TỐI GIẢN VIỆC HỌC
Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về việc học ồ ạt và hành trình tối giản việc học
Câu chuyện 1: Một bạn sinh viên gửi cho mình một cái clip quay màn hình điện thoại về các ứng dụng học ngôn ngữ mà bạn đó mới tải về với câu hỏi “Cô ơi, trong mấy cái app này thì nên học những cái nào ha cô?”. Trong số đó, ngoài tiếng Anh là chuyên môn của mình thì bạn ấy còn có thêm các app học tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật nữa. Nhiều tới nỗi bạn ấy thấy quay clip tiện hơn là chụp màn hình –> Mình hỏi lại bạn về mục đích học TA vì dù có vẻ rất siêng, bạn vẫn chưa làm các bài tập mà mình giao trước đó cả nửa tháng.
Câu chuyện 2: Một chị bạn của mình liên tục tham gia các khóa học, hội nhóm nào cũng thấy có mặt, ngày nào cũng thấy đăng stt đang học online… nhưng cả năm nay mình hỏi chị học được gì rồi thì chị ấy hầu như không thể nói rõ chị đã học được cái gì, cũng chẳng thấy tiến bộ gì hơn trong các mặt. Cuối cùng chị quay lại hỏi mình “em ơi, học xong rồi thì mình nên làm gì”????
Câu chuyện 3: Chính bản thân mình – mình có tài khoản trên 3 website học trực tuyến khác nhau, mỗi tk có vài khóa học, tổng trị giá hơn 5 triệu nhưng MÌNH CHƯA HỌC ĐƯỢC 1/3; máy tính của mình có folder TỰ HỌC trong đó lưu đầy các kiến thức cóp nhặt từ đủ nguồn… mà sau khi cóp nhặt về chật cả máy thì chưa biết khi nào mình mới xem lại hoặc học chính các tài liệu ấy. Còn điện thoại thì có tầm 20 ảnh chụp màn hình công thức nấu ăn, clip tiktok, subscribe sương sương 10-20 kênh youtube dạy đủ thể loại từ ngôn ngữ tới may vá, vẽ tranh, tết tóc… Mọi người có thấy quen quen không? Có ai cũng giống mình không?
Khi mình và mọi người quanh mình bắt đầu loạn thông tin và hoang mang về khối tài sản kiến thức khổng lồ đó, mình chợt nhớ lại cách đây 15 năm khi mình còn là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh. Việc có được 1 cuốn giáo trình hay là khá khó nên chỉ chuyên tâm học một cuốn đó tới nát cả sách, xước hết cả đĩa mà tất cả kiến thức trong đó tới giờ mình vẫn còn nhớ. Trong khi những kiến thức nóng hổi như cà muối xổi thì mình quên ngay. Cuối cùng mình quyết định phải nghĩ cách và thực hành việc HỌC TỐI GIẢN – CHẤT LƯỢNG thay vì SỐ LƯỢNG và sau đây là hành trình 3 tháng suy nghĩ, đúc kết và thực hành của mình, có thể hoàn cảnh của mình giống hoặc khác mọi người, nhưng hi vọng những bước cốt lõi chính có thể mọi người áp vào hoàn cảnh của chính mình và thay đổi phù hợp được.
BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH MÌNH MUỐN HỌC CÁI GÌ VỚI NGUYÊN TẮC 3-3
Với 1 đứa ham học hỏi kiểu nửa vời như mình thì cái gì mình cũng muốn học nhưng mình không có thời gian nên mình không thể học tất cả, và thậm chí không thể học những môn đòi hỏi quá nhiều sự đầu tư về thời gian, dụng cụ và công sức. Sau khi suy nghĩ mình quyết định chia các môn thành 3 nhóm: chuyên môn, sở thích và phát triển bản thân. Trong mỗi nhóm có thể có nhiều môn:
CHUYÊN MÔN: Học phát âm, IELTS, viết học thuật, từ vựng cao cấp, biên phiên dịch…
SỞ THÍCH: Học vẽ, nấu ăn, đàn, nhảy, trang điểm, may vá …
PHÁT TRIỂN BẢN THÂN: học cách chơi với con, cách thiền và cân bằng cảm xúc, kỹ năng mềm, thể thao, sống tối giản…
Trong số các môn này, mình chọn ra CHỈ MỘT MÔN cho mỗi nhóm để học. Mình chọn con số 3 với ý nghĩa về sự cân bằng: Chuyên môn cần cho công việc và tài chính của mình, sở thích là để yêu thương chính mình và phát triển bản thân vừa là vì chính mình, vừa là vì gia đình nữa. Mọi người có thể có lựa chọn nhóm và môn học với lý do của riêng mình, nhưng mình rất khuyên mọi người hãy nghĩ đến sự cân bằng.
Tới đây, mình muốn nói kỹ hơn về những khóa học và lượng kiến thức khổng lồ trên mạng. Hàng ngày mình lên mạng gặp rất nhiều quảng cáo về các khóa học mới, các chia sẻ công thức hay các bài học hay. Cảm giác luôn muốn lưu về máy hoặc tham gia học ngay không lại lỡ mất ưu đãi, hoặc công thức hay mà sau này có thể không tìm lại được. Lúc này, mình phải tự nhắc nhở bản thân rằng trong cái kho tàng cá nhân của mình đang có sẵn bao nhiều là thứ rồi mà mình đã đụng đến đâu, trong đầu mình hiện lên hình ảnh các folder, các khóa học như những khối hộp nặng nề mà mình cần giải quyết, và rằng mình đã xác định được môn học rồi, cứ thế dần dần mình bỏ bớt được cái ham muốn lưu về, tải về, mua về và tập trung hơn cho những thứ mình đã có sẵn.
BƯỚC 2: XÁC ĐỊNH THỜI GIAN HỌC
Mình luôn ước gì mình đã biết đến và thực hành sống tối giản từ khi mình còn độc thân thì có lẽ mình đã học được nhiều hơn. Hiện nay mình đang làm mẹ 2 bé nhỏ, làm 2,3 công việc cùng lúc nhưng mình may mắn đã tối giản được khá nhiều việc nên thời gian một ngày của mình dôi ra khoảng 3 tiếng đồng hồ đủ để mình học 3 môn mà mình đã chọn. cụ thể:
- Sáng 4h30 – 5h30: Mình học về CHUYÊN MÔN – cũng là công việc chính của mình. Thời gian này khá yên tĩnh nên mình học hiệu quả hơn rất nhiều.
- Tối 8h – 9h: Sau ca làm việc buổi tối, mình bắt đầu học môn thuộc về SỞ THÍCH. Mình thường kéo các con học cùng để tranh thủ học và chơi với con luôn. Các cháu cũng rất thích các môn giống mẹ hoặc phụ mẹ. Mẹ làm bánh, con sẽ nhồi bột, đánh trứng… Còn môn nào con không hứng thú thì các cháu sẽ tự học môn mình thích.
- Tối 10h-11h: Sau khi đã cho con đi ngủ, mình lại có thêm thời gian rảnh, lúc này mình sẽ chọn học để PHÁT TRIỂN BẢN THÂN. Thời điểm này cũng rất yên tĩnh và tập trung, cũng là lúc để mình có thể liên kết những điều mới học với chính bản thân và những việc đã làm trong ngày.
Tuy nhiên, mình học thường không hết 1 tiếng đâu, chỉ khoảng 45p cho mỗi môn thôi, còn thì mình nghỉ ngơi hoặc xem lại thành quả học tập. Theo bài Tedtalk của diễn giả Josh Kaufman, nếu mình học thật tập trung 45 PHÚT mỗi ngày trong vòng 1 THÁNG (tức là khoảng 20 giờ liên tục) mình sẽ nắm được những cái căn bản nền tảng nhất của mọi môn học.
Sau 1 tháng thực sự chuyên tâm, có một số môn (như luyện viết học thuật, vẽ hay đàn piano) mình quyết định theo đuổi lâu dài vì khi nắm được cốt lõi, mình thấy môn đó rất hay và mình đã vượt qua được giai đoạn khó đầu tiên. Trong khi đó một số môn khác mình dừng lại ở cấp độ cơ bản và chỉ định kỳ luyện tập lại, như học làm bánh chẳng hạn. Một tháng là mình làm được các loại bánh cơ bản nên sau đó chỉ làm lại các loại đã học cho thật quen.
BƯỚC 3: XÁC ĐỊNH TÂM LÝ KHI HỌC
HỌC LÀ HỌC. Với việc xác định cái cần học bên trên, mình thấy bản thân tập trung hơn rất nhiều. Trước đây mình hay tranh thủ kết hợp những việc tay chân không đòi hỏi suy nghĩ quá nhiều với việc học, như: phơi đồ, rửa chén, cọ toilet, gấp đồ, lau quét nhà…+ nghe audio/ xem video bài giảng. Nhưng mình nhận ra mình làm cho cả 2 loại công việc đó kéo dài ra thêm mà không nhớ được gì nhiều từ bài học. Mình quyết định là sẽ dành môn và mình muốn học thực sự vào khoảng THỜI GIAN HỌC để tập trung tuyệt đối cho việc học. Còn trong lúc làm việc nhà mình sẽ nghe nhạc nhẹ hoặc nghe gì không khiến mình phải suy nghĩ liên hệ bản thân quá nhiều để có thể tập trung hơn cho công việc chính. Đây cũng là một quan điểm tối giản phải không: THỰC SỰ TẬP TRUNG CHO VIỆC MÌNH LÀM.
Khi học, mình ghi chép bài cẩn thận, có làm bài tập, có chia sẻ lại theo cách hiểu của mình và có liên hệ so sánh bản thân để nhớ lâu hơn.
Hiện nay mình dần dần giải quyết được ĐỐNG khóa học mà mình đã đăng ký và lưu lại. 3 tháng hiệu quả hơn rất nhiều so với 1,2 năm trời để không trước đây. Mình cũng không còn chăm chăm sưu tầm các khóa học mới hay lưu các thông tin khác nữa. Mình cũng thường xuyên chia sẻ lại những gì mình học được trên trang cá nhân để là một cách mình ôn bài và nhớ được kiến thức đã học. Hi vọng mọi người có thể tham khảo 3 bước mà mình đã nêu trong bài: XÁC ĐỊNH MÔN HỌC, THỜI GIAN HỌC VÀ TÂM LÝ KHI HỌC. Nếu có thêm lưu ý nào khác mong các anh chị chia sẻ thêm với mình nhé. Love you!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất