai được để lộ cảm xúc thật của mình cả. Bực bội vì không chốt được deal? Hãy mỉm cười đứng dậy bắt tay và chúc anh chị một buổi tối vui vẻ. Cáu bẳn vì con của khách quấy phá không chịu ngồi im để giới thiệu sản phẩm? Hãy nhẹ nhàng đưa cho cháu nó cái kẹo hay đồ chơi để bạn tiếp tục làm việc. Cảm xúc của người khác thì luôn phải được nắm bắt ở mức tối đa nhưng cảm xúc của bạn phải được tiết chế một cách tối thiếu.
Có một câu chuyện vừa buồn cười, tức là buồn mà cười của bạn tớ làm sales như thế này. Hồi đó, hắn mới chia tay người yêu, mới toanh luôn. Và lần cuối, kỉ niệm cuối, có lẽ là kỉ niệm đẹp nhất của hắn với người yêu là ở Ninh Bình. Đợt đó, ngay sau khi chia tay, hắn gặp được khách đi xe từ Ninh Bình ra Hà Nội để hỏi về sản phẩm. Thế là phải ngồi tiếp chuyện về việc Ninh Bình đẹp ra sao, có danh lam thắng cảnh gì, món gì ngon mà trong đầu cứ vẩn vơ nghĩ về lần đi chơi đấy với bạn gái cũ. Tưởng khóc mà có khóc được đâu trước mặt khách, thế mà cuối cùng deal đó cũng không thành. Chốt lại vẫn chỉ là một cuộc Strongbow lúc 12h đêm của tớ và hắn mà thôi (nhắc mới nhớ mình phải đòi tiền hôm đi nhậu đó)
Nghề sales– Ngày ngủ đêm bay và có lẽ chẳng quan tâm đến việc sửa đổi Luật lao động
Trong số các nghề thì có lẽ đây là nghề mà có thời gian biểu kì cục nhất. Vì bạn hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng nên việc 12h trưa mang hợp đồng hay chào hàng đến chỗ khách hay ở lại đến 1,2h sáng để làm sự kiện giới thiệu sản phẩm có lẽ là rất bình thường. Và có lẽ, làm 8 tiếng một ngày là một khái niệm tương đối xa xỉ đối với nghề sales, khi việc bạn telesales, bạn cold – call, đi ra ngoài kiếm khách đều không tính vào trong working hours của bạn.
Bạn tớ đã có những hôm 1 giờ sáng gọi rủ đi ăn đêm sau khi kết thúc một cuộc gặp với cùng một lúc ba bốn khách hàng rồi lại về ngủ để sáng hôm sau 6h dậy tiếp tục chiến đấu. Nó từng làm một công việc bàn giấy, xuất nhập khẩu 8 tiếng một ngày nhưng luôn cảm thấy chán nản, mệt mỏi và thiếu định hướng vì không thấy giá trị của công việc. Nhưng cuối cùng khi sang làm sales, nó hứng thú một cách lạ kì. Nó bảo: “tao cảm giác như đang chơi game vậy, mỗi ngày được reset một map mới, gặp một nhân vật mới và mày phải “chiến đấu” theo một cách mới”. Bản chất nghề nghiệp đó – dân sales hay gọi mình là những chiến binh – với lương andrenaline lớn hàng ngày được tiêm vào cơ thể - hăng say lao vào như những con thiêu thân bất kể thời gian và công sức bỏ ra, miễn là kiếm được khách, bán được hàng, kiếm được tiền hoa hồng.
Và có lẽ, khi mọi người đang rầm rộ về sửa luật lao động, về quan điểm của người này người kia về việc bạn có nên dành 8 tiếng một ngày hay hơn ở văn phòng hay không, thì hình ảnh sales của bạn tớ lại hiện về rõ ràng nhất. Bạn chỉ thấy được giá trị công việc của bạn làm khi nó thực sự khiến bạn cảm thấy hứng thú. Nghề sales – suy cho cùng là nghề mà lúc mà giá trị kiếm ra được đưa về gần nhất với giá trị sử dụng của sức lao động – vì bạn làm càng nhiều, bán được càng nhiều thì sẽ càng được trả lương cao. Chính vì thế, dân sales không ngại làm thêm giờ, không ngại việc đi sớm về hôm, khi mà họ biết giá trị của việc họ làm sẽ được trả xứng đáng.
Thay lời kết
Thực ra bài viết này không để cổ súy cho nghề sales. Bản thân tớ cũng nhận thấy những mặt trái của nghề này, khi bạn bán những sản phẩm tà đạo, như kiểu cỏ cây hoa lá với giá trên trời (thực phẩm chức năng – if u know what I mean) hoặc bạn làm đủ mọi cách đến mức phiền toái và khó chịu để lôi kéo, dụ dỗ khách hàng mua những sản phẩm bản thân họ thực sự không muốn hoặc không cần. Nhưng có lẽ, luôn luôn là nghề nào cũng sẽ có những mặt trái của nó, chỉ cuối cùng, khi nhìn lại, bạn cảm thấy mình trưởng thành và được học hỏi, đó mới là điều quan trọng
Chúc các bạn của tôi sớm tìm được khách và đãi tôi đi ăn
GLHF.