TÔI CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC ĐIỀU GÌ HỮU ÍCH TRONG VÒNG MỘT PHÚT TỪ BẠN KHÔNG?
Trả lời: Ghassan Albohtori - chuyên viên phân tích thị trường chứng khoán Có thể bạn chưa biết: Bức hình này đơn giản hóa...
Có thể bạn chưa biết: Bức hình này đơn giản hóa lại cách khoảng 40% cuộc đời của bạn được vận hành như thế nào.
Bức hình trên minh họa cho quá trình hình thành nên thói quen của chúng ta - "Vòng lặp của thói quen (The habit loop)" - nó diễn tả lại một cách đầy đủ quá trình hình thành nên bất kì thói quen nào.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng 40% các hoạt động hằng ngày của chúng ta là các thói quen. Vì vậy, nếu bạn biết cách làm chủ các thói quen của mình, bạn gần như được sống hai cuộc đời trong một kiếp sống đấy, thú vị chưa!
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cho bạn cách làm chủ các thói quen của mình.
Đầu tiên, bạn cần biết rằng bộ não của chúng ta có một cơ chế rất thông minh để tiết kiệm năng lượng. Cơ chế này được vận hành bởi bộ nào bằng cách tự động hóa các hoạt động hằng ngày nhiều nhất có thể. Điều này cho phép bộ não có thể tập trung thực hiện những hoạt động phức tạp và quan trọng khác, giúp cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chắc bạn cũng đã biết, không phải thói quen nào cũng có ích, thậm chí chúng còn trở nên thật phiền toái hoặc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và sự nghiệp của chúng ta, vì thế ai cũng muốn loại bỏ những thói quen xấu và xây dựng những thói quen tốt. Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải hiểu cách thói quen được hình thành.
Nhìn chung, sự hình thành nên thói quen có ba giai đoạn:
1. Gợi nhớ: đây là lúc thói quen của chúng ta bắt đầu xuất hiện. Nó nói với bộ não đã đến lúc thực hiện một nhiệm vụ nào đó rồi. Sự gợi nhớ này có thể là tác nhân bên ngoài, cũng có thể là tác nhân bên trong. Đó có thể là âm thanh đồng hồ báo thức, mùi hương của bánh kem, hình ảnh của quả bóng... Đôi lúc, đó có thể là một thời điểm cụ thể trong ngày. Có khi nó chỉ là một dòng suy nghĩ hoặc một hồi ức xuất hiện trong tâm trí bạn. Để dễ dàng cho việc giải thích sâu hơn, từ đây tôi cho gói thuốc lá là sự gợi nhớ đến hành động hút thuốc.
2. Hành động: đây chính là những hoạt động chúng ta thực hiện sau khi tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng gợi nhớ. Ở phần này, các hoạt động của não giảm đi một cách đáng kể, tiếp đó, chúng ta sẽ thực hiện một hoạt động nào đó gần như trong vô thức. Điều đó có nghĩa là ngay khi tôi nhìn thấy gói thuốc lá, tôi sẽ tự động lấy điếu thuốc đặt lên miệng và châm lửa. Điều này rất hữu ích trong việc tiết kiệm năng lượng của não bộ bởi vì nó cho phép chúng ta làm được nhiều việc cùng một lúc nhưng vẫn chỉ sử dụng một phần năng lượng tương đương với việc thực hiện một hành động. Ví dụ, tôi có thể châm điếu thuốc và hút thuốc trong khi tôi vẫn có thể tập trung để lái xe.
3. Phần thưởng: đây là thứ chúng ta thực sự tìm kiếm và cũng là thứ thúc đẩy tất cả. Cái chúng ta muốn nhận được là cảm giác thỏa mãn hoặc cảm giác thành công sau khi hoàn thành một điều gì đó hay là cảm giác hạnh phúc. Đây là lúc hoạt động của não bộ trở nên mạnh mẽ, và cuối cùng chúng ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Ở ví dụ của tôi, đây là khi tôi cầm điếu thuốc và hít một hơi dài, ngay lúc đó tôi sẽ cảm thấy bao nhiêu thứ khiến tôi căng thẳng, mỏi mệt bỗng theo làn khói mà biến mất.
Bạn vừa đi qua phần giải quá trình thói quen hình thành như thế nào rồi đấy, câu hỏi đặt ra tiếp theo là làm thế nào chúng ta có thể xây dựng những thói quen tốt, hay làm thế nào để từ bỏ những thói quen có ảnh hưởng xấu lên cuộc sống của chúng ta?
Trong cuốn sách "Sức mạnh của thói quen", tác giả Charles Duhigg khuyên chúng ta nên tập trung vào các hành động của mình. Bởi vì đây là phần duy nhất chúng ta có thể kiểm soát trong "vòng lặp thói quen". Chúng ta không thể loại trừ những tác nhân kích hoạt các hành động, đặc biệt khi bộ máy sinh học điều khiển cơ thể của chúng ta lại luôn tìm kiếm sự thỏa mãn từ gì chúng ta làm hằng ngày. Vì thế, chúng ta phải ý thức được khi nào chúng ta đưa ra những lựa chọn của mình. Trong những khoảnh khắc khi chúng ta đưa ra những lựa chọn đó, hãy thay thế những hành động ta muốn thay đổi bằng những hoạt động có giá trị hơn; qua đó chúng ta chủ động liên kết hoạt động mới có ích với phần thưởng thôi thúc chúng ta hành động. Bộ não của chúng ta chỉ quan tâm đến phần thưởng nó nhận được thôi, chứ nó không quan tâm cách chúng ta đạt được các phần thưởng như thế nào. Vì thế, hãy phản ứng một cách khôn ngoan bằng cách lựa chọn những hoạt động có ích tương ứng với thói quen ta muốn xây dựng.
Trong cuốn sách của mình, tác giả Charles Duhigg đã đưa ra một ví dụ về cách xây dựng thói quen tập thể hình. Ông ấy gợi ý rằng cứ sau mỗi lần bạn đi tập thể hình về, hãy tự thưởng cho bản thân một miếng sô cô la nhỏ. Bằng cách này, bộ não của bạn sẽ nghĩ rằng mỗi lần bạn đi ra phòng tập để vận động, bạn sẽ được thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt của mình. Sau nhiều lần như vậy, quá trình này sẽ được tự động hóa, việc đi đến phòng tập là cách duy nhất để bạn có thể thỏa mãn cơn thèm ngọt của mình. Khi bạn làm được điều này, tức là bạn đã xây dựng được thói quen tốt, điều này có nghĩa là bạn và "những người bạn" của mình đều vui vẻ: bộ não của bạn, cái dạ dày của bạn và đôi mắt của bạn khi bạn nhìn vào gương, chụp một tấm hình tự sướng như là một cách để công nhận thành quả của bạn khi xây dựng thành công một thói quen tốt và nó đã mang lại kết quả tích cực.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những giải thích khoa học đằng sau "Vòng lặp của thói quen", tôi nghĩ bạn nên tìm đọc cuốn sách "Sức mạnh của thói quen", tôi nghĩ bạn sẽ thích nó.
Tôi xin lỗi vì bài viết này mất hơn 1 phút để đọc, tôi đã cố gắng giải thích ngắn gọn nhất có thể, nhưng tôi nghĩ chất lượng của câu trả lời quan trọng hơn. Hi vọng câu trả lời của tôi giúp được bạn.
-----------------
Vài lời từ người dịch:
Ở bài viết trên, mấu chốt để xây dựng thói quen là học cách làm chủ các hành động - thứ duy nhất có thể kiểm soát, và lợi dụng những tác nhân bên trong và bên ngoài (Ở ví dụ tập thể hình thì tác nhân bên trong là thèm ngọt, tác nhân bên ngoài là thanh sô cô la). Mình thấy rằng điều này cũng đúng với bất kì sự thay đổi nào trong cuộc sống, từ việc học, đi làm, trong các mối quan hệ,... Chúng ta không thể trốn tránh những gì xảy đến với mình, nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách mình phản ứng và đương đầu với nó.
Đầu tiên, bạn cần biết lúc nào bạn sắp hành động hay phản ứng lại với sự vật, sự việc bên ngoài (hoặc bên trong). Để làm được điều này, bạn phải rèn luyện được khả năng quan sát suy nghĩ và cảm xúc của mình để nhận biết những suy nghĩ và cảm xúc nhất định sẽ khiến chúng ta hành động theo một cách nhất định. Có nhiều cách để phát triển kĩ năng này, bạn có thể học qua cách viết nhật kí, thiền định. Bởi vì những phương cách này cho phép bạn quan sát hoặc nhìn lại những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình, qua đó tự phản tư về những sự kiện đã diễn ra. Nếu thực tập đủ lâu, chúng ta sẽ dần dần rèn luyện được cách làm chủ, hoặc ít nhất là hạn chế những lời nói, hành động không phù hợp.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất