Xuyên suốt quá trình lịch sử văn học VN đã có rất nhiều tên tuổi nổi tiếng, trong đó không thể không kể tới Nguyễn Dữ - tác giả đã trở thành niềm tự hào của cả nền văn học VN. Tên tuổi này dường như gắn liền với tác phẩm danh tiếng “Truyền kỳ mạn lục", trong đó “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Đó là câu chuyện đặc sắc, ca ngợi tính cách dũng cảm, kiên cường, chính trực, dám chống lại cái ác đến cùng, trừ hại cho dân của chàng trai Ngô Tử Văn - 1 người trí thức nước Việt.
     “Truyền kì mạn lục" ra đời vào khoảng thế kỉ XVI, thời điểm xã hội phong kiến Việt Nam đang khủng hoảng, nhiều biến động. Nhân dân bất bình với tầng lớp thống trị, nhiều nho sĩ rơi vào tâm trạng hụt hẫng, nuối tiếc thời này dưới sự cai trị của vua Lê Thánh Tông. Nguyễn Dữ - một thi sĩ xuất thân từ gia đình khoa bảng. Trong khoảng thời gian cáo quan về ở ẩn để phụng dưỡng mẹ già, thấu hiểu hoàn cảnh sống của những con người nhỏ bé trong xã hội, ông đã ra đời bộ truyện này vừa phản ánh tình trạng xã hội, vừa bộc lộ quan điểm sống và tấm lòng của mình với cuộc đời. 
      Tác phẩm viết bằng chữ Hán thuộc thể văn xuôi truyền kì, là thể văn xuôi trung đại sử dụng những yếu tố kỳ ảo hoang đường phản ánh hiện thực cuộc sống. Nhân vật trong văn truyền kỳ rất đa dạng, gồm cả người, ma quỷ, thần thánh...quan hệ chặt chẽ với nhau, có thể xâm nhập thế giới của nhau. Mở đầu từ "Ngô Tử Văn" đến "không cần gì cả" giới thiệu nhân vật Ngô Tử Văn và hành động đốt đền. Tiếp đến từ "Đốt đền xong" đến "không bệnh mà mất" kể cuộc đấu tranh của Ngô Tử Văn chiến thắng gian tà. Cuối cùng từ "Năm Giáp Ngọ" đến hết kể việc Ngô Tử Văn nhận chức phán sự và lời bình của tác giả. 
      "Chuyện chức phán sự ở đền Tản Viên" kể về nhân vật chính Ngô Tử Văn "tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang", vốn là 1 kẻ sĩ "khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà là không chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực". Trong làng nơi chàng ở, có một ngôi đền vốn rất thiêng nhưng từ khi có 1 tên tướng giặc nhà Minh tử trận gần đền, hồn của hắn bắt đầu "làm yêu làm quái" trong dân gian, làm hại nhân dân. Bởi lòng tức giận, mặc cho lời can ngăn của dân làng, Tử Văn quyết định tắm gội sạch sẽ, châm lửa đốt đền để trừ hại cho dân.
      Sau khi đốt đền, Tử Văn bắt đầu lên cơn sốt. Trong cơn mê man, chàng thấy hồn ma tên hung thần đến tìm mình đòi trả lại ngôi đền và đe dọa sẽ bắt Tử Văn xuống âm phủ để cho Diêm Vương trị tội. Nhưng đến chiều tối, Thổ thần cảm phục trước hành động dũng cảm của Tử Văn, mách bảo về tung tích và tội ác của tên hung thần đồng thời chỉ dẫn cách cho chàng đối phó.
       Đến đêm, khi bệnh nặng thêm, Tử Văn thấy hai tên quỷ sứ đến bắt chàng xuống âm phủ, nơi rùng rợn mà con người sợ phải đối mặt nhưng Ngô Tử Văn lại không cảm thấy sợ hãi gì cả. Trước mặt Diêm Vương, chàng đã tố cáo tội ác của tên hung thần với đầy đủ chứng cứ. Cuối cùng, công lý được khôi phục, Diêm Vương trừng trị tên hung thần đem hắn nhốt vào ngục Cửu U, cho Thổ thần được phục chức. Không chỉ sai lính đưa Tử Văn về trần gian cho chàng được sống lại mà còn kêu Thổ thần chia một phần vật lễ cúng ở đền cho chàng. 
       Một tháng sau, Thổ thần đến tìm Ngô Tử Văn cảm ơn và kể việc tiến cử chàng giữ chức phán sự ở đền Tản Viên. Chàng sắp xếp việc nhà và nhận lời Thổ thần nhận chức quan phán sự. Sau vài năm, người quen cũ của Tử Văn đi đường xa xa nhìn thấy bóng xe ngựa của quan phán sự trong màn sương mờ nhận ra đó là Ngô Tử Văn. Sau này, người đời gọi con cháu của Ngô Tử Văn là "nhà quan phán sự".
      Qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại cái ác trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên", Nguyễn Dữ đã vạch trần bộ mặt gian tà của những kẻ quen "chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược". Ông lên án bộ phận quan lại đương thời, tố cáo mạnh mẽ hiện thực “rễ ác mọc lan, khó lòng lay động” mà bênh vực kẻ gian tà và hiện thực của xã hội phong kiến lúc bấy giờ: nhiều kẻ hữu danh vô thực, lợi dụng địa vị, quyền thế làm điều bất chính. Truyện kết thúc có hậu, thể hiện truyền thống nhân đạo của nhân dân ta, tà không thể thắng chính, cái thiện chắc chắn sẽ thắng cái ác. Ngoài ra, ông còn nhắc nhở "Kẻ sĩ cần cứng cỏi, cương trực, có dũng khí, hãy đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để bảo về công lí." Bản lĩnh ấy rất cần thiết với cuộc sống hiện nay và mọi thời. 
      Bằng tài năng tài tình, Nguyễn Dữ đã kết hợp khéo léo yếu tố kì ảo và thực trong truyện để truyền tải nội dung. Thế giới cõi âm với những hồn ma, bóng quỷ, con người chết sống từ dương gian đến địa phủ, từ cõi âm lại về cõi dương làm nên yếu tố kỳ ảo cho câu chuyện. Ông còn giới thiệu nhân vật vừa trực tiếp, vừa gián tiếp về họ tên, quê quán và hành động còn thấy rõ thời gian, địa điểm diễn ra sự việc một cách cụ thể, đưa yếu tố thực đan xen kỳ ảo, kết hợp với nhau khiến câu chuyện vừa li kỳ, hấp dẫn, vừa mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.
      Ngoài ra, qua cốt truyện giàu kịch tính, cách xây dựng nhân vật sắc nét, ngôn ngữ kể chuyện trau chuốt, súc tích, truyện đã ca ngợi nhân vật Ngô Tử Văn, một trí thức nước Việt khảng khái, nhân cách cứng cỏi, cao đẹp bộc lộ niềm tin vào công lí, vào việc "chính thắng tà". Bằng những giá trị đó, "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" đã trở thành 1 tác phẩm nổi bật trong thời kỳ văn học trung đại Việt Nam góp phần làm nên tên tuổi Nguyễn Dữ để lại cho đời sau tác phẩm còn nguyên giá trị. Qua đó, đa số bạn đọc và bản thân tôi đều nhận được bài học là phải cứng cỏi, cương trực, đứng lên chống lại cái xấu, cái ác bảo vệ công lí và chính nghĩa. "Cái thiện sẽ chiến thắng cái ác". 👌