Khả năng ghi nhớ là một trong những kỹ năng quan trọng giúp ích cho con người. Nó giúp chúng ta lưu trữ lại thông tin, hình ảnh, sự vật, sự việc,... ta đã từng tiếp xúc, từ đó, tạo nên một kho kiến thức khổng lồ để mỗi lần cần tới, ta có thể lấy ra dùng. Đây là một loại kỹ năng có thể được trau dồi qua học tập cũng như rèn luyện. Sở hữu khả năng ghi nhớ tốt sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong học tập, công việc cũng như cuộc sống.

Khả năng ghi nhớ là gì?

Theo các nhà tâm lý, khả năng ghi nhớ có thể được hiểu là quá trình đưa dữ liệu vào ý thức, gắn những điều đó với nội dung kiến thức hiện có làm nền tảng cho quá trình gìn giữ về sau.
Nhân tố quyết định khả năng ghi nhớ của con người chính là hành động. Nói cách khác, động cơ, mục đích và cách thức hành động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ghi nhớ của mỗi người.
Ngoài ra, các nhà thần kinh học cũng cho biết, quá trình ghi nhớ cũng phụ thuộc phần lớn vào cấu tạo não bộ của mỗi người. Vậy nên có người nhớ nhanh và lâu nhưng cũng có người hay quên hoặc nhớ nhanh nhưng quên nhanh,… Nguyên nhân chính là do mỗi người có mật độ chất xám khác nhau nên quá trình ghi nhớ và khả năng ghi nhớ cũng khác nhau.
Thông thường, quá trình ghi nhớ diễn ra theo hai hướng gồm ghi nhớ chủ đích và ghi nhớ ghi nhớ không chủ đích. Đối với ghi nhớ chủ đích là quá trình ghi nhớ có mục đích từ trước, đòi hỏi sự nỗ lực, thúc ép bản thân. Ghi nhớ chủ đích sẽ hiệu quả hơn nếu bạn hiểu rõ nội dung tài liệu. Đây có thể được coi là quá trình ghi nhớ logic. 
Ngược lại với ghi nhớ chủ đích, ghi nhớ không chủ đích là quá trình ghi nhớ diễn ra một cách tự nhiên không đòi hỏi quá nhiều ở sự nỗ lực, thúc ép bản thân. Hiệu quả của quá trình ghi nhớ này sẽ phụ thuộc vào nội dung ghi nhớ có hấp dẫn và cuốn hút hay không.

Sự thật khả năng ghi nhớ của con người.

Thật khó để nhận biết trí nhớ của con người có cách vận hành như thế nào. Đôi khi, bạn nhớ một sự kiện rất lâu và có thể quên vài thứ đã nhớ một cách nhanh chóng. Nắm bắt trí nhớ cũng giống như nắm trong tay những hạt cát, bởi bản thân bạn không thể nào kiểm soát được hạt nào sẽ rơi và hạt nào còn ở lại. Tuy nhiên, trí nhớ của con người cũng có rất nhiều sự thật bất ngờ và thú vị mà bạn có thể chưa biết:

Hồi hải mã - kho chứa mọi kí ức.

Hồi hải mã (Hippocampus) là một bộ phận của não trước nằm bên trong thùy thái dương. Hồi hải mã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, tổ chức và lưu trữ những ký ức mới, tổng hợp thông tin từ bộ nhớ dài hạn sang ngắn hạn, cũng như kết nối một số cảm giác và cảm xúc với những ký ức này.
Bởi vì cả hai bên của não đều đối xứng, hồi hải mã có thể được tìm thấy ở cả hai bán cầu. Khi vùng này bị tổn thương, việc lưu giữ những kí ức mới hoặc đưa chúng vào miền lưu giữ dài hạn có thể gặp nhiều trục trặc. Hoạt động của vùng hồi hải mã cũng suy thoái dần theo năm tháng. Khi bạn già đi, hồi hải mã sẽ mất đi khả năng của nó, do đó khi một người đến tuổi 80, trí nhớ của họ có thể bị mất tới 20% bộ não, điển hình của nó là bệnh Alzheimer. 

Những kí ức ngắn hạn đều có thể bị lãng quên.

Không phải tất cả mọi kí ức đều được lưu lại trong bộ não. Hầu như những thông tin ngắn hạn sẽ đều biến mất sau vài giây hoặc có thể lâu hơn là vài phút. Các chuyên gia cho rằng não có khả năng lưu giữ khoảng 7 ký ức ngắn hạn cùng một lúc trong 20 đến 30 giây.
Trong bài báo nổi tiếng xuất bản năm 1956, nhà tâm lý học George Miller cho rằng khả năng lưu trữ danh sách các mục của trí nhớ ngắn hạn nằm trong khoảng từ năm đến chín. Ngày nay, nhiều chuyên gia về trí nhớ tin rằng khả năng thực sự của trí nhớ ngắn hạn có lẽ gần với con số bốn hơn .
Tất nhiên, không phải ký ức nào cũng trở thành ký ức ngắn hạn, bộ não của bạn sẽ lựa chọn ký ức và thông tin có thể nhớ lâu hoặc phòng khi cần dùng tới.

Mùi hương có thể kích thích việc ghi nhớ.

Bạn có từng ngửi thấy mùi hương nào đó và nhớ đến những kỉ niệm liên quan đến mùi hương ấy không? Ví dụ như mùi hoa hồng về buổi hẹn hò lần đầu hay mùi tía tô trong bát cháo về một lần bị ốm. Sự thật là mùi hương có thể kích thích trí nhớ của con người trong quá khứ.
Điều này được lý giải do dây thần kinh khứu giác nằm rất gần hạch hạnh nhân (Amygdala) -  một vùng não kết nối với những trải nghiệm và ký ức liên quan đến cảm xúc của con người. Không chỉ vậy, dây thần kinh khứu giác còn rất gần với hồi hải mã. Chính vì vậy, khi ngửi lại một mùi hương gắn với kí ức đáng nhớ trong quá khứ, bạn sẽ nhớ lại nó.

Trí nhớ hoàn toàn có thể cải thiện được

Trí nhớ hoàn hảo không phải sinh ra đã có, nó cần trải qua sự rèn luyện, trau dồi để có thể đạt được mức độ toàn diện. 
Bên cạnh những ứng dụng hiện đại ngày nay giúp “cứu cánh" cho “chiếc não cá vàng" của con người như: ứng dụng tắt nguồn điện, khóa cửa tự động khi ra ngoài… thì bạn có thể tham khảo một số phương pháp cải thiện trí nhớ để khiến khả năng lưu trữ thông tin của mình tốt hơn như: áp dụng phương pháp take notes, các bài test duy trì mức độ nhớ,...

Suy giảm trí nhớ ở tuổi già có thể không tồn tại.

Đa phần mọi người đều cho rằng, trí nhớ của chúng ta sẽ bị giảm sút khi về già. Tuy nhiên, điều này lại không thực sự sẽ xảy ra. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng những người ở độ tuổi 70 cũng có thể vẫn giữ được trí nhớ tốt tương tự như khi họ mới chỉ 20 tuổi, thậm chí khả năng ghi nhớ của họ còn tăng lên theo tuổi tác. Điều này phụ thuộc một phần vào mã gen di truyền và nhiều hơn chính là cách lựa chọn chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh của từng cá nhân.
Chính vì vậy, để duy trì một trí nhớ tốt, bên cạnh việc rèn luyện thường xuyên, mỗi người cũng cần chọn cho mình một lối sống phù hợp.

Trí nhớ loài người và động vật.

Không chỉ con người mới sở hữu khả năng ghi nhớ mà nhiều loài động vật cũng sở hữu khả năng này. Theo kết quả nghiên cứu của hai nhà phân tích hành vi động vật Joel Fagot, thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và Robert Cook, thuộc Trường đại học Tufts, bang Massachusets (Mỹ), chim bồ câu và khỉ đầu chó là hai loài có trí nhớ đặc biệt tốt. Giáo sư Nicola Clayton tại Đại học Cambridge ở Anh đã thực hiện các thí nghiệm trong 6 năm để đưa ra kết luận rằng chim giẻ cùi có thể nhớ lại những sự kiện trong quá khứ và dựa trên đó xây dựng hành động cho tương lai. Ngoài ra, các nhà khoa học tại Mỹ cũng xác định cá heo là động vật có trí nhớ xã hội lâu nhất giới động vật,...
Như vậy, có thể thấy, khả năng ghi nhớ tồn tại ở cả con người và động vật. Cũng giống với loài người, động vật cũng có não bộ và khả năng lưu trữ thông tin một cách bản năng nhằm ứng phó trước môi trường sống.

Lợi ích của khả năng ghi nhớ

Trí nhớ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó là điều kiện để con người phát triển. Trí nhớ giúp chúng ta tích lũy vốn kinh nghiệm sống và sử dụng nó để khiến cho cuộc sống và công việc của mình trở lên tốt hơn.
Nhờ có trí nhớ mà những sự vật, sự việc, hiện tượng, những ý nghĩ, cảm xúc của chúng ta đều được lưu trữ lại trong trí óc và trở thành khả năng thực tiễn, sự hiểu biết, kinh nghiệm của chúng ta.
Nếu không có trí nhớ thì mọi sự vật hiện tượng mà ta đã nhận biết nhiều lần đến khi gặp lại sẽ thấy hoàn toàn mới lạ và con người sẽ mất đi khả năng suy nghĩ sáng tạo, đặt kế hoạch cho hoạt động tương lai dựa trên những hiểu biết và khả năng sẵn có.
Mất đi trí nhớ, đồng thời ta cũng mất đi những tình cảm, cảm xúc thiêng liêng, mọi sự vật và con người thân thuộc, gần gũi với ta hằng ngày cũng bị xoá nhoà và trở nên xa lạ.
Ngày nay, trí nhớ không chỉ giới hạn trong hoạt động nhận thức mà còn là một thành phần tạo nên nhân cách của con người, vì đặc trưng tâm lý nhân cách mỗi người được hình thành trên cơ sở vốn kinh nghiệm về mọi mặt của họ, mà kinh nghiệm là do trí nhớ đem lại.

Các phương pháp nâng cao trí nhớ

Có thể thấy, bên cạnh cấu tạo não bộ, khả năng ghi nhớ còn được cải thiện và trau dồi qua thời gian nếu biết áp dụng các phương pháp có lợi. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn rèn luyện khả năng nâng cao trí nhớ của bản thân:

Rèn luyện khả năng trí nhớ thông qua một vài phương pháp ghi nhớ

Phương pháp ghi chép (take notes): Với khối lượng công việc lớn hằng ngày cần phải giải quyết, đôi khi bạn sẽ không thể nhớ hết những đầu việc cần phải làm, việc ghi chép ra một cuốn sổ hoặc sử dụng các app ghi chép công việc như: Notion, Pomodoro, Todolist,... sẽ giúp bạn quản lý công việc tốt hơn và ghi nhớ được những vấn đề cần phải giải quyết. Đặc biệt, với việc ghi chép hằng ngày sẽ giúp bạn định hình và nhớ lâu hơn những công việc, sự kiện trải qua, từ đó giúp trí nhớ của bạn trở nên nhanh nhạy hơn.
Sử dụng bản đồ tư duy: Bản đồ tư duy được xem là một phương pháp trực quan của việc ghi chú thông tin. Dựa trên sự sáng tạo của mỗi cá nhân, trình bày nội dung theo cấu trúc nhất định sẽ giúp bạn ghi nhớ được những sự kiện, thông tin cần lưu trữ. Cách này có thể giúp bạn cải thiện 15% trí nhớ so với các cách học thông thường và đa phần đều được giới học sinh, sinh viên ứng dụng.
Phương pháp gợi nhớ hình ảnh, hệ thống thông tin: Khi có quá nhiều thông tin và sự kiện cần phải ghi nhớ, bạn có thể áp dụng phương pháp này để đạt hiệu quả cao. Theo đó, với lượng thông tin quá tải, bạn cần hệ thống nó theo từng chủ đề hoặc từng cấp bậc, từ quan trọng đến đơn giản, từ dễ đến khó để có thể sắp xếp thông tin trong bộ não của mình lưu trữ lâu hơn. Ngoài ra, sử dụng hình ảnh để ghi nhớ cũng là một phương pháp hiệu quả. Vì cơ chế não của con người có xu hướng ghi nhớ hình ảnh tốt hơn dưới dạng chữ nên áp dụng phương pháp này có thể giúp bạn ghi nhớ lâu hơn, đồng thời cũng tạo cảm giác hứng thú hơn.

Rèn luyện khả năng ghi nhớ qua một số bài test hoặc các trò chơi

Hiện nay, có rất nhiều các bài test được sáng tạo ra để rèn luyện khả năng ghi nhớ cho con người. Bạn có thể tham khảo qua một số bài test sau:
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng thời gian giải trí để chơi những trò chơi rèn luyện khả năng ghi nhớ như: trò chơi ô chữ, tìm điểm giống nhau,… nhằm cải thiện khả năng ghi nhớ của bản thân.

Rèn luyện khả năng ghi nhớ qua việc đọc sách và tham gia khoá học về nâng cao khả năng ghi nhớ.

Các cuốn sách luôn đem lại những thông tin bổ ích cho con người. Việc đọc sách sẽ phần nào giúp bạn rèn luyện khả năng ghi nhớ và lưu trữ thông tin. Một số cuốn sách bạn có thể tham khảo để cải thiện trí nhớ như: Lối tư duy của người thông minh của Art Markman; Làm chủ trí nhớ của bạn của tác giả Tony Buzan; Bí mật của một trí nhớ siêu phàm của Eran Katz hay Phương pháp tối ưu hoá trí nhớ của tác giả Zion Kabasawa;...
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo một số khóa học về khả năng ghi nhớ như: Khoá học “7 ngày tăng cường trí nhớ siêu tốc tại nhà” của giảng viên Lê Đại Dương; khóa “Làm chủ kỹ năng ghi nhớ" của thầy Đỗ Văn Quát; khóa “Phương pháp ghi nhớ siêu tốc" của giảng viên Phan Thanh Dũng hay khoá “Bí quyết rèn luyện trí nhớ cùng kỷ lục gia" của giảng viên đã đạt được các kỷ lục Việt Nam và thế giới Nguyễn Phùng Phong,... Hầu hết các khóa học này đều có sẵn trên nền tảng trực tuyến của Kyna và Unica, giúp bạn dễ dàng thanh toán và có thể tham gia học tập nhanh chóng.

Rèn luyện khả năng ghi nhớ qua việc lựa chọn và cải thiện lối sống.

Như đã tìm hiểu ở trên, bên cạnh sự cấu tạo của não bộ, khả năng ghi nhớ còn bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống và lối sống của từng người. Chính vì vậy, bạn cần chọn cho bản thân một lối sống lành mạnh, tránh sử dụng các chất kích thích như cafein, đường, mì chính,... để cải thiện trí nhớ. Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo luyện tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, uống đủ nước và bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng để khả năng lưu trữ thông tin của bản thân vận hành một cách tốt nhất.
Có thể thấy, trí nhớ là một trong những khả năng tuyệt vời của con người. Nó là điều kiện để con người tích lũy vốn kinh nghiệm sống của mình và sử dụng kinh nghiệm sống đó tốt hơn trong mọi hoạt động. Rèn luyện khả năng ghi nhớ sẽ giúp mỗi người dễ dàng hơn trong học tập, công việc cũng như cuộc sống.
Nguồn: 
Đọc thêm: