Kết quả hình ảnh cho làm việc online
Nói thật là chưa có năm nào lại kỳ cục như năm nay. Giao thừa mồng một thì mưa đá, tết ra lại dính em Cô Vy khiến học sinh, sinh viên có một kỳ nghỉ Tết chưa từng có trong lịch sử. Doanh nghiệp thì đình trệ, người lao động thì thất nghiệp (với những công ty cho nhân viên nghỉ dịch), học sinh, sinh viên thì "thất học" ở nhà. Mỗi ngày xem thời sự, đài báo, cập nhật tình hình mà cứ sởn cả gai ốc, chẳng dám đi ra ngoài, đành lại nhốt mình trong căn phòng quen thuộc. Hẳn là mấy ngày này, đa số mọi người đang cảm thấy vô cùng chán nản khi không làm được gì nên hồn. Đồng hồ sinh học bị thay đổi, cơ thể cũng trở nên trì trệ hơn. Học tập, làm việc online cũng có nhiều bất cập, không quy củ như khi đến trường, đến lớp. Có những người rơi vào cảnh một ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng hoặc ngược lại, ngủ 12-15 tiếng một ngày; dậy lại không biết làm gì, loanh quanh đến bữa ăn cơm rồi lại đi ngủ. Thế là sau thời gian nghỉ dịch, bạn bè và đồng nghiệp sẽ thấy một con heo lăn đến công ty.
Phải nói thật tôi là một đứa khá thích ở nhà, một phần là do tôi là người hướng nội. Lúc đầu tôi cũng hoang mang lắm, nhưng sau cũng bình tĩnh lại mà kiếm việc làm trong thời gian nghỉ dịch cho đỡ chán. Sau đây là những việc tôi đã làm để giết thời gian mùa dịch:
1. Học online
Vì tôi vẫn còn là học sinh, kỳ nghỉ kéo dài nên nhà trường cũng xếp lịch học online cho từng lớp. Trước và sau giờ học có điểm danh nên việc tham gia lớp học gần như là bắt buộc. Nhìn chung thì việc này chiếm khoảng 2-3 tiếng một ngày tuỳ số lượng các môn. Việc học này đảm bảo vẫn theo kịp tiến độ chương trình, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như đường truyền kém (đợt này mạng mẽo không ra sao cả), thời gian giới hạn, một số học sinh không có ý thức, đặc biệt là hình như đợt này giáo viên tưởng học sinh rảnh nên thi nhau cho bài tập, từ môn chính đến môn phụ, chắc thiếu mỗi môn thể dục không giao bài. Dù sao thì việc học online cũng khiến học sinh bớt lo lắng, bớt quên cách cầm bút khi lâu ngày chưa đến trường, nên đối với tôi thì nó cũng không nặng nề lắm (mặc dù làm bài tập, báo cáo sấp mặt). Nếu bạn là người đã đi làm thì bạn cũng có thể đăng ký một khoá học online nào đó về lĩnh vực mình muốn tìm hiểu cũng được.
2. Kiếm việc làm
Nhiều người sẽ hỏi tôi: Học sinh thì kiếm việc làm gì? Mà mùa dịch thế này thì làm được gì? Thật ra thì tôi có đề cập đến việc đi làm trong bài "Ta chọn sống như người trưởng thành từ năm bao nhiêu tuổi?", và càng ngày, tôi càng nhận thức rõ hơn về việc đi làm sớm. Tôi join rất nhiều các group việc làm, đến độ news feed Facebook của tôi chỉ toàn là tin tuyển dụng, bên cạnh tin về dịch bệnh Covid-19. Công việc mà tôi chọn đó chính là biên dịch tiếng Anh và viết content. Tôi làm công việc này vì ba mục đích. Một là để cải thiện tiếng Anh của mình và trau dồi, học thêm một kỹ năng mới là viết content chuẩn SEO. Hai là tôi lấy kinh nghiệm, sau này có cái gì đó để viết CV xin việc làm. Về kinh nghiệm thì cũng may rủi, tôi không biết bạn thế nào, nhưng với tôi, phải may mắn lắm tôi mới bắt được job không yêu cầu kinh nghiệm viết content, hoặc là chỉ cần làm bài test. Tất nhiên, bạn có thể nghĩ những việc viết content như vậy thường không ổn định, lâu dài và thường có quy mô nhỏ. Đúng, tôi không phủ nhận điều đó, nhưng với một đứa lần đầu viết content SEO như tôi thì đầu tiên phải đi những bước nhỏ trước, rồi mới đến bước lớn hơn, và quan trọng là tôi dám thử và vượt qua lần đầu tiên. Việc viết content chỉ là công việc phụ, còn công việc tôi dành nhiều thời gian làm hơn cả đó chính là biên dịch. Việc này rất có ích, nó không chỉ giúp bạn cải thiện kỹ năng tiếng Anh mà còn đem lại cho bạn một khoản thu nhập nho nhỏ. Hơn nữa, hai công việc này không bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19 nên cũng khá tiện lợi. Lý do thứ ba tôi làm việc trong thời gian này là để sau này học đại học hạn chế tối đa làm những công việc như rửa chén, phục vụ quán ăn,...Tôi không thể nói trước được điều gì, nhưng nếu có cơ hội, có việc làm khác, chắc tôi sẽ không đi làm những công việc đó, còn nếu không có cơ hội, phải làm những việc đó thì tôi vẫn làm, nhưng có lẽ không thích lắm. Nói thế không có nghĩa là tôi không tôn trọng hoặc coi thường những công việc và những người làm chúng (tôi luôn tôn trọng mọi công việc, miễn là nó chân chính). Chỉ là tôi cảm thấy, những công việc đó tuy có dạy bạn một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp, biết quý trọng sức lao động và đồng tiền hơn, và nó còn giúp bạn kiếm thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống, nhưng có một sự thật là nếu chỉ làm thêm những công việc đó mà sau này bạn không có ý định theo đuổi chúng như một nghề chính thì lúc đi xin việc, phần kinh nghiệm trong CV của bạn chắc sẽ trống trơn, hoặc là ít. Mà giờ thì nhà tuyển dụng nào cũng cần ứng viên có kinh nghiệm cả, chẳng hạn như việc biên dịch hay viết content mà tôi đang làm, sau này làm được lâu lâu sẽ có kinh nghiệm hơn, có thể sẽ nhận được những cơ hội tốt hơn. Thậm chí là kể cả bạn không theo ngành biên dịch mà theo ngành khác như y, kinh tế,... thì trong quá trình biên dịch, viết bài, hoặc làm bất cứ việc gì khác liên quan đến ngành như tham gia các dự án, làm thực tập sinh,..., bạn cũng có một lượng kiến thức nhất định, có thể không là gì so với thiên hạ, nhưng ít nhất, nó cho thấy bạn là người có tinh thần tự lập, luôn trau dồi và hoàn thiện bản thân mình. Ngoài ra, việc đi làm sớm còn khiến cho bạn làm quen với môi trường công sở, tác phong, thái độ, và tư duy của những người đi làm. Điều này cũng khiến chính bạn trở nên chuyên nghiệp và trưởng thành hơn. Có một câu chuyện mà tôi rất để ý khi ứng tuyển các vị trí thế này: đó là khi bạn cần inbox cho người đăng tin tuyển dụng để hỏi rõ hơn về công việc, thay vì đánh máy hẳn câu "Anh/chị check ib giúp em nhé!" thì nhiều bạn chỉ đánh mỗi chữ "Ib", hoặc thậm chí tệ hơn là đánh đúng một dấu chấm. Tôi thì chưa có tư cách để phán xét ai cả, nhưng theo tôi thấy, thái độ của các bạn trong vai người đi tìm việc làm như vậy không khác gì bố thiên hạ cả. Nếu là tôi trong vai người tuyển dụng, chắc chắn đó là những ứng viên tôi loại ngay đầu tiên. Đi làm rồi bạn mới thấy, mình chỉ là hạt cát giữa sa mạc, và luôn phải cố gắng để hoàn thiện bản thân mình hơn mỗi ngày. Môi trường làm việc không cho phép bạn có thái độ lồi lõm với bất kỳ ai, càng không cho bạn cái quyền được tự cao hay lên mặt với người khác.
3. Giải trí
Giải trí ở đây bao gồm các việc như ngủ, ăn, đọc sách, xem phim, với một số người còn có cả tập yoga, thiền,...Tất nhiên là tôi không ngủ nhiều đến mức 12-15 tiếng một ngày, cũng chẳng ít đến mức 2-3 tiếng, nhưng những ngày này là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để ta nghỉ ngơi và thư giãn trước khi quay lại với vòng xoay của cuộc sống. Bạn có thể đọc một cuốn sách, xem một bộ phim mình yêu thích, thiền,..., vừa để cân bằng và thả lỏng tâm hồn, vừa để tiếp thu được cái gì đó mới mẻ cho cuộc sống đỡ nhàm chán. Tôi vẫn cố giữ cho mình thói quen ăn ngủ như khi đi học, hoặc là dậy muộn một chút cũng không sao (khi đi học tôi dậy từ 6h sáng thì những ngày này tôi ngủ đến 7h thì dậy), cốt để làm sao người mình không bị quá mệt mỏi hay trì trệ.
Đó là một vài việc nho nhỏ tôi đã làm trong kỳ nghỉ kéo dài về dịch bệnh để trau dồi bản thân cũng như khám phá ra điều mới. Mong rằng mọi thứ đều bình an, nhà nhà đều khoẻ mạnh, và học sinh, sinh viên, người đi làm sẽ sớm được đi học, đi làm trở lại.