Cố sử gia Eric Hobsbawm thuyết giảng vào năm 2012, ngay trước khi ông qua đời.
Cố sử gia Eric Hobsbawm thuyết giảng vào năm 2012, ngay trước khi ông qua đời.
Cố sử gia Marxist Eric Hobsbawm điểm lại lịch sử Ngày Quốc tế Lao động từ những ngày đầu. “Tu sĩ có lễ hội riêng của họ”, một tờ bích báo khổ lớn mừng Ngày Tháng Năm 1891 tuyên bố “những người Trung lập có lễ hội của họ. Cả những Người dân chủ cũng vậy. Ngày 1 tháng 5 sẽ là Lễ hội của công nhân toàn thế giới.”
Năm 1990, khi Michael Ignatieff viết về ngày Lễ Tạ ơn trên tờ Observer, ông đã nhận định rằng “các xã hội thế tục chưa bao giờ thành công trong việc mang đến một thứ gì thay thế được lễ nghi tôn giáo”. Ông chỉ ra rằng cuộc Cách mạng Pháp “có thể đã biến những thần dân thành công dân, đã khắc ghi khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái vào phía trên cánh cổng dẫn vào từng ngôi trường và đẩy những tu viện đến cảnh hoang phế, nhưng ngoài ngày 14/7 kỷ niệm cách mạng, nó chẳng lưu lại dấu tích gì lên lịch biểu Ki-tô.”
Đối tượng mà tôi bàn đến hôm nay có lẽ là dấu tích duy nhất không thể phủ nhận của phong trào thế tục lên lịch biểu Ki-tô hay tất cả những lịch biểu chính thống khác – một ngày hội được lập ra không chỉ trên một hay hai quốc gia, mà vào năm 1990 đã chính thức được công nhận trên 107 nước. Hơn thế nữa, đó là một dịp lễ thiết lập không phải bởi quyền uy của chính phủ hay những kẻ chinh phạt, mà từ một phong trào tự phát của những người nghèo. Tôi đang nói về Ngày Tháng Năm, hay còn gọi là  Mùng 1 tháng 5, một ngày hội ở tầm quốc tế của phong trào giới cần lao – một ngày mà tính đến 1990 đáng ra đã được kỷ niệm một trăm năm, vì nó đã được bắt đầu vào năm 1890.
“Đáng ra” là một cụm từ chính xác, bởi, ngoài giới sử gia, rất ít người quan tâm đến dịp lễ này, ngay cả các chính đảng xã nghĩa vốn là hậu duệ trực tiếp của những người mà vào năm 1889, trong đại hội thành lập của cái mà sau này sẽ trở thành Đệ Nhị Quốc tế, đã kêu gọi một biểu tình đồng loạt của giai cấp công nhân quốc tế nhằm ủng hộ điều luật giới hạn giờ làm xuống còn tám tiếng diễn ra vào 1 tháng 5  năm 1890. Điều này còn đúng cả với những đảng đã thực sự có mặt tại đại hội năm 1889, và giờ vẫn còn tồn tại. Các đảng phái thuộc Đệ Nhị ngày nào hay cả những hậu duệ của họ ngày nay đều đã nắm chính quyền hoặc ít cũng là những đảng đối lập chính yếu ở khắp vùng châu Âu nằm về phía tây khu vực tự xưng là “chủ nghĩa xã hội thực tồn”. Đáng ra họ cũng nên có niềm tự hào lớn hơn, hay ít nhất là niềm quan tâm sâu sắc hơn với quá khứ của mình. 
Những người đại biểu Quốc tế II tại Stuttgart, Đức
Những người đại biểu Quốc tế II tại Stuttgart, Đức
Tại nước Anh phản ứng chính trị mạnh mẽ nhất chống lại việc kỷ niệm một trăm năm Ngày Quốc tế Lao động đến từ phía Sir John Hackett, một cựu đại tá và, tôi rất tiếc phải nói điều này, cựu hiệu trưởng trường Đại học London. Ông đã đòi bỏ ngày Quốc tế Lao động, thứ mà ông coi là sản phẩm của chế độ Soviet. Ông cảm thấy nó không nên tồn tại sau khi chủ nghĩa cộng sản toàn cầu sụp đổ. Tuy nhiên, gốc gác của Ngày Tháng Năm của Cộng đồng Châu Âu lại trái ngược hẳn so với của người Bolshevik hay thậm chí của những người dân chủ xã hội. Nó xuất phát từ những chính khách chống xã hội chủ nghĩa, những người nhìn nhận rõ ràng gốc rễ Ngày Tháng Năm đang bén sâu nhường nào vào lòng giai cấp công nhân tây phương, và muốn chống lại hấp lực của phong trào lao động và xã hội chủ nghĩa bằng cách thâu nạp ngày hội của họ và biến chúng thành một thứ khác. Trích từ một kiến nghị lên nghị viên Pháp vào tháng Tư năm 1920, nhận được sự ủng hộ của 41 nghị viên liên minh lại không trên cơ sở nào khác ngoài việc bọn họ đều không phải dân xã nghĩa:
“Ngày lễ này không nên mang chứa yếu tố ganh tị hay thâm thù gì [một cách họ ám chỉ đấu tranh giai cấp]. Mọi giai cấp, nếu giai cấp vẫn còn được coi là tồn tại, và mọi xung lực sản xuất của quốc gia nên đồng lòng hữu ái, được khơi gợi từ một ý tưởng chung và một lý tưởng chung.”
Trong Cộng đồng Châu Âu, những kẻ nỗ lực nhất để thâu nạp Ngày Tháng Năm thực ra là nhóm cực hữu, chứ không phải tả. Chính quyền Hitler là chính quyền đầu tiên sau Liên bang Sô Viết biến Ngày 1 tháng 5 thành ngày Lao động Quốc gia chính thức. Chính quyền Vichy của Marshal Petain tuyên bố ngày 1 tháng 5 là “Lễ hội của Lao động và Hòa Hợp” và theo như kể lại là đã học hỏi để làm vậy từ Ngày Tháng Năm Falang tại Tây Ban Nha dưới thời Franco, đất nước mà Marshal bày tỏ sự ngưỡng mộ khi có dịp làm đại sứ.  
Thực sự, Cộng đồng Kinh tế Châu Âu có công biến Ngày Tháng năm thành ngày hội toàn dân thực tế là một nhóm không phải bao gồm những chính quyền chủ nghĩa xã hội mà phần lớn là chống chủ nghĩa xã hội, mặc cho quan điểm trái ngược của quý bà Thatcher. Những Ngày Tháng Năm chính thống của phương Tây đi ra từ nhìn nhận về yêu cầu cấp thiết phải chiêu hồi cái truyền thống gắn với Ngày Tháng Năm phi chính thống và tách nó ra khỏi phong trào công nhân, nhận thức giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nhưng làm thế nào mà một truyền thống mạnh mẽ đến mức kẻ thù của nó nghĩ rằng phải thu phục nó, ngay cả khi, như với Hitler, Franco và Petain, chính chúng là người ra tay tiêu diệt phong trào công nhân xã hội chủ nghĩa?

Cuộc trỗi dậy bứt tốc

Một điểm phi thường của quá trình tiền hóa của thể chế này là nó hoàn toàn không được dự trước hay hoạch định. Về khía cạnh này nó không phải là “truyền thống giả cổ” cho bằng một truyền thống bất chợt bùng phát. Nguồn gốc trực tiếp nhất của Ngày Tháng Năm không xuất phát từ tranh chấp. Nó là một nghị quyết được thông qua bởi một trong hai phía đối nghịch thành lập ra Quốc tế – phía những nhà Marxist – tại Paris vào tháng 7 năm 1889, kỷ nghiệm một trăm năm Cách mạng Pháp. Nghị quyết này kêu gọi một cuộc biểu tình toàn cầu của các công nhân vào cùng một ngày, nhằm yêu sách ngày làm tám tiếng được ghi vào luật pháp với các công chúng và chính quyền tại. Và vì Liên đoàn Lao động Mỹ từ trước đó đã quyết định tổ chức ngày biểu tình này vào 1/5/1890, ngày này đã được chọn cho cuộc biểu tình toàn thế giới. Trớ trêu thay, ngay tại Hoa Kỳ thì Ngày Tháng Năm lại chưa bao giờ được trở thành chính thức như ở các quốc gia khác, chỉ bởi ngày hội lao động chính thức của họ, Ngày Lao động, diễn ra vào thứ Hai đầu tiên của tháng chín, đã tồn tại sẵn.
Các học giả vậy nên cũng nghiễm nhiên chọn nghiên cứu về nguồn gốc của nghị quyết này, và mối liên hệ của nó với lịch sử thời đầu của phong trào đấu tranh ngày làm tám tiếng tại Mỹ và các nơi khác, nhưng đây không phải vấn đề chúng ta bàn tới. Điều quan trọng trong lập luận hiện tại là độ khác biệt giữa mục tiêu theo hình dung của nghị quyết đó và những gì thực sự diễn ra. Ở đây ta cần lưu ý ba dữ kiện chính về đề xuất ban đầu. Một, đây là lời kêu gọi một biểu trưng quốc tế đơn lẻ, diễn ra một lần. Không hề có gợi ý nào trong nghị quyết về việc lặp lại ngày này, chứ chưa nói đến biến nó thành sự kiện hàng năm. Thứ hai, không có gì gợi ý rằng cho ngày này sẽ trở thành một dịp có tính hội hè hay mang tính lễ nghi, mặc dù phong trào công nhân ở tất cả các nước được cho phép “thực hiện cuộc tuần hành này theo phương cách cần thiết với tình hình quốc gia của họ.”
Cách nói này, tất nhiên, là tạo đường lui cho Đảng Dân chủ xã hội Đức, bấy giờ vẫn đang hoạt động ngoài vòng pháp luật dưới điều luật chống người xã hội chủ nghĩa của Bismarck. Sau cùng, cũng không có chỉ dấu nào cho thấy nghị định này được đánh giá là quan trọng đặc biệt ở thời điểm đó. Ngược lại, báo chí đương thời còn gần như chẳng đưa tin gì về nó, hoặc nếu có, trong một trường hợp ngoại lệ (khá kỳ lạ là lại ở một tờ báo tư sản), thì không đưa ra ngày tháng cụ thể. Ngay qua Báo cáo Đại hội chính thức, do Đảng Dân chủ Xã hội xuất bản, cũng chỉ nhắc đến người đề xướng nghị quyết và in ra văn bản mà không kèm bình luận hay thể hiện tâm thế rõ ràng ràng đây là một vấn đề trọng đại. Tóm lại, như Edouard Vaillant, một trong những nghị viên  mẫn tiệp và ý thức chính trị sâu sắc trong Đại hội, nhớ lại vài năm sau đó: “Ai mà ngờ đươc…cuộc trỗi dậy bứt tóc của Ngày Tháng Năm?”
Cuộc đình công bến tàu của công nhân Anh vào 1889
Cuộc đình công bến tàu của công nhân Anh vào 1889
Cuộc trỗi dậy và tiến trình thể chế hóa bứt tốc này chắc chắn là nhờ vào thành công choáng ngợp của các cuộc biểu tình Ngày Tháng Năm đầu tiên vào 1890, ít nhất ở vùng châu Âu nằm về phía tây Đế chế Nga và các nước Balkan. Những người xã hội chủ nghĩa đã chọn đúng thời điểm để thành lập hay, như họ ưa gọi, là tái lập Quốc tế Cộng sản. Ngày Tháng Năm đầu tiên diễn ra cùng lúc với bước tiến thắng lợi của sức mạnh và tinh thần giới cần lao trên nhiều quốc gia. Chỉ cần trích ra hai ví dụ quen thuộc với chúng ta: sự bùng nổ của Phong trào Công đoàn Mới tại Anh theo sau Vụ đình công Bền tàu năm 1889, và chiến thắng của phe xã hội chủ nghĩa tại Đức, khi Hạ viện Đức bác bỏ quyết định tiếp tục bộ luật chống chủ nghĩa xã hội của Bismarck vào tháng 1 năm 1890, mang lại kết quả là một tháng sau Đảng Dân chủ Xã hội đã tăng gấp đôi số phiếu tại cuộc tổng tuyển cử và chiếm đến gần 20 phần trăm tổng phiếu bầu. Tạo nên thành công từ những cuộc biểu tình đại chúng vào một thời điểm như vậy không quá khó khăn, vì cả những nhà hoạt động lẫn những người bạo lực cách mạng đều dốc hết lòng vào biểu tình, trong khi hàng đoàn công nhân bình thường cũng hòa vào chúng để ăn mừng cảm giác chiến thắng, quyền lực, được thừa nhận cũng như hy vọng.
Song mức độ tham gia sâu rộng của các công nhân vào các buổi tuần hành lại khiến chính những người kêu gọi họ xuống đường phải ngạc nhiên. Theo ghi nhận đã có đến 300.000 người lấp kín công viên Hyde Park tại London, mang đến, lần đầu tiên và cuối cùng, một cuộc biểu tình lớn nhất thời đó. Đó là vì, mặc dù tất cả các chính đảng và tổ chức đều theo nhau tổ chức các buổi họp mặt, chỉ một vài trong số họ nhìn nhận được tối đa tiềm năng của sự kiện này và dồn hết nguồn lực vào đó từ đầu. Đảng Dân chủ Xã hội Áo là đứng ngoại hạng về khả năng nhận thức tâm thế quần chúng, và kết quả, như Frederick Engels quan sát trong vài tuần sau đó, “trên cả lục địa này, có nước Áo là ăn mừng ngày hội này theo cách thức sống động và phù hợp nhất tại thành phố Vienna nước mình.”
Thực tế, tại một số nước, chẳng những không dốc hết sức lực vào chuẩn bị cho Ngày Tháng Năm, các đảng phái và phong trào chính trị, theo một khuynh hướng thường thấy trong chính trị cánh tả, còn bị tê liệt bởi những tranh cãi và chia rẽ ý hệ về cách biểu tình thế nào mới là đúng đắn hay đơn giản là bởi sự mối lo ngại. Trước viễn cảnh ngày biểu tình xảy ra, các chính phủ, dư luận trung lưu và giới chủ đã có những phản ứng đầy lo lắng, đôi khi còn tới mức bấn loạn, và đe doạ điều cảnh sát đến đàn áp và báo thù người tham gia biểu tình. Đối mặt với điều đó, những lãnh đạo chủ nghĩa xã hội ưu tư thường ưu tiên tránh các hình thức đối đầu quá khiêu khích. Điều này rõ ràng nhất tại Đức, nơi mà lệnh cấm đảng xã hội chỉ mới được bãi bỏ sau 11 năm hoạt động đảng bị cho là bất hợp pháp. “Chúng ta có mọi lý do để giữ cho quần chúng trong tầm kiểm soát trong ngày biểu tình Mùng Một Tháng Năm.” August Bebel, lãnh đạo đảng đã viết cho Engels. “Chúng ta phải tránh xung đột”. Và Engels đồng tình.
Vấn đề hệ trọng bấy giờ là liệu công nhân có nên được yêu cầu biểu tình trong giờ làm, hay đình công hay không, vì 1/5/1890 rơi vào Thứ Năm. Về cơ bản, các đảng phái cẩn trọng và công đoàn có tổ chức vững mạnh – trừ những ai chủ ý muốn hoặc vô tình phải dấn thân vào một động thái công nghiệp, như kế hoạch của Liên đoàn Lao động Mỹ – thì không thấy có lý do chính đáng nào để lôi tính mạng mình và những người đồng chí ra đổi lấy một động thái đấu tranh chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Họ vì thế nghiêng về lựa chọn ngày Chủ Nhật đầu tiên trong tháng Năm mà không phải ngày đầu tháng Năm để biểu tình. Đây đã từng và vẫn là lựa chọn của nước Anh. Đó là lý do vì sao Ngày Tháng Năm lớn đầu tiên của nước này rơi vào mùng 4 tháng 5.
Tuy vậy, đây cũng là lựa chọn của đảng tại Đức, mặc dù tại đó, không giống như ở Anh, việc ăn mừng ngày 1 tháng 5 về sau lại trở thành chính thức. Thực ra, vấn đề này đã được mang ra bàn luận chính thức tại Đại hội Quốc tế diễn ra tại Brusssels năm 1891. Tại đây người Anh và Đức đã phản đối Pháp và Áo về lựa chọn ngày Tháng Năm, và sau đó bị thua về số phiếu. Lại một lần nữa vấn đề này, giống như nhiều khía cạnh khác của Ngày Tháng Năm, chỉ là phụ phẩm ngẫu nhiên của một lựa chọn ngày giờ cho một sự kiện quốc tế. Nghị quyết gốc không nhắc gì tới việc nghỉ làm việc hàng loạt. Vấn đề chỉ nảy sinh vì Ngày Tháng Năm đầu tiên tình cờ rơi vào một ngày trong tuần, điều mà những người toan tính biểu tình ngay sau đó phát hiện ra.
Nếu thực sự cẩn trọng thì họ đã làm khác đi. Nhưng điều làm nên Ngày Tháng Năm lại chính là việc ưu tiên hành động biểu tượng hơn lý do thực dụng. Chính quyết định tạo nên một biểu trưng cho việc dừng làm việc đã biến Ngày Tháng Năm thành một sự kiện vượt xa khỏi một cuộc biểu tình hay một dịp kỷ niệm đơn thuần. Chính tại các quốc gia và thành phố nơi các đảng cánh tả tuy phản đối các công đoàn đầy do dự vẫn quyết tạo nên một cuộc đình công mang tính tượng trưng, [chính tại đây] mà Ngày Tháng Năm đã trở thành tâm điểm của đời sống giai cấp công nhân cũng và bản sắc của giới cần lao. Điều này chưa bao giờ diễn ra tại Anh, mặc cho xuất phát điểm tuyệt vời của quốc gia này về phong trào công nhân. Bởi nghỉ việc trong một ngày làm vừa là một hành động khẳng định vai trò của giai cấp công nhân – một nỗ lực biểu dương sức mạnh tuyệt vời – và cốt lõi của sự tự do, hay nói cách khác là quyền không bị ép nai lưng ra lao động, mà được sử dụng thời gian để quây quần với gia đình và bạn bè. Nó vì thế vừa là một động thái khẳng định giai cấp và đấu tranh giai cấp vừa là một ngày nghỉ lễ: một mở màn hứa hẹn cuộc sống đẹp tươi phía trước sau khi lao động được giải phóng. Và, tất nhiên, trong bối cảnh năm 1890 nó là một ngày vui kỷ niệm chiến thắng, một màn biểu dương ăn mừng chiến thắng của người thắng cuộc. Nhìn theo hướng này Ngày Tháng Năm mang chứa một di sản giàu có những xúc cảm và hi vọng.

Chính thức hóa

Đây cũng là điều Victor Adler nhận ra khi, đi ngược lại lời khuyên từ Đảng Dân chủ Xã hội Đức, ông quả quyết rằng đảng xã hội Áo phải khơi dậy cuộc đối đầu mà Bebel muốn tránh né. Giống như Bebel ông nhận ra tâm thế vui sướng hân hoan, tâm thế của một màn cải đạo của quần chúng, và một kỳ vọng tưởng như thiếng liêng bao chùm lấy nhiều người thuộc giai cấp công nhân bấy giờ. ‘Cuộc bầu cử đã thay đổi quan niệm của quần chúng chưa hiểu biết chính trị bài bản. Họ tin rằng mình chỉ cần muốn thứ gì đó và mọi thứ sẽ sớm có thôi”, như Bebel nói.
Không như Bebel, Adler vẫn cần tận dụng tâm thế này để xây dựng một đảng lớn bằng cách kết hợp lực lượng những nhà hoạt động với sự ủng hộ đang tăng từ quần chúng. Thêm vào đó, không giống người Đức, công nhân Áo chưa được bầu cử. Sức mạnh của phong trào vì thế chưa thể được thể hiện qua đầu phiếu. Một lần nữa, người Bắc Âu hiểu được khả năng tổng động viên quần chúng của động thái thực tiễn khi, sau Ngày Tháng Năm, họ quyết định phiếu ủng hộ việc lặp lại màn biểu tình vào 1891, “nhất là khi kết hợp với việc dừng làm việc vào cùng ngày, mà không chỉ là thời điểm thuần túy để thể hiện quan điểm.” Đệ Nhị Quốc tế cũng cùng quan điểm đó khi vào năm 1891, những người này bỏ phiếu ủng hộ việc tổ chức diễu hành vào 1/5 và “dừng mọi việc làm việc nếu có thể”. 
Điều này không có nghĩa phong trào quốc tế kêu gọi một cuộc đình công lớn nhường vậy, vì mặc cho vọng ước cao xa đương thời, các nhóm công nhân thực tế đều ý thức được điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình . “Liệu công nhân có nên đình công vào 1/5 hay không”, “Có nên đòi công nhân bỏ một ngày lương để đi biểu tình hay không” là những vấn đề được bàn luận sôi nổi tại các quán rượu và bar cho người vô sản tại Hamburg, theo lời kể lại của các cảnh sát theo lệnh của Thượng viện đã mặc thường phục trà trộn nghe ngóng các cuộc thảo luận của giới công nhân tại thành phố hừng hực “màu đỏ” này. Người ta cũng tự hiểu với nhau rằng nhiều công nhân sẽ không có khả năng để tham dự, dù họ có muốn làm vậy. Vậy nên các công nhân đường sắt đã gửi một điện tín đến cuộc biểu tình Ngày Tháng Năm đầu tiên tại Copenhagen, thông điệp được đọc lên  và nhận được sự hoan nghênh: “Vì chúng tôi không thể xuất hiện tại của mít tinh do áp lực từ giới cầm quyền, chúng tôi sẽ không từ bỏ hoàn toàn việc ủng hộ yêu sách ngày làm tám tiếng.”
Tuy nhiên,ở những nơi mà giới chủ biết rằng các công nhân đang rất mạnh và đồng lòng, họ thường ngầm chấp nhận coi cho đó là ngày nghỉ. Đây là điều xảy ra ở Áo. Vậy nên, mặc dù Bộ Nội Vụ khi đó đã tuyên bố cấm các buổi tuần hành và không cho phép công nhân nghỉ việc, mặc dù giới chủ đã quyết định chính thức rằng sẽ không coi ngày Ngày Tháng Năm là ngày nghỉ – và thậm chí một số đã cố gắng thay thế ngày lễ mùng 1 tháng 5 bằng một ngày trước đó -, mặc cho tất cả điều đó, Nhà máy Sản xuất Vũ khí Quốc doanh tại Steyer, phía bắc Áo, vẫn phải đóng cửa vào ngày mùng 1/5 vào năm 1890 và mọi năm sau đó. Bất chấp mọi thứ, vẫn có đủ công nhân xuống đường tại đủ nhiều các quốc gia để phong trào đình công trở nên khả dĩ. Sau tất cả, tại Copenhagen khoảng 40% công nhân thành phố đã thực sự có mặt trong buổi biểu tình năm 1890.
Trước thành công rõ rệt và bất ngờ của Ngày Tháng Năm đầu tiên, người ta nghiễm nhiên yêu cầu việc lặp lại nghi thức này. Như đã thấy, liên minh các phong trào tại Bắc Âu đã đưa ra yêu sách này vào mùa hè 1890, giống như các phong trào tại Tây Ban Nha. Đến hết năm đó, các đảng phái toàn châu Âu đã noi theo quyết sách đó. Việc biến sự kiện này thành ngày lễ thường niên có thể đã được những người cách mạng tại Toulouse năm đó nghĩ đến hoặc không khi họ thông qua nghị quyết kêu gọi biểu tình vào năm 1890, nhưng chẳng ai bất ngờ khi đại hội Quốc Tế năm 1891 tại Brussels gắn bó cả phong trào với mục tiêu biến Ngày Tháng Năm thành ngày nghỉ lễ thường niên.
Tuy nhiên, đại hội cũng làm thêm hai điều nữa bên cạnh đòi hỏi Ngày Tháng Năm phải được ăn mừng bằng một cuộc biểu tình duy nhất vào ngày đầu tháng dù đó là ngày nào đi chẳng nào, nằm nhấn mạnh “bản chất thực sự của ngày lễ như một yêu cầu kinh tế, đòi hỏi ngày làm tám tiếng và như một sự khẳng định của đấu tranh giai cấp.” 
Đại hội đưa ra hai yêu cầu khác ngoài ngày làm tám tiếng: một nền lập pháp của giới cần lao và đấu tranh phản chiến. Mặc dù sau này sẽ trở thành một phần chính thức của Ngày Tháng Năm, bản thân biểu ngữ hòa bình không nằm trong truyền thống Ngày Tháng Năm từ đầu, hoặc nếu có cũng chỉ được dùng để nhấn mạnh tính chất quốc tế của sự kiện. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở rộng nội dung nghị sựu của cuộc biểu tình, quyết sách này còn đi kèm một đổi mới khác. Nghị quyết nói đến việc “ăn mừng” ngày Tháng Năm. Phong trào đã chính thức thừa nhận ngày này không chỉ là một hoạt động chính trị mà còn là một lễ hội.
Một lần nữa, điều này không nằm trong kế hoạch ban đầu. Ngược lại, nhánh bạo lực cách mạng và nhánh vô trị trong đại hội, như ai cũng đoán được, đã kịch liệt phản đối ý tưởng lễ lạt vì lý do ý hệ. Ngày Tháng Năm phải là một ngày của đấu tranh. Những người vô trị mong muốn nới rộng nó từ một ngày nghỉ đơn lẻ giành lại được từ giới tư sản thành một cuộc tổng đình công nhằm lật đổ toàn bộ hệ thống. Như thường lệ, những nhà cách mạng có xu hướng bạo lực nhất lại có cái nhìn tỉnh táo về đấu tranh giai cấp – viễn tượng của họ thể hiện rõ qua hình ảnh một đám quần chúng đen đúa xám xịt thỉnh thoáng được thắp sáng nên đôi khi chỉ nhờ một lá cờ đỏ. 
Những người vô trị muốn Ngày Tháng Năm thành ngày tưởng niệm những liệt sĩ – những người đã tử vì nghĩa tại Chicago vào 1886, “một ngày buồn thay vì một dịp vui”, và tại những nơi nhóm này có ảnh hưởng tại Tây Ban Nha, Nam Mỹ và Ý, khía cạnh ai điếu của Ngày Tháng Năm thực sự đã trở thành một phần của dịp lễ. Bánh ngọt và bia không nằm trong toan tính cách mạng. Thực ra, như một nghiên cứu về ngày Tháng Năm của người vô trị tại Barcelona cho thấy, trước khi Nền cộng hòa được thành lập, việc từ chối gọi ngày ngày là “Festa del Traball”, lễ hội Lao động, là một đặc điểm thường thấy tại khu vực này. Bỏ xó cái hành động biểu tượng đấy đi: một là khởi nghĩa toàn thế giới hoặc không gì cả. Một vài người vô trị thậm chí từ chối cổ động cho cuộc đình công Ngày Tháng Năm, với lý do rằng bất cứ điều gì mà không thực sự khởi xướng cách mạng thì đều là thứ cải lương không hơn không kém. Nhóm sindicalist cách mạng French Confederation Generale du Travail (CGT) còn không nhượng bộ chấp nhận lễ hội Ngày Tháng Năm trong đến sau Thế chiến Nhất. 
Lãnh đạo Đệ nhị Quốc tế có lẽ đã cổ vũ việc biến Ngày Tháng Năm thành một ngày hội hè, vì họ chắc chắn muốn tránh những chiến lược giao tranh trực tiếp của nhóm vô trị và ưu tiên việc mở rộng thành phần cho các cuộc biểu tình lên lớn nhất có thể. Nhưng ý tưởng về một ngày lễ giai cấp, cả theo nghĩa một màn đấu tranh lẫn một ngày vui, đều không nằm trong dự tính của họ từ đầu. Nó đến từ đâu?

Ngày lễ

Từ đầu quyết định chọn ngày đóng một vai trò quan trọng. Ngày nghỉ xuân có gốc rễ sâu xa từ vòng tuần hoàn trong năm tại vùng bắc bán cầu phía bắc có khí hậu ôn hòa, và thực tế bản thân tháng Năm cũng biểu tượng cho sự ái sinh của thiên nhiên. Ví dụ, ở Thụy Điển, Ngày 1 tháng 5 từ lâu đã là một truyền thống, gần như một ngày lễ toàn quốc. Điều này tình cờ là một trong những vấn đề với việc kỷ niệm ngày Tháng Năm trong tiết mùa đông tại một nước Áo đáng ra là vô cùng manh động. Từ những tài liệu về biểu tượng học và văn học mà chúng ta có được trong vài năm nay, ta thấy rõ ràng rằng thiên nhiên, cây cỏ và hơn hết là các loài hoa đều được đông đảo mọi người nghiễm nhiên coi là biểu trưng cho ngày này. Những cuộc tụ họp đơn sơ nhất tại vùng quê, như cuộc mít tinh của người dân làng Styria năm 1890, không trưng lên cờ phướn mà là những tấm gỗ phủ hoa kèm biểu ngữ, đi cùng với các nhạc sĩ. Một tấm ảnh đáng yêu về sự kiện Ngày Tháng Năm tại một tỉnh lẻ, và cả ở Áo, cho thấy những công nhân dân chủ xã hội, nam lẫn nữ, đạp xe với vòng bánh và tay cầm phủ kín trong hoa và một đứa đứa trẻ nằm trong nôi đảo qua đảo lại giữa hai xe đạp. 
Bức tranh ghi lại Cuộc nổ súng tại Fourmies năm 1891
Bức tranh ghi lại Cuộc nổ súng tại Fourmies năm 1891
Hoa xuất hiện vô thức bên cạnh tấm ảnh chân dung nghiêm nghị của bảy đại biểu của Áo tạo Đại hội Quốc tế 1889, được phân phát vào Ngày Tháng Năm đầu tiên tại Vienna. Hoa thậm chí còn len sâu vào những huyền thoại của những người bạo động. Tại Pháp, cuộc nổ súng tại Fourmies năm 1891, với mười người chết, được trở thành truyền thống mới với biểu tượng cô bé mười tám tuổi Maria Blondeau nhảy múa trước 200 thanh niên cả nam lẫn nữ, tay cầm một chùm hoa táo gai do hôn phu vừa đưa, trước khi cô bị quân đội bắn vào đầu. 
Hai truyền thống Ngày Tháng Năm đã quyện vào nhau trong hình ảnh này. Những bông hoa nào vậy? Từ đầu, như bó hoa táo có màu sắc gần với mùa xuân hơn là chính trị, mặc dù phong trào chính trị sau này lại dựa trên chính những sắc ngời của các loài hoa: hoa hồng, hoa anh túc và hơn cả là hoa cẩm chướng đỏ. Tuy nhiên, mỗi nước có một phong cách khác nhau. Mặc dù vậy, hoa và các biểu tượng khác của sự đâm trồi, sức trẻ, tái sinh và hy vọng, ví dụ như phụ nữ trẻ, vẫn là chính. Không phải ngẫu nhiên mà các biểu tượng phổ biến nhất của sự kiện, được dùng đi dùng lại ở nhiều ngôn ngữ, đều xuất phát từ tranh của họa sĩ Walter Crane – nhất là hình ảnh nổi tiếng về một người phụ nữ trẻ đội mũ mềm Phrygian bao quanh bởi vòng nguyệt quế. Phong trào chủ nghĩa xã hội tại Anh rất nhỏ và không ảnh hưởng gì quan trọng. Ngày Tháng Năm tại đây, sau năm năm đầu; đã lui vào hậu cảnh. Tuy nhiên, nhờ vào các họa sĩ như William Morris, Crane và các phong trào nghệ thuật thủ công khác, người tạo cảm hứng cho phong trào “nghệ thuật mới” hay art nouveau của giai đoạn đó, phong trào Anh đã tìm cho ta những biểu tượng phản ánh đúng nhất linh hồn của thời đại. Ảnh hưởng rộng rãi của các hình tượng xuất phát phong trào Anh là bằng chứng cho thấy tính quốc tế của Ngày Tháng Năm. 
Bức tranh Vòng Nguyệt quế cho Ngày Tháng Năm 1895 do hoạ sĩ Walter Crane
Bức tranh Vòng Nguyệt quế cho Ngày Tháng Năm 1895 do hoạ sĩ Walter Crane
Thực tế, ý tưởng về một hội hè hay ngày lễ toàn dân mừng lao động đã nảy ra một cách ngẫu nhiên và gần như ngay lập tức –  và tất nhiên điều này cũng được hỗ trợ phần nào nhờ vào việc chữ “feiern” trong tiếng Đức có thể vừa có nghĩa “không làm việc” và “ăn mừng chính thức”. (Việc dùng chữ “playing” (chơi) như một từ đồng nghĩa với “striking” (đình công) vốn thường thấy tại Anh vào đầu thế kỷ 20 đã không còn phổ biến vào cuối thế kỷ). Dù thế nào đi nữa thì cũng hợp lý khi vào một ngày được tránh xa công việc, người ta điểm thêm vào sau buổi mít tinh và tuần hành chính trị vào ban sáng thời gian giao lưu và giải trí, việc này càng hợp lý khi vai trò của các nhà trọ và nhà hàng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp địa điểm các buổi mít tinh của phong trào. Các quản lý quán rượu và các ông bầu gánh hát đã trở thành một bộ phận quan trọng trong nhóm các nhà hoạt động chủ nghĩa xã hội trong hơn một thế kỷ. 
Một hệ quả lớn của điều này cần được nhắn đến. Không giống như chính trị, vốn thời đó vẫn thuộc về “việc của đàn ông”, các ngày lễ hội cho phép cả phụ nữ và trẻ em tham gia. Những tư liệu hình ảnh và văn bản đều miêu tả sự hiện diện và tham gia của phụ nữ vào Ngày Tháng Năm từ khởi đầu. Điều khiến 1/5 trở thành một ngày biểu dương giai cấp thực thụ, và như ở Tây Ban Nha, thu hút đông đảo các công nhân vốn không ngả về phía những người xã hội chủ nghĩa, là vì nó không bị giới hạn chỉ dành cho những người đàn ông, mà thuộc về cả các gia đình. Và từ đây, bằng Ngày Tháng Năm, những phụ nữ vốn không trực tiếp tham gia thị trường lao động trong vai trò người làm công ăn lương, hay nói cách khác là phần đông phữ nữ giai cấp công nhân đã cưới chồng tại một số nước, đã được công khai gắn mình với phong trào và giai cấp công nhân. Nếu đời sống lao động của công nhân ăn lương vẫn thuộc phần lớn về đàn ông, thì hành động bỏ việc làm một ngày lại đoàn kết giai cấp công nhân ở mọi lứa tuổi và giới tính.

Ngày Lễ Tạ ơn của Công nhân

Gần như mọi ngày lễ thông thường trước thời điểm 1890 đều là ngày lễ tôn giáo, tại tất cả các sự kiện ở châu Âu, ngoại trừ nước Anh, nơi mà, khá thường, Ngày Tháng Năm của Cộng đồng Châu Âu bị đồng hóa vào Ngày lễ Ngân hàng. Ngày Tháng Năm có chung với các lễ hội của Ki-tô giáo một ước vọng hướng đến cái phổ quát, hay theo cách nói của giới cần lao, quốc tế chủ nghĩa. Tính phổ quát này đã gây một ấn tượng sâu sắc với những người tham gia và mang thêm sức hấp dẫn cho ngày lễ. Đa dạng những bảng biểu Ngày Tháng Năm, vốn thường được sản xuất tại địa phương, liên tục thấm đẫm tư tưởng này. Chúng mang đến một nguồn tư liệu lịch sử về biểu tượng và văn hóa quý giá về ngày hội – hơn 308 loại truyền đơn tại Ý từ trước thời phát xít đã được giữ lại.  Tập chí về Ngày Tháng Năm đầu tiên từ vùng Bologna và 1891 có ít nhất bốn bài viết nói riêng về tính phổ quát của ngày lễ. Và, dĩ nhiên, việc so sánh Ngày Tháng Năm với ngày Lễ Tạ ơn hay Ngày Lễ Chúa Thánh thần Hiện xuống trở nên hiển nhiên cũng như những so sánh với tập quán dân gian ăn mừng mùa xuân. 
Những người xã hội chủ nghĩa Ý đã nhìn nhận rõ về sức hấp dẫn tự nhiên của ngày hội lao động mới mẻ với quần chúng nhân dân theo đạo Cơ-đốc và mù chữ tại nước mình. Từ đó, họ bắt đầu sử dụng thuật ngữ “Lễ Tạ ơn của công nhân” muộn nhất là từ 1892, và sự so sánh này trở thành một làn sóng cuộc tế ở nửa sau thập niên 1890. Ta dễ hiểu lý do cho điều này. Rõ ràng có sự giống nhau giữa phong trào chủ nghĩa xã hội mới mẻ và phong trào tôn giáo, thay thậm chí, tại những năm đầu sục sôi của Ngày Tháng Năm, giữa phong trào chủ nghĩa xã hội với một phong trào phục hưng tôn giáo mang tâm thế mạt thế luận (messianic). 
Ở nhiều mặt, ta cũng còn thấy được sự tương đồng giữa bộ phận các lãnh đạo, nhà hoạt động, nhà tuyên truyền đời đầu với các nhóm thầy tu, hay chí ít là các nhóm giảng đạo. Chúng ta đã thu thập được những mẩu truyền đơn tuyệt vời từ Charleroi, Bỉ vào năm 1898, miêu tả một điều chỉ có thể gọi là một buổi giảng đạo Ngày Tháng Năm: không có từ nào miêu tả tốt hơn. Trong đó vẽ tên mười đại biểu và nghị viên Đảng Lao động Bỉ, với hình ảnh rõ ràng một người vô thần đứng dưới khẩu hiệu “Công nhân thế giới hãy kết liên” (Karl Marx) và “Hãy yêu thương nhau” (Jesus). Một vài đoạn văn bản sẽ cho thấy tâm thế này:
“Đây là thời khắc của mùa xuân và lễ hội, khi Sự Tiến hóa uyên nguyên của tạo hóa sáng rực sáng quang vinh. Như tạo hóa, hãy đổ tràn mình với hy vọng và chuẩn bị cho Đời sống mới.”
Sau một vài đoạn văn về chỉ dẫn đạo đức (“Hãy có lòng tự tôn: Cẩn thận trước thứ dung dịch khiến ngươi say mềm và thứ đam mê khiến ngươi tha hóa”) và lời cổ vũ chủ nghĩa xã hội, tờ truyền đơn có cả một đoạn văn về hy vọng thiên niên kỷ:
“Sớm đây thôi những chiến tuyến sẽ phai nhòa! Sớm đây thôi sẽ đồn hồi cáo chung của chiến tranh và quân đội! Mỗi lần bạn thực hiện phẩm chất chủ nghĩa xã hội như Đoàn kết và Yêu thương, bạn sẽ mang tương lai này đến gần hơn. Và rồi, trong hòa bình và hoan lạc, một thế giới mới sẽ thành hình, một thế giới nơi Chủ nghĩa xã hội thắng thế, khi nghĩa vụ xã hội của tất cả mọi người được hiểu là mang cho nhau sự phát triển toàn bích.”
Tuy vậy điểm cốt lõi của phong trào lao động mới không nằm ở việc nó là một đức tin, hay ở đặc điểm nó thường vọng lại tông giọng và phong cách của diễn ngôn tôn giáo, mà ở việc phong trào này bị ảnh hưởng rất ít từ các mô hình tôn giáo, thậm chí ở các nước mà quần chúng nhân dân có khuynh hướng tôn giáo sâu sắc và ngả theo nhà thờ. Thêm vào đó, rất ít khi có sự giao kết giữa Niềm tin cũ và mới ngoại trừ trong vài trường hợp (dù không phải mọi lúc) khi Phong trào Tin lành hoạt động dưới hình thức một nhóm không chính thức và ngầm đối lập với với Nhà thờ, như ở Anh. Lao động xã hội chủ nghĩa là một phong trào bạo động thế tục, chống tôn giáo mà lại cải hóa được cả những quần chúng sùng đạo trên diện rộng.
Chúng ta cũng hiểu được lý do cho điều này. Chủ nghĩa xã hội và phong trào lao động đã thu hút những người đàn ông và đàn bà thuộc về giai cấp riêng biệt và ý thức rõ được điều đó – những người đã không tìm được vị trí phù hợp trong cái cộng đồng đặt Nhà thờ, đặc biệt là nhà thờ Cơ đốc, như một biểu tượng truyền thống. Phong trào đã mang đến chốn trú thân cho những “kẻ ngoại đạo”, những người có chung nghề nghiệp như nhóm công nhân khai mỏ, hay những ngôi làng tiền công nghiệp hoặc quanh nhà máy; những người chung xuất thân như những người Albani tại nơi mà sau này sẽ trở thành ngôi làng “đỏ” Piana dei Greci  tại vùng Sicily (giờ có tên gọi là Piana degli Albanesi), hay những người kết liên lại dựa trên những đặc điểm vốn khiến họ bị tách khỏi tập thể xã hội. Tại đó “phong trào” có thể đóng vai trò cộng đồng, và bằng cách đó chiếm dụng lấy những tập tục tại làng cổ vốn từ xưa đến nay thuộc vào sở hữu độc quyền của tôn giáo. 
Tuy vậy, điều này cũng không phổ biến. Thực tế một lý do lớn cho thành công lớn lao của Ngày Tháng Năm là vì nó là một ngày hội duy nhất gắn bó với chỉ riêng giai cấp công nhân mà không được chia sẻ với ai khác và bên cạnh đó được nắm lấy bởi hành động của chính công nhân. Hơn cả vậy: đó là một ngày mà những người thường vô hình được xuất hiện trước công chúng và, ít nhất trong một ngày, giành lấy cho mình không gian chính thống vốn của những kẻ thống trị và xã hội. Về mặt này các hội hè của công nhân đào mỏ Anh, mà giờ chỉ còn sót lại duy nhất ngày hội của công nhân mỏ vùng Durham, đã là tiền thân cho Ngày Tháng Năm, nhưng ngày này mới chỉ giới hạn ở một nghề nghiệp chứ không dựa trên cơ sở toàn thể giai cấp. Theo nghĩa này mối quan hệ duy nhất giữa Ngày Tháng Năm và tôn giáo truyền thống là đòi hỏi quyền công bằng. “Tu sĩ có lễ hội riêng của họ”, một tờ bích báo khổ lớn của tại vùng Voghera, thung lũng Po mừng Ngày Tháng Năm 1891 công bố, “những người Trung lập có lễ hội của họ. Cả những Người dân chủ cũng vậy. Ngày 1 tháng 5 là Lễ hội của công nhân toàn thế giới.”

Thế giới mới

Nhưng có một điều nữa phân biệt phong trào này với tôn giáo. Từ khóa quan trọng của nó là “mới”, như trong Die Neue Zeit (New Times: Thời đại mới), tên của tạp chí lý thuyết Marxist của Kautsky, và như trong bài hát mừng lao động của dân Áo vẫn gắn với Ngày Tháng Năm, với điệp khúc: “Mit uns zieht die neue Zeit” (“Thời đại mới đang tiến bước cùng chúng ta”). Như kinh nghiệm lịch sử tại Bắc Âu và Áo cho thấy, chủ nghĩa xã hội thường đến vùng quê và tỉnh lẻ bằng đường xe lửa, cùng với những người công nhân xây dựng nên và làm việc tại đó, và cùng cả những ý tưởng và thời đại mới mẻ mà họ mang đến.  Không giống những ngày hội toàn dân khác, kể cả những dịp hội hè của phong trào lao động tính đến thời điểm đó, Ngày Tháng Năm không tưởng nhớ bất cứ thứ gì – ít nhất là ở các sự kiện nằm ngoài tầm ảnh hưởng của phong trào vô trị, mà như đã nói ở trước, thích gắn ngày này với những đồng chí vô trị hy sinh tại Chicago vào 1886. Ngày Tháng Năm không hướng đến gì khác ngoài tương lai, khác với một quá khứ mang lại cho người vô sản không gì khác ngoài những kỷ niệm buồn. Chẳng phải tình cờ mà điệu quốc tế ca vẫn hát  “Du passe faisons table rase” (“Từ quá khứ, ta phủi phắt phiến đá đã hằn, cho một tấm bảng tinh khôi”). Không giống như tôn giáo truyền thống, “phong trào” không hứa hẹn phần thưởng sau khi chết mà là cả một Jerusalem mới trên thế gian này. 
Các bộ hình tượng của Ngày Tháng Năm với khả năng phát triển những hình ảnh và biểu tượng riêng mình nhanh chóng, đều hoàn toàn hướng đến tương lai. Tương lai đó sẽ mang chứa điều gì thì không rõ, chỉ có điều là nó sẽ thật tốt đẹp và chắc chắn sẽ đến. May thay cho Ngày Tháng Năm, vì hướng đi nhắm tới tương lai đã biến sự kiện này thành một cuộc biểu tình hơn là một lễ hội. Năm 1890, chế độ dân chủ dựa trên bỏ phiếu vẫn còn không phổ biến tại châu Âu, và yêu sách phổ thông đầu phiếu đã được nhanh chóng thêm vào bên cạnh đề nghị ngày làm tám tiếng và những biểu ngữ khác của Ngày Tháng Năm. Kỳ lạ thay, yêu sách đầu phiếu, mặc dù đã trở thành một phần thiết yếu của Ngày tháng Năm tại Áo, Bỉ, Bắc Âu, Ý và nhiều nơi khác đến khi nó được thành thực, lại chưa bao giờ trở thành một phần chính thức (ex offico) trong nội hàm chính trị của Ngày Tháng Năm trên toàn cầu như ngày làm tám tiếng hay, như sau này, hòa bình. Tuy nhiên, khi hoàn cảnh phù hợp, đòi hỏi đấy vẫn trở thành một phần quan trọng của dịp lễ và mang thêm cho nó tầm quan trọng.
Thực tế, việc tổ chức hay đe dọa đình công toàn quốc nhằm đạt được phổ thông đầu phiếu, vốn tiến triển với một vài thành công nhỏ tại Bỉ, Thụy Điển và Áo, và đã gắn bó đảng với các công đoàn, đi ra từ những màn đình công riêng lẻ mang tính biểu tượng vào Ngày Tháng Năm. Vụ đình công đầu tiên như vậy được các thợ mỏ người Bỉ khởi xướng vào 1/5/1891. Mặt khác các công đoàn lại để tâm đến Ngày Tháng Năm Thụy Điển, với khẩu hiệu “giảm giờ làm và tăng lương” hơn bất cứ khía cạnh nào khác của ngày lễ lớn này. Đã từng có thời, như ở Ý, người ta chỉ tập trung vào điều này và để giá trị dân chủ cho phong trào khác đấu tranh. Những bước tiến mạnh mẽ của phong trào, bao gồm việc thúc đẩy thành công nền dân chủ, không hề dựa trên một lợi ích kinh tế hạn hẹp của một nhóm nào.
Nền dân chủ, tất nhiên, là một phần trọng tâm của phong trào lao động xã hội chủ nghĩa. Dân chủ không những thiết yếu cho sự phát triển cho phong trào mà còn không thể tách rời khỏi nó. Ngày Tháng Năm đầu tiên tại Đức đã diễu hành một bức tranh với hình Karl Marx một bên và Tượng Nữ thần Tự do ở phía còn lại. Một ấn phẩm vào Ngày Tháng Năm của Áo năm 1891 cho thấy hình Marx, ôm cuốn Tư Bản, chỉ tay về phía biển đến một bờ đảo lãng mạn thường gặp trong những bức tranh đương thời mang phong cách Địa trung hải, đây sẽ trở thành một biểu tượng trường tồn và mạnh mẽ của tương lai. Vầng hào quang phát ra từ đây mang biểu ngữ của Cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, vốn xuất hiện trên rất nhiều huy hiệu và biểu tượng tại những Ngày Tháng Năm đầu tiên. Marx được bao quanh bởi những công nhân đang sẵn mình chèo lên đoàn thuyền để căng buồm hướng về hòn đảo, dù nó ra sao chăng nữa. Trên buồm của họ khắc ghi: “Đầu phiếu phổ thông và trực tiếp. Ngày làm tám tiếng và Sự bảo vệ dành cho công nhân”. Đây là truyền thống nguyên khởi của Ngày Tháng Năm.
Truyền thống đó đã bùng lên với tốc độ phi thường – chỉ từ hai đến ba năm – nhờ vào mối cộng sinh kỳ lạ của những biểu ngữ từ lãnh đạo chủ nghĩa xã hội và cách hiểu các biểu ngữ đó một cách tự phát của những người công nhân bạo động và không nắm chức vụ nào. Mối cộng sinh này dần hình thành trong những năm đầu kỳ diệu mà các phong trào và đảng phái lao động quần chúng nảy nở nhanh chóng. Đó là khi mỗi ngày đến mang về những tiến triển trông thấy, đó là khi chính sự tồn tại của các phong trào, chính sự khẳng định giai cấp, được nhìn nhận như hứa hẹn của một thắng lợi trong tương lai. Hơn cả vậy: nó dường như là dấu hiệu của chiến thắng tiên quyết khi cánh cổng của thế giới mới mở ra với giai cấp công nhân.
Tuy nhiên, kỷ nguyên đó đã không tới và Ngày Tháng Năm, cùng với phần lớn phong trào lao động, buộc phải trở nên chính quy hóa và thể chế hóa, ngay cả khi điều tưởng như là sự bùng nở xưa cũ của hy vọng và thắng lợi có trở lại vào những năm sau khi những cuộc đấu tranh và chiến thắng lớn đã diễn ra. Chúng ta có thể thấy điều này ở những Ngày Tháng Năm điên dồ mang phương hướng vị lai những năm đầu Cuộc cách mạng Nga, và gần như khắp mọi nơi quanh châu Âu những năm 1919-20, khi yêu sách nguyên thủy ngày làm tám tiếng của Ngày Tháng Năm đã thực sự đạt được tại nhiều quốc gia. Chúng ta thấy nó trong những Ngày tháng Năm thời kỳ đầu của phong trào Mặt trận Bình dân Pháp vào 1935 và 1936, và tại những quốc gia của lục địa vừa thoát khỏi chiếm đóng, và cả sau thất bại của chủ nghĩa phát xít. Thế nhưng, tại phần lớn các nước có phong trào lao động xã hội chủ nghĩa mạnh, Ngày Tháng Năm bị bình thường hóa (routinize) vào khoảng thời gian ngay trước 1914.
Kỳ lạ thay, chính trong giai đoạn bị bình thường hóa này mà nó được phát triển về mặt lễ nghi. Như một sử gia Ý đã viết, khi Ngày Tháng Năm ngừng được coi là màn tập dượt cho một sự chuyển đổi lớn lao, nó bỗng trở thành “một nghi lễ tập thể đòi hỏi những lễ thức và thần thánh của riêng mình”, những tính thiêng này đường gắn  với những phụ nữ trẻ với tóc bồng bềnh và vận trang phục rộng dẫn lối đám đông mờ mịt hoặc hàng đoàn đàn ông và phụ nữ đến phía mặt trời đang lên. Cô là Tự do, là Mùa xuân, là Tuổi trẻ, là Hy vọng, hay là Bình minh với những ngón tay hồng, hay là tất cả những thứ này hội lại? Ai mà biết? Về mặt biểu tượng cô không có đặc điểm gì cung ngoại trừ sự trẻ trung, vì kể cả chiếc mũ mềm Phrygian, vốn gắn với Tự do, dù rất phổ biến, vẫn không phải luôn luôn xuất hiện.
Quá trình bình thường hóa ngày nay có thể lần thấy qua những bông hoa, vốn xuất hiện từ đầu, nhưng dần bị chính thống hóa về cuối thế kỷ. Thành thử, hoa cẩm chướng đỏ trở thành biểu tượng biểu tượng chính thống tại vùng Habsburg và Ý vào 1900, khi ý nghĩa biểu tượng của nó được biểu đạt sống động và tài tình qua bức tranh từ Florence được đặt tên theo loài hoa này. (II Garofano Rossso xuất hiện trong các dịp Ngày Tháng Năm cho đến hết Thế chiến thứ nhất). Hoa hồng đỏ trở thành biểu tượng chính thức vào 1911-1912. Và, trước sự cay đắng của những nhà cách mạng kiên trung, biểu tượng hoa huệ chuông, vốn chẳng dính dáng mảy may đến chính trị,  đã dần lan tỏa vào Ngày Tháng Năm của giới công nhân từ đầu những năm 1900, cho đến khi bản thân nó trở thành một trong những biểu tượng quen thuộc của thời đại.
Tuy nhiên, kỷ nguyên của Những Ngày Tháng Năm vẫn chưa kết thúc khi ngày này vừa có tính hợp pháp – tức là vẫn có khả năng kêu gọi đông đảo quần chúng xuống đường – và vẫn là phi chính thức. Một khi nó trở thành ngày lễ quen thuộc, hay tệ hơn, được áp xuống từ chính quyền, thì bản chất thay đổi hoàn toàn. Và bởi việc tổng động viên quần chúng là cốt lõi của các phong trào Ngày Tháng Năm, chúng không thể tránh bị trở thành phi pháp, mặc dù những người xã hội chủ nghĩa (và sau này là cộng sản) của vùng Piana del Albanesi vẫn tự hào rằng  mỗi dịp 1/5, kể cả vào những ngày đen tối của chủ nghĩa phát xít, mình đã gửi thành công vài đồng chí đến vùng đồi núi (giờ lã dãy núi đặt theo tên Bác sĩ Barbatos), nơi người tông đồ của chủ nghĩa xã hội này đã từng tới khai đạo cho họ vào 1893.  Cũng chính tại địa điểm này mà tên trùm băng đảng Giuliano đã tàn sát đoàn người biểu tình địa phương và các gia đình đến cắm trại sau khi chủ nghĩa phát xít kết thúc vào 1947. Từ 1914, đặc biệt là từ 1945, Ngày Tháng Năm đã trở nên ngày càng rạch ròi hoặc là phi pháp hoặc là, khả năng cao hơn, chính thống. Sự tiếp nối với truyền thống cũ chỉ tiếp nối tại một số địa điểm hiếm hoi tại thế giới thứ ba nơi phong trào lao động xã hội chủ nghĩa quần chúng và phi chính thức vẫn phát triển trong điều kiện cho phép Ngày Tháng Năm được phát triển. 
Tất nhiên, Ngày Tháng Nám vẫn chưa mất đi đặc điểm xưa cũ của mình ở khắp mọi nơi. Tuy vậy, ngay cả khi nó không được gắn với các thể chế đã sụp đổ rồi lại được làm mới, như tại Liên Xô và đông Âu, không phải nói quá khi cho rằng ngay cả trong những phong trào lao động, cụm từ Ngày Tháng Năm gợi nên quá khứ nhiều hơn là hiện tại. Xã hội khởi sinh ra Ngày Tháng Năm đã thay đổi, Ngày nay, những cộng đồng dân làng vô sản nhỏ lẻ mà những người Ý già cả nhớ đến còn quan trọng đến đâu? “Chúng tôi tuần hành quanh làng. Rồi ăn một bữa ăn tập thể. Tất cả đảng viên và những ai muốn đến đều có mặt ở đó.”
Trong cái thế giới hiện đại hóa này, điều gì đã xảy ra với những người mà vào thập niên 1890 vẫn còn thấy mình trong khúc ca “Hãy thức dậy khỏi cơn ngủ yên hơi những con người đói khát” của Quốc tế ca? Như một phụ nữ có tuổi tại Ý đã nói vào 1980 khi nhớ lại Ngày Tháng Năm 1920 ‘Tôi đã cầm lá cờ khi còn là cô bé công nhân dệt may 12 tuổi, mới bắt đầu làm ở nhà máy: “Ngày nay những người làm công ăn lương toàn là quý bà quý ông, họ muốn gì là được nấy”. Điều gì đã xảy ra với tinh thần  của những bài tụng ca Tháng Năm về niềm tin vào tương lai, về đức tin vào bước tiến của lý tính và tiến bộ? “Hãy giáo dục mình! Trường học và các khóa học, sách vở và báo chí là công cụ của tự do! Hãy hớp lấy dòng thác của Khoa học và Nghệ thuật: rồi bạn sẽ đủ mạnh mẽ để mang đến công bình cho thế gian.” Điều gì đã xảy ra với giấc mơ chung xây dựng một Jerusalem trên miền đất xanh tươi và êm đềm của chúng ta?
Song, nếu Ngày Tháng Năm đã lại trở thành một ngày nghỉ lễ không hơn, một ngày – tôi xin trích một quảng cáo tiếng Pháp – mà ta không cần phải uống thuốc an thần, vì ta không còn phải đi làm nữa, [kể cả như vậy] nó vẫn là một ngày nghỉ lễ đặc biệt. Nó có lẽ không còn là “một ngày lễ nằm ngoài mọi lịch biểu”, như một cách gọi đầy tự hào, bởi vì nó đã được cho vào lịch biểu toàn châu Âu.  Thực tế, ngày này còn khiến người ta nghỉ tay việc nhiều hơn bất cứ ngày lễ nào ngoại trừ 25/12 và 1/1, và vượt xa mọi đối thủ có nguồn gốc tôn giáo. Nhưng nó lại xuất phát từ bình dân. Nó được dựng nên bởi những người lao động vô danh, mà qua nó, đã nhận ra bản thân mình thuộc về cùng một giai cấp, bất chấp nghề nghiệp, ngôn ngữ hay thậm chí là quốc tịch chỉ bằng việc quyết định không làm việc một ngày trong năm: để nhạo báng sự thúc bách đạo đức, chính trị và kinh tế bắt con người ta phải lao động. Như Victor Adler nói vào 1893: “Đây là cốt lõi của Ngày lễ Tháng Năm. Đây là cách mà họ cảm thấy trở thành con người cách mạng.”
Nhà sử học hứng thú với sự kiện này vì một vài lý do. Một mặt nó quan trọng bởi nó giúp ta lý giải vì sao Marx lại có ảnh hưởng lớn lao như vậy đến phong trào lao động, bao gồm những người đàn ông và phụ nữ vốn chưa bao giờ nghe về ông từ trước, nhưng nhận ra tiếng gọi của ông để rồi ý thức được bản thân như một giai cấp và tổ chức mình thành một giai cấp. Mặt khác, nó quan trọng, bởi nó thể hiện sức mạnh lịch sử của những tư tưởng cảm xúc bắt rễ từ quần chúng, và cho thấy cách mà những người đàn ông và phụ nữ, từ những cá nhân không có tiếng nói, không có quyền lực và không có vị thế quan trọng vẫn có thể để lại dấu ấn của mình lên lịch sử.
Nhưng hơn cả, với nhiều người trong chúng ta, dù là sử gia hay không, đây là một thời đại mang lại niềm xúc động sâu xa, vì nó đại diện cho cái mà triết gia Đức Ernst Bloch đã gọi (trong bộ sách hai tập dày cộp của ông) là Nguyên lý của Hi vọng: hi vọng một tương lai xán lạn và thế giới tốt đẹp hơn. Nếu không ai còn nhớ tới nó vào những năm 1990 này, thì sử gia bắt buộc phải là người làm vậy.