Tôi thích Kelly Clarkson nhưng không thích một câu hát khá nổi tiếng trong bài Stronger của cô ấy lắm “What doesn't kill you makes you stronger”, nghĩa là: “Thứ gì không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”. Tôi không nghĩ nó đúng. Bởi nếu nó đúng thì đã không có nhiều người bề ngoài vẫn đang sống nhưng bên trong lại như đã chết.
Mỗi người sống trên đời này chẳng ai là không có vấn đề. Thậm chí nhiều người dù đã qua đời vẫn để lại vấn đề cho người thân còn đang sống. Nhưng vấn đề bắt nguồn từ đâu? Liệu có cách nào để truy tìm nguồn gốc phát sinh và hình thành của những rắc rối bạn đang gặp phải hiện tại? Vì sao người này gặp vấn đề này, người kia lại gặp vấn đề khác? Làm thế nào để giải quyết tận gốc những vấn đề đó? Cuốn “Khám Phá Đứa Trẻ Bên Trong Bạn” của nhà tâm lý học người Đức Stefanie Kahl có lẽ đủ sức giải đáp các câu hỏi trên.
Đứa trẻ trong bạn đã hình thành từ những ảnh hưởng tuổi thơ nào?
Đứa trẻ trong bạn đã hình thành từ những ảnh hưởng tuổi thơ nào?
Chúng ta đến với thế giới này như một tờ giấy trắng. Chúng ta có nền tảng không thể thay đổi là các gene di truyền của ông bà bố mẹ, nhưng đồng thời, trải nghiệm trong những năm tháng đầu đời cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp hình thành con người chúng ta sau này. Các bậc phụ huynh tốt luôn hô hào nhau “Hãy cho con trẻ một tuổi thơ tươi đẹp”, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu đứa trẻ có một tuổi thơ bất hạnh? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong lúc tâm sinh lý còn non nớt và mong manh nhất, một đứa trẻ phải trải qua một (vài) trải nghiệm khắc nghiệt? Và cách bố mẹ đối xử với con cái có lực tác động mạnh mẽ ra sao đối với tính cách nó sau này? Nó sẽ trở thành một đứa trẻ vui vẻ, tự tin và tích cực như ánh sáng, hay sầu muộn, buồn bã và tiêu cực như bóng tối?
Trẻ con thực sự không có lỗi. Bởi non nớt và mong manh, chúng chỉ biết dựa dẫm và phụ thuộc vào người lớn chăm sóc chúng. Chúng học hỏi, điều chỉnh, phát triển thông qua quá trình quan sát và tiếp nhận cách xử sự của bố mẹ và người thân. Chúng cần được thỏa mãn 4 nhu cầu tâm lý cơ bản: Nhu cầu kết nối, nhu cầu tự chủ kiểm soát, nhu cầu vui vẻ và nhu cầu được công nhận. Nếu một hoặc một vài nhu cầu trên không được đáp ứng, nó sẽ tạo ra một vết thương trong lòng đứa trẻ. Tùy mức độ nặng nhẹ mà vết thương đó có thể nông hay sâu, thành sẹo mờ hay sẹo rõ. Những vết thương có thể chưa đủ chí mạng để giế.t chế.t một đứa trẻ, nhưng đủ khiến chúng khi lớn lên mang trong mình nhiều vấn đề tâm lý. Nếu không được giải quyết, các vấn đề đó sẽ đi theo đứa trẻ đến suốt đời, ảnh hưởng và can thiệp sâu sắc vào cuộc sống thường ngày, vào công việc cũng như các mối quan hệ, khiến mọi thứ không trôi chảy hay thuận lợi, thậm chí là bất hạnh.
4 nhu cầu cơ bản của trẻ đều cần được thỏa mãn
4 nhu cầu cơ bản của trẻ đều cần được thỏa mãn
Nhà tâm lý học Stefanie Kahl đã phân tích sâu sắc và tỉ mỉ quá trình hình thành phát triển của đứa trẻ bóng tối và đứa trẻ ánh sáng – hai đại diện tiêu cực và tích cực của đứa trẻ nội tâm – phần nhân cách vô thức của chúng ta, cũng như những biện pháp phòng vệ chúng sử dụng để đối phó, phản ứng với thế giới này. Các biện pháp có thể đúng sai tùy thời điểm, nhưng để lại những dấu ấn khắc sâu trên nhận thức, tâm lý, cảm xúc và hành vi của chúng ta hiện tại. Mỗi vấn đề chúng ta đang phải đối mặt đều có thể truy nguyên về những tín niệm sai lầm, nhận thức lệch lạc hay biện pháp phòng vệ lạc hậu chúng ta đang sở hữu. Những ai đang gặp vấn đề và sẵn sàng thay đổi để trở thành phiên bản chính mình tốt đẹp hơn thực sự nên đọc “Khám Phá Đứa Trẻ Trong Bạn” của  Stefanie Kahl. Trong cuốn sách cũng bao gồm cả những bài tập hết sức cụ thể và thiết thực, dễ hiểu, dễ áp dụng giúp bạn xua tan mây đen u tối trong lòng, hướng về phía ánh sáng rực rỡ.
Bởi bước đầu tiên để thay đổi chính là ý thức được mình sai ở đâu, nên thay đổi điều gì. Những thứ không giết được bạn chưa chắc đã khiến bạn mạnh mẽ hơn mà đa phần sẽ khiến bạn sống trong u tối, mệt mỏi và buồn bã. Muốn mạnh mẽ hơn, chúng ta cần có được một lớp áo giáp hiệu quả và vũ khí sắc bén, đồng thời tìm ra cách chiến đấu đúng đắn, thích hợp nhất với bản thân.