Hoá ra những thứ mà bố mẹ dạy hồi bé đều sẽ đúng, chỉ là khi nào nó đúng, và nó sẽ đúng như thế nào.

1. Mẹ dạy phải gập quần áo thường xuyên. Năm đó tôi lười biếng, cho rằng chẳng cần thiết.

Năm 25 tuổi, ở một mình vài năm, tự dưng lại đổi gu ăn mặc từ quấn giẻ ra đường, thành ăn mặc chỉn chu, bảnh bao một tí.
Năm 20 tuổi, mỗi khi ra đường tôi chỉ cần dậy trước giờ lăn bánh 5 phút, nhanh chân chạy vào đánh răng rửa mặt, khoác tạm cái sơ mi nhăn nhúm bị giày vò trong tủ, mặc thêm một cái quần chẳng đâu vào đâu, có khi mặc cái quần ngố bò, xắn cái ống tay lên 1 cách thô thiển và ngu ngốc, là đã có thể sẵn sàng bắt đầu đi học rồi.
Ảnh: Sergey Isakov - Tạp chí Adam Tzair
Ảnh: Sergey Isakov - Tạp chí Adam Tzair
Và dĩ nhiên, cách ăn mặc tuỳ tiện tạo ra rất nhiều thứ cũng tuỳ tiện, khi về nhà, quần áo tôi vứt chỏng chơ khắp giường. Có khi quần lót còn quẳng cả lên phần mô tơ quạt (cái cục khỉ gì đằng sau cái quạt cây ấy - sự tuỳ tiện đã khiến từ ngữ của tôi thật sự rất là thui chột). Mỗi khi cần tìm cái gì, mặc cái gì đặc biệt, tôi chạy loăng quăng khắp nhà chỉ để tìm xem cái áo sơ mi mình thích, đôi tất đen đúng combo, hay cái quần lót mới mua nằm ở chỗ nào. Thậm chí tủ của tôi còn chẳng có cái quần vải đen nào để giúp tôi tự tin khi đi sự kiện nữa. Tôi có rất nhiều thứ trong tủ quần áo, nhưng khi cần tôi lại chẳng có gì để mặc.
Thế nên năm 25 tuổi, chỉ đơn giản tôi nhận ra, nếu không gập quần áo hay treo lên cẩn thận, lúc cần mặc sẽ phải đi là lượt lại rất mất thời gian. Chẳng ai muốn mình phải hấp tấp vội vã cả.
Sự lười biếng hôm nay sẽ phải trả giá bằng sự vất vả của một ngày nào đó.

2. Còn mắng là còn thương. Chứ ghét thì mặc kệ.

Hồi nọ mình cứ nghĩ bố mẹ ghét mình lắm, vì ngày nào mình cũng bị mắng ti tỉ thứ trên đời. Mình chẳng được làm những gì mình muốn, không được ngủ đã con mắt đến tận trưa, không được lười ăn bỏ bữa vì không đói, hay không được ngồi máy tính quá 1h đồng hồ mỗi ngày,...
Rồi một ngày nọ 25 tuổi, mình ngồi máy tính 14 tiếng/ngày, mình tự kiểm soát giờ giấc ăn ngủ, mình được làm mọi thứ mình thích. Và mình bắt đầu nhớ những lời mắng mỏ của bố mẹ. Chúng ta càng lớn sẽ càng trở nên cô đơn, bởi chúng ta quá bận rộn với cuộc sống của riêng mình.
Tranh: Valentina Yaskina
Tranh: Valentina Yaskina
Một ngày nọ 25 tuổi, bố mẹ chẳng mắng mình vì ngủ nghê quá nhiều nữa, những tiếng mắng mỏ ít đi, giọng nói cũng bớt oang oang lại. Độ vang của âm thanh tỉ lệ nghịch với số lượng tóc bạc trên đầu bố mẹ, và cũng tỉ lệ thuận với số lượng bệnh tật hay vấn đề về sức khoẻ mà những người từng bồng bế chúng ta mắc phải. Mình càng lớn, bố mẹ cũng càng già đi. Sự trưởng thành của chúng ta có lẽ mãi mãi không bắt kịp tốc độ bạc tóc của cha mẹ.
Vậy nên, hãy trân trọng những người luôn mắng bạn rằng bạn đang làm thứ gì đó không ổn - cũng giống như bố mẹ, có thể họ đang muốn bạn tốt lên, cũng là để chính công việc của họ cũng sẽ tốt lên, cứ tin là như thế, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ nhờ suy nghĩ đó mà bớt gò bó và khổ cực.
Nếu họ còn mắng mỏ, tức là họ còn quan tâm những gì chúng ta làm, chúng ta vẫn có giá trị trong lòng họ. Nếu họ không buồn nói gì nữa, tức là chúng ta giờ đã nằm trong điểm mù rồi.

3. Thắp hương

Bố mình rất hay mắng mẹ là một người mê tín, và mình thì chẳng phải một người có đức tin. Vậy nên mỗi khi mẹ rủ đi chùa, trong lòng mình thấy thật lười biếng.
Nhưng hoá ra đi chùa hay thờ cúng không phải vì họ cầu xin cái gì, mà là họ tìm kiếm một nơi để đặt niềm tin, một hướng đi đúng đắn trong cuộc đời này - đối với mình, đó mới là giá trị của tôn giáo.
Coco (2017)
Coco (2017)
Thờ cúng tổ tiên còn là để nhắc nhở mỗi người về những kỉ niệm đẹp khi họ còn bên nhau. Có một lần mẹ share bài với đại ý "Còn mẹ là còn đường về nhà", mình chợt nghĩ gở một phút, hai mắt nóng ran, sống mũi cảm giác hơi lạ một chút. Thế là một giọt nước mắt tự dưng nghịch ngợm lăn ra khỏi khoé mắt mình.
Thế nên mình cũng bắt đầu thắp hương vào những ngày rằm và mùng một, đôi khi là tiện lúc nào thắp lúc đó. Không hoàn toàn là vì mình tin vào Đức Phật hay bề trên, mà là mình muốn khép bản thân mình vào một nguyên tắc, một quy luật, và mình muốn hiểu được sự vất vả của mẹ khi lo thờ cúng suốt nhiều năm.
Đức tin đôi khi không phải sự xin xỏ hay mong chờ được ban phước, đức tin là để hướng chúng ta đến những điều đúng đắn.
Thờ cúng tổ tiên có lẽ không phải để mời họ về ăn Tết cùng mình, thờ cúng tổ tiên là khoảnh khắc để chúng ta nhớ về những giây phút tuyệt vời ta đã đi cùng họ.
Giống như trong phim hoạt hình Coco (2017), "một người chỉ thật sự chết khi không còn ai nhớ về họ."

4. Dọn nhà

Người ta nói đúng là không sai - tình yêu của bố luôn là tình yêu khó hiểu nhất.
Happy Old Year - một bộ phim khá nổi về chủ đề Dọn nhà
Happy Old Year - một bộ phim khá nổi về chủ đề Dọn nhà
Bố luôn mắng mình về việc lười quét dọn lau nhà, hay đồ đạc bày bừa tứ tung không biết dọn dẹp. Thật buồn cười là cả mình và mẹ đều có cái bày bừa này. Và mình thì chúa tể bừa bãi luôn
Năm 20 tuổi, mình chống chế rằng như thế quen rồi, như thế cho dễ tìm, và đừng ai dọn phòng mình cả. Hồi còn ở với chị, có lần cô giúp việc dọn phòng cho mình, mình phải cười và nhắc rằng "Sau cô cứ kệ cháu nhé, phòng cháu cháu tự dọn cũng được rồi".
Thế là phòng mình luôn như cái ổ chuột. Sàn có khi cả tháng chẳng lau, tóc rơi đầy quanh sàn bàn học, chân đi thì sạn. Một căn phòng ở chung cư thì cửa sổ rất khó mở toang ra để thoáng khí được, và mình thì lại thích không gian riêng tư, nên cửa phòng lúc nào cũng đóng. Không khí trong phòng dần trở nên ngột ngạt do sự bí bách của căn phòng, mùi con trai ám chặt vào từng hơi thở, chưa kể những quần áo cũ dù không có mồ hôi cũng sẽ dần hình thành những mùi kì lạ, mà mình chẳng nhận ra mình có.
Nhưng một không gian bí bách, ngột ngạt, không sạch sẽ dễ khiến suy nghĩ của người ta cũng ngột ngạt y như vậy. Suốt từng đấy thời gian, mình chìm trong sự tiêu cực và sống với một tầm mắt hạn hẹp, bởi mình lười biếng ra ngoài và hít thở. Mình rất thích thiên nhiên, nhưng lại quá lười để tận hưởng hay chăm sóc nó.
Có một ngày mình đọc được bio của một bạn trên Instagram tên Lương Hạ Vy - có một câu mình nhớ mãi: "You are your home".
Một căn nhà lộn xộn, một không gian bày bừa thì chẳng thể vun đắp cho một tầm nhìn vượt trội, cũng không thể chắp cánh cho một tư duy mạch lạc, một bộ não thông thái.
Và chưa kể là, mỗi khi có ai đó muốn qua nhà chơi, hay anh em muốn qua ăn uống tiệc tùng bạn lại phải từ chối, hoặc trước đó lại phải rục rịch dọn nhà trong vội vã. Sống có kỷ luật 1 chút chính là đối tốt với mình.
Vậy ra, khi tâm trí bạn rơi vào ngõ cụt, việc dọn nhà cũng giống như dọn dẹp lại tâm trí của mình. Quét sạch tàn dư, vứt bỏ những thứ không cần thiết, và sắp xếp mọi thứ một cách gọn gàng như cách trí tuệ của chúng ta nên hoạt động.

5. Dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải có khả năng độc lập.

Dù là phụ nữ, và được chồng nuôi, cũng phải có khả năng kiếm tiền, để khi không ai bên cạnh, chúng ta có thể tự nuôi thân.
Câu này sẽ rất đúng nếu chúng ta không nghĩ theo hướng cực đoan kiểu: "Phải độc lập, đừng dựa dẫm vào ai". Hãy nhớ keyword ở đây là "có khả năng độc lập". Chẳng ai độc lập quá mà hạnh phúc, cũng chẳng ai dựa dẫm quá mà an yên.
Sự độc lập thế kỉ 21 được định hình như những người trẻ độc thân, sống một mình, ăn uống ốm đau mọi thứ đều có thể tự chăm sóc chính mình. Nhưng như thế liệu có hạnh phúc không?
Năm 21 tuổi, mình khởi đầu cuộc sống một mình, bởi mình nghĩ rằng mình có thể một tay tự lo mọi thứ mà chẳng cần ai. Đúng, mình có thể tự lo mọi thứ, nhưng mình vẫn cần một người ở cạnh. Bởi lúc ốm đau, bản thân chúng ta ai cũng sẽ tự nhiên thấy mình thật cô đơn.
Năm 21 tuổi, năm đó có dịch sốt xuất huyết, mình sốt li bì vài ngày, rồi quyết định đi khám một mình bằng taxi tại bệnh viện Bạch Mai. Hôm đó chẳng có ai đi cùng được, bệnh viện thì đông nghẹt những người là người, mình một chân lon ton đến, cũng may đã có mẹ nhờ người quen đặt giúp lịch xét nghiệm để mọi thứ gọn gàng hơn, chứ nếu không có lẽ cũng chạnh lòng lắm. Vì năm đó có người thân lo giúp một phần, mình lại cứ ngỡ một mình thật ổn.
Năm 25 tuổi, mình tiêm vắc xin xong oẳng nguyên 2 ngày trời. Mình ăn uống chỉ ở mức cầm hơi, thứ duy nhất nằm cạnh mình là 2 con mèo buồn bã. Lúc đó mình chợt nghĩ: "Hoá ra đây là cái gọi là sự cô đơn".
Chúng ta chẳng ai muốn làm ốc đảo cô đơn cả, nhưng khi cần thì vẫn phải tự mình đứng dậy. Bởi khi có người thân, chúng ta buồn để được dỗ, còn khi một mình, chúng ta buồn làm gì có ai dỗ đâu? Hay khi chia tay, than khóc chẳng để làm gì cả. Chúng ta khóc theo bản năng để được mẹ dỗ dành ngày bé, nhưng khi chỉ còn một mình, bản năng độc lập lại trở nên thật đáng giá.
Tranh: Linn Fritz
Tranh: Linn Fritz

6. Ai cũng thích có quà, nhưng nếu phải nói ra mình muốn có quà, thì nó chẳng có ý nghĩa gì nữa.

laura daogaru
laura daogaru
Mẹ không dạy mình điều này, nhưng lại chính là người khiến mình nhận ra điều này.
Năm 2018, mình đi Đà Nẵng cùng một người bạn. Chúng mình đi theo diện kiểu sinh viên và không có quá nhiều tiền, thế là giữa lúc đang tận hưởng cuộc chơi, mình gọi về cho mẹ:
- Mẹ à, con nên mua gì về nhà nhỉ? Con chẳng biết mua gì cả ý.
- Thôi, mua làm gì cho phí tiền.
Thế là mình chẳng mua gì thật. Rồi khi về nhà, mẹ lại bảo rằng: "Đi chơi mà chẳng biết mang cái gì về". Mình với suy nghĩ năm 22 tuổi kiểu: "Ủa? Sao con hỏi đến 4 lần mẹ ko dặn con là nên mua gì? Chứ con có biết mua gì đâuuuu?"
Năm 2019, mình đi Thái Lan với diện công tác, và dĩ nhiên chẳng có gì vui trong một chuyến đi mà phải động đến công việc cả. Nên mình ko có thời gian đi chơi riêng, cũng không có thời gian để ý xem mua quà cáp gì.
Người yêu cũ mình lúc thấy mình về tay không hậm hực lắm, dù mình đã nói rằng "Tớ không mua gì về nhà đâu, vì không có thời gian đi chơi nhiều". Nhưng đôi khi họ không hiểu những gì mình trải qua, họ chỉ tin rằng trong thời gian chúng ta đi chơi, trong lòng chúng ta không hề có họ, vậy nên trong balo mới chẳng có gì làm quà.
Vậy nên ai cũng muốn nhận được quà, chẳng cần to, chỉ cần có là được. Như mẹ mình ghét mua đồ linh tinh về nhà lắm, nhưng khi mình mang 5 cành hoa ly về dịp sinh nhật mẹ, ngày hôm ấy vẫn sẽ là ngày đẹp trời.
Quà cáp đôi khi không phải để nói lên đẳng cấp của người tặng, cũng không cần phải thiết thực, quà cáp chính là để thay bạn nói ra sự quan tâm dành cho người được tặng.
Đường trưởng thành khó mà đi đường tắt. Thế nên dù chúng ta chưa kịp đi qua để hiểu, hãy cứ ngồi lắng nghe ba mẹ nói khi còn thời gian. Trọn một câu nói, vẹn một chân tình.