Đây là 1 review của 1 người mới xem The Godfather lần đầu tiên.
9,2/10 và đứng thứ 2 trong 250 bộ phim hay nhất mọi thời đại của trang IMDB, 97 điểm trên Rotten Tomatoes từ giới Critics và 98 điểm từ người xem, 100 điểm từ Metascore và 9,9 từ User Score trên Metacritic, 3 giải Oscar, 5 giải Quả cầu vàng, một giải Grammy và nhiều giải thưởng danh giá khác nhau trong nền điện ảnh. Với từng đó những vinh quang, những đánh giá, những công nhận không chỉ tới từ khán giả đại chúng mà còn tới từ cả những nhà phê bình khó tính nhất, quả thực The Godfather hay Bố Già là một tuyệt tác của bộ môn nghệ thuật thứ 7, là tác phẩm kinh điển mà bất cứ ai cũng nên xem thử 1 lần trong cuộc đời, và đây là một review của mình về The Godfather (1972).

ĐÔI NÉT VỀ PHIM

Bố già (tiếng Anh: The Godfather) là một bộ phim hình sự sản xuất năm 1972 dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo và do Francis Ford Coppola đạo diễn. Phim xoay quanh diễn biến của gia đình mafia gốc Ý Corleone trong khoảng 10 năm từ 1945 đến 1955. Và hành trình của người con thứ 3 trong gia đình là Michael Corleone, người đã từng khẳng định với người yêu mình, rằng anh sẽ không tham gia vào công việc của gia đình mình, thế nhưng cuộc đời đâu ai có thể nói trước được điều gì ?

NỘI DUNG

Hẳn chủ đề về xã hội đen, giang hồ đã không còn quá là mới mẻ đối với khán giả đại chúng nữa, với sự xuất hiện của mạng xã hội, truyền thông và hàng loạt phương tiện thông tin đại chúng khác đã kéo theo hàng hà sa số những bộ phim khác nhau về đề tài xã hội đen, giang hồ với ti tỉ thể loại, bối cảnh, nền văn hóa, quốc khác nhau,... Từ những sản phẩm chất lượng được đầu tư vô cùng tỉ mỉ, chi tiết, cho đến cả những bộ phim công chiếu trên các nền tảng trực tuyến (Youtube, Netflix), đâu đâu chúng ta cũng có thể thấy được phim về đề tài này. Tuy nhiên dù số lượng nhiều là vậy, xong theo thời gian The Godfather vẫn luôn là một tượng đài trong làng phim về đề tài xã hội đen, hình sự và luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng những ai đã yêu thích thể loại phim này. Vậy đâu là lý do khiến cho The Godfather (từ giờ mình sẽ thống nhất gọi là T.G) vẫn có được sức hút mạnh mẽ đến như vậy, dù bộ phim đã có tuổi đời lên đến 50 năm rồi ? Câu trả lời có lẽ nằm ở nội dung của bộ phim. Bộ phim dù cho lấy bối cảnh là về xã hội đen, những kẻ đứng ở ngoài vòng pháp luật, những kẻ thao túng không chỉ là thường dân mà còn là cả giới chính trị gia của 1 quốc gia, những kẻ làm công việc bẩn thỉu, ghê tởm nhất để kiếm được lợi nhuận cho mình, những kẻ không ngại để bàn tay của mình dính đầy máu của kẻ thù và có thể là cả những người vô tội. Thế nhưng T.G dường như chỉ lấy cái hình tượng Mafia nước Ý làm cái nền, còn câu chuyện, nội dung thực sự mà đạo diễn Francis Ford Coppola và Mario Puzo có lẽ nằm ở 2 chữ “gia đình”. Nếu như T.G chỉ nói về những cuộc chiến giữa những băng đảng xã hội đen, những màn đấu súng, thanh toán lẫn nhau không thôi, thì phim có lẽ sẽ mãi mãi chỉ là một trong hàng hà sa số những phim xã hội đen ngoài kia và rồi có khi cũng sẽ lại bị chìm vào trong quên lãng, thế nhưng chính nội dung của phim, những bài học triết lý, những thông điệp về gia đình, về cách đối nhân xử thế,... đã làm cho T.G trở thành một kiệt tác.
Như đã nói, T.G lấy hình tượng những Mafia nước Ý làm cái nền để khắc họa nên câu chuyện gia đình nhà Corleone, khi mà Bố Già hay Vito Corleone, nhân vật được coi như ông trùm của thế giới ngầm và là người đứng đầu gia tộc Corleone bất ngờ bị ám sát (dù không qua đời), xong đứng trước tình cảnh vị thế, quyền lực của gia tộc bị đe dọa, những thành viên trong gia đình đã và sẽ làm gì để giải quyết tình huống đầy khó khăn này. Tất cả đã được thể hiện một cách vô cùng thuyết phục trong gần 3 giờ đồng hồ của phim, không một tình tiết thừa thãi, không một lời thoại nào sinh ra là để câu giờ cả, tất cả mọi hành động, cử chỉ, lời nói của mọi nhân vật đều là có mục đích cả. Và nếu để nói cảnh phim nào đã thể hiện rõ nhất T.G là một tuyệt tác trong cách kể chuyện và đưa nội dung của câu chuyện đến với người xem, có lẽ nằm ở cảnh đám cưới ở đầu phim. Cảnh mà nhiều người đã nhận định “đây là đám cưới đen tối nhất lịch sử Hollywood”. Hơn 10’ đầu của bộ phim, Francis Ford Coppola chỉ tập trung xoay quanh đúng sự kiện đám cưới của cô con gái Connie nhà Corleone, nếu thực sự để ý kỹ những chi tiết, lời nói, cử chỉ, hành động của các nhân vật, ta có thể dần hình dung ra được tính cách, lối sống, thậm chí là cả những dự đoán nhất định mà bọn họ sẽ gặp trong những diễn biến tiếp theo của phim. Cái hay trong T.G không chỉ đến từ những bài học triết lý sâu sắc về gia đình, về cách đối nhân xử thế, những thứ được đưa vào phim một cách rất tự nhiên, không gượng ép và cũng không mang tính quá giáo điều với người xem. Cái hay trong nội dung của T.G còn đến từ những cú plot twist trong phim, thực sự đã không dưới 3 lần mình phải há hốc mồm về cú plot diễn ra trong phim, mọi thứ thực sự diễn ra một cách vô cùng bất ngờ, chóng vánh đến mức mình còn kiểu “ủa thực sự là như vậy ah ?”, thế nhưng khi bộ phim đã kết thúc, mình ngồi và suy ngẫm lại những tình tiết, những thứ đã diễn ra trong phim, mình chỉ biết ngớ người nhận ra “ohhh hóa ra từ trước mọi thứ đều đã được đạo diễn cài cắm cả rồi.” Và khi ngẫm lại, mình càng nể phục và ngưỡng mộ với những gì mà đội ngũ làm phim đã xây dựng lên kịch bản cho tuyệt tác này.

Nhân vật

Một kịch bản hay, với nhiều cú plot twist thôi là chưa đủ để thành được một tác phẩm kinh điển được, nhân vật cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên được cái hay cho bộ phim. Và với T.G gần như không có một nhân vật nào là bị lu mờ cả.
Chúng ta có gia đình Corleone là một gia đình gốc Ý nhập cư vào nước Mỹ, với người đứng đầu là Vito Corleone hay còn được gọi là Bố Già được vào vai Marlon Brando, đã thể hiện xuất sắc hình tượng một trụ cột trong gia đình, và là một con cáo già, một kẻ với đủ máu mặt, bản lĩnh trên thương trường. Ông xuất hiện với vẻ ngoài vô cùng lịch lãm của một quý ông, với giọng nói chậm rãi, hơi khàn nhẹ đủ khiến từ phụ nữ đến đàn ông phải mê hoặc chất giọng Anh-Ý của ông. Ông được khắc họa là một Bố già của thế giới ngầm, một kẻ với đủ quyền lực để biến trắng thành đen, một người khiến cho các thành viên khác của Ngũ Gia phải kính nể và có cũng phần ghen ghét với những gì ông đang có. Tuy nhiên sau lớp vẻ ngoài đáng sợ đó, vẫn là một người chồng, người cha, một ông trùm hết lòng vì gia đình của mình. Bởi như Vito đã nói với Sonny: “Because a man who doesn't spend time with his family can never be a real man.”, mọi hành động, mọi quyết định, suy tính của ông đều là để đảm bảo hạnh phúc của gia đình Corleone. Ngay từ cử chỉ của Vito đã thể hiện rõ điều này, xuyên suốt phim ông luôn để tay trái của mình (cánh tay đeo nhẫn cưỡi) lên mặt để đăm chiêu suy nghĩ, ám chỉ dù làm cái gì cũng phải đặt gia đình lên trước. Ông quan tâm và coi trọng gia đình là trên hết, và sẽ ko để bất cứ 1 ai làm ảnh hưởng đến gia đình mình kể cả đó có là con nuôi của ông là Johnny. Khoảnh khắc thể hiện Vito là người đàn ông hết mình bảo vệ gia đình và là khoảnh khắc mình ngưỡng mộ Bố Già Vito Corleone nhất, là khi ông chọn mở ra cuộc họp của Ngũ Gia thay vì là nhờ Cố Vấn của mình điều tra và trả thù cho cái chết của con trai cả. Tất cả những gì ông muốn là hòa bình và đảm bảo không còn đổ máu nữa, ông chấp nhận để cho những kẻ còn lại trong Ngũ gia được kinh doanh ma túy hợp pháp, tuy nhiên ông cũng sẽ không tham gia và cũng không phản đối, đổi lại ông cần những kẻ trong hội đồng đảm bảo sẽ không còn chiến tranh, và cũng đảm bảo cho sự an toàn của con trai mình là Michael. Đây, đây chính là bản lĩnh của 1 người đàn ông, lùi 1 bước để tiến vạn bước, chấp nhận giảng hòa với kẻ thù, chấp nhận việc kinh doanh ma tuý của chúng, nhưng vẫn cài vào đó những điều luật nhất định nhằm đảm bảo sự an toàn cho gia đình của mình là trên hết vì gia đình là thứ quan trọng nhất với ông trùm. Đó là một lời đề nghị mà chúng không thể nào chối từ.
Đã là Vua của thế giới ngầm, là vị Bố già đáng kính thì cũng cần phải có những người thân cận ở bên, những người sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa của Bố, và người thể hiện rõ nhất vai trò này, chính là người con nuôi Thomas “Tom” Hagen của Vito. Thomas vốn là con nuôi của Vito được nhận nuôi về, anh được nuôi dạy để trở thành Luật Sư, là người cố vấn và là cánh tay phải đắc lực của Bố già. Trái với tính cách có phần nóng nảy, thích dùng hành động hơn lời nói của người con trai cả nhà Corleone. Tom lại là một người điềm đạm, bình tĩnh, lạnh lùng, không thích dùng nắm đấm để nói chuyện và thích dùng những lời nói, sự thỏa hiệp hay nói đúng hơn là giảng hòa để giải quyết các mâu thuẫn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa Tom là một kẻ nhu nhược, anh ấy là một Luật Sư, anh ấy quá hiểu về luật pháp của đất nước cờ Hoa này, anh ấy có đủ mánh, đủ giỏi để lợi dụng các lỗ hổng trong luật để biến trắng thành đen và mang lợi cho mình, sự đáng sợ của Tom được thể hiện ngay trong câu nói của tác giả Mario Puzo “A Lawyer With His Briefcase Can Steal More Than A Hundred Men With Guns” (Tạm dịch: “một luật sư với một chiếc cặp có thể ăn cắp nhiều hơn 100 thằng có súng.”). Sức mạnh của Tom không phải đến từ cơ bắp mà đến từ đầu óc, từ quyền lực mà anh có thể dùng để khiến kẻ khác phải tuân theo. Bằng chứng nằm ở cảnh Tom đi xin vai chính cho Johnny với đạo diễn, anh xuất hiện và ngỏ lời muốn hợp tác với ông đạo diễn, tuy nhiên ông đạo diễn một mực từ chối, và liên mồm chửi mắng Johnny, thậm chí là đe dọa, sỉ nhục danh tiếng của Bố già Vito. Thế nhưng thay vì cũng phản ứng gay gắt lại với hắn, Tom thản nhiên dùng bữa tối được mời và nhẹ nhàng đáp lại: “cảm ơn vì bữa ăn” rồi rời đi. Và ngay trong sáng hôm sau ông đạo diễn đã hiểu ông đã gây sự với nhầm người, và lời đề nghị của vị luật sư kia (hay đúng hơn là đề nghị của Bố già) là lời đề nghị không thể chối từ. Một sức mạnh quyền lực, luật pháp đến đáng sợ tồn tại trong một kẻ với vẻ ngoài tưởng như khá thư sinh.
Về những người con còn lại của Vito, thì ngay trong khung cảnh mở đầu đám cưới như mình đã nói nó đã thể hiện phần nào tính cách và số phận của họ rồi, tuy nhiên mình sẽ dành phần lớn bài viết để nói sâu hơn về Michael, người được coi là nhân vật chính thứ 2 trong bộ phim này và mình sẽ để Michael ở cuối bài, vì anh được khắc họa nhiều hơn so với những anh em khác trong nhà.
Đầu tiên hãy đến với Sonny hay Santino Corleone là người con trai cả trong gia đình, anh được khắc họa là một người có phần nóng nảy, thích dùng nắm đấm, bạo lực để giải quyết những vấn đề hay người ta hay nói là đồ “hữu dũng vô mưu”. Tuy nhiên sau vẻ ngoài có phần cục súc đó, vẫn là một người anh trai hết mực yêu thương những đứa em trong nhà, sẵn sàng đập sấp mặt đứa em rể vì dám bạo hành em gái của anh, sẵn sàng vác đồ lên để tiêu diệt kẻ dám làm bố mình gặp nguy hiểm. Tuy nhiên chính vì cái tính cách nóng nảy, hành động mà không suy nghĩ, tính toán trước của Santino mà anh đã nhận phải 1 cái kết bi thảm, một cái kết mà khi đến thì mình cảm thấy có phần bất ngờ, nhưng rồi ngẫm lại thì có lẽ việc này đến với anh chỉ là sớm hay muộn, nếu anh vẫn sống với cái tính cách đó.
Đứa con thứ 2 của Vito là Fredo hay Frederico Corleone, dù không xuất hiện quá nhiều trong phần 1, nhưng chỉ cần 1 khoảnh khắc trong phim thôi đã cho ta thấy con người của Fredo không có bản lĩnh để thành một Bố già mới của nhà Corleone. Đó là khi chứng kiến bố mình bị bắn, anh gần như bất lực, chẳng làm gì cả ngoài ngồi gục xuống đó mà khóc. Một kẻ hèn nhát, không có bản lĩnh như anh liệu có xứng đáng để làm một ông trùm trong thế giới ngầm ?
Đứa con út trong nhà là Connie và là đứa con gái duy nhất trong nhà, cô là một người phụ nữ tốt, một người phụ nữ hết lòng yêu thương chồng và con, tuy nhiên số phận đã không mỉm cười với cô khi để cô sống với một tên chồng vũ phu, một kẻ phản bội gia đình, và để rồi cô phải sống trong đau khổ khi trở thành một góa phụ. Ngay từ khoảnh khắc mở đầu của phim, khi người làm nghề mai táng nói rằng ông là người Ý nhập cư và con gái ông đã bị bạo hành bởi những tên người Mỹ đã như 1 chi tiết ngầm nói về tương lai của Connie, bởi câu chuyện được kể ngay trong lễ cưới của cô, nơi cô là một phụ nữ người Ý và đem lòng yêu một chàng trai người Mỹ.
Và cuối cùng là Mikey hay Michael Corleone, người trong sáng nhất trong tất thảy các thành viên trong gia đình, là quân nhân, là người hùng của đất nước này. Anh đã hứa với bản thân và với người yêu của mình rằng anh sẽ không bao giờ muốn làm công việc của gia đình mình, bản thân Vito cũng không muốn, khi trong phân cảnh 2 bố con trò chuyện với nhau, ông đã muốn Mikey trở thành một sĩ quan, một chính trị gia của nước Mỹ hơn là trở thành một ông trùm thế giới ngầm giống ông. Nhưng rồi cái gì đến cũng sẽ phải đến, Mikey là người duy nhất có đủ phẩm chất của một ông trùm, của một người sẽ gánh vác được toàn bộ đế chế này, là người duy nhất có thể kế vị được danh hiệu Bố già của Vito. Mikey đủ dũng cảm, đủ bản lĩnh để làm những việc lớn, ngay từ khoảnh khắc anh sẵn sàng một mình lao vào bệnh viện giữa đêm hôm khuya khoắt để thăm bố mình, anh vừa có bản lĩnh, vừa thông minh để không phải chịu số phận như anh trai Sonny của mình. Khoảnh khắc có lẽ đánh dấu sự thay đổi trong con người của Mikey có lẽ khi anh sẵn sàng cầm súng lên tiêu diệt tên người Thổ buôn hàng và gã cảnh sát biến chất, đó là khi bàn tay của Mikey đã nhúng 1 phần vào thế giới ngầm đầy hỗn loạn này, khoảnh khắc số 2 có lẽ là sự chuyển biến hoàn toàn của Mikey, từ một người đã từng hứa không bao giờ đi vào con đường này là khi anh đang tận hưởng cuộc sống yên bình ở một nơi rất xa, cố gắng quên đi câu chuyện cũ cùng với người vợ mới của mình, để rồi người đã luôn bên anh, anh coi như anh em là Fabrizio đã phản bội anh và cho nổ tung chiếc xe mà vợ anh đang ngồi trong đó. Chứng kiến cha mình bị ám sát dù bất thành, người vợ bị đánh bom, anh trai thì lĩnh trọn vụ xả súng của kẻ thù mà qua đời, em gái thì bị bạo hành,..., Mikey hiểu rằng nếu anh không hành động, những người thân của anh, những người trong gia đình Corleone rồi cũng sẽ gặp nguy hiểm. Và đó là khi anh quyết định phải trở lại, tiếp quản vị trí Bố già của Vito và đứng lên để bảo vệ gia đình của mình. Mikey có bản lĩnh cần có của một ông trùm, có sự thông minh và quyết đoán thông qua sự chỉ bảo của ông bố, và đặc biệt đó là sự tàn nhẫn. Tàn nhẫn là sức mạnh, và chỉ có kẻ yếu mới sợ chúng, và Mikey không sợ, trái lại anh vô cùng tàn nhẫn, sẵn sàng xuống tay với tất cả những kẻ dám đe dọa đến gia đình của anh. Khi Mikey vừa lên nắm quyền thay cha, gia tộc Corleone chắc chắn sẽ suy yếu, sau khi mất đi bố già, Tom ko phải mẫu người thích dùng nắm đấm hay súng đạn để giải quyết vấn đề, và người cần tàn nhẫn lúc này phải là Mikey, vì nếu Mikey ko giết những kẻ đứng đầu Ngũ Gia thì ko sớm hay muộn anh cũng sẽ bị kẻ thù nuốt lấy và khi đó gia đình anh sẽ lại gặp nguy hiểm. Mikey còn thể hiện sự tàn nhẫn ngay trong cách giao kèo, thay vì là dùng vũ lực đe dọa khiến hắn sợ và chấp nhận yêu cầu của anh, thì anh sẵn sàng tiễn chúng luôn sang thế giới bên kia để phòng sau này. Mikey còn là một người sống với triết lý việc thấy phải làm, thì làm không cần giải thích hay lý do cũng như chấp nhận bị hiểu sai nhưng thấy cần vẫn làm. Điều này thể hiện rõ nhất khi Mikey đã sai người xử luôn Carlo, em rể của mình, hắn là 1 kẻ phản bội gia đình, bán đứng gia đình, khiến Sonny phải bỏ mạng, hành hạ em gái anh là Connie. Một kẻ như v cần phải chết, mặc cho Connie sau đó đã nguyền rủa và chửi bới Mikey là đồ dã man, độc ác ra sao, nhưng đó là việc phải làm vì tha cho 1 kẻ phản bội tức là đang tự dí dao vào cổ mình rồi. Cuối cùng phân cảnh ấn tượng nhất với mình về nhân vật Mikey chính là ở cuối phim khi anh được gọi là Don Vito Corleone ám chỉ anh đã có trong tay quyền lực tối cao của từ cha mình, khuôn mặt của Mikey ở đầu phim luôn được ánh sáng chiếu vào ám chỉ khi này anh chưa hề có bất cứ một toan tính, âm mưu gì. Nhưng ở cuối phim, khuôn mặt không còn một chút ánh sáng nào nữa mà tối dần đi ám chỉ sự thay đổi trong con người Mikey, giờ đây anh đã bước chân vào thế giới ngầm và một đi sẽ không thể nào thoát ra được nữa.
Những nhân vật khác trong phim, dù chỉ là vai phụ, xong gần như ai cũng để lại được những ấn tượng với mình, dù là ít hay nhiều, ai cũng có một cái kết cho riêng mình và không ai là bị bỏ quên cả.

Hình ảnh và âm nhạc

Với kỹ thuật quay phim xuất sắc, T.G đã thể hiện cực rõ ý đó, những biểu tượng, những ẩn dụ và cả những chi tiết mà đạo diễn muốn cài cắm vào trong phim, phần hình ảnh của phim thực sự khiến mình mê chữ ê kéo dài dù phim đến nay đã 50 tuổi rồi, mình dường như chìm đắm vào phim lúc nào không hay, thậm chí với mình lúc đầu cảm giác gần 3 tiếng có chút gì đó hơi ngắn ấy. Về âm nhạc thì mình yêu thích những bản nhạc trong phim, nó nhẹ nhàng đúng thời điểm, nhưng có những lúc trầm đến sâu lắng, âm nhạc đã khiến cho cách mà đạo diễn thể hiện bộ phim qua hình ảnh đã tuyệt nay còn tuyệt hơn nữa. Và mình mê mẩn nhạc phim, lẩm nhẩm nó trong đầu lúc nào ko hay.

Tổng Kết

The Godfather hay Bố Già là một tuyệt tác của bộ môn nghệ thuật thứ 7, là một bộ phim kinh điển của thể loại phim xã hội đen nói riêng và điện ảnh nói chung, một tác phẩm mà sau khi xem xong người xem dường như chiêm nghiệm được những bài học, những triết lý, những kinh nghiệm sống từ những kẻ tưởng như không có tình người kia, thậm chí phim khiến ta còn phải cảm thấy tự hỏi về ranh giới thực sự của cái gọi là thiện-ác, tốt-xấu liệu có thực sự tồn tại hay không chứ ? Tóm lại Bố Già là một bộ phim thực sự mà bạn nên xem 1 lần ở trong đời.
Chấm điểm : 10/10