TẢN MẠN MỘT CHÚT VỀ LẠM PHÁT
Lạm phát có nhiều cách tiếp cận. Nhưng nói một cách bình dân theo kiểu bia hơi vỉa hè thì lạm phát có 02 kiểu:...
Lạm phát có nhiều cách tiếp cận. Nhưng nói một cách bình dân theo kiểu bia hơi vỉa hè thì lạm phát có 02 kiểu:
1/ Lạm phát trên tivi
2/ Lạm phát theo PHO-Index.
Lạm phát trên tivi, là cách nói vui của lạm phát tính theo tốc độ tăng trưởng CPI. Rổ CPI là rổ hàng hóa đại diện cho một nền kinh tế, và tỉ lệ lạm phát được nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) tính theo chỉ số này. Con số 3.15% là con số được tính từ giá hàng hóa theo tỉ trọng trong rổ CPI. Nó đánh giá mức độ tăng giá chung của một nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách dựa vào tỉ lệ lạm phát này để đưa ra những chính sách điều hành kinh tế phù hợp.
Nói một chút về tỉ trọng trong rổ CPI, có nhiều quan điểm cho rằng tỉ trọng lương thực, thực phẩm trong rổ CPI của Việt Nam cao quá cho nên làn sóng tăng giá năng lượng của Quý 2, Quý 3 năm 2022 không phải ánh hết vào CPI.
Nhưng thực sự nhìn đi cũng phải nhìn lại. Năm 2022, châu Âu và châu Phi đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực hậu Covid do chuỗi cung ứng đứt gãy, nguồn cung phân bón gần như đứt hoàn toàn do Nga và Trung Quốc cắt xuất khẩu, cộng với một đợt hạn hán kéo dài kỷ lục, lớn nhất trong vòng hơn 100 năm nay đã khiến giá lương thực ở châu Âu và châu Phi đã phi mã. Nhưng với Việt Nam, với một quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới đã tránh được cuộc khủng hoảng này. Và khi mà cả thế giới điêu đứng về lương thực thì gạo bán ra ở thị trường Việt Nam vẫn rẻ phà phà với một mức giá mà gần như mọi lao động phổ thông đều mua được mà không sợ đói.
Chưa kể, Việt Nam là một quốc gia nhập khẩu nguyên vật liệu tới 80% để sản xuất (số liệu được GSO công bố), thì cho dù giá năng lương đã phi mã đã không phản ánh vào CPI một cách trực tiếp, nhưng nó cũng đã phản ánh gián tiếp vào các nguyên vật liệu đầu vào được nhập vào Việt Nam rồi. Cho nên việc nói rổ CPI Việt Nam lỗi thời thì cần phải xem lại.Quay lại vấn đề với lạm phát. Ngoài chuyện lạm phát trên tivi mà mọi người vẫn hay nghe trên thời sự thì những chuyện lạm phát mà mọi người đang cảm nhận hằng ngày, nó ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố kỳ vọng.
Những câu nói kiểu như "PHO bình thường 40k, nay đã lên 50k rồi thì lạm phát phải là 25% chứ?" thì cần phải tách bạch các vấn đề ra.
Đúng, nếu bạn dành toàn bộ thu nhập để ăn PHO, thì lạm phát là 25% thật. Nhưng nếu bạn chỉ dành 10% thu nhập để ăn PHO thì giá PHO tăng chỉ đóng góm vào 2.5 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng lạm phát mà thôi.
Nền kinh tế cũng vậy, không thể có chuyện cả nền kinh tế đi ăn PHO, ăn bánh mì hay chỉ ăn bất cứm một món hàng nào đó mà bạn đang lấy ra làm tham chiếu.Nền kinh tế "ăn" nhiều thứ hơn bạn nghĩ và tỉ lệ ăn nó có sự phân hóa rõ ràng.
Quay lại với yếu tố kỳ vọng trong lạm phát.
Một xã hội mà tất cả ai cũng nghĩ là có lạm phát thì chắc chắn sẽ có lạm phát. Điều này đã xảy ra tại Việt Nam vào cuối 2021, hậu Covid, và giá xăng tăng phi mã. Bà bán PHO sợ rằng giá xăng tăng thì giá thịt bò sẽ tăng, bà bán thịt bò sợ giá xăng tăng khiến giá vận tải thịt bò từ lò mổ về nhà bà sẽ tăng, ông mổ bò thì sợ chi phí giết mổ tăng... tất cả cùng một nỗi sợ giá tăng, sẽ kéo theo là ai cũng sẽ tăng giá bán của mình ra... và bùm... lạm phát xuất hiện ngay cả khi giá xăng tăng chưa kịp phản ánh vào chi phí vận tải và thường nó trầm trọng hơn với tỉ lệ lạm phát thật (chênh lệch cung tiền và hàng hóa) do nỗi sợ hãi của con người.
Cho nên giá bánh mì bây giờ có lên 20k/ổ, PHO có 40k/tô thì ở trong đó nó chứa rất nhiều yếu tố kỳ vọng, và chắc chắn là có sự kì vọng của bạn ở trong đó đấy.
Sự tăng giá của PHO hay bánh mì chính là lạm phát mà các bạn phải cảm nhận, nhưng điều đó không có nghĩa là lạm phát trên tivi mà bạn hay nghe là sai, là thống kê ảo. Không, không sai, không ảo đâu. Là do bạn chưa hiểu thôi.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất