Trong giao tiếp hàng ngày, người ta thường chỉ dùng khoảng 3000 từ vựng cơ bản, từ đó nếu không đọc sách, không viết ra những suy nghĩ, mô tả các sự vật, hiện tượng bằng con chữ thì người ta sẽ dần dần khó diễn đạt cảm nhận của mình. Ông bà xưa cũng nói “học ăn, học nói, học gói, học mở” là vậy. Nhưng nói như thế nào và khi nào cần nói?
Plato nói “người khôn nói khi họ có điều muốn nói, kẻ dại nói vì họ muốn nói điều gì đó”. Ta phải có mục đích và đối tượng cụ thể trước khi nói để có thể tập trung vào điều muốn nói, và để biết liệu mình nói ra điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến người nghe, đó có phải là hiệu quả mình mong muốn hay không.. Còn ngược lại, chỉ vì muốn nói ra chuyện gì đó, có thể chẳng cần suy nghĩ, nhớ gì nói nấy, nói những chuyện tào lao không căn cứ, mấy câu đùa nhạt nhẽo, mấy chuyện chém giết, đánh ghen vừa đọc trên mạng… chẳng để làm gì, để có cái mà nói ra trên miệng vậy thôi. Thậm chí có nhiều câu chuyện được lặp đi lặp lại rất nhiều lần nhưng cả người nói và người nghe đều làm như không nhận thấy, đơn giản vì cả hai đều không chịu nổi trầm mặc, cần phải có âm thanh nào đó phát ra trong không gian giữa hai người.
Ngược lại, có nhiều người lại sợ phải nói ra suy nghĩ, cảm nhận của mình, cũng không muốn nói nhiều câu vô nghĩa, hoặc là cảm thấy điều mình sắp nói ra là vô nghĩa, là ngớ ngẩn… nên lựa chọn im lặng. Nỗi sợ của những người này được khái quát qua câu đùa của Mark Twain “Thà rằng im lặng để người ta nghĩ bạn ngu, còn hơn nói ra để họ không nghi ngờ gì nữa (là bạn ngu)”

Câu đó thật ra vốn chỉ là một câu đùa, mà anh nói rồi, nếu mình dùng lời nói đùa của người khác làm phương châm sống, cuộc đời mình sẽ là một trò đùa.

Trước khi nói thì phải cân nhắc kỹ càng, nhưng cũng không có gì phải e sợ đến như vậy. Nếu xem lời nói ra là một cái ngu nào đó, thì mình càng phải nói ra để trút bỏ ra khỏi đầu óc, để sẵn sàng đón nhận cái mới, chứ giữ cái ngu đó trong đầu hoài thì làm sao có thể khá lên được.

Evelyn Beatrice Hall cũng nói “Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ quyền được nói của anh”. Mỗi người có một quan điểm, một góc nhìn về sự vật, hiện tượng, đạo lý khác nhau, có thể đúng hay sai, nhưng mỗi ý kiến đều có giá trị riêng của nó, dù là ý kiến hoàn toàn sai bét, cũng có một giá trị tham khảo rằng “đây là một cái sai”.
Nói ra chính là cách tốt nhất để hệ thống lại và nhìn lại những suy nghĩ trong đầu mình một cách rõ ràng, có nhiều khi phải nói ra mới biết mình còn thiếu sót, phải nói ra mới biết mình đã thật sự nghĩ gì, hiểu bao nhiêu về vấn đề mình đang nghĩ kia.
Lão Tử nói “Đạo khả đạo, phi thường đạo”. Đạo thì không thể diễn tả bằng lời nói hay chữ viết được, lời lẽ chỉ dùng để hướng dẫn cho người khác tự tìm đến đạo mà thôi. Điều đó không phải có ý rằng không cần phải nói gì hết, vì dù gì có nói cũng không thật sự diễn tả được chân lý mà. Điều đó nghĩa là khi muốn người khác hiểu đạo thì cần dùng lời nói để dẫn đạo cho họ.
Người xưa cũng có câu “bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Nói lời hay và đúng, mang lại lợi lạc cho người không hề dễ, vì người ta rất dễ hiểu lầm, nếu nói không khéo lại thành “làm ơn mắc oán”. Bởi vậy khi nói một điều gì có ảnh hưởng đến người khác, muốn tác động vào một tâm lý chung nào đó của đám đông cần hết sức cẩn thận để tránh việc không giúp được người mà còn tự hại mình.
Một câu chuyện vui về Socrates và ông hàng xóm nhiều chuyện, cũng khuyên rằng khi ta nói một điều gì đó thì cần cân nhắc: điều này có thật không, có ảnh hưởng tốt cho ai không, có gây hại cho ai không..
Về cơ bản, mục đích của việc nói là để thuyết phục người khác về một vấn đề nào đó. Vì mọi việc vốn có nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh khác nhau, có khi đúng, khi sai, khi hại, khi ích, nên người ta cần phải nói ra để người khác tập trung vào góc nhìn mà họ muốn. Em cần tập nhìn ra mục đích đàng sau của những lý lẽ thuyết phục mà người khác đưa ra. Hãy luôn tự hỏi: họ muốn gì khi nói điều này?
Ngoài ra, còn có một mục đích khác như anh đã nói trên, là nói ra để rèn luyện khả năng nói, để nhìn lại bản thân, nói ra để hướng đạo cho người khác.
Như con tằm ăn lá dâu thì sẽ nhả tơ, em đã hấp thụ rất nhiều thứ từ cuộc đời này, hãy thử trao lại cho đời những điều tốt đẹp, qua lời ăn, tiếng nói và từng con chữ xem sao.
20.10.2019