TẠI SAO PHẢI KẾT HÔN KHI CUỘC SỐNG ĐỘC THÂN ĐANG RẤT VUI VẺ?
Những người đã lập gia đình có thể đang cười vào mặt tôi khi đọc title này, nhưng khi đang là một người đang độc thân vui vẻ lại chuẩn...
Những người đã lập gia đình có thể đang cười vào mặt tôi khi đọc title này, nhưng khi đang là một người đang độc thân vui vẻ lại chuẩn bị sa vào lưới của vị thần hôn nhân, tôi cần có thêm lí do để thuyết phục mình rằng việc tôi sắp làm là đúng.
Có lần tôi giật mình khi lướt thấy title: “Chọn sống độc thân: Sự ích kỷ của giới trẻ?”. Ôi tôi chỉ nghĩ đó là cuộc đời của tôi, sự lựa chọn của tôi chứ nào biết sự tự do của mình lại là ích kỷ với ai đó. Nếu cứ yêu ai đó và thích là cưới thì điều đó không phù hợp với tôi. Dù chẳng có sự chắc chắn nào trong tình yêu nhưng việc chọn lựa qua loa sẽ khiến tôi bất an suốt đời này.
Và cứ như vậy cho tới nay, tôi vẫn trải qua cuộc sống độc thân tự do mỗi ngày, ở một thành phố xinh đẹp, như bao bạn trẻ khác. Thời gian trong ngày sẽ phân bổ cho việc đi làm, đọc sách, chơi game, tập thể dục, skincare, viết lách, lướt mạng xã hội và ăn bất cứ cái gì mình thích (trong giới hạn). Tôi cũng không có gánh nặng phải giúp đỡ gia đình vì bố mẹ tôi không yêu cầu, nhưng tôi cũng có chút áp lực với nợ tín dụng. Nói chung áp lực này không quá lớn (Nhưng đôi khi stress, tôi nhân nó lên gấp 3000 lần và làm ra những trò lố lăng không tả nổi như “chuyện này”)
Tất nhiên, đó là chỉ là “đôi khi”, còn những ngày bình thường của tôi trôi qua khá êm ả. Tôi còn ở chung với bạn trai nhưng điều đó không ảnh hưởng lắm. Vì mấu chốt là tôi CHƯA KẾT HÔN. Mindset của tôi là "Phụ nữ độc thân là phụ nữ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật" (Nghị định 10/2015/NĐ-CP). Nếu bạn nghĩ tôi ở với người yêu và phải phục vụ anh thì điều đó không bao giờ xảy ra. Lí do đơn giản nhất khi quyết định về ở với nhau đó là bọn tôi có thể gặp nhau bất cứ khi nào mà không phải vượt 60 km, ăn cùng nhau hay thoải mái nói chuyện mà không cần quan tâm đến vấn đề “wifi hôm nay mấy vạch”. Còn ngoài ra, công việc cá nhân của mỗi người sẽ không ảnh hưởng. Vì quá trình chung sống khá thuận hòa và thú vị nên tôi nghĩ mình chả cần kết hôn. Cứ như vậy cũng ổn.
Tôi đã định cắt phần này đi vì nó có thể gây hoang mang cho người đọc về từ "độc thân" mà tôi nói đến. Nhưng vấn đề tôi thực sự muốn làm rõ đó là "Kết hôn và chưa kết hôn (thậm chí cả khi sống chung) khác nhau thế nào?"
Tôi chưa làm chuyện đó bao giờ nên tôi nghĩ kết hôn là lên phường bảo với cán bộ hộ lý rằng bọn tôi muốn có 1 tờ giấy để chứng minh là vợ chồng hợp pháp; sau khi kí xong, bọn tôi mang tờ giấy đó cất trong ngăn kéo; bố mẹ sẽ tổ chức lễ cưới rình rang để ăn mừng con mình “chính thức sập bẫy”; sau đó nam nữ về sống chung 1 nhà; thay phiên quét nhà, giặt đồ, nấu cơm, chăm sóc con cái; ngày nào cũng gặp nhau, thi thoảng vui vẻ, thi thoảng cãi lộn,…. Vài cặp sống với nhau đến già, một số khác ly hôn.
Cũng như tất cả những sự việc khác trên đời, hôn nhân cũng có 2 mặt tốt và xấu, ít hay nhiều đều phụ thuộc vào những yếu tố mơ hồ như: may mắn, sự hòa hợp,.... Nói chung tôi thấy hôn nhân hay tình yêu đều là thứ không thể nắm chắc trong lòng bàn tay. Nên với bản tính của một người "chắc cốp" và dễ tổn thương vì đổ vỡ, tôi khá hoang mang khi chuẩn bị kết hôn.
Ai cũng biết, tình yêu là thứ dễ thay đổi nhất trên đời. Bằng chứng về những lời hứa mùi mẫn làm chấn động thế giới và những cuộc tan vỡ chóng vánh hiện diện ở khắp mọi nơi con người có thể nghe, nhìn, thậm chí là tham gia vào dàn nhân vật chính. Và điều tôi từng rất thắc mắc đó là người ta đăng ký kết hôn để làm gì khi nó không mang lại sự chắc chắn?
Và sau này thì tôi phát hiện ra mục đích của kết hôn không phải để đảm bảo cho tình yêu luôn bền chặt. Hãy lật đến chương 4 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 mà xem: nếu hết tình cảm, đời sống vợ chồng không hòa thuận, hoặc trong vài trường hợp khác (theo quy định) thì quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt.
Hôn nhân hợp pháp cốt yếu sinh ra để bảo vệ quyền công dân. Khi đã tự nguyện ký vào giấy đăng kí kết hôn và đồng ý rằng chúng ta sẽ chung sống trong sự tôn trọng, bình đẳng, tương trợ thì anh và tôi đều phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm những nguyên tắc đó. Nếu anh ngoại tình và chung sống với người phụ nữ khác, pháp luật sẽ bảo vệ tôi. Nếu chúng ta cùng nhau gây dựng nên 1 khối tài sản, tới một ngày cô muốn bỏ đi cùng nhân tình và mang theo hết tài sản chung đi thì pháp luật sẽ can thiệp và giúp tôi nhận lại số tiền xứng đáng thuộc về mình,... Tất nhiên đó chỉ là ví dụ.
Tóm lại, so với sống "độc thân", chúng ta được gì?
Về cái được của hôn nhân:
Hôn nhân mang đến sự tương trợ của nhiều người trong gia đình hơn là chỉ có một cá nhân đơn lẻ. Điều này khá quan trọng vì nó không chỉ có ý nghĩa trong đời sống tinh thần mà còn trong đời sống vật chất. Hai người giải quyết vấn đề luôn nhanh hơn một người. Đó là chưa kể đôi khi còn có sự giúp sức của 2 bên gia đình nội ngoại.
Nhờ hôn nhân, tình yêu nam nữ có được sự tôn trọng, công nhận của pháp luật và toàn xã hội. Tất nhiên theo một vài người thì tình yêu chỉ cần "biết với nhau là đủ", nhưng nó chỉ có giá trị tinh thần. Còn khi kết hôn, hai người sẽ gắn bó với nhau không chỉ về tình cảm mà còn về quyền lợi, trách nhiệm xây dựng gia đình. Hôn nhân tuy không thể tạo nên một chiếc lồng giữ chặt tình yêu, nhưng lại tạo ra chất keo để gắn bó tình yêu, một tình yêu xây dựng bằng mọi phương diện lý tưởng.
Do là một mối quan hệ chính thống được pháp luật bảo hộ nên so với những người chỉ yêu và chung sống với nhau như vợ chồng thì hôn nhân bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công dân. Điều này đã được đề cập phía trên như một sự gợi mở.
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân sẽ được công nhận là con chung của vợ chồng mà không cần thực hiện thủ tục xác minh. Lúc này, đứa trẻ sẽ được khai sinh, sống trong gia đình đầy đủ, cha mẹ chung sống hợp pháp. Còn đứa trẻ sinh ra trong thời gian nam nữ phát sinh quan hệ tình cảm mà không kết hôn được gọi là "con ngoài giá thú". Nếu bố mẹ muốn nhận con hoặc ngược lại, họ phải yêu cầu với chính quyền và thực hiện thủ tục xác minh.
Ngoài những lập luận trên, hôn nhân mang đến cho con người những điều tuyệt diệu mà không quy định pháp luật nào có thể mô tả được. Đó là cảm giác ấm áp của một gia đình thực sự. Là khi cha mẹ có thể sống với nhau bằng cả tình yêu và trách nhiệm, cùng nhau kề cạnh những lúc ốm đau, bệnh tật, sinh ra những thiên thần nhỏ bé, sau đó nuôi lớn chúng nên người. Chẳng có ngôn từ nào diễn tả hết sự thiêng liêng, cao quý đó.
Hôn nhân khiến chúng ta mất gì?
Sự riêng tư: Chúng ta sống chung cùng vợ, chồng, con cái, thậm chí cả bố mẹ. Nếu gia đình yên ấm, cả nhà hòa thuận thì việc chung sống tạo ra niềm vui lớn, còn không thì tạo ra áp lực lớn. Dù thế nào thì chúng ta cũng không thể tự do như lúc độc thân nữa.
Quyền tự quyết giảm đi do phần lớn mọi quyết định đều có sự tham gia, góp ý của vợ hoặc chồng.
Độc lập tài chính: Phong cách sống “tự làm, tự tiêu” đôi khi khiến chúng ta thoải mái. Nếu kết hôn thì ta có tài sản chung lớn hơn, tiềm lực tài chính lớn hơn nhưng mặt trái đó là cái gì chung thì đều cần có quyết định của cả hai người. Chưa kể thu nhập mỗi tháng phải phân bổ hợp lý cho sinh hoạt chung, nuôi dạy con cái,… và hàng nghìn khoản chi phí khác. Nếu sống cùng 1 nhà mà 2 người lại hoàn toàn độc lập tài chính, không có sự tương trợ, giúp đỡ nhau thì việc này cần có sự thống nhất và tính toán cao độ.
Tự chủ thời gian: So với khi độc thân, chúng ta hoàn toàn linh hoạt sắp xếp thời gian tùy theo sở thích, thì sau kết hôn chúng ta phải phân chia thời gian rảnh đó cho gia đình. Nghĩa là thời gian để tập trung phát triển sự nghiệp, chăm sóc bản thân, tụ tập bạn bè,…. sẽ bị phân tán khá nhiều. Mức độ phân tán tùy thuộc từng gia đình và sự sắp xếp của mỗi người.
Quyền tự do tán tỉnh và quan hệ tình cảm: Bạn cứ thử có người yêu khi có vợ mà xem.
Tất nhiên những lý lẽ trên chỉ mang tính liệt kê tương đối. Có những điểm được cho là tốt thì chưa hẳn đã tốt và ngược lại. Ví dụ như thời gian dành cho gia đình tuy làm hao hụt thời gian riêng tư nhưng đôi khi khoảng thời gian này quý giá hơn nhiều so với thời gian dành cho công việc khác.
Thực ra mọi vấn đề đều có hai mặt và hôn nhân cũng thế. Vì vậy, nếu đã lựa chọn thì phải chấp nhận cả mặt tốt và mặt xấu. Quy luật của cuộc sống luôn là những lần đánh đổi như vậy.
Tôi chẳng muốn mang chuyện được, mất ra để nói về hôn nhân vì tôi luôn ngầm công nhận hôn nhân là một mối quan hệ thiêng liêng và giá trị nhất trong đời.
Tôi lớn lên trong một gia đình tương đối hạnh phúc, có đủ bố và mẹ. Bố mẹ đã cư xử với nhau ra sao, cùng nuôi tôi và các em khôn lớn với những cảm xúc vỡ òa thế nào,... Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thức được sự thiệt thòi của những người độc thân xung quanh (phần lớn là lúc họ về già), chứng kiến nỗi tủi thân của vài người bạn là con ngoài giá thú. Chúng ta vốn chẳng thể phán xét điều gì về hạnh phúc của người khác nhưng cũng không thể phủ nhận giá trị to lớn của hôn nhân.
Cá nhân tôi, sau khi đã xem xét những mặt trái phải trên kia, tôi vẫn muốn kết hôn vì tôi luôn mong muốn được khám phá nấc thang cao hơn trong tình yêu cùng những trải nghiệm mới: trong vai trò một người con dâu, người vợ và người mẹ đích thực. Tôi thấy bản thân mình phù hợp với trải nghiệm này và tôi chấp nhận đánh đổi những gì cần thiết phải đánh đổi.
Về bản chất, hôn nhân không (nên) được đánh giá là một quy chuẩn mà đơn giản chỉ là sự lựa chọn. Mà lựa chọn tốt nhất là lựa chọn khiến con người hạnh phúc nhất. Tôi muốn kết hôn vì nó phù hợp với tôi, còn bạn độc thân thì đó luôn là quyền của bạn.
Cho những người có ý định sẽ kết hôn, bên cạnh những suy luận dài dòng bên trên và xem xét các yếu tố: tình cảm; sự đồng điệu về thể xác; hòa hợp trong suy nghĩ, chí hướng,... nếu cảm thấy đã đủ thuyết phục thì cứ mạnh dạn kết hôn thôi. Nhưng phải có người yêu trước nhé! Good luck!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất