Cách nhìn nhận hạnh phúc của một kẻ đi về từ cõi chết...
Bạn biết 8 nỗi khổ lớn nhất của con người là gì không ?
Đó là : sinh, lão, bệnh, tử, yêu biệt ly, oán dài lâu, cầu không được, buông không xuống.
Chúng thường là những yếu tố chính trong cuộc sống đẩy con người ra khỏi " hạnh phúc", nhưng chúng ta đồng thời cũng là tác nhân gây ra sự bất hạnh cho chính mình.
Tôi là một người trẻ chưa ngoài 80, nên các bạn có thể coi tôi như một người chưa trải sự đời. Và thật thất lễ khi đem nhận thức của mình để nói về hạnh phúc trước tiên trước các bậc tiền bối như Đức Phật, Đức Chúa, và các vị thánh nhân, đạo giả,.. Vì vậy trước hết, tôi xin dẫn bàn vài điều về quan niệm về hạnh phúc của Đức Phật, dù cách đây hơn 2000 năm.
PHẬT GIÁO Theo Phật giáo, mặc dầu có nhiều quan điểm hạnh phúc khác nhau, nhưng tất cả không ngoài hai phạm trù: hạnh phúc từ kinh nghiệm và cảm thọ giác quan trong cuộc sống (sense pleasures), như có được tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, tiện nghi, v.v.; và hạnh phúc về tinh thần (mental happiness), như tâm được vui mừng và an lạc. Sự xuất hiện của Đức Phật ở thế gian và nội dung giáo lý Phật giáo không ngoài mục tiêu đem lại an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Nội dung giáo lý này là Tứ diệu đế (Cattāri Ariya-saccāni, The Four Noble Truths) bao gồm: dukkha (khổ), nguyên nhân của dukkha, sự đoạn tận dukkha, và phương pháp đem đến sự đoạn tận dukkha.
Hạnh phúc tương đối (Hạnh phúc bị chi phối bởi luật vô thường)
Ước mong của bản thân và gia đình được hạnh phúc là điều ước chung của con người trong bất cứ thời đại nào. Ý tưởng này được thể hiện qua lời hỏi của Dighajanu đến với Đức Phật trong kinh Hạnh phúc người tại gia: “Bạch Ngài, chúng con là những người cư sĩ tại gia, có vợ và con cái. Mong Ngài dạy bảo cho con được biết bằng cách nào để đời sống hiện tại và đời sau này con được hạnh phúc”. Khi đó Đức Phật dạy cho Dighajanu bốn điều cần phải làm để tạo cuộc sống hiện tại được hạnh phúc:
1. Phải có một nghề nghiệp giỏi, phải siêng năng và nhiệt thành trong nghề nghiệp của mình.
2. Phải bảo vệ nguồn thu nhập của mình đừng để bị thiên tai làm tổn hại, và trộm cắp lường gạt. Nguồn thu nhập phải hợp pháp.
3. Tránh xa bạn ác. Luôn cẩn thận và học hỏi với những người có đức hạnh và trí tuệ.
4. Chi tiêu phải phù hợp với thu nhập của mình, không tiêu pha lãng phí tiền bạc trong cờ bạc và tửu sắc.
Để tạo cho đời sống tương lai được hạnh phúc, Đức Phật khuyên Dighajanu phải thực hiện bốn điều sau đây:
1. Có niềm tin trọn vẹn về giá trị đạo đức và tâm linh (tức là có đức tin Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng và tin luật nhân quả).
2. Thực hành năm điều đạo đức bằng cách không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng những chất làm não loạn tâm trí như rượu và ma túy.
3. Bố thí và làm những công việc từ thiện.
4. Phát triển trí tuệ để thấy được bản chất vô thường của cuộc đời, và giúp đoạn tận khổ đau (dukkha).
Tương tự như nội dung những điều trên mà Đức Phật đã dạy cho Dighajuna, trong kinh Điềm lành, một vị Thiên tử đã hỏi Phật rằng bằng vào cách nào để các chúng sinh trong cõi người và trời được hạnh phúc. Đức Phật đã trả lời câu hỏi của vị Thiên tử qua những bài kệ sau:
Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc trí,
Đảnh lễ người đáng lễ.
Là điềm lành tối thượng.
Ở trú xứ thích hợp,
Công đức trước đã làm,
Chân chánh hướng tự tâm,
Là điềm lành tối thượng.
Học nhiều nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện học tập,
Nói những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng.
Hiếu dưỡng với cha mẹ,
Nuôi nấng vợ và con,
Làm nghề không rắc rối,
Là điềm lành tối thượng.
Bố thí hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm,
Là điềm lành tối thượng.
Chấm dứt từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong Pháp, không phóng dật
Là điềm lành tối thượng.
Hạnh phúc thực sự
Hạnh phúc thực sự theo quan điểm Phật giáo là gì? Đó là sự chấm dứt khổ đau (dukkha) được giải thích như là Diệt đế (Nirodhā, P.) trong Tứ diệu đế; hay nói một cách rốt ráo, hạnh phúc thực sự là sự tự tại trong khổ đau, sầu muộn và sợ hãi. Chữ khổ hay dukkha nghĩa là không được xứng ý toại lòng (unsatisfactory). Trong giáo lý Tứ diệu đế, ngoài ý nghĩa chỉ rõ những kinh nghiệm khổ đau thường tình trong đời như sinh, lão, bệnh, tử, v.v..., ý nghĩa thâm sâu của khổ hay dukkha được cho là năm uẩn có tính chấp chặt hay bám víu (pañc' upadanakkhandha, P. The five aggrevates of grasping), thông thường được diễn đạt trong từ Hán-Việt như “Ngũ uẩn thủ là khổ”. Trong trường hợp này, chữ “khổ” mang ý nghĩa không được toại ý được hiểu ở mức độ rộng hơn. Vì sao không được toại ý? Vì bản chất của ngũ uẩn hay bản chất của con người và cuộc đời là vô thường, nhưng ước muốn của con người là thường, do vậy khổ - Vô thường là khổ (yad aniccam tam dukkham, P.). Sự không được toại ý làm con người thất vọng và chịu những hệ quả sầu muộn, lo âu và sợ hãi. Khổ do không được toại ý hiện diện thường trực và chi phối đời sống con người - ngoại trừ những người đã giác ngộ.
Nhìn vào thực tế của đời sống, con người luôn luôn ước mong bản thân và những sở hữu yêu quý của bản thân như tiền bạc, danh vọng, tình yêu, tiện nghi, và những ý thức hệ, v.v... được trường tồn vĩnh cửu; nhưng cuộc đời là vô thường nên ước mong vĩnh cửu của con người không bao giờ hiện thực. Và hậu quả của sự ước mong không được như ý này làm cho người thất vọng, sợ hãi, sầu muộn và lo âu khi nghĩ đến hoặc khi mất đi những gì mình yêu quý đó.
Làm sao để đoạn trừ khổ đau, sợ hãi, lo âu và sầu muộn; hay nói cách khác, làm sao để đạt được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống? Phương pháp mà Phật đã dạy cho Dighajanu là sự phát triển trí tuệ qua tu tập để đoạn tận khổ đau (điều 4), và đây chính là nội dung được Đức Phật dạy trong Đạo đế (Magga, P.) trong giáo lý Tứ đế. Mục đích của sự phát triển trí tuệ (Paññā, P.) là giúp cá nhân thấy được bản chất của ngũ uẩn hay bản chất của con người và cuộc đời là vô thường. Để phát triển trí tuệ, cá nhân phải thực hành giới (Sīla, P.) hay những đạo đức căn bản, và thực tập thiền định (meditation). Giới giúp cho phát triển định, và định giúp phát triển tuệ.
Thực tập thiền định trong Phật giáo đòi hỏi hai phần hỗ tương: tập trung tâm không để tán loạn - định (Samādhi, P. Concentration) và hướng tâm theo dõi và ghi nhận rõ ràng trên đối tượng - niệm (Sati, P. Mindfulness) và đối tượng này có thể là một trong bốn loại - thân, cảm thọ, tâm và pháp. Do năng lực tập trung tâm để quan sát và ghi nhận rõ ràng trên đối tượng, hành giả trực nhận được tính bất ổn, biến chuyển hay vô thường của đối tượng. Khả năng trực nhận hay kinh nghiệm trực tiếp này, được gọi là tuệ (Paññā, P. Wisdom).
Do trực nhận được tính vô thường của đối tượng, hành giả giải phóng ý niệm bám víu và mong cho những gì mình yêu thích được vĩnh cửu, và kết quả là khổ đau, thất vọng, sầu muộn và sợ hãi được đoạn trừ hoàn toàn. Điều quan trọng phải được nhấn mạnh ở đây là người thực chứng được cuộc đời vô thường, cũng phải sống như bao nhiêu người khác trong cuộc đời. Nghĩa là họ cũng phải làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ và cần phải có các phương tiện để tạo cho cuộc sống được hạnh phúc. Tuy nhiên, họ chỉ xem những thứ đó như là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Người đó có một cuộc sống tự chủ, không bị nô lệ bởi tiền bạc, danh vọng và những tiện nghi vật chất khác. Họ tự tại an nhiên trong vui buồn, vinh nhục và thăng trầm của cuộc sống. Đây chính là ý nghĩa hạnh phúc thực sự được hiểu như là sự tự tại trong khổ đau, sầu muộn và sợ hãi, được Đức Phật dạy ở những bài kệ cuối của kinh Điềm lành:
Khắc khổ và phạm hạnh,
Thấy được lý Thánh đế,
Giác ngộ quả: Niết-bàn,
Là điềm lành tối thượng.
Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không sầu, không động,
Không uế nhiễm, an ổn
Là điềm lành tối thượng.
Ai sống được như thế,
Không chỗ nào thất bại,
Khắp nơi được an toàn
Những điềm lành tối thượng.
Người như vậy trong đạo Phật gọi là “người tỉnh thức” hay “người giác ngộ”. Do trực nhận hay giác ngộ được tính vô thường của con người và cuộc đời, tâm của vị ấy được tịnh hóa, không còn bị lòng tham và bám víu chi phối. Lòng tham và tính bám víu đồng nghĩa với vô minh, vị ngã và độc ác. Ngược lại với vô minh, vị ngã và độc ác, người giác ngộ có trí tuệ rốt ráo và lòng từ bi vô biên. Do lòng từ bi vô biên, người giác ngộ thấy được khổ đau của tất cả mọi chúng sinh như là khổ đau của chính mình, và nguyện cứu giúp tất cả; với trí tuệ rốt ráo, người giác ngộ thi thiết những phương tiện thiện xảo để đem lại hạnh phúc tương đối (như tiền bạc, danh vọng, hạnh phúc gia đình, tiện nghi vật chất, v.v...) cho chúng sinh và từ đó hướng dẫn chúng sinh thực tập giáo pháp để được hạnh phúc thực sự.
Sống an nhiên tự tại trong đời với tâm không bị tham lam bám víu chi phối, và làm tất cả mọi việc để lợi ích cho chúng sinh với động cơ của lòng từ bi là ý nghĩa “siêu đạo đức” trong Phật giáo. Đức Phật là người giác ngộ. Đại Trí Văn Thù Bồ-tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát, Địa Tạng Vương Bồ-tát, Phật hoàng Trần Nhân Tông, v.v..., là những người giác ngộ. Những vị này giúp chuyển hóa khổ đau của ch
Chúng ta hãy đi một vòng, tôi xin mạn phép dẫn ra 12 nhìn nhận về hạnh phúc dưới đây của các học giả vĩ đại nhất nhân loại :
1. Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, bởi hạnh phúc chính là một con đường – Gautama Buddha, năm 500 trước Công nguyên.
Phía cuối mỗi hành trình luôn là điểm đến và hạnh phúc cũng chính là mục đích cuối cùng mà chúng ta luôn theo đuổi. Không có con đường nào kết thúc bởi hạnh phúc chính là một con đường dài vô tận.
2. Sự do dự trong tình yêu sẽ giết chết hạnh phúc thực sự – Bertrand Russell, năm 1800.
Với một người yêu toán học, khoa học và logic như Bertrand Russell thì hạnh phúc là thứ hoàn toàn có thể đo đếm được.
3. Hạnh phúc là khi quyền lực tăng lên và bạn có thể kiểm soát mọi thứ – Friedrich Nietzsche, cuối thế kỷ 19.
Với Nietzsche, hạnh phúc có thể kiểm soát được mọi thứ xung quanh. Nhà triết học người Đức cho rằng, khi hạnh phúc đồng nghĩa với quyền lực tăng lên, bạn có thể quyết định mọi việc trong tầm tay.
4. Bí mật của hạnh phúc không nằm ở việc bạn tìm kiếm nó, mà là việc bạn hưởng thụ hạnh phúc như thế nào – Socrates, năm 450 trước Công nguyên.
Hạnh phúc không đến từ những yếu tố bên ngoài như phần thưởng hay sự ghi nhận, nó đến từ chính bản thân mỗi người, sự cố gắng, nỗ lực và những thành quả mà bạn tạo ra.
5. Những người tìm kiếm hạnh phúc trên chính đôi chân của mình, chứ không phải dựa vào sự giúp đỡ của người khác, luôn là những người hạnh phúc nhất – Plato, thế kỷ IV trước Công nguyên.
Theo Plato, hạnh phúc là sự phát triển cá nhân. Đó là sự hài lòng về những thành quả mà bạn đã đạt được từ sự nỗ lực của chính bạn thân; chẳng hạn như chạy được quãng đường xa hơn, đọc được nhiều sách hơn năm ngoái…
6. Hạnh phúc phụ thuộc vào chính bạn – Aristotle, năm 300 trước Công nguyên.
Theo nhà triết học Hy Lạp cổ đại, quan điểm về hạnh phúc không giống như chúng ta vẫn tưởng. Hạnh phúc không phải là món quà mà người khác đem đến cho bạn. Đó là thứ bạn tạo ra bằng chính đôi tay và sự nỗ lực của bản thân.
7. Hãy học tìm kiếm hạnh phúc bằng cách giảm bớt nhu cầu chứ không phải tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu – John Stuart Mill, sinh năm 1806.
Điều quan trọng nhất của hạnh phúc đó là thay vì theo đuổi sự đầy đủ về vật chất, bạn hãy giảm bớt những nhu cầu không cần thiết và dùng mọi thứ đúng mục đích.
8. Khi nghĩ đến những điều tốt đẹp, con người sẽ sống hạnh phúc hơn – Khổng Tử, năm 500 trước Công nguyên.
Theo nhà hiền triết Trung Quốc, hạnh phúc là sự thỏa mãn của bản thân, chứ không phải sao chép từ người khác.
9. Hạnh phúc là khi con người muốn đạt được những thứ nằm trong tầm với của mình. Hãy mơ những gì có thể đạt được và từ bỏ những thứ ở xa tầm với – Seneca, thế kỷ IV trước Công nguyên.
Trong cuộc sống, ai cũng có những mục tiêu nhất định và cố gắng để đạt được mục tiêu đó. Do vậy, để sống hạnh phúc, bạn hãy đặt ra những mục tiêu nằm trong khả năng của mình chứ đừng “mơ mộng viển vông”.
10. Nếu luôn cảm thấy thất vọng, tức là bạn đang sống với quá khứ. Nếu luôn lo lắng, tức là bạn đang sống với tương lai. Chỉ khi nào cảm thấy bình yên, bạn mới đang sống với hiện tại – Lão Tử, năm 600 trước Công nguyên.
Nhà hiền triết Trung Quốc cho rằng, người hạnh phúc nhất là người luôn nỗ lực đạt được thành công bằng khả năng của chính mình. Họ sống với thực tại, không lo lắng về tương lai và không nuối tiếc quá khứ.
11. Cuộc sống không phải là những vấn đề cần giải quyết, mà là những trải nghiệm cần bạn vượt qua – Soren Kierkegaard, đầu thế kỷ 19.
Theo Kierkegaard, hạnh phúc đến từ hiện thực và cần được trải nghiệm. Nếu chúng ta dừng việc cố gắng chỉ để phân tích hoàn cảnh hay giải quyết vấn đề, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc.
12. Hạnh phúc giống như một con bướm, bạn càng rượt đuổi, nó càng bay xa hơn. Nhưng nếu bạn không để ý đến nó, nó sẽ tự bay đến gần bạn – Henry David Thoreau, sinh năm 1817.
Luôn theo đuổi chủ nghĩa thực tế, nhà hiền triết này cho rằng, khi để mọi thứ diễn ra tự nhiên, hạnh phúc sẽ tự tìm đến.
Kết : Hạnh phúc luôn hiện hữu trong cuộc sống ở giây phút hiện tại. Đừng đi tìm đâu xa bạn nhé, hãy đi sâu vào chính tâm hồn của mình. Chấp nhận, sẻ chia, sự buông bỏ sẽ là những yếu tố khiến cuộc sống bạn hạnh phúc hơn. Hãy trân trọng những giá trị thực tại !
- DH Howard -
P/s : tôi viết bài viết này không vì mục đích gì ngoài chia sẻ chút hiểu biết ít ỏi của mình về hạnh phúc. Tôi có tham khảo nhiều trang báo, nhiều cuốn sách, nhiều tư liệu khác nhau. Cũng đừng quá khắt khe bạn nhé, bởi những kiến thức này là để chia sẻ rộng rãi cho nhau. Và bạn đừng lo, Đức Phật, Aristotle hay Khổng Tử sẽ không đánh vi phạm bản quyền đâu. :))
Link một số trang tham khảo
https://www.google.com/search?q=h%E1%BA%A1nh+ph%C3%BAc+theo+quan+%C4%91i%E1%BB%83m+c%E1%BB%A7a+aristotle&oq=h%E1%BA%A1nh&aqs=chrome.3.69i57j69i59l3j0i433i512j69i61l2j69i60.15472j0j7&sourceid=chrome&ie=UTF-8