MỌI THỨ DỪNG LẠI Ở TƯƠNG ĐỐI - EINSTEIN
Và theo ông như vậy là tuyệt vời
Một chàng trai vì yêu một cô gái mà chia tay bởi anh ta sợ không đem đến tương lai cho cô ấy - họ nói vì anh ta yêu cô ta
Một chàng trai vì yêu một cô gái mà gạt bỏ sự ngăn cản của gia đình, bỏ ngoài tai mọi định kiến, mặc cảm, cố gắng vì tình yêu của hai người - họ nói vì anh ta yêu cô ta
Ở thời của Galileo Galilei, nếu nói Trái Đất hình cầu sẽ bị cho là kẻ điên và phải ở tù. Ở năm 2022, nếu nói Trái Đất hình vuông sẽ bị cho là kẻ điên. Ranh giới giữa kẻ điên và thiên tài chỉ cách nhau ở sự công nhận của mọi người (Trích: Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải - Cao Minh)
Einstein đã từng nói về thuyết tương đối, rằng mọi thứ dừng lại ở tương đối, và cả câu nói này cũng vậy. Sự tương đối hay hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Chúng ta định nghĩa thế nào là hạnh phúc. Dưới góc nhìn của trẻ con mẫu giáo thì mỗi ngày đến trường, trên chiếc cầu trượt, qua song chắn hàng rào, chúng nhìn qua thế giới bên ngoài thế người lớn đi lại tự do, chúng cho đó là hạnh phúc. Còn người lớn tự do ở ngoài, nhìn những đứa trẻ trên những chiếc cầu trượt đó, họ ước được quay lại thời còn nhỏ vừa cái cầu trượt, họ cho đó là hạnh phúc.
Người lớn cho rằng vấn đề của trẻ con chỉ bé như cái miệng giếng, nhưng với chúng đó là cả bầu trời ( Trích: Hoàng tử bé - Antoine). Phải chăng đó là vấn đề góc nhìn.
Không hẳn, có những chuyện không bị góc nhìn ảnh hưởng, như việc ở mỗi độ tuổi chúng ta lại có cái được, cái mất. Tuổi nhỏ thì có sức khỏe, có thời gian, nhưng không có tiền. Tuổi trưởng thành thì có sức khỏe, có tiền nhưng không có thời gian. Tuổi già lại có tiền, có thời gian nhưng không có sức khỏe. Nó giống như việc, "ngon, bổ, rẻ" sẽ không đi với nhau: ngon, bổ sẽ không rẻ; mà ngon, rẻ sẽ không bổ,...
Điều buồn cười là, chúng ta cứ mãi đưa ra những câu khẳng định, thay vì những câu hỏi. Những lời khuyên đôi khi phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia, bởi chúng ta sinh ra và lớn lên là những cá thể độc lập, với môi trường sống và tư duy khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, trình độ, văn hóa, cảm xúc khác nhau, nên mọi thứ chỉ nên tham khảo và không quá đặt nặng vấn đề.
Sự tương đối xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày, mà thường ta không mấy để ý. Ví dụ trong một quán bún vỉa hè, người ngồi đó ăn là khách hàng, là người có tiền để trả; người bán bún là người phục vụ, là người cần tiền của khách hàng. Có phải trong hoàn cảnh này, khách hàng đang ở "kèo trên"? Không, chúng ta đều như nhau, đều vất vả vì đồng tiền. Ở một bối cảnh khác, có thể vị khách kia sẽ là một "người bán" gì đó cho một vị khách nào đó; còn người bán bún kia sẽ lại là "khách hàng" và được phục vụ bởi một "người bán" khác
Sau khi nghiệm ra được tương đối sâu sắc về thuyết tương đối này, tôi không còn khẳng định nhiều, chủ yếu là lắng nghe và chiêm nghiệm, cũng ít nói đi, có khi là vì "sông sâu tĩnh lặng", biết càng nhiều thì nói càng ít.
Chỉ hi vọng là sau bài viết này, độc giả có thể có một cái nhìn bao dung hơn, không còn quá khắt khe trước một hành động mà mình cho là "lệch chuẩn", không còn phán xét bất cứ ai vì một câu nói hay sự việc nào, hi vọng một sự cảm thông và chia sẻ, cái nhìn thấu hiểu và đồng cảm nhiều hơn.
Thân ái,