Sự sống của con người tồn tại nhiều khía cạnh khác nhau để tạo nên một cuộc sống hoàn chỉnh. Trong đó, tình yêu chính là một trong những khía cạnh không thể nào thiếu giúp cho đời sống con người thăng hoa, góp phần tạo nên động lực để phát triển. Vì bản thân đóng vai trò to lớn như vậy nên việc tồn tại nhiều vấn đề, khó khăn, thách thức trong quá trình đạt đến cái đích viên mãn cuối cùng cũng là điều dễ dàng xảy ra. Không một ai trong chúng ta, đã là con người, mà không ít nhất một lần trải qua những lần cãi cọ, những cuộc chiến tranh lạnh, bất đồng quan điểm hay thậm chí nguyên nhân xích mích đến từ những việc rất chi là “dở hơi”. Mỗi người đều có cái ý đúng của riêng mình và không ai chịu chấp nhận “xuống nước” để chịu thua sự trẻ con của người kia. Dần dà, họ mặc định rằng đối phương không hề hiểu và cảm thông được cho mình, những sự vô lý và uất ức bị dồn nén lại để rồi đến cuối cùng, chúng ta nhanh chóng đưa ra quyết định đi đến việc kết thúc cho một mối quan hệ. Điều này đặc biệt xảy ra nhiều đối với những bạn trẻ đang trong những ngày đầu mới yêu nhau. Vì thời gian dành cho nhau chưa đủ nhiều và kinh nghiệm còn ít để có thể nắm bắt được tâm lý hay những nhu cầu, ước muốn sâu xa hơn của đối phương.
        Vậy có cách nào có thể giúp khắc phục hay giảm thiểu những tình trạng đó mà mình vẫn có thể đảm bảo sự thỏa mãn từ cả hai phía, giúp duy trì mối quan hệ tình cảm được lâu dài và bên vững hay không? Một trong những phương pháp tâm lý tôi cho rằng nó khả quan chính là hiểu được thứ ngôn ngữ tình yêu mà người bạn đời, nửa kia của mình muốn truyền tải. Tất nhiên, khi nghe đến “ngôn ngữ tình yêu”, chúng ta thấy có vẻ lạ. Nhưng suy cho cùng mà nói, trong cuộc sống này, khi muốn truyền đạt thông tin cho một ai đó hiểu. Ta nhất định phải dùng một trong những cách thức nào đó để gửi đi thông điệp đến đối phương. Đó có thể là nói, có thể dùng ngôn ngữ hình thể hay thậm chí, kể cả việc im lặng cũng đã là một loại ngôn ngữ ... Thế cho nên, trong tình yêu cũng vậy, nó cũng cần có thứ “tiếng nói” ấy để tạo nên sự gắn kết mối quan hệ tình cảm giữa hai người. Thử thách cho chúng ta là làm sao để hiểu được kiểu ngôn ngữ mà đối phương thực sự cần. Điều đó đòi hỏi thời gian, nỗ lực và sự kiên trì từ hai phía rất nhiều. Nhưng một khi đã đạt đến mức thấu hiểu lẫn nhau, việc duy trì và phát triển mối quan hệ lâu dài, bền vững mà còn đảm bảo sự thỏa mãn đôi bên là một điều không khó.
        Ngôn ngữ tình yêu có thể được xem là phương tiện để một người nhận ra được giá trị yêu thương mà người kia đem lại. Nó là công cụ để đánh giá thước đo tình cảm dựa trên nhu cầu mong muốn của bản thân mỗi người. Có năm loại ngôn ngữ tình yêu:
       - Thứ nhất, ngôn ngữ yêu thương - Words of affirmation. Người thuộc kiểu ngôn ngữ này thường sẽ đề cao những lời nói mang tính chất ngọt ngào, đầy sự yêu thương và quan tâm. Hay dễ hiểu hơn là những lời nói sến sẩm, đường mật. Đối với họ, những câu như “Baby à, anh yêu em”, “Em cũng yêu anh”... cũng đủ khiến họ cảm thấy an toàn hơn, tin tưởng hơn vào nửa kia của mình. Họ sẽ cảm thấy bản thân được trân trọng, được nâng niu như cách mà họ muốn. Vậy nên, những lời nói ngọt ngào, đường mật nghe chừng có vẻ sến sẩm đó lại chính là “bát canh tinh thần” để những người này tăng thêm ngọn lửa trong mối quan hệ tình cảm.
          - Ngôn ngữ thứ hai là hành động quan tâm – Acts of service. Trái với kiểu người thứ nhất, kiểu người thuộc loại ngôn ngữ này thường sẽ đề cao hành động thực tế hơn là lời nói. Đối với họ, cách để thể hiện sự quan tâm, yêu thương tốt nhất dành cho người mình yêu chính là dùng hành động để chứng tỏ điều đó. Đương nhiên, họ cũng muốn nhận lại sự phản hồi, quan tâm tích cực tương tự từ chính nửa kia của mình. Bạn có thể làm việc nhà cùng cô ấy khi tan làm sớm hay mỗi khi có thời gian rảnh; Chuẩn bị quần áo, tư trang đầy đủ và nhắc anh ấy nhớ mặc áo ấm khi đi công tác xa ... Tất cả những hành động nhỏ đó đều sẽ được ghi nhận và tình yêu trong họ sẽ dần lớn lên theo thời gian mà không có dấu hiệu suy thoái. Đó là do ta hiểu được thứ “ngôn ngữ” mà người ấy muốn là gì. Nhưng có một điểm cần lưu ý, bởi vì ta rất dễ bị nhầm lẫn giữa hành động quan tâm và hành vi phục tùng. Có một số cặp yêu nhau, có thể là tình cảm của người này dành cho người kia nhiều hơn nên đôi khi việc họ muốn làm mọi thứ để chiều chuộng, quan tâm nửa kia. Trong một vài trường hợp, hành động quan tâm quá mức dẫn đến mù quáng, quỵ lụy thì đó không phải là ý nghĩa thực sự của ngôn ngữ “hành động quan tâm”. Hành động quan tâm đúng nghĩa phải xuất phát từ tình cảm, từ tấm lòng mà cả hai người đều cảm thấy thoải mái và sẵn sàng đón nhận.
        - Ngôn ngữ thứ ba là nhận quà – Receiving gifts. Đối với kiểu người này, thước đo giá trị cho một mối quan hệ tình cảm chính là những món quà mà họ nhận được từ người mình yêu trong các dịp lễ đặc biệt hay bất kể là ngày thường trong cuộc sống. Dưới góc nhìn của họ, nếu nửa kia thật lòng, người ta sẽ sẵn sàng đầu tư bất cứ giá nào cho người mà họ yêu thương. Có câu nói thế này “Nhìn cách đàn ông chi tiền có thể biết được vị trí của người phụ nữ”. Vậy nên đối với họ, những người đàn ông chỉ biết nói lời đường mật nhưng không dám chi tiền cho họ tất cả đều chỉ là giả dối. Lời nói đi đôi hành động là tiêu chí hàng đầu đối với kiểu người thuộc ngôn ngữ thứ ba. Nhưng bên cạnh đó, những con người này thường rất dễ bị hiểu lầm và gán cho danh xưng “đào mỏ”, “lợi dụng” hay “Sugar baby”... Trong khi trên thực tế, đó chỉ đơn giản là nhu cầu, là cách nhìn nhận và quan điểm của một người.
        - Thứ tư là khoảng thời gian ý nghĩa – Quality time. Người này rất trân trọng những khoảnh khắc riêng tư mỗi khi hai người ở bên nhau. Họ cùng nhau bàn luận về một vấn đề, đánh giá, trao đổi về sự việc nào đó mà cả hai cảm thấy hứng thú, lắng nghe những câu chuyện rất ư là thường nhật diễn ra trong đời sống thường ngày của đối phương. Hoặc đôi khi chẳng cần làm gì hết, chỉ là ngồi cạnh nhau nhìn ngắm bầu trời lúc về đêm, dang rộng cánh tay là có thể ôm trọn người mình yêu vào lòng. Như vậy cũng đã đủ khiến cho họ cảm thấy hạnh phúc. Khoảng thời gian mà hai người cùng tận hưởng và trải qua chính là động lực tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho họ đi đến cam kết lâu dài trong mối quan hệ tình cảm của mình với nửa yêu thương.
        - Thứ năm cũng chính là ngôn ngữ cuối cùng, đó là sự đụng chạm thể lý –  Physical touch. Nếu nửa kia của bạn là kiểu người thuộc thiên hướng ngôn ngữ số năm thì họ sẽ cảm thấy được sự yêu thương, vỗ về và an toàn vô cùng từ người mình yêu khi hai người có những sự "đụng chạm" cơ thể nhất định. Cái "chạm" đó có thể là những cái nắm tay, những cái ôm từ phía sau, hay chỉ là những hành động nhỏ nhặt như là vẹo má người mình yêu, đánh nhẹ họ một cái... Đối với họ mà nói, một hành động tiếp xúc luôn bằng cả ngàn lời nói yêu thương. Khi ở bên cạnh những người này, trong một số trường hợp, nếu chỉ nói những câu nghe có vẻ "bùi tai" nhưng lại không hề có những cử chỉ vuốt ve, âu yếm thì họ cũng sẽ cảm thấy đối phương không thực sự yêu thương mình. Cái họ thực sự cần chính là sự kết nối giữa hai thể xác mà không chỉ riêng về mặt tinh thần. Nói đến đây, ngay lập tức nhiều người sẽ nghĩ đến "chuyện ấy" trong thời gian cả hai yêu nhau. Điều này cũng không có gì sai khi bản thân đã cảm thấy đủ khả năng quyết định và tin tưởng vào người bạn đời, đây cũng là một cách giúp cho hai người thêm gắn bó và hiểu sâu sắc hơn về đối tượng mà mình muốn đi đến lâu dài.

        Vậy khi biết được người yêu, người bạn đời của mình thuộc kiểu ngôn ngữ nào rồi. Chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nắm bắt tâm lý và hành động theo cách đúng nhất để có được sự công nhận từ đối tượng mà mình quan tâm. Vậy câu hỏi đặt ra lúc này là chúng ta cần làm gì để “giữ lửa” một mối quan hệ lâu dài mà không nhanh chóng lụi tàn? Mỗi người cần hành động như thế nào để cùng nhau xây dựng, vun đắp tình cảm thêm thăng hoa? Hãy kiên trì quan sát và lắng nghe người ấy, nhận xét xem họ thuộc loại ngôn ngữ tình yêu nào và nhận ra mối quan tâm hàng đầu của từng tuýp người . Đây chính là bước khó nhất đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Cũng chính là thước đo thử độ bền tình yêu mà bạn dành cho nửa kia ở mức nào. Khi vượt qua thử thách đó rồi, như là tiền đề, mọi hành động chúng ta làm sau này đều sẽ dễ dàng được công nhận và ghi điểm trong mắt của đối phương hơn. Tình yêu xuất phát từ hai phía nhưng lại không hiểu nhau, không có tiếng nói chung thì dần dà cũng đi đến kết thúc. Nhưng tình yêu nếu bắt đầu từ hai phía mà còn đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của cả hai, thì nó giống như là “biển gặp được đại dương”, vừa giúp đỡ nhau phát triển, cùng nhau đi lên, vừa cảm được cái gọi là sự thăng hoa trong đời sống tinh thần. Như vậy mối quan hệ tình cảm sẽ khó có thể chia rời.