Bạn bè đi chơi hết, tức mình hôm nay đi Nhà tù Hoả Lò.
Ở Hà Nội đến hơn hai thập kỷ rồi nhưng mình cũng chưa vào đây bao giờ. Hôm nay đi thì chủ yếu vì marketing trên social media của nhà tù quá xịn, còn thực tình mình chẳng đặt nhiều hy vọng đến thế.
Nhưng mà vào rồi mới thấy… vui, vui vì mình sai. Nhà tù được xử lý hết sức nghiêm cẩn và chuyên nghiệp. Hệ thống biển báo, đường đi lối lại được thiết kế cực kỳ thông minh, khiến khuôn viên được phép tham quan của nhà tù tuy không quá rộng nhưng lại có thể dành nhiều thời gian ở tất cả mọi nơi và không bỏ sót phần nào. Lúc mới vào có được “chào mời” tai nghe thông tin (50k/tai) để biết thêm nhiều thông tin bên lề mỗi cổ vật (gọi thế đúng không nhỉ?), rồi còn bị “doạ” là bên trong ít thông tin lắm. Nhưng thực ra, chỉ cần đọc không thôi cũng đủ khá nhiều thông tin về di tích rồi. Nhưng mình chắc chắn là tai nghe rất xịn, vì mấy bạn nghe đi sau mình cứ ồ oà mãi. Thôi nghèo thì đi theo cách người nghèo.
Một trong những điều làm mình thấy hơi khựng lại với cách truyền thông hóm hỉnh của Nhà tù Hoả Lò, là liệu khi vào bên trong rồi, các phương thức bố trí và thông tin có bị hóm hỉnh không cần thiết, không đúng chỗ quá không. Nhưng lo vậy là lo hão. Những thông tin bên trong và các hình ảnh, tư liệu đều được trưng bày, sử dụng hết sức cẩn thận, khoa học, ngắn gọn và đầy tôn trọng. Sự tôn trọng cũng chính là điều làm mình thích nhất trong chuyến đi này. Vào đây bạn sẽ tự nhiên nói nhỏ hơn, đi chậm hơn và nghĩ sâu hơn. Cách bày trí và những thông tin được đưa ra, như là ở khu Biệt giam, khu Tử tù, hay tượng những nữ tù nhân và trẻ em đều khiến mình có cảm giác kính nể những con người đã từng bền gan ở đây.
Lại nói về cách bày trí. Cách bày trí thật sự thông minh, vì khi vừa đi qua những khu tăm tối nhất cùng những số phận đau thương nhất ở khu Tử tù, lại có trưng bày những hình phạt dã man của thực dân Pháp với tù nhân, thì khu vực tiếp theo là một khoảng sân rộng. Giữa khoảng sân là hình ảnh Hồ Chủ tịch đang chỉ huy dàn nhạc, còn xung quanh vách tường là bao nhiêu chiến sĩ Cách mạng, những người ông, người cha của chúng ta, đã chịu tù đày nhưng vươn lên dưới bóng tối và sự lao khổ của “ngôi nhà của Người chết” (mượn tên tác phẩm của Dostoevsky).

Đọc thêm:

Tiếng nhạc Cách mạng rung trong gió. Nhìn từ khoảng sân bé, bên trên là khách sạn Hà Nội Sofitel. Đông Hà Nội đang tàn dần, cành cây vẫn khẳng khiu gầy nhưng trời đã xanh hơn bao nhiêu. Tiếng xe máy và ô tô dội lại từ xa, chẳng mấy tư lự như chính mình trước khi bước vào đây. Nhưng nào có hề gì. Mình  nghĩ, cha ông ta, những chiến sĩ đã chiến đấu, đã bị tống giam, đã vượt ngục dưới những đường cống ngầm tăm tối nhất, họ đã chiến đấu chính vì sự vô tư lự bây giờ. Sự vô tư lự của một nền trời hoà bình.
Mình bỗng nhớ lại cảnh cuối một series Anh quốc mà mình vô cùng yêu thích, Blackadder. Trong đó, Rowan Atkinson dẫn đầu một tiểu đội, chuẩn bị leo lên chiến đấu trong “Vùng đất không người” (No man’s Land) cuối chiến tranh thế giới thứ nhất. Cảnh họ leo lên trong làn đạn, dưới màu phim tối tăm được hoà dần vào trong cảnh một cánh đồng xanh thăm thẳm với những đoá hoa anh t.úc nở rộ… Cuộc chiến đã lùi ra xa, và nơi những con người xưa kia ngã xuống, nay đã là một trảng hoa. Mình xin được trích một đoạn trong bài thơ “Cánh đồng Flanders”, cũng nói về nơi tương tự:
Hãy tiếp tục chiến đấu với quân thù:
Ngọc đuốc đây trao bạn, từ chúng tôi, những người ngã gục.
Hãy nắm chắc lấy nó, đừng phản bội lời hứa với những người đã khuất
Vì chúng tôi sẽ không ngủ, kể cả khi hoa anh túc nở rộ
Trên cánh đồng Flanders.
Vẫn ở ngoài sân là Đài tưởng niệm liệt sĩ. Nhìn góc bên phải, dòng chữ vàng được khắc lên, ngắn gọn hơn biết bao, nhưng cũng trao gửi trọng tách và hy vọng đến nhường nào:
 “Chào các Đồng chí ở lại! Việt Nam muôn năm”.