Nếu có thể dùng một mỹ từ nào để nói về Trainspotting, đó chắc chắn là “độc đáo đến mức trần trụi”. Ra đời vào năm 1996, thời điểm mà nền điện ảnh Anh quốc đang trong cơn khát những tác phẩm chất lượng, Trainspotting – chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của văn sĩ người Scotland Irvine Welsh – đã gây tiếng vang không chỉ trong giới phê bình mà còn được biết đến rộng rãi bởi khán giả yêu thích màn ảnh rộng. Ewan McGregor khi đó còn là một diễn viên vô danh, sau Trainspotting anh nổi lên như một ngôi sao mới, liên tục nhận các dự án phim tầm cỡ. Cũng vì yêu mến anh nên tôi đã chọn một phim khó đánh giá như Trainspotting để viết bài. Trước hết, Trainspotting không đơn thuần chỉ nói về tác hại của ma túy mà còn mang tính đả kích về mặt văn hóa-chính trị, sức ảnh hưởng về âm nhạc của các tên tuổi lớn như Lou Reed, Iggy Pop lên văn hóa đại chúng, sự lạc lối của người trẻ trong mê cung của hoan lạc say đắm đi kèm với những rũ bỏ nửa vời trước ngưỡng cửa trưởng thành.
Chọn cuộc sống. Chọn công việc. Chọn sự nghiệp. Chọn một cái ti vi to tổ chảng, chọn máy rửa bát, xe hơi, máy quay đĩa, máy mở nắp đồ hộp. Chọn sức khỏe, ít choresterol, bảo hiểm nha khoa. Chọn thanh toán thế chấp lãi cố định. Chọn nhà ở. Chọn bạn bè. Chọn bộ đồ và hành lý. Chọn bộ suit ba chiếu mua trả góp bằng loại vải chết tiệt nào đấy. Chọn tự lập và tự hỏi bạn là thằng quái nào vào sáng Chủ nhật. Chọn ngồi xem mấy chương trình gameshow nhạt nhẽo và tống đầy đồ ăn vặt vào miệng. Chọn trở nên mục ruỗng trong ngôi nhà khốn khổ không gì hơn là xấu hổ với ích kỷ, con người rắc rối của bạn được sinh ra để thay thế chính bạn. Chọn tương lai. Chọn cuộc sống.
Nhưng tại sao cần phải chọn. Tôi không chọn cuộc sống này. Tôi chọn một thứ khác. Lý do à? Không có lý do nào hết. Ai cần lý do khi có heroin chứ?
 
Từ lời dẫn của Renton, nhân vật chính và cũng là thành viên của nhóm năm gã trai Scotland không tiền, không tương lai, người xem đã có thể thấy thể trạng bất cần không do dự của một bộ phận giới trẻ Edinburgh trước làn sóng thay đổi về lối sống. Sick boy, Renton, Spud gắn bó với nhau qua những cơn phê thuốc bất tận, Begbie nghiện bạo lực đập phá. Còn Tommy, anh chàng khốn khổ đặt cả cuộc sống vào tình yêu với cô bạn gái Lily. Năm người bọn họ đều phụ thuộc vào một thứ gì đó để duy trì khoái cảm và ham muốn sống. Sự duy trì mang tính cầm chừng đã đẩy họ vào thế lưỡng nan của con nghiện đói thuốc, muốn thêm nhiều, thỏa mãn thêm nhiều và muốn dừng lại nhưng không thể.
Trở lại với câu chuyện lựa chọn của Renton, Danny Boyle đã đặt ra một câu hỏi đầy hàm ý. Người trẻ đứng trước cuộc đời, họ buộc phải lựa chọn. Từ điều nhỏ nhặt như chọn cà phê hay bánh mì buổi sáng cho đến những việc to tát như chọn bạn đời. Vậy điều gì xảy ra khi nền giáo dục lờ đi việc thuyết phục bản ngã của họ phải lựa chọn? Tại sao phải lựa chọn tất cả những thứ này? Con đường nào cũng có gánh nặng và khiến họ giãy giụa trong khát vọng tiền tài, mong ước một cuộc sống no đủ cho thế hệ sau. Nếu như họ không thích chọn, họ muốn phá kén để tận hưởng khoái lạc của sự ích kỷ thì sao? Đó chính là cái cách mà ma túy len lỏi vào cuộc sống của những gã trai hư như Renton. Khủng hoảng sự lựa chọn nói lên sự thật rằng: nếu như gia đình và xã hội không có trách nhiệm hướng giới trẻ đến với giá trị đích thực của cuộc sống, họ sẽ phải trả giá.
Trainspotting hội tụ đầy đủ những thước phim gây shock. Nhiều hơn một cảnh tình dục với trẻ vị thành niên, năm cảnh tiêm chích trực diện, không ít lần tấn công bằng vũ khí, mười lần Renton và đồng bọn phê thuốc và có đến 131 lần thoại có chứa từ chửi thề. Tính thô ráp của các cảnh quay này phù hợp với dụng ý thể hiện mặt cắt trần tục của ma túy. Tuy dễ làm ủy mị những con tim yếu mềm, cách kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh của phim lại không hề khó khăn để làm hài lòng những khán giả yêu phân tích và đoán định. Nghệ thuật chèn cảnh siêu thực trong hình ảnh và quay phim đã đem lại cho Trainspotting hiệu ứng thị giác vô cùng hấp dẫn. Nhiều góc máy đặc biệt được khai thác, như góc máy hội tụ tái hiện lại sự bó hẹp của kẻ nghiện trong ảo giác của chính hắn, hay góc đổ của khung hình quan tài mà Renton tưởng tượng ra mình lọt vào sau một cú chích quá liều. Cũng không thể không kể đến bản Perfect day (thể hiện bởi Lou Reed) hoàn hảo như tuyên thệ cho sự buông bỏ cuộc sống.
Trainspotting không chăm chút quá nhiều mảng kịch bản, mà tạo nên đột phá ở bước chuyển mình của nhân vật chính. Giống như đi trên một con đường mòn từ đầu chí cuối, trên đường ta chạm trán vật cản, rơi xuống ổ gà hay bị hất tung bởi một con xe Porsche cổ điển nào đó. Tất cả chuyến hành trình đó đưa Rent boy về bản ngã thực sự và tạo nên con người trọn vẹn của anh. Việc lồng ghép yếu tố chính trị mang thông điệp rất rõ ràng. Sự kệch cỡm và lai căng trong đời sống tinh thần tạo nên hình hài cư dân Scotland thiếu bản sắc và phụ thuộc vào nền văn hóa đô hộ bởi người Anh. Từng lời than trách của Renton về xã hội Edinburgh như một tiếng thở dài ngao ngán cho quá khứ của Irvine Welsh, dù là oán giận nhưng cũng là lời trách cứ cho chính bản thân Scotland.
Và cuối cùng Renton đã chọn gì. Xem phim đi các bạn :D