Ở số podcast du xuân đặc biệt đón chào năm mới 2022, đội ngũ Nhà Nhện đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Đức Huy nhà sáng lập của Đông Phong - thương hiệu cổ phục chuyên nghiên cứu và may các loại trang phục của Việt Nam từ thế kỷ XI đến XX. Đồng thời, anh Đức Huy cũng là một trong số những tác giả của cuốn sách "Du học ký: Vạn dặm có chi?".
Chuyến đi lần này Nhà Nhện chúng mình không chỉ có thêm vô vàn kiến thức thú vị về lịch sử mà còn có cơ hội tìm hiểu đầy đủ quy trình may và sản xuất Cổ phục. Một vài thành viên của đội ngũ podcast Người Trong Muôn Nghề còn được nhìn tận mắt, mặc lên mình những bộ Cổ phục để cảm nhận trực tiếp những giá trị văn hóa tốt đẹp mà thương hiệu Đông Phong đang tiếp tục gìn giữ.
Nhưng quan trọng nhất trong buổi gặp mặt này chính là những trăn trở, băn khoăn của anh Đức Huy về hành trình “đi để trở về, nhìn về căn tính Việt Nam, để nhận ra tình yêu với phương Đông”. Hãy cùng khám phá những cảm nhận về bản sắc và con người Việt Nam cùng với host Yole nhé qua câu chuyện của khách mời Đức Huy nhé.
Chúc tất cả các bạn một năm 2022 tràn ngập sức khỏe, niềm vui và luôn luôn hạnh phúc!
*
*     *
Yo Le: Đức Huy trước kia từng là du học sinh tại Đức. Trong cuốn sách “Du Học Ký: Vạn Dặm Có Chi?” của Spiderum, bạn từng chia sẻ rằng con người sinh sống ở nước Đức khá lạnh lùng. Đó là lý do Đức Huy đã bắt đầu tìm hiểu về bản sắc văn hóa của Việt Nam. Vậy tại sao em lại lựa chọn Cổ phục mà không phải là các yếu tố văn hóa khác?
Đức Huy: Đây có thể là một cơ duyên đối với bản thân em. Khi từ Đức trở về Việt Nam, em cũng chưa xác định rõ là mình sẽ làm về Cổ phục mà chỉ định hướng bản thân làm các công việc liên quan tới văn hóa. Em tìm hiểu rất nhiều thứ khác nhau như: Văn hóa trà; Thư pháp; Hán nôm; Triết học;... Bỗng có một người bạn có gọi điện cho em và hỏi rằng em có muốn may Cổ phục không? Tất nhiên là em đồng ý ngay. Đó là lúc em bắt đầu làm việc và nghiên cứu sâu hơn về Cổ phục.
Yo Le: Trong quá trình học hỏi và làm việc như vậy, đến thời điểm nào em đã quyết định tách ra và mở thương hiệu riêng của mình là Đông Phong?
Vì phương hướng phát triển nên em đã quyết định nghỉ công việc trước đó. Sau một khoảng thời gian, có một vài người bạn bên Đức nhờ em may giúp họ một số bộ Cổ phục Việt Nam để mang sang Đức để phục vụ cho một số sự kiện văn hóa. Trong quá trình em làm những bộ áo, chứng kiến người Việt hay thậm chí những người nước ngoài mặc lên mình những bộ Cổ phục do chính tay mình thực hiện, em mới nhận ra công việc này rất là thú vị. Cuối cùng, em và hai người bạn khác quyết định thành lập Đông Phong nhằm đưa Cổ phúc đến với nhiều người hơn.
Nguồn ảnh: Đông Phong
Nguồn ảnh: Đông Phong
Yo Le: Thời điểm em bắt đầu mở Đông Phong em đã gặp phải những khó khăn gì?
Khi mới bắt đầu thành lập Đông Phong chúng em gặp vô vàn khó khăn đặc biệt là thành viên tham gia có rất ít người. Ba người đầu tiên cũng chỉ thuần là người nghiên cứu chứ không phải là những người có kinh nghiệm trong công việc kinh doanh. Vào thời điểm Đông Phong được lập ra, cũng có rất ít người biết đến Cổ phục. Họ thường nhầm lẫn rằng đây là những bộ quần áo xuất phát từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… chứ không phải là Cổ phục của Việt Nam.
Về chuyên môn, những bộ Cổ phục thời xưa thường sử dụng các loại vải có độ cứng nhất định nhằm tôn lên dáng áo và tạo sự trang nghiêm. Đây là khó khăn bọn em phải đối mặt khi cố gắng tìm ra loại vải ở thời hiện tại để có thể phù hợp giúp thay thế những chất liệu xưa. Chúng em đã tìm về những làng nghề cổ và may mắn tìm tới làng nghề Nam Cao. Nơi đây sản xuất loại vải Tơ Sống có độ cứng tạo nên dáng áo và khiến bộ Cổ phục trở nên bền hơn. Bây giờ, vải Tơ Sống chính là đặc trưng của thương hiệu Đông Phong. Cái khó khăn chúng em gặp phải lại mở ra một hướng đi mới.
Đặc biệt nhất, với Đông Phong bọn em không hướng đến thương mại quá nhiều. Chúng em cũng không phải là những người chuyên về kinh doanh nên mọi thứ ở thời điểm thành lập đều là bản năng là chủ yếu. Kể cả ở thời điểm hiện tại, Đông Phong vẫn đang tiếp tục quá trình hoàn thiện chứ không phải là một mô hình hoàn chỉnh. Nhưng may mắn là chúng em phát triển ở thời điểm đầu tiên khi mọi người dần dần quan tâm tới Cổ phục nên từ đó bọn em đã có được sự uy tín. Về mặt thu nhập tuy chỉ túc tắc nhưng Đông Phong đã có thể tự vận hành và đủ nguồn lực để phát triển thêm một vài hoạt động nghiên cứu nhỏ. Mình cũng xác định đây là một quãng đời dài nên chúng em cũng không quá gấp gáp. 
Yo Le: Vậy quá trình tạo ra một chiếc áo Cổ phục sẽ phải trải qua những công đoạn nào? Công đoạn nào em yêu thích nhất?
Đầu tiên, chúng ta cần nghiên cứu tư liệu thông qua tranh ảnh, tượng hay hiện vật. Sau khi hoàn thành bước nghiên cứu, bọn em bắt đầu lên các bộ áo mẫu. Trong quá trình làm mẫu, chúng em phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần sao cho phù hợp bởi các tài liệu nghiên cứu như tranh ảnh, điêu khắc… mang tính ước lệ rất nhiều. Khi đã tạo ra dáng áo phù hợp, chúng em sẽ rút ra được công thức và có thể áp vào số đo cơ thể của người mặc để may ra sản phẩm. Có một số loại áo nhất định cần phải có chi tiết số đo của cơ thể như Cổ phục thời Nguyễn, áo Ngũ thân tay chẽn… Còn một số áo ở thời Lê như áo Giao lĩnh thì không phụ thuộc quá nhiều vào số đo cơ thể mà chỉ cần có chiều cao hoặc cân nặng.
Nguồn ảnh: Đông Phong
Nguồn ảnh: Đông Phong
Nguồn ảnh: Đông Phong
Nguồn ảnh: Đông Phong
Công đoạn mà em yêu thích nhất đó chính là khi lên những dáng áo. Chứng kiến những bộ Cổ phục dần được hình thành đó là cảm xúc vô cùng thú vị. Rồi mỗi khi tìm được một chất liệu vải mới và ứng dụng những chất liệu đó, em cảm giác rất mong chờ khi bộ Cổ phục dần được hoàn thiện.
Yo Le: Đến phần tiếp theo, chị muốn hỏi Đức Huy những câu mang tính chiêm nghiệm về cuộc sống. Sau quá trình đi, gặp gỡ và trải nghiệm của em từ quá khứ cho tới hiện tại, cụm từ “Bản Sắc Việt” đối với em nó có điều gì mới lạ so với ba năm trước khi mà em viết cuốn  “Du Học Ký: Vạn Dặm Có Chi?”
Phải thú thực là có rất là nhiều điều mới đối với em. Trước đó, em tư duy cụm từ “Bản Sắc Việt” hơi bị đóng khung, định hình nó phải có kiến trúc, hoa văn nhất định. Nhưng càng tìm hiểu sâu, em lại nhận ra mỗi một thời kỳ sẽ lại có những mô típ, quan điểm, thế giới quan khác nhau. Nếu mình chỉ dừng lại ở một thời kỳ thì mình sẽ không thể hiểu được toàn bộ quá trình phát triển hay bản sắc của các thời kỳ khác. Cho nên càng ngày em càng mở rộng định nghĩa của em về “Bản Sắc Việt”. Mình không thể chỉ sử dụng một lát cắt để định nghĩa nó mà chúng ta cần có một cái ánh nhìn rất dài xuyên suốt quá trình lịch sử bởi văn hóa là một dòng chảy. 
Cái cốt lõi của văn hóa là sự tiếp nối. Chính sự tiếp nối của các thế hệ tiếp theo đã tạo nên bản sắc. Vì vậy, em không định nghĩa “Bản Sắc Việt” thành một hình ảnh cụ thể nào cả mà em sẽ trừu tượng hóa nó hơn.
Yo Le: Hãy cùng đơn giản và gần gũi hơn một chút với hai từ “Người Việt”. Với Đức Huy, em định nghĩa như thế nào là “Người Việt”?
Định nghĩa cụm từ này cũng thật sự rất khó bởi khái niệm “Bản Sắc Việt” hay “Người Việt” em đều đang dần trừu tượng hóa nó hơn. Trước đây khi em còn là một học sinh phổ thông, em đã chối bỏ hai từ “Người Việt”. Lúc đó mình gần như bất mãn với mọi thứ xung quanh và không bao giờ thích những điều liên quan đến Việt. Đến cả khi em sang Đức du học, em nhuộm tóc, ăn mặc sao cho giống họ, muốn mọi người không biết mình là người Việt Nam.
Khi mà mình hiểu hơn, mình lại cảm thấy quý trọng cụm từ đó, cảm giác vô cùng gần gũi và “Người Việt” là một thứ gì đó của bản thân mình. Đến bây giờ em còn cảm thấy sự biết ơn bởi “Người Việt” chính là sợi dây cứu mạng em khi mà em gặp khủng hoảng về căn tính của mình. Khi đi ra nước ngoài, gặp gỡ các nền văn hóa khác nhau, những con người với những cách sống riêng biệt, mình mới đặt ra câu hỏi: “Mình là ai? Mình là gì?”. Rất may mắn đó là “Người Việt” chính là điểm tựa để mình bám vào. Đó là điểm tựa để em bắt đầu cuộc hành trình khám phá lại bản thân mình. Bây giờ em thực sự quý trọng hai từ đó.
Yo Le: Và để khép lại cuộc trò chuyện ngày hôm nay, Đức Huy có lời nhắn nhủ nào dành cho những bạn có đam mê văn hóa và yêu mến bản sắc Việt Nam. Nếu như các bạn muốn bước chân và hành trình này giống như em, ban đầu cũng không biết mình sẽ làm gì thì các bạn cần chuẩn bị những gì cho chuyến hành trình đó?
Khi mới bắt đầu tìm hiểu văn hóa, các bạn sẽ cảm nhận rằng nó hơi khó khăn một chút bởi những tư liệu khá tản mác và nguồn lực xã hội thì lại chưa nhiều. Nhưng đừng lo lắng quá về việc đó bởi hiện tại đây đang là một xu thế. Mọi người đang quay trở lại và tìm hiểu về văn hóa nhiều hơn. Nhất nhiều các bạn trẻ đang góp phần vào việc nghiên cứu văn hóa cho nên cứ từng chút, từng chút một bồi đắp lên thì tư liệu sẽ càng ngày càng nhiều hơn. Dần dần, mình sẽ tìm ra một hướng đi nào đó để có thể tập trung sâu hơn.
Yo Le: Khi đi vào một cái nghề, tạm gọi đó là một cái “nghề lạ” vốn ít người theo đuổi thì em đã gặp rất nhiều khó khăn trong những giai đoạn đầu. Vậy với các bạn mới bước chân vào lĩnh vực này, theo đuổi sở thích tìm hiểu văn hóa đặc biệt là văn hóa cổ, các bạn ý nên đối mặt với những khó khăn này như thế nào?
Em nghĩ rằng lúc nào chúng ta cũng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và đôi lúc là chuẩn bị thêm cả về vấn đề kinh tế. Đây không phải là công việc có nguồn thu nhập ngay lập tức mà mình sẽ cần thời gian, đôi khi là vài năm. Với em sau khi từ Đức trở về, em đã để dành một chút để trong thời gian những năm đầu tiên mình không phải quá lo lắng về yếu tố tiền bạc. Tất nhiên cũng có thời điểm mà tài chính của em “đến đáy” khiến em cũng có một chút hoảng sợ. May mắn rằng Đông Phong đã hoạt động được khoảng 1 năm rưỡi nên cũng có một số thành quả nhất định để thu lại. Em rút ra rằng hãy đừng đặt nặng tiền bạc quá mức, nếu mọi thứ đã đến thời điểm chín muồi thì tự khắc kết quả sẽ đến.
Hãy kiên nhẫn, đừng nên hoảng!
Nếu tò mò về podcast đặc biệt của Người Trong Muôn Nghề thì mau khám phá ngay TẠI ĐÂY: https://b.link/NTMN-DucHuy-CoPhuc
Đăng ký theo dõi Kênh Người Trong Muôn Nghề tại:
Đừng quên gửi câu hỏi qua Confession để nhận chia sẻ từ những ngành nghề khác nữa nhé: https://b.link/NTMN-Confessions