Dạo gần đây, trào lưu “Review phim” đang nở rộ và được nhiều người ưu chuộng. Hình thức này gãi đúng chỗ ngứa của của đa số Facebooker, với tư duy nhanh, gọn, lẹ và "miễn phí".
Chắc hẳn đạo diễn James Cameron sẽ phải “khóc thét” khi thấy bộ phim Titanic huyền thoại của mình bị “cắt, gọt” từ hơn 3 giờ đồng hồ xuống chỉ còn có gần 10 phút. Tuy nhiên, khoan hãy bàn tới nét đẹp của nghệ thuật đã bị hủy hoại ra sao, mà hãy cùng soi chiếu dưới góc độ pháp lý xem hành vi này sai trái thế nào.
Nguồn: Clip Review phim tràn lan (Ảnh trên itcnew.vietnamnet.com)

1. “Review phim” vi phạm pháp luật hay không?

Xét về mặt khách quan của hành vi này, có thể thấy rõ Review phim là "tóm tắt"  lại tình tiết chính của 1 bộ phim trong một thời gian ngắn. Đa số các page tóm tắt phim được lập ra với mục đích tăng tương tác, tăng lượt like, lượt xem cho fanpage.
Xét về mặt chủ quan của hành vi này, các chủ fanpage đã cố ý cắt, ghép nội dung của bộ phim điện ảnh mà không có sự cho phép của tác giả, nhằm mục đích thu về lợi nhuận do Facebook trả từ hoạt động quảng cáo. Hành vi này hoàn toàn không thuộc các trường hợp được phép sử dụng tác phẩm (điện ảnh) đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao tại Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành. Cũng không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao tại Điều 26 Luật này.
Xét về chủ thể hành vi, các chủ fanpage hoàn toàn không có quyền tác giả, không có quyền sử dụng tác phẩm. Tóm lại là không được phép khai thác tác phẩm (điện ảnh) nhằm mục đích lợi nhuận.
Xét về khách thể của hành vi, hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả các nhà làm phim. Hành vi này làm thiệt hại về thu nhập từ việc khai thác thương mại các bộ phim bị đem ra review.
Tóm lại, hoạt động đăng tải những clip ngắn để “Review phim” và đăng tải trên các fanpage là hành vi phạm pháp. Cụ thể đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả và chủ sở hữu các bộ phim điện ảnh.

2. Vì sao “Review phim” chưa bị xử lý?

Sau phân tích trên, có thể xác định hoạt động Review phim là sai trái, phạm pháp. Tuy nhiên, trong thực tế chúng vẫn đang xuất hiện nhan nhản trên tường Facebook của mỗi chúng ta. Điều này được lý giải bởi những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, dễ thấy các bộ phim được Review đa số là các bộ phim nước ngoài, chỉ có số ít là các bộ phim Việt Nam được “cắt, gọt” và đăng tải. Vì các chủ sở hữu những bộ phim này ở ngoại quốc, nên rất khó có điều kiện (hoặc không đáng) khởi kiện và có động thái ngăn chặn hành vi này.
Thứ hai, vì “Review phim” là một hành vi mới phát sinh và lại ở trên mạng xã hội. Do vậy, cơ quan chức năng chưa kịp thời phản ứng có những biện pháp kiểm soát, tác động. Đây vốn vẫn là “gót chân Archil” của cơ quan chức năng.
Thứ ba, và là yếu tố quan trọng nhất, xuất phát từ chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Facebook. Có trụ sở tại Mỹ, thế nên chính sách bảo vệ QSHTT của Facebook tuân theo những quy định của luật pháp Hoa Kỳ. Liên quan đến vấn đề này, họ viện dẫn Nguyên tắc sử dụng hợp lý (fair use).
Nguyên tắc sử dụng hợp lý ghi nhận rằng, việc áp dụng cứng nhắc các luật sở hữu trí tuệ (luật bản quyền) trong một số trường hợp nhất định là không hợp lý. Hoặc có thể kiềm chế sự sáng tạo và ngăn người khác tạo tác phẩm gốc một cách không phù hợp. Điều đó sẽ gây tổn hại cho công chúng. Vì thế, nguyên tắc này cho phép mọi người sử dụng tác phẩm có bản quyền của người khác mà không cần sự cho phép trong một số trường hợp nhất định. Các ví dụ phổ biến bao gồm: chỉ trích, bình luận, báo cáo tin tức, bài giảng, học bổng và nghiên cứu. Nguyên tắc này tương tự như quy định tại Điều 25, 26 Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Xét về bản chất, nguyên tắc này cho phép người khác sử dụng tác phẩm của tác giả không vì mục đích lợi nhuận và không làm tổn hại tới lợi ích vật chất của tác giả. Nhìn lại hoạt động “Review phim”, có thể thấy rõ mục đích của các chủ fanpage là nhận tiền phí quảng cáo từ Facebook qua số lượng tương tác cao trên các bài đăng "Review phim".
Tóm lại, việc Facebook chấp thuận và cho phép sự xuất hiện nhan nhản các clip phim được “cắt, gọt” trên nền tảng của mình đang vi phạm pháp luật của cả Hoa Kỳ và Việt Nam.

3. Chế tài xử phạt là gì?

Tại Việt Nam, liên quan đến hình phạt đối với hành xâm phạm quyền tác giả (tác phẩm điện ảnh) được ghi nhận tại Điều 225 Bộ Luật hình sự hiện hành. Theo đó, hình phạt tù treo tới 3 năm hoặc phạt tiền tới 300 triệu đối với người nào không được phép của tác giả mà cố ý thực hiện các hành vi sao chép hoặc phân phối bản sao tác phẩm làm xâm phạm quyền tác giả nhằm:
- Nhằm mục đích thương mại thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;
- Hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Nếu số tiền thu lợi bất chính và thiệt hại gây ra nhỏ hơn hai mức trên thì các chủ fanpage vẫn sẽ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt vài chục triệu đồng theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2017/NĐ-CP.
Kết
Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc ngăn chặn và có biện pháp xử lý hành vi vi phạm này nhằm bảo vệ những người làm nghệ thuật chân chính. Chỉ có như thế, những người nghệ sĩ mới có thể an tâm sáng tạo và công hiến những tác phẩm hay cho công chúng.
Đọc thêm: