Chuyện 1: Người ta có thương mình đâu?

Tôi là người hay mộng mơ và tin vào mấy chuyện vớ vẩn, kể cả chuyện cung hoàng đạo với năm sinh. Người ta bảo là tuổi tôi thì đường tình duyên sẽ trắc trở, và tôi thấy đúng thế thật. Kể từ khi chia tay người yêu đầu tiên vào cuối năm thứ ba đại học, tôi chưa quen thêm ai. Tôi thích ai thì người đó sẽ không thích tôi, và nếu người nào đó thích tôi thì bằng cách kỳ diệu nào đó của tạo hoá, tôi hoặc người ta sẽ đi đến một đất nước khác, và chúng tôi cứ thế xa nhau.
Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi đã không còn biết cảm giác đau khổ vì chuyện yêu đương ra sao nữa, vì tôi không thích ai cả và chỉ tập trung vào công việc thôi. Trước đó, hồi còn ở Hàn, tôi có thích hai người, một là cô bạn cùng làm việc với tôi, và một là cô gái nhân viên ở quán Dunkin Donut mà tôi hay mua cafe. Cả hai người đều có điểm chung: làm việc vô cùng tập trung và chăm chỉ, và tất nhiên là xinh nữa. 
Tôi nghĩ mình sẽ kể nhiều hơn về cô gái làm ở tiệm cafe, SJ. Tôi thường bị cuốn hút bởi những cô gái đi làm thêm ở tiệm cafe, kể từ hồi vẫn còn ở Việt Nam. Những cô gái ấy thường nở nụ cười rất tươi chào tôi, biết cách ăn nói, và thường khá xinh đẹp. Những người mà tôi có ấn tượng đều kiểu như vậy: Trà làm việc ở Baskin Robin, Giang thì làm việc ở The Coffee House. Tôi không rõ ẩn sau vẻ ngoài tự tin ấy là những câu chuyện gì, nhưng ít nhất ở độ tuổi ấy họ đã cố gắng để tự kiếm tiền và trở nên tự lập, vậy nên tôi vô cùng trân trọng điều đó. 
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp SJ. Một buổi chiều mùa đông tháng 2, dù vẫn còn sớm  nhưng trời âm u và rất lạnh. Tôi vừa xoa tay vừa mở cửa vào quán, và SJ ở đó, nhìn tôi và cười. Trước giờ tôi biết nhiều người cười đẹp, nhưng mà cái kiểu cười khiến người khác say đắm từ cái nhìn đầu tiên thì tôi vẫn cho là chỉ có trong phim mà thôi. Ấy vậy mà hôm đó tôi nhận ra tôi đã lầm. SJ cười với tôi, và tôi thực sự cảm thấy cô ấy giống như mặt trời vậy. Nụ cười của cô ấy toả ra ánh nắng vàng rực rỡ, xua đi cái sự u ám của những ngày cuối mùa đông. Tôi đứng đó, mắt mở to, nhìn SJ không chớp mắt, cho tới khi cô ấy hỏi tôi muốn uống gì. Tôi luống cuống trả lời là Latte. Từ đó, tôi gọi SJ là Latte. 
Tất nhiên là giống như bao chuyện tình khác, chuyện tình của tôi với Latte (tôi không chắc là có chiều ngược lại) cũng chẳng đi đến đâu. Đã có lúc tôi nghĩ là mình có cơ hội, nhưng rồi lại chần chừ. Chúng tôi đã đến rất gần nhau rồi, nhưng sự mặc cảm và tự ti; rằng mình chỉ là một đứa ngoại quốc, đến từ một đất nước ở thế giới thứ 3; ngăn tôi lại. Và các bạn biết đó, chuyện tình yêu cũng giống như việc đi bộ qua đường vậy. Nếu trong 15s đèn xanh mà bạn không dũng cảm bước qua, thì sau đó sẽ là đèn đỏ. Tôi hối hận muốn chết, nhưng không có cách nào để quay lại cả. Sau này, tôi có có kể với đứa bạn thân là con gái thì nó nói đại loại là con gái thích con trai tự tin chứ không thích cái loại con trai hay suy nghĩ như mày. 
Lúc chuẩn bị rời Hàn Quốc, tôi có đến lại chỗ Dunkin Donut để gặp SJ, nhưng không thấy Dunkin Donut đâu, thay vào đó là một quán cafe mới tên là Pascuchi. Tôi bước vào, không có nhân viên nào mà tôi quen, dù người ta vẫn mỉm cười chào tôi. Nhưng nụ cười bị giấu đằng sau lớp khẩu trang ấy, tôi cảm thấy nó thật thiếu trọn vẹn làm sao. 
Thông báo đóng của của Dunkin, lúc đó tôi đang hoàn toàn tập trung vào công việc, nên cảm xúc không có gì đặc biệt. Nhưng rõ ràng tôi đã có tiếc nuối điều gì đó
Thông báo đóng của của Dunkin, lúc đó tôi đang hoàn toàn tập trung vào công việc, nên cảm xúc không có gì đặc biệt. Nhưng rõ ràng tôi đã có tiếc nuối điều gì đó
Hai năm trước, tôi bị tống cổ ra khỏi trường, vật lộn với cuộc đời đúng vào lúc cả thế giới chao đảo vì một con virus bé tý. Tôi chỉ tập trung vào công việc và gia đình ở nhà. Cho tới vài tháng gần đây thì tôi cảm thấy không chịu nổi cô đơn, nên bắt đầu dành thời gian cho chuyện tình cảm. Tự nhiên, giống như dòng nước chảy vậy, nếu bạn dành thời gian cho tình yêu thì tình yêu sẽ tìm đến bạn theo cách này hay cách khác. Nhưng lần này thì tôi được đổi vai. Lần này là người ta thích tôi. Mà đương dưng, tận hai người.
Tiểu Thanh là đồng nghiệp của tôi, nhưng cô ấy làm việc ở Bắc Kinh, còn tôi làm việc ở Singapore. Có một lần, tôi đăng ảnh con mèo béo ụ của tôi (thời còn ở Hàn) lên mạng nội bộ công ty. Rồi Tiểu Thanh nhắn tin cho tôi, khen con mèo rất là đẹp (wtf). Bình thường thì tôi chỉ trả lời thảo mai kiểu “Thank you, indeed beautiful” cho phải phép lịch sự thôi. Nhưng lần này, tôi hỏi lại, “Why do you think it’s beautiful? Can you tell me more about their beauty?”. Kiểu mấy câu linh tinh không đầu không cuối nhưng lại có kết nối với nhau vậy. Tôi học cái trò này từ “Hospital Playlist” , muốn kiếm chuyện làm thân với ai thì cứ hỏi mấy chuyện nhỏ nhặt mà có kết nối với nhau. Ví dụ như hỏi quê ở đâu, rồi lại hỏi tên thành phố ở quê có nghĩa là gì, ở quê có món gì ngon, quê cách Bắc Kinh bao xa, làm việc ở Bắc Kinh có gì vui, Bắc Kinh có nghĩa là gì, Bắc Kinh có món gì ngon… Tôi thử vài lần rồi và công nhận là nó cũng hiệu quả thật. 
Dưa hấu và Hạt tiêu - 2 con mèo đưa tôi gặp Tiểu Thanh
Dưa hấu và Hạt tiêu - 2 con mèo đưa tôi gặp Tiểu Thanh
Theo một cách rất tự nhiên, chúng tôi nói chuyện và nhận ra chúng tôi giống nhau, từ hoàn cảnh gia đình, cho tới công việc và quan điểm sống. Vài ngày trước thì Tiểu Thanh nói là cô ấy thích tôi và muốn tôi đến Bắc Kinh sống, cô ấy có nhà, có xe, có hộ khẩu, và chúng tôi sẽ có một cuộc sống khá giả dựa vào điều kiện của cả hai. Tôi chần chừ, mọi thứ nhanh quá và tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi đâm ra sợ. Tôi quen với việc sống tự do, nhưng khi nói chuyện với Tiểu Thanh, tôi cảm giác thấy tình yêu của cô ấy mãnh liệt như một dòng nước khổng lồ. Tôi sợ mình sẽ không đáp ứng được, tôi sợ rằng nó sẽ cuốn phăng mất cuộc đời tôi khi tôi bước vào đó. Vậy nên tôi bảo Tiểu Thanh rằng để cho tôi suy nghĩ. Chúng trôi vẫn nói chuyện như hai người bạn, và không thể phủ nhận, chúng tôi rất hợp nhau.
Sương Vỹ là kế toán, từ Trung Quốc sang và đang sống cùng dì, có ý định ở lại và định cư ở Singapore. Tôi quen Sương Vỹ qua Tinder (vâng, Tinder T_T). Tôi có cảm giác tôi “hấp dẫn theo chuẩn Trung Quốc”, vì từ lúc tôi ở Hàn đã có một cô gái Trung Quốc tỏ tình với tôi. Chúng tôi nói chuyện hợp nhau và ở cách nhau chỉ 1km, nhưng hoàn cảnh thì lại rất khác nhau. Tôi làm kỹ sư phần mềm – một nghề khá thời thượng và được trả lương hậu hĩnh – trong một tập đoàn đa quốc gia. Sương Vỹ thì làm kế toán cho một doanh nghiệp gia đình nhỏ. Khác với Tiểu Thanh, tư duy và lối sống của chúng tôi rất khác nhau. Cô ấy đã tròn mắt ngạc nhiên khi tôi kể tôi và bạn sống trong một căn nhà thuê với giá 3000SGD. Khác với Tiểu Thanh – người tự kiếm được tiền mua nhà ở Bắc Kinh, đi xe Tesla, đang chuẩn bị mua thêm 1 cái nhà nữa – Sương Vỹ giống một cô gái “nhà quê” (tôi không dùng từ này với nghĩa xấu, chỉ là không biết diễn tả sao), sống đơn giản, thích làm bánh, cười đẹp, và không tính toán cao xa. Không hiểu sao tôi cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với cô gái này, không áp lực, không có kỳ vọng, và cô ấy rất thông minh. 
Tôi nghĩ mình là một thằng khốn nạn, vì tôi đang nói chuyện với cả hai người cùng một lúc. Tôi tự biện hộ cho mình là Tiểu Thanh đâu có ở đây đâu, vậy thì không tính là cheating được. Nhưng dù thế nào đi nữa thì tôi vẫn hiểu rằng việc tôi đang làm là sai trái. Ông ngoại tôi theo Phật giáo, và tôi được đi chùa từ nhỏ, tôi tin vào cái gọi là nghiệp. Những gì mình không muốn xảy ra với bản thân thì tuyệt đối không nên làm với người khác. Tôi nghĩ rằng mình sẽ phải đối diện với sự thật, phải làm gì đó nhanh chóng. Nhưng làm gì thì tôi cũng không biết nữa. Thực tế tôi chỉ vì cô đơn mà tìm người để chia sẻ mà thôi, vậy nên tôi không biết cách lựa chọn. Tôi nghĩ là mình chưa đủ nghiêm túc, nhưng tôi cũng không muốn làm người khác đau.
Người bạn thương có thương bạn không?
“Người ta có thương mình đâu” – tôi không hiểu sao dạo này điện thoại luôn gợi ý cho tôi nghe bài hát này. Tôi lên cả youtube tìm MV nữa, và tôi suýt khóc khi xem MV (ơ hay…). Tôi từng bị tổn thương, rất có thể tôi cũng sẽ làm tổn thương người khác. Nhưng rồi chúng ta cũng sẽ vượt qua mà thôi. Cuộc sống vốn dĩ vô thường, càng nắm chặt thì sẽ càng đau khổ, rồi sẽ tới lúc phải buông tay. Chỉ hy vọng sau này nhìn lại có thể mỉm cười vì khoảng thời gian đã dành cho nhau. 

Chuyện 2: Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ

Tôi thấy một người bạn đăng cuốn sách này trên story, nên tôi tò mò tải về Kindle đọc thử. Đọc được khoảng 1/3 cuốn sách, tôi – một thanh niên 27 tuổi – nhăn nhó tự ngẫm “Sao thằng cha tác giả không kiếm người bình thường chút như mình mà phỏng vấn, toàn kiếm ba cái chuyện tào lao”, rồi “vất quyển sách qua một bên”. Thật sự thì với tôi, ba cái chuyện hút cần, chơi đá, phê pha, sexting, là những cái gì đấy khó chấp nhận, nếu không muốn nói là bệnh hoạn. Gia đình tôi cũng khó khăn, tôi đi học xa nhà từ nhỏ, cũng thiếu thốn cả tình cảm lẫn vật chất đủ bề, mà tôi có vậy đâu?
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ - một cuốn sách tôi nghĩ bạn trẻ và phụ huynh nên đọc với tâm thế đón nhận và không phán xét
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ - một cuốn sách tôi nghĩ bạn trẻ và phụ huynh nên đọc với tâm thế đón nhận và không phán xét
Tối đến, tôi nằm và thử nghĩ về tuổi trẻ của mình. Tôi dành nhiều thời gian cho việc học hành và đọc sách. Lên đại học, hồi còn có người yêu thì tôi dành hết thời gian cho học hành và yêu đương, tới lúc chia tay thì lại dành hết thời gian cho học hành, ước mơ. Tôi có thử uống rượu, thử hút thuốc, nhưng nhanh chóng nhận ra đấy không phải những thứ dành cho tôi. Tôi thử nghĩ kỹ, và tôi nhận ra là tuổi trẻ của mình cũng có những thời gian chênh vênh, chỉ có điều tôi đã may mắn, đã bằng cách này hay cách khác vượt qua được. Có phải tôi đang quá khắt khe với người khác không? Tôi tự hỏi điều đó, và quyết định tiếp tục đọc cuốn sách, cố gắng không phán xét điều gì cả. 
Khi đọc hết các câu chuyện, tôi nhận ra mình có phần may mắn, vì từ nhỏ đến lớn, bố mẹ tôi dù nghiêm khắc, nhưng chưa bao giờ bắt phải học cái nghề này, theo cái nghiệp kia cả. Đó là một sự may mắn mà khi lớn lên tôi mới bắt đầu hiểu. Tôi chỉ được dạy phải ngăn nắp gọn gàng từ bé, phải đi ngủ đúng giờ, dậy đúng giờ, tập thể dục. Toàn những cái sau này lớn lên đều khiến tôi thấy thật tự hào về bản thân (…). 
Nhưng gia đình tôi cũng có những khúc mắc riêng. Bố mẹ tôi không cho tôi đi “lượn” thâu đêm như những đứa khác, vậy nên chúng nó hay châm chọc anh em tôi. Mẹ tôi thi thoảng vẫn đánh tôi vì một con điểm xấu hay vì chuyện gì đấy khiến mẹ tôi bực tức. Chúng tôi không gần gũi với bố, vậy nên khi nói chuyện không hiểu nhau, đã có một vài lần bố đánh chúng tôi. Hồi nhỏ, vì chuyện cơm áo gạo tiền mà tôi từng thấy bố mẹ xô xát, hằn học ngay trước mắt mình, dăm bữa nửa tháng lại một lần như thế. Thậm chí có lần bố mẹ tôi đã ẩu đả ngay trước mắt tôi, và tôi đã tìm thấy một tờ giấy đằng sau gương ở phòng ngủ, ghi là đơn ly dị, nét chữ của mẹ. Tôi sợ hãi, kinh hoàng và giấu biến tờ giấy đi. Tôi muốn đốt nó đi, nhưng tôi sợ, và tôi chỉ giấu nó trong cặp. Tôi nhớ mẹ đã có lần nhìn tôi, hỏi rằng tờ giấy của mẹ đâu. Tôi chỉ cúi mặt bảo là tôi không biết giấy nào cả.
Thật mừng là bằng cách nào đó, tôi đã vượt qua được gần hết những chuyện ấy. Đầu tiên, chuyện không được đi chơi với tôi không phải vấn đề lớn, vì tôi thích ở nhà đọc sách hơn. Sau này lớn lên, tôi ít nói và không hoà mình vào được với những thú vui ở lứa tuổi của tôi, nhưng tôi chấp nhận điều đó và tin rằng đó là lựa chọn của bản thân. Tới giờ, tôi dư dả về tài chính, được toàn quyền quyết định mình sẽ làm gì lúc rảnh rỗi, tôi vẫn chọn việc đọc sách, đến thư viện, về nhà đi ngủ sớm. Vậy nên tôi nghĩ đó hoàn toàn là trách nhiệm và lựa chọn của tôi, tôi không trách bố mẹ tôi về điều này.
Điều thứ hai, tôi cảm thấy mình quả thật may mắn. Tôi nhớ có một lần năm tôi học lớp 4 gì đấy, mẹ tôi đánh tôi vì một chuyện mà tôi còn chẳng biết là chuyện gì. Tôi cứ vừa khóc vừa la lên rằng “Con có làm gì đâu”, rồi ngồi rấm rứt cả buổi chiều. Rồi tự dưng, mẹ tôi đem một quả táo đến cạnh tôi, đưa cho tôi và nói “Mẹ xin lỗi”. Tôi không nhớ chuyện sau đó ra sao, nhưng từ lần đó, dường như tôi hiểu rằng mẹ tôi bản chất không hề ác. Mẹ tôi đã chịu nhiều áp lực, là cái nghèo, cái định kiến của xóm làng làm mẹ tôi vô tình ác với tôi và với chính mẹ. Tôi nhớ kể từ khi lên cấp 2, một phần vì tôi đi học xa cả ngày, đến tối mới về, phần vì kinh tế gia đình đã khá giả hơn, nên tôi ít bị ăn đánh hẳn. Nhưng cái lần mà mẹ xin lỗi tôi ấy, tôi đã nhớ mãi, vậy nên dù ăn đòn khá nhiều khi còn nhỏ (tôi không lêu lổng nhưng bướng bỉnh và hay cãi người lớn), sau này lớn lên tôi không bị tổn thương quá nhiều. Chỉ cần nghĩ về lời xin lỗi của mẹ là tôi hiểu, và tôi không oán trách ai vì tất cả những chuyện đã xảy ra.
Về bố tôi, tôi từng trách ông là một người bố không tâm lý, không biết hiểu con cái, không biết cách nói chuyện với chúng tôi. Tôi cứ nghĩ vậy, rồi tới một hôm ngồi nói chuyện với mẹ, dù không có chuyện gì nhắc tới bố, tự dưng mẹ nói rằng “Các con đừng trách bố, ông nội mất khi bố mới 6 tuổi, bố không có bố, nên bố không biết cách đối xử với các con thế nào”. Câu nói ấy đã ghim ở trong tim tôi. Ông nội tôi mất sớm, bà nội nuôi 4 anh em, và bà hằn học với tất cả các con dâu. Tôi biết điều đó, nhưng tới khi mẹ nói tôi mới vỡ lẽ ra. Thì ra là vậy, bố tôi không có bố. Từ đó, tôi không trách bố tôi nữa. Tôi vẫn khó nói chuyện với ông, nhưng tôi hiểu là ông thương tôi, nên tôi không trách nữa. 
Chúng ta luôn nghĩ rằng mình hiểu ai đó cho tới khi nhận ra chúng ta thậm chí còn chưa từng cố gắng để hiểu
Chúng ta luôn nghĩ rằng mình hiểu ai đó cho tới khi nhận ra chúng ta thậm chí còn chưa từng cố gắng để hiểu
Chuyện một đứa trẻ từng nhìn ba mẹ ẩu đả ngay trước mắt mình chắc chắn sẽ để lại những ám ảnh tâm lý không thể phai mờ. Tôi đã lớn lên với những nỗi lo sợ về tiền bạc (vì tôi biết trước đây bố mẹ tôi xô xát chủ yếu là về vấn đề tiền nong), về sự đổ vỡ của gia đình (nếu chẳng may kinh tế đi xuống, bố mẹ tôi có lại cãi vã, lại xô xát nữa không). Tôi nghĩ mình đã có thể cất nó đi, nhưng nó giống như “con voi trong phòng ngủ vậy”. Nó luôn ở đó, dù tôi có tảng lờ, có trốn tránh, có làm mình bận rộn tới đâu, thì tôi vẫn nhìn thấy nó mỗi ngày. Tới một ngày, không chịu được, tôi đã nói với mẹ. Mẹ tôi bảo rằng mẹ đã quên những chuyện đó, và mong rằng tôi cũng sẽ quên đi. Bố mẹ bây giờ đã khác, đã trưởng thành hơn trước đây rồi, sẽ không để chuyện quá khứ lặp lại đâu. Tôi không nhớ cảm giác lúc đó của mình thế nào, nhưng tôi nghĩ là mình đã trút bỏ được điều gì đấy. Sau này, khi sống ở nhà ba tháng liền vì bị kẹt ở Việt Nam, tôi tận mắt nhìn và tôi tin lời mẹ nói. Có lẽ, tôi đã suy nghĩ quá nhiều, và đã đến lúc để quá khứ ở sau lưng.
Những câu chuyện, kể ra thì ngắn, nhưng đó đều là những hành trình rất dài. Tới giờ, mọi thứ vẫn chưa hoàn hảo. Tôi vẫn chưa biết cách thể hiện tình cảm với người thân, tôi không biết cách gần gũi với anh trai của mình, nhưng tôi đang cố gắng. Tôi đi nhiều, hiểu nhiều, nên tư duy về lối sống, văn hoá, chính trị của tôi khác với bố tôi, nhưng tôi đã tập để lắng nghe và chấp nhận dễ dàng hơn. Tôi vẫn cảm thấy gia đình là chỗ dựa vững chắc của tôi, nơi tôi có thể về và ăn những gì mình thích, đọc sách cả ngày, và tin tưởng tất cả mọi người xung quanh. 
Khép lại cuốn sách, tôi cũng không biết mình nên làm gì. Khi tôi còn ở Hàn Quốc, tôi rất ghen tỵ với bạn bè người Hàn, vì chúng nó thể hiện tình yêu với gia đình và với người khác một cách rất tự nhiên, mà tôi thì không được như vậy. Tôi cảm thấy không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều bạn trẻ khác đều như vậy. Chúng ta đang sợ hãi, đang e ngại điều gì? Tôi rất hy vọng tới khi chúng ta có có con cái, chúng ta có thể trả lời được câu hỏi này, và con cái chúng ta sẽ không bao giờ cần hỏi nó nữa. Làm cha mẹ, dù sao đi nữa, không phải là chuyện dễ dàng cho bất thế hệ nào.