Như đã nói ở phần 2, mỗi môn học ở trường ĐH thường chỉ có 1 buổi lecture và 1 buổi tutorial cho 1 tuần. Trung bình, một kỳ một sinh viên thường có 4 môn. Như vậy cả 1 tuần của 1 kỳ, sinh viên chỉ có 8 buổi học. Để thuận tiện cho việc đi lại, đa số sinh viên đều cố gắng sắp xếp lịch học sao để số lần phải đến trường là ít nhất. Để tiết kiệm thời gian hơn nữa, nhiều du học sinh còn cẩn thận xem xem lớp nào không đánh điểm danh để trốn luôn (cái này chắc giống VN ^^). Kinh nghiệm khi đi học là, nếu trốn thì trốn lecture, đừng trốn tutorial, vì những lớp tutorial có quy mô nhỏ, tiện cho bạn đặt câu hỏi nếu bạn có gì thắc mắc ở những slides của lecture. Đây cũng là nơi để bạn xin feedback của những trợ giảng cho bài assignment của mình, vì vậy rất hữu ích nếu bạn muốn qua môn. 
Một lớp có nhiều Tutorial class cho bạn chọn
Theo lẽ thường, sinh viên sẽ muốn chọn trọ ở chỗ gần trường để thuận tiện việc tới trường, nhưng giá trọ những nhà như vậy khá đắt, chưa kể đa phần là nhà cũ và nhìn khá là .... tù túng. Ai có thể sắp xếp và giảm thiểu được số buổi phải tới trường thì có thể lựa chọn những khu xa hơn, giá thuê rẻ hơn mà nhà mới hơn. Như vậy thì dù có phải mất tới 1 tiếng mới tới trường thì cũng gọi là ổn, bởi 1 tuần chỉ phải làm vậy 2 -3 lần. Thời gian còn lại sinh viên sẽ dành để đi làm thêm. 
Nói tới việc làm thêm, du học sinh Việt ở đây thường có 2 chiều hướng: một là những người không biết hoặc kém tiếng Anh sẽ chọn đi làm cho business của người Việt, hai là những người tự tin vào tiếng Anh sẽ muốn đi làm ở chỗ Tây. 
Khác biệt giữa việc làm cho người Úc và làm cho người Việt là khá nhiều. Xin liệt kê vài điểm sau:
- Lương: trên visa của du học sinh ở Úc có ghi điều kiện "Cho phép du học sinh làm việc không quá 20 tiếng/tuần". Vậy làm thế nào để chính phủ biết du học sinh đó làm bao nhiêu giờ? Câu trả lời là qua việc đóng thuế hay không khi bạn đi làm. Nếu bạn có đóng thuế, thì số giờ bạn làm, thu nhập bạn có, lượng thuế phải trả đều ghi lại trên sở thuế, từ đó người ta có thể theo dõi được số giờ bạn làm. Và để làm được điều đó, lương của bạn phải được chuyển thẳng từ chủ lao động vào tài khoản ngân hàng của bạn. Đó cũng được dùng làm chứng cứ để chứng minh bạn đã làm ở cửa hàng/doanh nghiệp đó một cách hợp pháp, từ đó trao cho bạn quyền được trả lương ít nhất là bằng với mức lương tối thiểu của Úc (dao động từ $19 tới $22/h trước thuế tùy vào kinh nghiệm, chủ doanh nghiệp). Ngược lại, nếu bạn chọn công việc trả lương bằng tiền mặt (cash), những lần trả lương đó sẽ không được ghi lại vào bất cứ đâu, tương đương với việc chính phủ sẽ không thể biết được bạn làm bao nhiêu giờ, từ đó cho phép du học sinh "làm lậu" và hơn số giờ quy định. Chính bởi vì "ưu thế" đó, các chủ doanh nghiệp Việt thường chỉ đưa ra mức lương trả cash xuống còn khoảng $12-$15/h (có nơi thấp hơn). Về mặt luật pháp, lương dưới mức lương tối thiểu là sai, nhưng vì việc "làm lậu" cũng sai, nên cũng không ai dám phàn nàn gì. Có cầu thì có cung. Những người chọn làm lương thấp trả cash nhưng nhiều giờ có khi lại kiếm được nhiều hơn nhiều so với người làm đủ số giờ mà trả thuế. 
Mặt khác, cũng vì thỏa thuận trong những công việc trả cash hoàn toàn bằng miệng, nên sẽ khó có thể chứng minh được bạn thực sự đã từng làm ở đó. Vì vậy, đáng buồn là việc bị chủ Việt quỵt tiền lương, dù là lương thử việc, diễn ra không hiếm ở Melbourne. Về mặt lý thuyết, các du học sinh khi rơi vào hoàn cảnh này hoàn toàn có thể kiện chủ doanh nghiệp (và được hỗ trợ miễn phí khi kiện bởi tổ chức hỗ trợ sinh viên quốc tế), nhưng điều đó cũng tương đương với việc báo cho chính phủ rằng "Tôi đang làm quá số giờ quy định". Vì vậy đa phần những trường hợp như vậy chỉ bóc phốt trên hội sinh viên, gây sức ép với chủ để chủ trả hết tiền nợ lương là xong. Ai hiền quá thì thôi, coi như ngu phí. Việc này khó xảy ra ở những công việc có trả thuế đàng hoàng, vì mọi thứ đều được ghi lại rõ ràng giấy trắng mực đen. 
Có một dilemma cho các chủ doanh nghiệp Việt khi nói tới vấn đề lương mà mình đã nhắc tới ở bài Những Sai Lầm Du Học Sinh Úc Dễ Mắc Phải. Các bạn có thể đọc để hiểu thêm.
Nếu các sinh viên làm đúng số giờ quy định ở một nơi có trả thuế, tức 20h/tuần (khi được nghỉ ở trường thì được làm full time), thì cuối năm, tổng thu nhập trước thuế của các bạn thường dao động từ $18,000 tới hơn $20,000 một chút, tùy vào số giờ bạn làm. Mà dưới $18,200 thì bạn không phải trả thuế. Trên $18,200 thì sẽ đánh thúe 19c trên mỗi $ vượt quá $18,200.
Mức thuế cho năm tài chính 2020-21.
Điều này cũng có nghĩa, các bạn sinh viên khi làm part-time ở một nơi có trả thuế sẽ phải đóng thuế rất ít. Như vậy, phần thuế tự động được trích ra để trả cho chính phủ mỗi lần bạn nhận lương, vào cuối năm tài chính, sẽ được trả lại hết hoặc gần hết cho các bạn. Những năm mình còn làm part-time, năm nào mình cũng lấy lại được khoảng $4-5000 tiền thuế. 
Vì vậy, về mặt thực tế, có những bạn làm trả cash cật lực nhiều ngày/tuần có khi thu nhập vẫn không bằng những bạn làm trả thuế 3-4 buổi/tuần. 
- Công việc: mọi công việc mình từng làm thời sinh viên may mắn đều là chỗ làm trả thuế. Nói may mắn là bởi, ở những chỗ làm như vậy, mọi vị trí công việc đều có ghi rõ ràng những nhiệm vụ (tasks) mà bạn sẽ phải làm khi nhận vị trí đó. Đồng nghĩa với việc bạn có quyền từ chối làm task không có trong thỏa thuận ban đầu (nhưng thường giúp được gì thì sẽ giúp, chỉ là không giúp thường xuyên vì đó không phải việc của mình). Kể cả chủ doanh nghiệp có ghét bạn vì điều đó, họ cũng không thể dùng nó làm lý do để đuổi bạn. Ví dụ hồi mình xin việc ở một nhà hàng của Tây ở vị trí bồi bàn, họ nói ngoài việc mang đồ ra cho khách, mình sẽ còn phải làm các món dessert cũng như lau dọn khu vực mà mình phụ trách vào cuối ngày. Mình thấy những tasks đó là hợp lý và nhận việc. Khi mình làm, mình chỉ việc làm đúng những gì họ đã yêu cầu. Mình không phải rửa bát, không phải phụ rửa rau hay cắt thịt. Người làm trong bếp cũng sẽ không phải đi cọ nhà wc. Ngay cả khi mình rảnh, mình chỉ lượn qua lại khu vực mình phụ trách để xem xem mọi thứ đã ok chưa, chứ tuyệt nhiên không có ai ở bộ phận khác nhờ mình làm phần việc của họ, và chủ cũng không mong đợi mình làm điều đó.
TGI Fridays Menu, Menu for TGI Fridays, Epping, Melbourne
TGI Fridays - Nơi mình từng làm bồi bàn.
Điều này rất khác với các business có chủ là người Việt. Business của người Việt bên này tuy đa dạng, nhưng du học sinh Việt thường tìm tới xin việc chủ yếu ở nhà hàng hoặc tiệm nail, nơi yêu cầu về kĩ năng hay kinh nghiệm không nhiều cùng thời gian làm việc phù hợp với lịch học. Từ những câu chuyện được kể lại qua người quen hay hội sinh viên, có thể thấy ở những nơi này, du học sinh sẽ phải multitask rất nhiều. Dù là được tuyển vào làm bồi bàn nhưng khi rảnh cũng sẽ phải vào bếp phụ thái rau, rửa bát, xếp đồ v...v..... Điều tương tự cũng xảy ra ở các tiệm nail. Cũng như mọi thứ khác, vẫn có những chủ Việt đủ tốt để các bạn sinh viên giới thiệu nhau vào làm, nhưng số đó không nhiều.
Ngoài ra, cách thức training của 2 bên business cũng khác. Các business của Tây luôn có những chương trình training bài bản mà mọi nhân viên vào làm đều phải thực hiện qua cổng training online của doanh nghiệp đó. Chương trình này ngoài việc dạy cho bạn những kiến thức cần thiết cho công việc, còn dạy cho bạn cả cách sơ cứu khi xảy ra tai nạn ở chỗ làm, cách bạn ứng xử với khách trong những tình huống đặc biệt, và quan trọng nhất là những gì bạn cần làm để đảm bảo an toàn cho RIÊNG BẠN ở chỗ làm (cách đi lại, giầy phải đi giầy chống trơn trượt hoặc có mũi cứng để bảo vệ đầu ngón chân, phải hô to "Corner!" mỗi khi bạn đi tới một góc khuất nào đó để không bị va vào người khác v..v...). Những kĩ năng này được gọi là Occupational Health and Safety, hay OHS. Mình không biết là training về OHS có bắt buộc ở các business ở Úc hay không, nhưng 100% chỗ làm của Tây mình từng làm đều có khóa training ấy. Về luật, nếu doanh nghiệp không cung cấp đủ training về cách thức giữ an toàn nơi làm việc cho nhân viên, và nhân viên vì một lý do nào đó gặp tai nạn ở đó, thì nhân viên có thể kiện doanh nghiệp. Có lẽ vì vậy mà các công ty của Tây tốn rất nhiều tiền để thiết kế lên cả một hệ thống training rất phức tạp và chi tiết. Hồi mình làm bồi bàn ở TGI Fridays, mình đã phải mất tới 3 ngày để hoàn thành hết khóa training online của họ. Khi mình làm nhân viên bán hàng ở một cửa hàng nội thất, mình mất tới gần 1 tuần để hoàn thành nó, bởi nó còn bao gồm hàng chục video mà mình phải xem hết, trả lời câu hỏi thì mới được học tiếp.  
Và mình chưa thấy business Việt nào có cái đó cả. Nói trong phạm vi nhà hàng và tiệm nail của người Việt, mọi training đều diễn ra theo phương cách truyền miệng, chỉ tay chỉ chân chứ hoàn toàn không có khóa training chính thống nào, kể cả là làm có trả thuế đi chăng nữa (đương nhiên cũng không có OHS training). 
Header image for the site
Phở Chú Thể - Khá nổi tiếng ở khu người Việt ở Melbourne
Về mặt đãi ngộ, khi bạn đi làm trả thuế, tức bạn là một người lao động hợp pháp ở Úc thì bạn sẽ được hưởng những quyền lợi như bao người Úc khác. Bên cạnh việc có lương ít nhất là bằng mức lương tối thiểu, bạn còn có các loại nghỉ phép có trả lương, lương được nhân gấp rưỡi hoặc gấp đôi, gấp ba (tùy doanh nghiệp) khi đi làm vào những ngày lễ của cả nước (public holidays). Với các business Việt trả cash, điều này hầu như không xảy ra. Bạn nghỉ ốm tức là bạn không đi làm, bạn không đi làm thì bạn không có lương. Ngày lễ thì cũng trả như ngày thường, bạn không đồng ý thì vẫn có người khác sẵn sàng nhảy vào thay bạn.
Sự khác biệt này về mặt luật pháp rõ ràng là có đúng và sai, nhưng về mặt thực tế, khi ta chỉ quan tâm tới khía cạnh "làm được việc hay không", thì cả hai nhìn chung đều đem lại những kết quả như nhau. Như đã nói, có cầu thì có cung. Nhiều bạn sinh viên có cơ hội xin được việc làm ở chỗ có trả thuế, nhưng lại vẫn muốn đi làm trả cash vì cộng số giờ vào thì thu nhập tổng lại cao hơn chỗ trả thuế, chưa kể là còn không bị đánh thuế. 
- Cân bằng giữa việc học và làm: với số giờ làm giới hạn, khi đi làm ở chỗ trả thuế, bạn sẽ có nhiều thời gian cho việc học cũng như hưởng thụ cuộc sống hơn. Trung bình thu nhập sau thuế của một du học sinh khi đi làm trả thuế sẽ rơi vào tầm $1200 - $1500/tháng. Với số tiền này, bạn hoàn toàn có thể chi trả sinh hoạt phí và nếu biết tiết kiệm còn có thể để ra một ít cho mua sắm hay vui chơi. Không hiếm khi thấy nhiều bạn du học sinh sau một thời gian đi làm có thể tự mua được những thứ đồ đắt tiền như túi LV hoặc iPhone đời mới. 
Với những bạn cật lực đi làm trả cash, bên cạnh những bạn có lí do là kém tiếng Anh còn có những người có gánh nặng về kinh tế và mong muốn sẽ tự trả được hết hoặc phần lớn tiền học. Những bạn như vậy thường chọn những trường xếp hạng thấp, học phí rẻ, dễ học dễ qua môn để dễ bề trả tiền học. Luôn cố gắng xin làm càng nhiều càng tốt, họ thường sẽ không để ý chuyện học hành cho lắm. Chưa kể, vì phải làm nhiều giờ vất vả, khi về tới nhà, họ thường không có sức để học và làm bài, nên không ít trong số họ tìm tới các dịch vụ làm bài thuê cho những bài assignments của mình. Thu nhập của họ thường sẽ cao hơn các bạn trả thuế, bù lại là công việc thường vất vả hơn và phải làm nhiều giờ hơn. 
Kết
Sinh viên bên này khi đi làm thì chỉ có được 2 trong 3 thứ: Học hành - Tiền - Sức Khỏe. Muốn vừa học tốt vừa đi làm được nhiều tiền thì sẽ bị kiệt quệ về sức khỏe. Vừa có tiền vừa có thời gian nghỉ ngơi thì không có thời gian học. Và vừa muốn học tốt, vừa có đủ sức khỏe thì không đi làm được nhiều nên ít tiền. Nhìn chung ai đi làm thêm cũng có thể chi trả ít nhất là tiền sinh hoạt phí. 
Cá nhân mình sẽ khuyên các bạn sắp sang là, gia đình hãy chuẩn bị đủ tiền để bạn không phải chịu gánh nặng học phí, còn bạn thì hãy chuẩn bị đủ tiếng Anh để có thể đi làm ở những chỗ có trả thuế. Nếu gia đình cứ cố đấm ăn xôi, cứ vứt con sang và mặc định nó sẽ phải tự lo mọi thứ thì sẽ rất tội cho các bạn. Mình biết nhiều bạn dù chưa học xong cấp 3 mà đã phải ngày đi học, tối về làm tới tận 11h, cuối tuần làm cả ngày để chi trả học phí. Hỏi ra thì ăn uống tạm bợ, mặt mũi lúc nào cũng tối sầm lại vì mệt, và bạn bè thì không có nhiều vì chả đi chơi bao giờ. Nếu không có lý do gì bắt buộc phải sang Úc, thì hãy chờ cho tới khi có một nền tảng tài chính vững chắc và đảm bảo các bạn sang đây có thể học hành tốt và hiệu quả thì hẵng sang nhé.