TÔI ĐÃ BẮT ĐẦU ĐI LEO NÚI NHƯ THẾ NÀO? (PHẦN 1)
Gần như không cần chuẩn bị gì cả. Mặc quần lửng, áo thun, đội nón và đi xăng-đan, có lẽ vậy, đó là những gì tôi thấy trong tấm ảnh...
Gần như không cần chuẩn bị gì cả. Mặc quần lửng, áo thun, đội nón và đi xăng-đan, có lẽ vậy, đó là những gì tôi thấy trong tấm ảnh chụp mình hồi nhỏ. Thật khó để nhớ đâu là chuyến đi leo núi đầu tiên. Hồi đó gia đình tôi sống gần một ngọn núi, người ta đã xây bậc thang để leo lên đỉnh một cách dễ dàng, nếu muốn đi xa hơn, đến những thác nước thì không có đường đi bằng phẳng, nhưng vẫn có lối mòn để ngay cả trẻ em cũng có thể đi đến dưới chân thác. Tất nhiên là các bậc cha mẹ sẽ không đồng ý để con cái mình tự đi leo núi và nhất là đi chơi thác, thế nhưng từ khi còn học tiểu học thì tôi và chúng bạn đã đi đến đó không biết bao nhiêu lần. Việc đi leo núi là một điều quen thuộc với trẻ em ở chỗ tôi, và tôi đã bắt đầu đi leo núi như thế.
Nhưng đó là với ngọn núi gần nhà, nó chỉ cao một chút thôi, đoạn đường di chuyển cũng ngắn, và có rất nhiều người thường xuyên qua lại nên nếu có gặp một sự cố nho nhỏ nào đó thì khả năng được giúp đỡ cũng rất cao (mặc dù địa hình đơn giản nhưng có lần chúng tôi đã đi lạc trong khoảng 20 - 30 phút gì đó, trong điều kiện nắng gắt và chẳng ai mang theo nước uống cả). Thế nhưng nếu chúng ta muốn leo một ngọn núi khoảng chừng gần 1000 mét, như núi Bà Đen (Tây Ninh) hay núi Chúa Chan (Đồng Nai) chẳng hạn, hoặc một chuyến đi bộ trên những triền núi dài đằng đẵng hơn 30 ki-lô-mét đi qua hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, hoặc chúng ta muốn qua đêm ở trong rừng 2-3 hoặc thậm chí một tuần lễ… tại những nơi này sẽ có ít người sinh sống, qua lại; sẽ có ít hoặc thậm chí chẳng có ai mở dịch vụ cung cấp thực phẩm, nước sạch, y tế, chỗ trọ; những nơi này cũng không có điện, mạng internet, sóng điện thoại… Nếu vậy thì một chiếc quần lửng, một cái áo thun, một cái nón và một đôi xăng-đan là chưa đủ để có thể hoàn thành chuyến đi của mình một cách an toàn, và không cần nhờ đến sự giúp đỡ của những người khác (nếu may mắn là vẫn có người xuất hiện ở đó). Cho dù là một bậc thầy với những kỹ năng sinh tồn thượng thừa thì cũng rất khó để hoàn thành chuyến đi và trở về an toàn với sự chuẩn bị hành trang như thế.
Vậy chuẩn bị như thế nào là đủ? Có một số yếu tố mà chúng ta sẽ cần lưu ý khi chuẩn bị hành trang cho mình, như là nơi sẽ đến, điều kiện thời tiết, mục đích của chuyến đi, thời gian sẽ ở lại trên núi hoặc thời gian di chuyển, số lượng người tham gia, kinh nghiệm của bản thân, sức khỏe, khả năng thích nghi, tài chính,… Có một số vật dụng và kỹ năng cơ bản mà mỗi người leo núi hay đi bộ đường dài cần có, thế nhưng dựa vào những yếu tố vừa nêu mà mỗi người sẽ có thể quyết định mang thêm hay bớt đi những gì, có nên chọn những vật dụng đa năng hay đơn năng, mua vật dụng đắt tiền hay rẻ thôi…
Trong bài viết tới, tôi sẽ chia sẻ về chuyến đi leo núi Lang Biang đầu tiên của mình và những gì tôi đã chuẩn bị (thông tin, vật dụng) để hoàn thành chuyến đi đó trong 1 ngày, cùng với những lo lắng khi lần đầu tiên leo một ngọn núi cao hơn 2000 mét, có khí hậu se lạnh và địa hình tương đối phức tạp như Lang Biang.
Du lịch
/du-lich
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất