Mẹ của những ngày minh mẫn

Mẹ là giáo viên, sau này dùng chính thực lực và kĩ năng giao tiếp mà lên được hiệu phó, rồi hiệu trưởng. Hai anh em do một mình mẹ nuôi dạy, tiệt không có sự tham gia của ba. 
Lúc bé, ông anh bướng nhưng mẹ quát là nghe, mình thì ngoan bảo gì nghe nấy (mà không nghe thì cũng một cái tát là đủ), nên mẹ quen với việc nuôi dạy theo kiểu độc tài, cứ dùng sự to tiếng, chức vụ "Mẹ" và kinh nghiệm "Tao dạy bao nhiêu lứa học sinh chẳng lẽ tao không biết dạy mày" để bắt con theo ý mình. Lối dạy đó áp dụng được thành công với ông anh cho tới tận bây giờ, và cũng hiệu quả với mình cho tới hết cấp 2. Tới năm cấp 3, việc đó thay đổi. Từ năm lớp 10 tới năm 12, sự định hình tính cách và cái tôi của mình đã làm xuất hiện rải rác những cuộc cãi vã vừa và nhỏ giữa hai mẹ con, nhưng chung cuộc thì mẹ vẫn giành phần thắng, mà chủ yếu là do mình không muốn làm mẹ (và mình) phải đau đầu thêm bởi mối quan hệ xấu xí giữa mẹ và ba lúc đó đã đủ phiền phức cho cả gia đình rồi. Và rồi tới một ngày cuối năm lớp 12. 
Lúc đó mình đã không còn phải đến trường nữa và tự ôn tập ở nhà cho kì thi đại học. Mẹ đi làm về, ngó vào và thấy mình đang chơi điện tử. Mẹ mắng. Mình đã giải thích là cả ngày hôm đó mình đã rất chăm chỉ học bài, và lúc mẹ ngó vào là những phút giải lao đầu tiên, nhưng mẹ không tin, và mặc định rằng mỗi khi mẹ vào là phải thấy mình ngồi học bài. Stress từ việc sắp thi ĐH, cùng với việc cảm thấy bị đối xử bất công, một cuộc cãi vã lớn đã nổ ra. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời mình to tiếng với mẹ, nói rằng mình không làm gì sai, vừa khóc vì uất ức, vừa bật lại mọi lời buộc tội vô căn cứ. Cuối cùng, mình không thèm nói nữa, và im lặng. Mẹ tưởng rằng mẹ đã đúng, đã thắng, và rồi mọi chuyện sẽ lại xảy ra như trước: rằng con sẽ lại bình thường như trước, vì nó-là-con-mình-còn-mình-là-mẹ-nó. Nhưng không. Suốt 4 ngày sau đó, mình chỉ nói những câu chào hỏi vừa đủ để không bị nói là vô lễ, còn lại không có thêm một sự giao tiếp nào khác. Tới ngày thứ 5, buổi chiều khi mẹ về, mình không muốn nói chuyện nên đã giả vờ đi ngủ, coi như là ngủ trưa. Sau vài tiếng gọi không có trả lời, mẹ lặng lẽ vào phòng mình, ôm mình và nói "Mẹ xin lỗi. Mẹ cứ nghĩ mẹ có thể dạy con như dạy anh con. Mẹ sai rồi". Đó là lần đầu tiên trong đời mẹ xin lỗi mình, và cũng là lần đầu tiên mình dám đứng lên bảo vệ thành công quan điểm của mình trước thế lực mà có lẽ bất cứ ai cũng phải giơ tay đầu hàng: Mẹ.
Kể từ ngày đó, những mâu thuẫn đôi khi vẫn xảy ra, nhưng dường như mẹ đã hiểu rõ tính mình hơn. Mẹ hiểu rằng, muốn làm cho mình nghe lời thì phải nói cho mình phục, chứ không phải cứ bắt ép mình làm theo như một con rối mà không cho bày tỏ ý kiến. Mẹ cũng hiểu rằng, một khi mình đã quyết định làm điều gì đó, mình đã suy nghĩ rất kĩ, và mẹ sẽ không thể thay đổi được. Vì vậy, đôi khi, nếu mình đưa ra quan điểm của mình mà mẹ không nói gì, mình hiểu rằng mẹ chấp nhận nó. Ngược lại, mình cũng hiểu được rằng, cứ nhảy lên bật lại với sự giận dữ và gào thét không phải lúc nào cũng là cách phản biện hiệu quả. Từ ngày "định mệnh" đó, mình tự học cách kìm chế cảm xúc của mình mỗi khi có mâu thuẫn với mẹ và từ tốn giải thích với mẹ lý do tại sao mình làm một việc gì đó. Hiểu rằng mẹ có một cái tôi rất lớn, mình cũng tự điều chỉnh cách giải thích với mẹ để mẹ không cảm thấy rằng mình đang chỉ trích quan điểm của mẹ. Thay vì nói "Mẹ nghĩ như vậy là không đúng", thì mình nói "Con có suy nghĩ khác. Mẹ nghe xem có được không nhé". Và như vậy, hai mẹ con dường như trở nên hiểu nhau hơn, mẹ bắt đầu biết tôn trọng mình cũng như ý kiến của mình hơn, thường bắt đầu bàn luận một vấn đề bằng câu hỏi "Con nghĩ sao?" thay vì "Mày trẻ con thì biết cái gì".
*** Đôi khi, một sự bùng nổ như vậy là cần thiết. Nhưng mình may mắn là mẹ mình là một người biết nhận sai về mình. Rất hiếm khi bà nói ra lời xin lỗi, nhưng bà vẫn có cách riêng của bà để thể hiện rằng mình đã biết lỗi. Nhưng với những người mẹ khác, những người bảo thủ hơn và gia trưởng hơn, rất có thể việc cãi lại, bật lại như vậy là làm cho mối quan hệ mẹ con trở nên không thể hàn gắn. Rất có thể họ sẽ cho rằng bạn MÃI MÃI sẽ là đứa bất hiếu, mất dạy, và kể từ đó đối xử khác đi với bạn. Việc bật lại của mình và có kết cục tốt đẹp như vậy là do may mắn, và sau đó mình cũng phải điều chỉnh lại cách ứng xử, chứ không phải lúc đó mình hiểu rõ mình đang làm gì. Trước khi có ý định bắt chước mình, hãy thực sự hiểu rõ tính cách của bố mẹ mình đã nhé. 

Đọc thêm:

Mẹ của những ngày trầm cảm

Đang quen với những trao đổi rất văn minh và công bằng với mẹ, thì mình gặp rất nhiều khó khăn khi phải nói chuyện với mẹ khi mẹ mắc bệnh trầm cảm sau khi về hưu. 
Với nhiều năm mẹ làm sếp, tính gia trưởng đã dần lớn lên trong mẹ từ lúc nào. Ngay cả khi bà còn tỉnh táo, bà đã có xu hướng bắt mọi người phải làm theo ý mình, và nếu làm trái ý thì sẽ rất bực mình. Chưa kể bà còn làm nhà giáo bao năm, đạt được nhiều thành tựu, cho ra đời nhiều lứa học trò thành công, bà càng tin rằng mọi hành động, lời nói, lời khuyên của bà là chuẩn mực, là điều DUY NHẤT đúng. Giờ đây, bà lại còn có thêm kim bài "Mẹ bị bệnh trầm cảm" để bắt mọi người phải chiều theo ý bà, nếu không bà sẽ mất kiểm soát. Vì vậy, khi bà bị trầm cảm và hay bùng lên chỉ bởi những điều hết sức nhỏ nhặt, những người thân trong gia đình dù hết sức bất bình nhưng cũng chỉ biết im lặng chịu đựng.
Khi đó trong nhà chỉ có mình mình là biết lựa lời nói để bà nghe theo. Ấy vậy nhưng lần nào về VN chơi, phần lớn thời gian mình cũng phải chung số phận như những người khác. Mình tin rằng những cơn bùng phát của bà có xúc tác rất lớn từ tính gia trưởng kia, rằng nếu bà học được cách buông xả, trở nên dễ tính hơn, thì bà sẽ ít phải chịu những cảm xúc tiêu cực mỗi khi có ai đó làm không đúng ý bà - một điều không thể không xảy ra trong tương tác hàng ngày giữa người với người. Bệnh gia trưởng vốn dĩ đã khó chữa, lại còn ở cái tuổi quá 50, lúc mà tính cách một người dường như đã được khắc vào đá, thì ai cũng sẽ cảm thấy vô vọng trong việc sửa đổi bà. Vì vậy, dù đã gợi ý cho bà, và bà cũng đồng ý việc đó, nhưng rồi đâu lại vào đấy. 
Bà không chịu đi khám và chữa bệnh triệt để. Chỉ một lần đi khám, bác sĩ bảo cần có sự động viên từ gia đình, bà đã về và biến tấu nó thành "Chỉ gia đình mới cứu được bà. Tất cả phải chiều theo ý bà, không được làm trái lệnh để chữa bệnh cho bà". Bà từ chối chấp nhận những lời khuyên và những sự giúp đỡ khác, mà cứ khăng khăng rằng bà bị bệnh nặng hơn là do gia đình không biết cách chữa, trong khi đó những người trong gia đình đã cố hết sức.
Đỉnh điểm của sự chịu đựng này là năm 2018 khi mình về nước chơi. Vì chỉ về một thời gian ngắn nên cứ khi nào nhà không tụ tập hay có việc gì ở nhà thì mình lại xách xe lên và đi quanh thành phố, hay đơn giản là ngồi vào quán cà phê ngắm người qua lại. Hôm đó, như mọi ngày, mình đang ở quán cà phê thì bà gọi điện, bảo là về giúp bà bê mấy chậu cây sang chỗ khác NGAY LẬP TỨC vì bà có việc cần làm với chúng. Vừa mới ngồi chưa ấm chỗ, cốc cà phê mới chỉ vừa được đưa ra, mình đã phải uống vội và cố gắng về để chiều bà. Rất bực mình, bởi trước khi đi mình đã hỏi mẹ "Chiều nay mẹ có việc gì cần con ở nhà không?" và mẹ đã nói không, nhưng thôi nghĩ rằng về nước ít ngày, chiều bà được lúc nào thì chiều. Những tưởng như vậy sẽ làm bà vui, nhưng khi mình đang vất vả bê những chậu cây nặng nề thì bà cứ ở bên cạnh mắng mỏ, ý nói có con mà chả bao giờ nhờ được cái gì. Nghe tới đây, mình cảm thấy tất cả những vất vả mà anh em mình đã phải bỏ ra vì thú chơi cây của mẹ bao ngày nay như chả có nghĩa lý gì. Vẫn cố giữ bình tĩnh, mình góp ý nhẹ "Dạ nếu lần sau mẹ có kế hoạch gì thì nói với con trước thì con sẽ ở nhà giúp mẹ. Chứ thi thoảng mẹ gọi mà con lại đang dở việc thì khó cho con ạ". Nghe vậy bà lại bùng lên chửi bới, cho rằng bà sinh ra mình thì bà gọi là mặc định mình phải đến, rằng có mỗi việc bê cái cây mà cũng phải kể công. Lúc này, mình giận tới nỗi chỉ bằng ánh nhìn của mình, bà đã biết bà làm mình giận, rằng bà đã lỡ lời, thế là bà lại dần im lặng lại. 
2 ngày sau đó, mình lại im lặng, chỉ nói với bà những lời cần nói ngay cả khi bà chủ động bắt chuyện. Lần này, mình im lặng không phải vì giận bà, mà là vì mải suy nghĩ không biết phải nói chuyện với bà thế nào để bà chịu tự cứu mình, để bà hiểu ra rằng nếu bà cứ đổ hết trách nhiệm cho những người thân trong gia đình - những người đã thử tất cả các cách họ biết để chữa trị cho bà - thì bà sẽ không thể nào thoát ra được tình cảnh này. Mình cũng không biết phải nói sao bà mới chịu sửa tính gia trưởng của mình. Ngày thứ 3, bà không chịu được sự im lặng đó, chửi mình là bất hiếu, nói rằng sẽ từ mình, rồi bà khóc, nói rằng bà không có ý muốn nói những lời bà nói, rằng đó là do bệnh làm bà mất kiểm soát. Mình chỉ biết ôm bà, chờ cho bà bình tĩnh lại, rồi nói hết lý hết tình với bà bằng giọng nói ôn tồn nhất để bà hiểu rằng mọi người đều hiểu bà đang bị bệnh, nhưng không có nghĩa những tổn thương gây ra bởi bệnh của bà có thể dễ dàng bay đi; rằng bà thực sự cần phải chủ động hơn trong việc chữa bệnh, thay vì chỉ phụ thuộc vào gia đình; rằng việc ở chung với ba - người có tính cách và lối sống hoàn toàn trái ngược với bà - chỉ làm cho tình hình tệ hơn; và rằng mình sẽ luôn ở bên bà, giúp bà trong suốt quá trình này. 
Những năm tháng sau đó là cả một chặng đường dài mà mình đã kể trong bài  13 năm không chịu thua trầm cảm. Những ai đang có người thân bị trầm cảm có thể ghé đọc để tham khảo nhé.

Ba

Nếu có một ai đó trên cuộc đời sinh ra không thể hòa hợp với bất cứ ai, thì đó sẽ là ba mình. (Dù mình ngoài Bắc nhưng từ bé, ba mình đã dạy hai anh em gọi là "ba" thay vì "bố" vì thích cách gọi đó khi ba còn công tác trong nam.) 
Ba mình là trưởng nam, bố mất sớm, mẹ thì bán hàng ngoài chợ, nên dù ông có tốt nghiệp đại học và làm quyền cao chức trọng trong công ty nhà nước, ông vẫn có một tính cách rất gia trưởng cùng lối ăn nói rất thô lỗ và có phần tục tĩu. Với tất cả những ai mà ông cho là dưới trướng ông, ông đều xưng là "mày, tao" chứ không bao giờ dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn như "con, cháu, em". Ông đứng đầu cả ở họ trong gia đình lẫn ở chỗ làm, nên cứ ai không vừa ý ông là ông chửi mà không ai dám ý kiến gì. Mà mỗi lần ông chửi là cả xóm nghe thấy, ở cơ quan thì tầng trên tầng dưới đều nghe rõ ông chửi gì, vì tiếng ông to và vang như các địa chủ ngày xưa vậy. Và đương nhiên, với thứ tính cách như vậy, ông không bao giờ nhận mình sai. Mẹ mình là người duy nhất có thể khuyên ông, nhưng cũng không phải lúc nào cũng thành công. Những lúc ông nghe theo đó, không phải là vì ông nhận ra sự hợp lý từ lời khuyên của mẹ, mà là ông chiều theo ý mẹ.
Cũng vì lẽ đó, không ai, từ cơ quan tới gia đình, từ bạn bè tới gia đình, từ nội tới ngoại, có thể gần gũi hay chơi được với ông. Một ngày vui vẻ rất có thể bị ông làm hỏng chỉ vì cô nhân viên đưa khăn ướt cho bọn trẻ con trước khi đưa cho ông  vì "Mày làm như thế là láo! Mày phải nhìn xem ai là người già nhất trong đây mày mời trước chứ". 
Những người ghét ông thì nhiều, những người coi ông như Chí Phèo và tránh được lúc nào thì tránh cũng nhiều, những người nhìn ra được cái tâm Phật để bỏ qua cái khẩu Xà của ông, để mà giữ được lòng yêu thương ông thực sự rất ít. Phải, ông có cái tâm Phật. Dù ông có chửi bới thế nào, hễ có gì ngon là ông lại đem đi cho, không cho con cháu thì cho bạn hay hàng xóm. Tết năm nào ông cũng cho mấy đứa cháu không khá giả vài triệu, đứa nào lên ĐH còn được cho cả chục triệu. Chỉ là, cái khẩu Xà kia nhiều khi ... độc quá khiến mọi cái tốt của ông trở nên bị vấy bẩn hết. Ví như chuyện, ông lỉnh kỉnh cả ngày kho một nồi cá thật ngon đem cho nhà chú. Mấy ngày sau ông quay lại thấy nồi cá vẫn còn, ông chửi ầm lên, bảo ngu, rằng không biết quý đồ ăn ngon?!?!
Từ bé tới lớn, chưa bao giờ mình có thể gần gũi với ba, bởi ba rất ít khi ở nhà, càng không có thời gian bên cạnh dạy dỗ mình. Lúc nhỏ ba còn hay chở mình đi bơi hay đi câu cá, nhưng cũng tiệt chả nói câu nào. Lớn lên, khi mình bắt đầu được nhận định là "có thể chửi được", thì ba cũng hay chửi mình ngu khi có cơ hội. Tính cách của mình cũng trái ngược hoàn toàn với ba: mình nhẹ nhàng, trầm tính bao nhiêu thì ba ào ạt, dữ dội, ầm ĩ bấy nhiêu.
Từ lúc lên ĐH trở đi, khi mình đứng về phía mẹ lúc hai ba mẹ xảy ra mâu thuẫn, mối quan hệ giữa ba con càng xấu đi. Mối quan hệ giữa anh và ba còn tệ hơn. Khi tuổi của ba đã tới đầu 6, ba vẫn giữ nguyên những tính nết cũ, vẫn thói quen uống rượu, vẫn "Chí Phèo" như mọi người vẫn hay gọi, và vẫn không ai có thể thay đổi được. Mẹ và anh đã từ bỏ việc khuyên bảo ba. Mẹ ly dị, chuyển sang nhà anh ở, còn anh thì chỉ thực hiện đủ nghĩa vụ của một người con, không hơn không kém.
Còn mình, dù đã từng rất tức giận và cũng từng có lúc mất hết cả tình thương dành cho ba, nhưng sau khi lên ĐH, khi nhận ra giá trị của gia đình, mình đã làm điều mà mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm: Nói chuyện lại với ba. Không phải là nói kiểu khuyên bảo, mà mình bắt đầu với những câu hỏi bình thường như ba ăn cơm chưa, hôm nay ba ăn gì, tối nay ba có ăn cơm nhà không v..v.... Chúng tưởng như rất đơn giản, nhưng mình đã phải vắt hết sức bình sinh để cất lên tiếng, khi mà mối quan hệ cha con lúc đó gần như chẳng còn nữa. Và mình nói giống như kiểu bạn nhắm mắt nhắm mũi uống thuốc đắng vì tin rằng sau này nó sẽ tốt cho mình vậy. Cảm xúc nói rằng mình không muốn làm, nhưng lý trí thì biết đó là việc nên làm, và có lẽ là phải làm về mặt lâu dài.

Đọc thêm:

Những ngày đầu mình thấy rõ được sự ngạc nhiên và có phần bối rối không biết phải phản ứng thế nào trước những lời hỏi thăm mà cả hai đều không ai ngờ tới. Dần dà, những trao đổi như vậy trở nên tự nhiên hơn, không còn gượng gạo nữa. Rồi sau này khi đã sang Úc, thi thoảng mình vẫn nhắn tin qua Zalo hỏi thăm một ngày của ba diễn ra thế nào. Nếu như việc hỏi thăm mẹ là việc mình vui vẻ làm, thì nói chuyện với ba là việc mà mình phải tự động viên bản thân làm. Mình biết, khi lên cơn "Chí Phèo", ba vẫn chửi mọi người, chửi cả mình, bởi thế giới quan của ba vốn rất toxic, nhưng mình vẫn gửi những lời hỏi thăm đó để cho ba biết được rằng, có ít nhất một người trong gia đình vẫn còn tình thương dành cho ba. Nói tình thương là bởi ba là một người đáng thương. 
Thực vậy. Sau nhiều năm đọc sách và quan sát, mình hiểu rằng, ba, cũng giống như nhiều chú bác cùng thế hệ gia trưởng và bảo thủ ấy, thực ra luôn có một nỗi sợ: nỗi sợ bị lép vế. Xã hội đã phát triển quá nhanh chóng, khiến cho phụ nữ hay lớp trẻ đều có những cơ hội tiến bộ và thăng tiến như đàn ông, và những ai biết tận dụng chúng sẽ trở nên thành công hơn những người dậm chân tại chỗ. Và họ, những người như ba, là những người vẫn còn đang dậm chân ở cái thời mà cả nhà phải phụ thuộc vào họ, họ là trụ cột, họ nói gì thì mặc nhiên đó trở thành thánh chỉ. Vì vậy, cái "Chí Phèo" kia, cái chửi bới khinh người khinh đời kia, thực ra chỉ là cách để họ trấn an bản thân, để họ tự vuốt ve cái tôi của họ, khi mà xung quanh toàn là những người giỏi hơn họ, tốt hơn họ. Trong trường hợp của ba, người giỏi hơn đó là mẹ mình. Chưa kể, chính bởi cái tính Chí Phèo của họ, mà mỗi khi họ làm điều gì đó đúng đắn, đáng được khen ngợi, thì không ai muốn nói ra hay công nhận chúng, chỉ bởi vì mọi người biết những khoảnh khắc 'lóe sáng' đó rồi sẽ sớm nhường chỗ cho những câu chửi, rủa mắng. 
Cũng chính bởi vì thế, có lẽ cho tới tận cuối đời, họ sẽ không bao giờ chịu nhận sai hay chịu học cách ăn nói nhẹ nhàng hơn. Nếu đã không ai cho họ sự tôn trọng, không ai công nhận họ thì họ phải tự gồng lên và cứu lấy cái tôi của mình, đúng không? Nhận thức được điều đó, mỗi khi mình làm điều gì đó có liên quan tới ba, mình đã thay đổi cách nói để vuốt ve cái tôi đó của ba, từ đó ít xảy ra cãi vã hơn.
Cụ thể hơn, ngay cả khi mình biết mình sẽ làm điều đó dù ba có đồng ý hay không, mình vẫn sẽ trình bày cụ thể với ba về nó, hỏi xem ba thấy thế nào, và xin phép sự đồng ý của ba. Điều này thực sự làm ba cảm thấy ba được tôn trọng, và dù sau này mình có muốn biến tấu đi một chút thì ba cũng không còn chửi ầm ĩ lên nữa, bởi lúc này nó đã là "ý kiến của ba". Nếu mình muốn ba thực hiện một hành động gì đó, mình nhắc tới những việc tương tự ba đã làm trước đây, khen ngợi nó, và nhấn mạnh rằng mọi người đều rất thích và cám ơn ba vì chúng, để ba có động lực làm điều đó hơn. 
Ba có còn khẩu Xà không? Còn. Còn luôn đặt mình vào vị trí nạn nhân, đổ hết lỗi cho người khác khi cảm thấy không có ai yêu thương mình không? Còn. Có còn "Tao chẳng bao giờ sai. Là do bọn mày ngu" không? Còn. Nhưng hiện giờ, thay vì không còn ai có thể khuyên bảo được gì, thì đã có mình nói và ba nghe. Mình từ một thằng bị coi là trẻ con không biết gì, giờ đây đã trở thành một cầu nối giữa một người toxic và hai người đã từ bỏ, để giữ gia đình mình vẫn là một gia đình. 
Nếu bạn cũng có một người bố như vậy, hãy cố gắng tìm hiểu lý do tại sao bố mình lại trở nên như vậy. Đừng mải phản ứng với những lời khó nghe của họ. Hãy dành những lúc bình tâm để phân tích, nghĩ cách tiếp cận mới, và thử chúng với bố xem. Việc đó chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng đừng bỏ cuộc. 
Hay nói chính xác hơn, khi nói về việc cố gắng thay đổi bố mẹ, bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc không bỏ cuộc. Bạn không bao giờ có thể mặc kệ bố mẹ của mình, và bạn có nghĩa vụ phải phụng dưỡng bố mẹ dù mối quan hệ của bạn với họ có xấu xí thế nào. Vậy thì chi bằng trong lúc phụng dưỡng, ta cố làm cho nó bớt xấu xí hơn, còn hơn là vừa phụng dưỡng vừa để mặc cho cái xấu xí đó làm bạn thêm giận dữ, thêm tổn thương, đúng không? 
***Nếu bạn chọn bỏ cuộc với việc thay đổi bố mẹ mình, it's okay. Có thể họ thực sự là những người toxic và không xứng đáng nhận được yêu thương của bạn. Nhưng hãy chắc chắn bạn đã hoàn thiện đầy đủ bổn phận làm con để lương tâm cũng như người đời không có gì để chê trách nhé.
Chúc các bạn một năm mới có nhiều tiến triển mới với bố mẹ của mình :D
Kênh Youtube Đàn Ông Học:
Facebook Group Đàn Ông Học: