THE BABADOOK- PHIM KINH DỊ ĐẸP ĐẾN NAO LÒNG
Chào các bạn, hôm nay là sinh nhật mình và bài viết này sẽ chứng minh vì sao The Babadook lại là một bộ phim kinh dị đẹp đến nao...
Chào các bạn, hôm nay là sinh nhật mình và bài viết này sẽ chứng minh vì sao The Babadook lại là một bộ phim kinh dị đẹp đến nao lòng.
Khi mình nói phim này "đẹp", mình không hề nói tới bối cảnh phim hay màu sắc trong phim. Bối cảnh phim là một căn nhà u ám ủ dột. Màu sắc phim chả mấy khi tươi sáng. Vậy đẹp ở chỗ nào?
Trước hết, mình muốn nói một điều rằng đây là phim kinh dị hay nhất mình từng xem, và mình nghĩ phim đủ sức chọi lại The Shining hay The Exorcist (Hình như các phim kinh dị hay thường bắt đầu bằng chữ The :)). Mặc dù vẫn còn nhiều phim mình chưa coi, nhưng mình nói vậy đó :)
Đẹp từ nội dung
Nội dung quá quen thuộc. Nhà có ma. Ma ám người trong nhà. Hoảng loạn, sợ hãi, la hét. Nhưng The Babadook xử lý nội dung cực kỳ tuyệt vời. Cực kỳ tuyệt vời.
Amelia (Essie Davis) là một bà mẹ đơn thân ở cùng với con trai Samuel (Noah Wiseman) 6 tuổi trong một căn nhà u ám. Một ngày nọ hai mẹ con tìm được một cuốn sách "trẻ em" với tựa đề Mister Babadook. Vì nó chứa những nội dung và hình ảnh bạo lực nên Amelia đã cố gắng, ừ, ý mình là "cố gắng", tiêu hủy cuốn sách. Và, nói gì bây giờ, bạn chỉ cần biết đến đó thôi.
Cái đẹp của phim, là ở nhân vật và ở câu chuyện của nhân vật. Với một nội dung có vẻ quá dễ đoán và nhàm chán, các nhân vật trong phim đã đem lại sinh khí cho bộ phim và khiến khán giả ám ảnh và suy nghĩ miết về phim. Amelia là ai, cô gặp những vấn đề gì và cô chịu đựng nó ra sao khi cả cơ thể và tinh thần của cô tồi tàn đến thảm hại. Samuel là đứa nhóc như thế nào mà chúng ta ghét nó đến vậy để rồi cuối phim gần như bật khóc vì nó, Samuel có vấn đề gì mà lại quá bướng bỉnh và quậy phá như vậy.
Câu chuyện trong phim được xử lý khéo đến nỗi nó mang theo rất nhiều tầng nghĩa, cuối bài mình sẽ nói thêm trong phần spoil.
Đọc thêm:
Đẹp trong diễn xuất
Essie Davis và tạo hình của nhân vật Amelia
Amelia của Essie Davis đủ vững chắc và chiều sâu để so sánh với Wendy của Shelly Duval. Người mẹ gầy gò, hốc hác nhưng đầy tình thương con trong The Shining của Shelly dù có độc đáo và ấn tượng đến đâu cũng chỉ là nhân vật phụ. Amelia của Essie là nhân vật trung tâm của The Babadook. Điều này mang lại cho Essie lợi thế lớn so với đồng nghiệp của mình: sự quan tâm tới nhân vật. Nhân vật Amelia được khắc họa vô cùng rõ nét với những vấn đề của quá khứ, những áp lực của hiện tại và nỗi lo lắng trước tương lai của con cô. Những điều đó là quá sức chịu đựng với bất kỳ một người nào chứ không riêng gì Amelia, một phụ nữ héo hon vì mất ngủ. Ameli chiếm trọn từng khung hình khi đứng bên cạnh những bà vợ bà mẹ khác. Sự suy nhược, kiệt sức vì áp lực công việc và nỗi ám ảnh bởi quá khứ khiến cô vừa nổi bật lại vừa mờ nhạt so với cuộc sống bên ngoài căn nhà của cô. Những điều ấy khiến Amelia chiếm trọn tình cảm và sự cảm thông của khán giả, mình nghĩ rằng về điểm này thì Amelia còn làm tốt hơn cả Wendy (không phải lỗi của Wendy nhé :)).
Nhân vật Samuel của diễn viên nhí Noah Wiseman cũng ấn tượng không kém. Ồn ào, khó chịu, bướng bỉnh và nhiễu sự là những đặc điểm rõ ràng nhất của Sam. Ngay từ đầu bộ phim chúng ta đã thấy Samuel rất đáng ghét, dù nó chỉ là một thằng nhóc thích nghịch dại (nhưng thực sự có "dại" không thì phải xem phim thôi :)). Tuy không có nhiều đất diễn như Amelia nhưng Samuel lại thể hiện rất tốt vai diễn của mình và mang đến cho khán giả những phân đoạn cực kỳ ấn tượng và ám ảnh. Mình đặc biệt thích cảnh Samuel trong xe hơi, xem và cảm nhận nhé :)
Những cảnh trong phim khắc họa nỗi sợ của nhân vật được thể hiện chân thật đến từng biểu cảm. Có thể kể tới một phân đoạn mà Amelia bị ảo giác, dù rất nhanh thôi nhưng cũng rất đẹp. Phim đã thành công với nhân vật lại còn thành công với một yếu tố khác: hiệu ứng.
Đọc thêm:
Đẹp ở hiệu ứng
Nếu bạn đã xem The Exorcist hoặc Paranormal Activity, bạn sẽ biết những hiệu ứng mà một câu chuyện ma ám cần. Với cửa: cửa kêu cọt kẹt, tiếng móng tay cào cửa, tiếng gõ cửa dồn dập (ba-ba-ba dook dook DOOK chẳng hạn). Với ánh sáng: đèn chùm lung lay, bóng đèn nhấp nháy kỳ quái, đèn bể bóng không rõ lý do. Với âm thanh: tiếng chó sủa, tiếng lá bay trong gió, tiếng thì thầm bằng một giọng nam trầm và đục (mấy con quỷ toàn là đàn ông không đó, mấy ông con trai coi ăn ở sao nha). Ngoài ra còn có thêm "giường lung lay", "ảo giác", "những thứ kinh tởm" và nhiều nhiều nữa.
Và The Babadook có tất cả những thứ đó.
Đạo diễn Jennifer Kent có vẻ đã "nằm lòng" những điều này và biết mình phải làm gì với nguồn kinh phí hạn chế. Trong phim, ngoài những hiệu ứng cổ điển, Jennifer Kent đã thêm vào hai thứ mình cực kỳ thích. Thứ nhất, cô sử dụng rất hạn chế và chọn lọc những hiệu ứng trên. Cô đã cô đọng nó lại vào những lúc nhất định, điều này khiến The Babadook có những cảnh phim rất tinh tế. Thứ hai, cô tận dụng hiệu quả ánh sáng. Với kinh phí thấp, cô nhận ra bộ phim Úc của mình không thể yêu cầu những kỹ xảo như Hollywood. Và ơn Trời là cô đã không cố làm điều đó. Phải nói Jennifer đã rất khôn khéo khi đánh vào nỗi sợ cơ bản nhất của con người: sợ bóng tối. Với những trường đoạn trong nhà sử dụng rất ít ánh sáng, ta chỉ có thể thấy lờ mờ biểu cảm và đường nét nhân vật qua ánh đèn TV hay ánh đèn đường rọi qua cửa sổ, The Babadook trở nên kỳ quái và đáng sợ khi vừa che đi điểm yếu của mình về kỹ xảo vừa tô điểm thêm nỗi sợ thực sự: nỗi sợ đến từ con người.
The Babadook không khiến bạn ghê tởm bởi những con quỷ gớm ghiếc vì nó không cho bạn thấy tận cảnh con quái vật, điều này lại khiến phim ám ảnh hơn. Việc kết hợp hài hòa giữa nội dung và âm thanh ánh sáng trong phim chắc chắn sẽ đem lại cảm hứng "kinh dị" cho bạn :).
Và đẹp đến nao lòng
Bạn có thể nhìn phim này như một phim kinh dị. Mình thì khác. Đúng, phim sử dụng rất tốt những yếu tố kinh dị, nhưng phim là một thông điệp cực kỳ nhân văn. Mình nhìn nhận phim qua những lớp nghĩa phim mang đến. Mình sẽ chỉ nói qua để nếu các bạn xem các bạn sẽ chú ý theo dõi thôi, mình sẽ nói rõ hơn ở phần spoil bên dưới.
Theo mình thấy, Mr. Babadook đại diện cho quá khứ và những vấn đề của con người. Có những câu thoại giới thiệu Mr. Babadook rất ẩn ý về điều này. Cách Babadook hù dọa và "ám" được nhân vật của chúng ta cũng để thể hiện điều đó. Cái cách mà hai mẹ con "đối phó" với Mr. Babadook cũng mang đến nhiều liên tưởng tới cách con người đối phó với quá khứ và vấn đề của mình.
Phim còn là câu chuyện đẹp về tình mẫu tử. Cái cách Amelia đối xử với Samuel không ít lần khiến người xem trân trọng và đồng cảm. Khi ta nhìn thấy Samuel cố gắng bảo vệ mẹ mình bằng những đồ chơi nguy hiểm, ta đâu có còn giận được cậu nhóc vì đã quá bướng bỉnh và lắm điều. Phim có những phân cảnh có thể lấy đi nước mắt khán giả, và mình tin rất nhiều bạn sẽ đồng cảm và xúc động trước tình mẫu tử trong phim.
Và giá trị tuyệt vời nhất của phim nằm ở đây: sự cô độc. Chúng ta xem phim và có vẻ sợ Mr. Babadook, hay chúng ta sợ những tên sát nhân, những con quỷ máu lạnh hoặc những con ma phiền nhiễu, nhưng chúng ta quên mất nỗi sợ sâu thẳm nhất của con người: sợ cô độc. Amelia bị đè nén, hủy hoại bởi những vấn đề về giấc ngủ, những ẩn ức tình dục, những ám ảnh về người chồng quá cố và cả những sự chịu đựng lẫn nhẫn nhịn với cậu con trai. Samuel trở nên bướng bỉnh và có xu hướng bạo lực vì thiếu hình bóng người cha. Mẹ cậu yêu cậu, rất nhiều, nhưng không thể thay thế được một hình bóng xa vời về người cha mà ai cũng có. Cậu tin vào quái vật, như bao đứa trẻ khác, nhưng lại hơi hoang tưởng trong việc bảo vệ mẹ mình, vì bây giờ cậu là người đàn ông duy nhất trong nhà. Không kết bạn, thích xem ảo thuật, say mê những đồ chơi nguy hiểm khiến Sam trở thành một đứa bé kỳ lạ và khó gần tới khó chịu.
Hai mẹ con với những vết thương tinh thần lại không thể chia sẻ với ai. Họ là những người bị quên lãng, cô độc và trở nên thờ ơ. Dì Clarice là người thân duy nhất của hai mẹ con, lại thiếu sự quan tâm đến họ và còn thua cả bà hàng xóm bên nhà hay anh bạn đồng nghiệp. Chúng ta thấy Amelia cô độc và lạc lõng giữa đám bạn của Clarice, chúng ta thấy Samuel quậy phá và bơ vơ giữa đám bạn gái của em họ mình. Họ đều bị lãng quên. Không được quan tâm, không được lắng nghe và thấu hiểu khiến họ trở nên yếu đuối và dễ tổn thương. Amelia không thể giấu điều đó qua nụ cười êm dịu với mái tóc rối bù, Samuel cũng không thể giấu điều đó với những món đồ nguy hiểm hay những lời hù dọa cậu hay đem ra.
Và chúng ta lại hỏi "tại sao Babadook lại chọn hai mẹ con này?".
Phim nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa và tầm quan trọng giữa mối quan hệ con người và cách chúng ta đối đầu với quá khứ. Do đó, dù là phim kinh dị nhưng The Babadook mang đến một trải nghiệm đẹp đến nao lòng.
Phần spoil
The Babadook là một phim kinh dị cực kỳ thông minh. Sau đây là những chi tiết khiến mình chắc chắn về điều đó.
Mr. Babadook đại diện cho quá khứ, trong phim có câu giới thiệu về nó như sau: "Ngươi càng chối bỏ, ta càng mạnh.". Hiểu hén :)
Có người cho rằng ở đoạn kết phim thì Amelia đã giết Samuel rồi, và những gì xảy ra sau đó chỉ là ảo giác của cô. Để củng cố quan điểm này thì người ta cho rằng màn ảo thuật cuối phim là không thể thực hiện, với cả việc cả 2 mẹ con thay đổi về suy nghĩ lẫn hành động là hơi quá đà. Mình thì vẫn tin rằng 2 mẹ con đã dẹp được Babadook vào tầng hầm và mọi chuyện cuối phim là thực chứ không phải ảo giác.
Mr. Babadook ám được Amelia nhưng không ám Samuel vì theo mình tinh thần của Amelia bất ổn hơn. Cô là người mẹ, việc phải làm tròn vai trò người mẹ khi mất đi người mình yêu khiến cô trở nên dễ tổn thương hơn. Dù sao khi sợ hãi Samuel còn có mẹ để ôm và để kể chuyện. Thêm vào đó, Samuel "giống bố" của mình, nói lên những điều mình nghĩ. Việc này chứng tỏ Samuel sống dễ dàng chứ không chịu nhiều áp lực làm vừa lòng người khác như Amelia, người mẹ làm ở viện dưỡng lão của mình.
Những phân đoạn lúc Amelia bị ám và dùng những lời lẽ cay độc cáu bẳn với Samuel khiến mình nghi ngờ. Mình không biết đó có phải những điều Amelia nghĩ và không nói ra hay đó là những điều mà Mr. Babadook ép cô nói. Và việc phim khiến mình nghi ngờ chứng tỏ phim rất thành công. Nó nhắc ta nhớ rằng ác quỷ đến từ bên trong, nên việc đối xử với nhau tôn trọng và thẳn thắn là rất cần thiết. Nhờ vậy mà người hiểu người hơn. Nguyễn Ngọc Tư kể rằng bà của chị không tin con người có thể làm những việc độc ác thú tính như ấu dâm hoặc giết người. Đối với bà, đó là "ma xui, quỷ nhập". Chị Tư bảo rằng bà của chị tin vào thiện căn của con người. Amelia bị Babadook nhập vào, nhưng không vì thế mà lời cô nói là những lời lẽ bị ép buộc hoàn toàn. Cha của Samuel mất khi đưa cô tới bệnh viện để sinh con. Ngày Samuel ra đời là ngày Amelia mất đi tình yêu của mình. Việc này khiến cô đau đớn và có ý nghĩ tiêu cực về Samuel. Nhưng đây lại là thứ khiến Amelia rất con người. Vì là con người nên cô mới có những cảm xúc phức tạp và mâu thuẫn như vậy.
Phim thông minh, quá thông minh.
The Babadook, bộ phim có vẻ khá ngờ nghệch với tựa phim trẻ con, chính là tượng đài mới của dòng phim kinh dị. Nếu bạn là fan của dòng Thriller thì đừng, mình nói rồi đó, đừng bỏ qua phim này, nếu không Cảnh vệ Không gian Phim Thriller sẽ đến bắt bạn. Còn bạn đọc bài này và muốn xem phim, đừng lo, bạn sẽ ổn thôi :)
Sau đây là một vài bài viết về The Babadook mình đề nghị nên xem lướt để lấy thêm thông tin về phim thôi. Phim này càng ít biết về phim xem càng hay. Nhưng mà coi bài của mình thì không sao :)
Đây là hai clip có The Babadook của Chris Stuckmann - thần tượng review của mình. Bạn có thể xem clip đầu để biết thêm những phim hay đáng xem.
Cám ơn các bạn đã đọc bài của mình, mình nghĩ các bạn sẽ thắc mắc tại sao mình chèn hình Emma vào và lại để bài này ở mục Quan điểm.
Mình mê Emma, do bả đẹp, nên mình sẽ bắt đầu chèn bả dô để cảnh báo spoil. Hôm nay sinh nhật mình nữa, ahihi. Và khi viết bài này mình thấy rất thoải mái, nên mình muốn nhiều người xem. Cho nó vào mục Phim thì ít người xem lắm, cho vô Quan điểm luôn.
Bài viết của mình, xử lý sao là chuyện của mình :) nói chứ mình thấy bài này cũng hợp với mục Quan điểm mà :)
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất