THẾ HỆ NÀO ĐỈNH HƠN !?
Có một câu mà mọi người vẫn hay nói với nhau: Thời ấy thế hệ trước sống trong thời kỳ khó khăn như thế mà vẫn thành công được, thế...
Có một câu mà mọi người vẫn hay nói với nhau: Thời ấy thế hệ trước sống trong thời kỳ khó khăn như thế mà vẫn thành công được, thế hệ bây giờ có nhiều cơ hội hơn, được đầu tư ăn học bài bản hơn, lẽ nào lại thất bại!?
Thoạt đầu nghe thì cũng rất có lý, với điều kiện thiếu thốn như vậy họ vẫn làm nên khối chuyện, vậy mà cả đám nhoi nhoi như mình bây giờ hễ tí lại "Đưa nhau đi trốn" hay là "Bật bài nhạc làm em chill".
Nhưng mà ngẫm thêm 1 chút, mình thấy có vài điểm thế này:
1. Đúng là bản thân mình được đầu tư ăn học tốt hơn, nhưng thằng cùng lớp nó cũng được ăn học tốt không kém, nếu không muốn nói là tốt hơn ở khía cạnh nào đó. Cơ hội thì nhiều đấy, nhưng để nắm bắt được thì nó còn là ở khả năng, nền tảng gia đình, may mắn, thời điểm, thông tin sớm hay muộn,... Ví dụ, chỉ vừa ra trường, đã có người sẵn sàng làm việc không lương chỉ để được nhận vào một vị trí tốt ở một công ty tầm cỡ, trong khi cũng người khác nỗ lực cục mặt ra nhưng cũng không dám làm như thế dù biết sau vài tháng không lương thì có thể đãi ngộ cao hay tương lai rộng mở, blah..blah.., vì nó cần tháng lương đầu tiên ngay và luôn để cuối tháng còn trả cho bà chủ trọ. Chính vì vậy, sự cạnh tranh là cũng rất chi là gay gắt và không phải là cứ nỗ lực đi là nắm bắt được cơ hội như nhau. (Đọc thêm cuốn Những kẻ xuất chúng để biết thêm nền tảng gia đình và sự chuẩn bị từ sớm nó quan trọng thế nào, ngay cả việc bạn đẻ ra trước người ta mấy tháng cũng là một lợi thế trong sự phát triển thể chất).
2. Nó còn do tình hình chính trị kinh tế thời ấy thế nào, ngày ấy chỉ với tấm bằng Đại học, nền kinh tế vẫn chưa "mở" lắm, cả hệ thống đánh giá năng lực dựa vào tấm bằng là chính, ít sự lựa chọn ngành nghề thì đôi khi chỉ cần chen một chân vào một doanh nghiệp NN, cứ làm việc chăm chỉ đi, lâu dài đi thì đã có thể có chỗ đứng(Mình từng nghe câu chuyện thời trước chỉ cần 1 chân vào công ty dầu khí hay viễn thông gì đó ngồi không cũng có tiền kha khá rồi). Và cũng chính vì vậy mà các thế hệ trước lại đề cao sự gắn bó hơn các bạn trẻ bây giờ thích nhảy việc. Bây giờ, ở một nền kinh tế phẳng, mình thấy rằng, chúng ta không chỉ cạnh tranh với người trong nước, mà thậm chí là sự cạnh tranh với bạn bè quốc tế. Sự lựa chọn ngành nghề cũng đa dạng hơn và chúng ta cũng dễ mông lung hơn. Cái khó của ngày xưa thì khó chung, ai cũng như ai, nhưng rồi chỉ vài năm gần đây mọi người sẽ thấy, sự phân hoá giàu nghèo dần rõ rệt, và chỉ việc tìm cách để xuyên thủng cái ranh giới đó cũng là cả một vấn đề lớn với các bạn trẻ mong muốn làm giàu khi mà trật tự kinh tế gần cố định và phân tầng rõ ràng. Nên việc so sánh giữa các thế hệ và mong muốn thế hệ này phải giống thế hệ kia mới thành công được là chưa chuẩn vì bối cảnh là khác nhau.
3. Nếu ngày xưa áp lực là cơm áo gạo tiền, cuộc sống hậu chiến tranh hay loay hoay tìm chỗ đứng trong một nền kinh tế chớm mở thì ngày nay, thế hệ trẻ cũng có những áp lực khác kiểu như: con nhà người ta; cân bằng cuộc sống công việc(work-life balance); tiết kiệm hay đầu tư; peer pressure( một phần do sự phát triển của mạng xã hội), cân đo giữa tiền bạc và hạnh phúc ... cho nên là áp lực lên mỗi thế hệ là khác nhau, và không cái nào hơn cái nào cả.
Mình không phủ nhận sự nỗ lực và cố gắng của các bậc cha chú, có điên mới làm vậy, vẫn có những cá nhân xuất chúng, và chúng ta có cả một thế hệ đi trước tài giỏi, nếu không muốn nói là những doanh nhân đại tài dẫn dắt cả một nền kinh tế nước nhà vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu mở cửa. Nhưng cũng không muốn nói là vì bây giờ chúng ta có những áp lực riêng mà sợ quá, từ bỏ việc phấn đấu. Thế hệ nào cũng vậy, cũng có những khó khăn riêng và những suy nghĩ của riêng mình, cũng phải cố gắng cả thôi, cái chúng ta cần là nhìn sự việc một cách toàn diện, rồi mỗi người tự rút ra bài học cho riêng mình, hiểu nhau hơn và thông cảm cho nhau để cùng tiến lên, thế thôi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất