1. Quy luật hiệu suất giảm dần là gì?

Quy luật hiệu suất giảm dần (law of diminishing returns) thể hiện rằng trong lý thuyết ngắn hạn về cung, khi liên tục bổ sung một lượng như nhau của một đầu vào nhân tố biến đổi vào hàm sản xuất và giữ nguyên lượng của các đầu vào nhân tố khác, chúng ta sẽ đạt tới điểm mà mức tăng sản lượng (tức sản phẩm hiện vật cận biên của đầu vào biến đổi) giảm xuống. Khi sản phẩm hiện vật cận biên giảm, sản phẩm hiện vật bình quân cũng có thể giảm – tức quy luật lợi tức bình quân giảm dần bắt đầu phát huy tác dụng. - Nguồn trích dẫn: "Quy luật hiệu suất giảm dần và bài toán nhân sự thời khủng hoảng và đại suy thoái - Thạc sĩ QTKD Đại học Andrews Hoa Kỳ."
Ví dụ: 10 nhân công chăm sóc một nông trại 10 hecta đem lại năng suất tối đa 100 tấn/vụ, trung bình mỗi người 10 tấn sản phẩm/vụ. Khi số nhân công lên 12 và giữ nguyên diện tích canh tác, thì tổng thu hoạch không phải 120 tấn, mà thường sẽ là thấp hơn.
Một ví dụ khác như việc học ngoại ngữ, để được IELTS 6.0 thì sẽ mất một khoảng thời gian nào đó cho việc học tập, nhưng để lên được IELTS 7.0 sẽ mất thêm một khoảng thời gian dài hơn hẳn thời gian học từ đầu lên 6.0.

2. Suy nghĩ về quy luật hiệu suất giảm dần trong đời sống

Ngày nay cuộc sống chúng ta đa phần dư dả vật chất, chúng ta không còn cảm thấy quý trọng những đồ ăn thường ngày giản dị nữa. Có nhiều trường hợp, chúng ta cảm thấy quá dư thừa thức ăn, ăn không hết một bữa mà sinh ra tâm lý dễ dàng bỏ đi phần ăn thừa mà không cảm thấy tiếc. Có nhiều quá, chúng ta không còn biết trân trọng và cảm thấy hết sức tầm thường. Cũng như vậy, trong chuyện tình cảm, chúng ta thấy rằng ba mẹ sao hay nhắc nhở mình như thế, nhiều khi ta cảm thấy phiền toái, nhưng đâu cảm nghiệm rằng những lời nói của cha mẹ là cách thể hiện sự quan tâm yêu thương. Để rồi khi cha mẹ không còn nữa, ta cảm thấy tiếc và hối hận vì những lần đã trách mắng cha mẹ, ta mong ước có một lần để nghe cha mẹ nói nữa thôi cũng không được nữa rồi. Hay như những vật chất mà chúng ta sở hữu, ngày nay chúng ta không thiếu thứ gì, từ nhà cửa, đồ dùng, quần áo, xe cộ,vv... thế nhưng nhiều khi ta không trân trọng những của cải ta có, coi những vật đó rất bình thường, không còn quý trọng nó như ngày đầu mới mua về. Có khi chẳng thèm quan tâm, sửa sang.
Trong đời sống tôn giáo, chúng ta đi lễ, tham gia nhiều hoạt động, cảm xúc ban đầu lúc mới tham gia thật là sốt sắng và vui sướng. Thế nhưng qua một thời gian, chúng ta cảm thấy những điều này thật nhàm chán và có khi ta bỏ bê những hoạt động đó luôn.
Thiết nghĩ, đó cũng là phản ứng tâm lý thường thấy của con người, khi điều gì đó gần gũi, cảm xúc của ta trở nên quen với điều đó, và hóa ra bình thường hóa sự kiện, thậm chí quên luôn giá trị thật của điều mình đang có.

3. Giải pháp để cải thiện tình trạng "quy luật hiệu suất giảm dần" trong đời sống

Chúng ta nhận ra rằng điều này có nhiều mặt không tốt cho con người. Để cải thiện tình trạng "cả thèm chóng chán" này, bản thân tôi nghĩ rằng chúng ta nên phản tỉnh nhiều hơn trong nội tâm, tự đặt những câu hỏi: "đâu là điều cần thiết với mình?" "những điều tôi đang có có giá trị gì, gắn với những kỷ niệm nào?" , "nếu không có nó thì đời tôi sẽ đi về đâu?" vv...
Không chỉ như vậy, chúng ta cần bình tâm hơn, quan sát những điều xung quanh cuộc sống để nhận ra những giá trị tốt đẹp, để trân trọng hơn và biết quan tâm hơn. Những giây phút tĩnh lặng đó sẽ giúp chúng ta có cái nhìn trìu mến hơn đối với những điều ta đang có. Chỉ có soi vào tâm hồn, mới nhận thấy được những điều ta nên trân trọng và yêu thương. Để từ đó biết giữ gìn, bảo vệ và yêu mến hơn.
Thái độ sống đó sẽ giúp ta đối phó với sự nhàm chán và có cái nhìn tốt đẹp hơn, từ đó mà chính bản thân cũng trở nên tốt lành hơn.