Hôm nay, có hai chuyện được mọi người nói nhiều nhất, đó là chuyện mua vàng ngày vía Thần Tài và chuyện mua bán cá lóc nướng. Số là theo cái là báo chí gọi là “tục lệ” thì ngày mùng 10 tháng Giêng được xem là ngày vía Thần Tài. Trong ngày này, mọi người, nhất là người kinh doanh, buôn bán có thói quen mua vàng để lấy hên và bày mâm cúng Thần Tài để xin vía cho một năm mới làm ăn thuận lợi, mua may bán đắt. Bên cạnh đó, cũng trong ngày này, nhà nhà đổ xô nhau đi mua cá lóc nướng về để cúng ngày vía Thần Tài. Dễ dàng có thể đọc được những dòng tít kiểu như “Tấp nập cảnh mua bán cá lóc nướng ngày vía Thần Tài”. Vậy thì, phải chăng Thần Tài rất thích “ăn” cá lóc nướng?
https://afamily.vn/tai-sao-lai-cung-ca-loc-nuong-vao-ngay-via-than-tai-20220207173335781.chn
https://afamily.vn/tai-sao-lai-cung-ca-loc-nuong-vao-ngay-via-than-tai-20220207173335781.chn
Thật ra là từ lúc lên Sài Gòn học Đại học và đọc báo điện tử nhiều hơn, mình mới biết đến ngày vía Thần Tài. Chứ còn lúc ở nhà (Long An) mình chỉ biết ngày mùng 10 là ngày cúng đất đai (Thổ chủ). Vào ngày này, ba mẹ mình hay chuẩn bị một mâm cúng bao gồm bộ “tam sên” (một số nơi gọi là tam sinh) gồm thịt heo luộc, tôm hoặc cua luộc, trứng vịt luộc, cùng với đó là một con cá nướng trui (thường là cá lóc hoặc cá rô), một dĩa rau luộc và một chén mắm nêm. Như ba mình kể và những tư liệu mình tìm hiểu được thì việc dâng mâm cúng vào ngày này nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với thổ chủ (tức người chủ trước của mảnh đất mà mình đang sinh sống) và cầu mong những điều tốt lành cho năm mới, gọi là cúng tạ thổ, cúng chủ thổ. Cũng cần phân biệt tục cúng đất vào ngày mùng 10 tháng Giêng này với việc cúng ruộng đất để cầu mong một mùa màng bội thu hay việc cúng Thổ Công khi người ta khởi công xây nhà.
Nguồn: https://vietgiaitri.com/lay-vo-se-lay-ai-lam-mon-ca-loc-nuong-trui-ngon-nhu-me-nau-20200410i4834670/
Nguồn: https://vietgiaitri.com/lay-vo-se-lay-ai-lam-mon-ca-loc-nuong-trui-ngon-nhu-me-nau-20200410i4834670/
Sở dĩ có tục cúng như vậy là do quá trình khẩn hoang mở cõi ở vùng đất Nam Bộ ngày xưa của những cư dân vùng ngoài. Khi ấy, những người đến khẩn hoang quan niệm rằng vùng đất này trước đó đã có chủ (là những bậc thần linh hoặc những bậc tiền nhân đã khuất), mình đến đây sinh sống chẳng qua chỉ là mượn tạm, thuê hoặc mua lại từ người chủ cũ đó. Do đó, họ dâng một mâm cúng để bày tỏ lòng biết ơn và lòng thành đối với người chủ đất trước, cũng như xin phù hộ cho gia đình, dòng họ được yên ổn, mạnh khỏe làm ăn, sinh sống. Riêng ở đất Long An, tục cúng đất mùng 10 được xem là một dạng tín ngưỡng xuất xứ từ tục cúng “tạ thổ kỳ yên” của cư dân vùng Ngũ Quảng (tức 5 vùng thuộc địa bàn dung thần của chúa Nguyễn trong cuộc tranh giành thế lực với chúa Trịnh vào thế kỉ XVII, gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên – Huế), Quảng Nam (bao gồm cả Đà Nẵng), Quảng Ngãi ngày nay) – vốn là gốc gác của cư dân vùng đất Long An ngày nay.
Thành phần của mâm cúng bao gồm những lễ vật dân dã, tượng trưng cho những sản vật trù phú của vùng đất Nam Bộ. Nghi thức cúng cũng rất đơn giản, đời thường, dân dã, thường là bày cúng dưới đất, lót lá chuối, cá nướng, tôm luộc thì để nguyên con, trứng cũng chưa được bóc vỏ. Cách cúng như thế cũng là một biểu hiện cho tâm tính của người Việt xưa, nói nôm na là làm được cái gì thì cúng cái nấy, lòng thành chủ yếu thể hiện ở trong tâm và ước nguyện, mong cầu cũng thật bình dị như lời khấn thường nghe trong lễ cúng đất ở Long An:
“Đất đai nhơn trạch, hai vợ chồng ông chủ thổ, cầu nguyện cho gia đình tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ, từ đầu năm đến cuối năm”.
Nguồn: FB Nguyễn Tấn Quốc
Nguồn: FB Nguyễn Tấn Quốc
Còn tục cúng vía Thần Tài, có nhiều điểm cần phải tìm hiểu thêm. Có chuyện kể rằng Thần Tài vốn là vị Thần cai quản tiền tài, quan lộc ở trên Trời. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va phải vách đá nên mất trí tạm thời, không biết mình là ai, ở đâu, làm gì. Do đó, ông phải đi ăn xin qua ngày đoạn tháng. Tương truyền khi ông ta vào nhà nào xin ăn thì nhà đó mua may bán đắt và trở nên giàu có. Sau đó, ông ta dần hồi phục trí nhớ, nhớ lại thân phận của mình và bay về Trời. Ngày ông bay về Trời chính là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.
Ở một dị bản khác, ngày xưa ở Trung Hoa, có một người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần, được Thủy Thần ban cho một người gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt. Vào 1 ngày trong dịp Tết, Như Nguyện bị Âu Minh đánh không rõ vì lý do gì. Quá sợ hãi, cô gái bèn trốn vào trong đống rác và đột nhiên biến mất. Kể từ đó, công việc làm ăn của Âu Minh nhanh chóng xuống dốc, tiền bạc cứ thế đội nón ra đi. Mọi người cho rằng Như Nguyện là Thần Tài mang đến tài lộc, may mắn nên đã lập bàn thờ cho cô. Chính vì vậy, bàn thờ của Thần Tài luôn được đặt ở góc khuất và người ta cũng kiêng quét rác trong 3 ngày Tết để tránh quét mất tài lộc của nhà mình đi.
https://hinhanhvietnam.com/su-tich-va-tuc-tho-ong-dia-than-tai-ngay-tet/
https://hinhanhvietnam.com/su-tich-va-tuc-tho-ong-dia-than-tai-ngay-tet/
Cũng có ghi chép viết rằng, Thần Tài là nhân vật lịch sử Phạm Lãi, ông là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông là một trong những vị thần hết lòng phò tá vua Việt Vương trong cơn hoạn nạn. Sau khi phò tá vua dẹp yên nước nhà, Phạm Lãi đã cùng người yêu là Tây Thi bỏ chốn quan trường về ở ẩn. Từ đó, Phạm Lãi trở thành một nhà thương buôn thành đạt và giàu có nổi tiếng nên được người đời gọi là Đào Công và được tôn là Thần Tài.
Điểm chung của các tích truyện này là đều xuất phát từ văn hóa Trung Quốc. Kết hợp với một trong những đặc tính nổi bật của người Hoa, đó là khiếu làm ăn buôn bán. Thực tế là, không chỉ ở riêng Việt Nam, mà ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, khu vực người Hoa sinh sống đều là những khu vực mua bán sầm uất, tấp nập (bạn nào từng đến khu người Hoa ở Chợ Lớn sẽ thấy ngay điều này. Và nhiều doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới cũng là người gốc Hoa). Từ hai điểm này, cá nhân mình cho rằng tục lệ cúng vía Thần Tài thực chất xuất phát từ văn hóa Trung Quốc, được du nhập và áp dụng tại Việt Nam thông qua quá trình làm ăn, sinh sống của một bộ phận người Hoa, sau đó dần được chuyển tiếp sang một bộ phận người Việt Nam làm nghề buôn bán, kinh doanh và ngày nay được xem như một “tục lệ” trong những ngày đầu năm mới của người Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, chính vì tục cúng vía Thần Tài có thể xuất phát từ văn hóa Trung Quốc nên có nhiều điểm theo cá nhân mình là không phản ánh đúng tâm thức vốn có của người Việt. Ví như chuyện trong mâm cúng được dâng lên Thần Tài, thường bao gồm thịt heo quay vì tương truyền Thần Tài rất thích ăn món này! Lối suy nghĩ này có gì đó hơi thực dụng và bổ báng thần thánh. Vì nếu thật sự có những thực thể vượt lên trên mọi quy luật thường tình và trở thành bậc thánh thần, nhẽ nào những vị đó vẫn giữ những ham, sân, si của người đời và câu nệ lễ vật như vậy sao!? Hay như tích truyện về vị Thần Tài uống rượu say và mất trí nhớ ở trên, chẳng lẽ một nhân vật say mê rượu chè đến mức mất kiểm soát, không tự nuôi sống được mình, phải đi ăn xin như vậy lại có thể mang lại tiền tài, may mắn đến cho người khác hay sao!? Ngoài ra, nhìn dưới góc nhìn của Phật Giáo, theo quy luật nhân quả, gieo nhân nào ắt sẽ gặt quả đó, nhưng nhân và quả phải cùng tính chất với nhau. Chẳng hạn như là muốn làm ăn thuận lợi, có tài sản, phải biết bồi dưỡng trí tuệ, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, tu chí làm ăn, tu thân dưỡng tính. Chứ không thể mua vàng để mong có vàng, cúng Thần Tài để cầu mong phát tài được. Đấy là chưa nói đến việc lợi dụng tâm lý thích mua vàng vào ngày vía Thần Tài, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể tác động làm tăng giá vàng vào dịp này, khiến cho người mua có thể phải chịu rủi ro, tiền vàng đâu chưa thấy, chỉ thấy mình đang làm giàu cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng mà thôi!
 Quay trở lại câu hỏi mình đặt ra ở đầu bài, vậy là không phải Thần Tài “ăn” cá lóc nướng, rau luộc và chấm mắm nêm, mà đó là những lễ vật mà người Việt dùng để dâng cho thổ chủ để bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong sức khỏe, bình an. Chẳng qua vì hai tục lệ cúng thổ chủ của người Việt và vía Thần Tài (có thể) của người Hoa đều được tiến hành vào ngày mùng 10 tháng Giêng nên gây ra những sự hiểu lầm, lẫn lộn giữa những lễ vật và cách thức cúng kiến của hai tục lệ này.
Tóm lại, vào ngày mùng 10, người Việt Nam ta sẽ có hai tục lệ: Một là, tục cúng thổ chủ, hay cúng đất đai, cúng thổ với mâm cúng bao gồm bộ “tam sên” và cá nướng, rau luộc, mắm nêm; Hai là, tục cúng vía Thần Tài với việc mua vàng lấy may. Không bàn cãi thêm về nguồn gốc của những tục lệ này, vì dù xuất phát từ ai đi nữa thì tất cả đều đã tồn tại và lưu truyền từ đời này qua đời khác trên đất Việt Nam, góp phần hình thành nên đời sống tinh thần đa dạng và đặc sắc của người Việt Nam. Hiểu hơn về những tín ngưỡng dân gian, để thêm yêu văn hóa truyền thống và trân trọng, tự hào về cội nguồn dân tộc.
----
Bài viết được mình góp nhặt từ nhiều nguồn được chú giải bên dưới và dưới góc nhìn cá nhân với những trải nghiệm và lối nghĩ chủ quan. Do đó, khó tránh khỏi những khác biệt về vùng miền và đặc biệt là khác biệt về quan điểm. Mong mọi người đón nhận với một thái độ cởi mở, hiếu tri.
Nguồn tham khảo:
Các bài viết trên trang cá nhân của chú Nguyễn Tấn Quốc, PGĐ Sở VHTT&DL tỉnh Long An: https://www.facebook.com/nguyentan.quoc.353/posts/2810797842583484