Tại sao phải nỗ lực? Một tựa đề ngắn gọn nhưng đủ súc tích để dấy lên những sự phân vân trong lòng bạn đọc. 
Ngày trước đi học mình luôn thuộc top học sinh của lớp. “Con ngoan trò giỏi” - cái mác mà hầu như mọi phụ huynh Á Đông luôn muốn gắn vào con của mình. Và mình tự hào vì suốt thời đi học bản thân luôn xứng đáng với danh hiệu đó. 
Nhưng khi tốt nghiệp Đại học, cũng là lúc chính thức bước ra tranh đấu với đời, mình mới vượt ra khỏi cái danh hão huyền “con ngoan trò giỏi” và bắt đầu thấm dần những suy ngẫm sâu cay nhưng thực tế của một đứa từ từ bước chân vào xã hội. 
“Tại sao phải nỗ lực?” - một chút chia sẻ của mình về vài điều được “trường đời” giáo huấn. 

1. NỖ LỰC HAY BỊ KHINH THƯỜNG? 

“Xã hội không có chỗ trú chân cho kẻ yếu thế”. Đấy là quan điểm sống của mình. Xã hội mà, xã hội là không khoan dung, trường đời không có chỗ cho sự nhân nhượng. Cố gắng hoặc chết. Vậy thôi!
"Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn." - Bill Gates
Mỗi người chúng ta được cấp một ngày 24 tiếng, quỹ thời gian ấy chủ yếu được phân bổ vào công việc. Chúng ta sống để làm và làm cũng để sống, hay nói trắng ra, là để tồn tại và phát triển. 
Như là bản năng, con người ai cũng hướng đến những điều tốt đẹp và tích cực. Lý tưởng ấy không sai, nhưng vô hình chung, nó cuốn lấy ta và tạo nên những góc khuất riêng  trong mỗi người. Mải mê theo đuổi những lý tưởng về sự tốt đẹp ấy, ta đã quên mất những người bị bỏ lại ở phía sau. Những người bị đuối sức trong cuộc đua hướng về miền cực lạc. Để rồi, một bộ phận những người tụt hậu này bỗng chốc thành gánh nặng của xã hội, và người ta ném vào họ những ánh nhìn thiếu thiện cảm chỉ vì cái lý do là họ không thể tiếp tục chặng đua. 
Không phải lỗi của bạn nếu bạn không thể cố gắng và phấn đấu để bằng được những người khác. Nhưng sự tụt hậu của bạn lại tạo nên cảm xúc khó chịu hoặc thương hại trong mắt mọi người, từ đó người ta buông thái độ cợt nhả coi thường bạn như một lời bào chữa hợp lý cho những cảm xúc đó. Chốt lại, hoặc cố gắng hết mình, hoặc bị khinh thường trong một xã hội mà ai cũng đang lao theo cuộc đua hưởng lạc, thế thôi! 

2. SỰ NỖ LỰC VÀ SỰ ĐÃI NGỘ 

Trong một xã hội mà đồng tiền luôn đi trước như hiện nay, phải nỗ lực, đó là điều bắt buộc. Nỗ lực giúp chúng ta đạt đến những nấc thang cao hơn trong phân tầng xã hội, thoát khỏi sự khinh thường, kèm theo đó, gặt hái nhiều trọng vọng. 
Có thể nói, nỗ lực, phát triển và đãi ngộ, bộ ba tam tấu luôn sánh bước cùng nhau trên sân khấu cuộc đời. Không phải tự nhiên mà người ta lại “trải thảm đỏ đón nhân tài”. Thái độ quyết định cách bạn đón nhận cuộc đời, nhưng chỉ tài năng và trình độ mới quyết định cách cuộc đời sẽ đón nhận bạn. Vậy nên, để đạt đến cái đẳng cấp mà người khác phải trải thảm đỏ dưới gót giày, bạn hẳn nhiên phải nỗ lực, nỗ lực không ngừng.
“Mây tầng nào gặp gió tầng đó”. 
Nỗ lực đưa bạn phát triển đến trình độ cao hơn. Đẳng cấp bạn càng cao thì bạn càng có nhiều sự tự chủ. Chủ động trong các mối quan hệ. Chủ động trong công việc. Đặc biệt, chủ động trong tài chính. Muốn yêu được người giỏi thì bạn phải giỏi. Muốn ứng tuyển một công việc với mức lương cao ngất thì trình độ chuyên môn bạn phải cứng. Muốn thoát khỏi cái cảnh đi làm tám tiếng kiếm đồng lương sống qua ngày thì bạn lại càng phải cố gắng để tài chính ổn định, không bị lệ thuộc vào công việc “9 to 5”.  
Nỗ lực gần như là lời giải cho mọi bế tắc của bản thân bạn. Cố gắng hết mình tạo nên những động lực, phá bỏ mọi rào cản và đưa bạn đến các cơ hội mới. 

TẠM KẾT

Theo mình, xã hội như một lớp học mở rộng. “Lớp học” thì luôn có người giỏi, có người không. Nhưng, lớp học nơi ta đến ngày bé có bảng điểm và xếp hạng, xã hội thì lại không. Vậy nên sẽ không bao giờ biết vị trí mình đang ở đâu trong cái “lớp học” mở rộng ấy. Vì thế ta lại càng phải nỗ lực, nỗ lực biết ta đang ở đâu, để nâng cao thứ hạng.
“Thành công không phải là đích đến, đó là cuộc hành trình”
Hãy nỗ lực hết mình và tận hưởng nó, dù cuộc hành trình có khó khăn như thế nào, đó như là món quà dành cho tuổi trẻ.