Suy bụng ta ra bụng người
Suy bụng ta ra bụng người. Một câu tục ngữ quen thuộc ám chỉ hành vi dò ý người khác bằng suy nghĩ chủ quan.
Người Việt ta có câu ““Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người” Bởi cuộc sống rắc rối, lòng người càng phức tạp hơn. Cùng một sự việc, một câu nói, một biểu cảm lại có thể hàm chứa nhiều ý nghĩa khác nhau. Ta không biết người khác nghĩ gì, muốn gì. Cho nên nhiều khi chỉ có thể “bụng ta suy ra bụng người “. Tục ngữ này mang cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Tích cực có hàm ý như câu “đừng làm điều gì với người khác mà bạn không muốn người khác làm với mình”. Tiêu cực là bản thân mình xấu lại nghĩ ai cũng xấu như vậy. Có hai câu chuyện ngụ ngôn thường được dùng để minh hoạ cho câu tục ngữ trên. (Biết câu tục ngữ này lâu rồi mà giờ mới biết có truyện ngụ ngôn minh hoạ, nguồn từ Internet)
Chuyện thứ nhất: Quạ và Diều
Có con quạ tha được xác một con chuột thối về ngồi trên cây rỉa mồi. Diều từ trên cao ngó thấy liền hạ cánh xuống bảo:
– Này anh Quạ ơi, xác con chuột bị ngấm thuốc độc, đừng ăn mà chết đấy anh ạ!
Quạ chẳng nghe mà lại còn la mắng:
– Anh muốn chia phần miếng mồi ngon của tôi đấy hử, chẳng đời nào!
Nói rồi Quạ bấu lấy con mồi, quay lưng lại ăn tiếp. Diều thấy ý tốt của mình bị nghi oan liền bỏ đi không thèm nói nữa. Quạ ăn hết miếng mồi, liền bị đứt ruột chết ngay.
Chuyện thứ hai: Trùn và cá
Trùn bị móc vào lưỡi câu quăng xuống nước, thấy Cá lượn muốn cắn, nó lên tiếng bảo:
– Người ta bắt tôi làm mồi để câu anh. Tôi chết đã đành, còn anh bị mắc câu sống thế nào được?
Cá nghe nói thế sợ hãi bỏ đi.
Người đi câu chờ lâu không thấy động, ngỡ là con mồi kém nhạy nên gỡ Trùn quẳng đi. Nhờ vậy Trùn lại gặp Cá. Cá ngỏ lời cám ơn.
Nhưng Trùn cũng cám ơn lại Cá vì nhờ Cá không ăn mồi nên người ta mới gỡ Trùn quẳng đi.
Trong câu chuyện thứ nhất, Quạ không tin lời Diều nên nhận hậu quả nhãn tiền. Vậy thực sự Quạ quá ngu xuẩn? Hãy suy nghĩ về mối quan hệ giữa Quạ và Diều. Chúng là đối thủ cạnh tranh thức ăn, không phải họ hàng, bạn bè thân thiết. Vậy lời cảnh báo của Diều có đủ chân thành, đủ sức thuyết phục chưa? Từ góc độ của Quạ, nó hoàn toàn không mang tính thuyết phục. Đặc biệt trong bối cảnh, Quạ đang nắm giữ nguồn lợi ích trong tay, sao có thể dễ dàng buông tay chỉ vì một câu nói của đối thủ? Nếu bạn ở vị trí của Quạ, bạn sẽ làm thế nào? Nếu là mình, trước hết phải cẩn thận quan sát, đánh giá lại tình huống rồi mới quyết định bước tiếp theo. Sai lầm của Quạ không phải là ở chỗ không nghe lời Diều mà là quá hấp tấp ăn hết con chuột. Nó gọi là “ham lợi nhỏ, mất lợi lớn”.
Tiếp tục với chuyện Giun và Cá, tại sao Cá lại tin lời Giun? Vì chúng là gia đình ruột thịt, là bạn bè thân thiết chăng? Hiển nhiên là không. Ở đây, Giun chỉ là một con mồi nhỏ bé. Cá lựa chọn tin tưởng bởi lẽ dù không ăn Giun, nó cũng không tổn thất quá nhiều lợi ích. Ăn Giun tạo ra nguy cơ lớn hơn lợi ích. Nhưng ở hoàn cảnh khác, Cá đã nhịn đói cả tuần, có thể bị chết đói, nó có ăn Giun không? Câu trả lời là có. Lúc này lợi ích cấp thiết lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn. Hãy nghĩ tới hoàn cảnh bạn bị lạc giữa sa mạc, không thức ăn, nước uống. Bạn đang lê thân hình giữa tròi nắng. Tình cờ bạn tìm thấy một chai thuỷ tinh chứa đầy nước trong suốt. Nhưng có người nói với bạn, đó là thuốc độc. Liệu bạn uống hay không? “Uống thuốc độc giải khát” chính là chỉ như vậy. Lòng tin ở đây không còn mang tính quyết định nữa.
Vậy các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi “suy bụng ta ra bụng người “ là gì? Theo mình, nó gồm ba yếu tố:
Cách đối thoạiLợi ích, lòng thamQuan điểm sống của mỗi người
Trở lại câu chuyện Quạ và Diều, nếu là Diều là bạn Quạ, nếu Diều đưa ra lý lẽ thuyết phục Quạ thì diễn biến câu chuyện đã khác. Thí dụ Diều nói rằng thịt chuột nhiễm độc có màu tím. Quạ có chăng sẽ cẩn trọng hơn trong việc ăn mồi. Điểm cần chú trọng là đối thoại cởi mở, xây dựng lòng tin lẫn nhau.
Khi có mâu thuẫn lợi ích, phải học được cách chia sẻ, cân bằng các phía, thay vì cố giành giật lợi ích lớn nhất. Sự cân bằng dựa trên năng lực nội tại, không phải cào bằng, cũng không phải luồn lách, chụp giật.
Quan điểm sống thực chất là nền tảng cho cách đối thoại, cách xử lý các tình huống. Ngoài ra, nó còn một khía cạnh khác, cách ta đánh giá tình huống, cân đo lợi ích. Nghĩa là cái mà ta cho rằng hay, tốt, thành công nhưng chưa chắc người khác đã cho rằng hay, tốt. Việc áp đặt thang giá trị của mình lên người khác, cho dù mang ý tốt cũng biến mọi thứ trở thành dở. Giống như việc cha mẹ bắt con cái tuân theo ý muốn về nghề nghiệp, hôn nhân,… Vấn đề quay lại với việc đối thoại mở và cân bằng lợi ích.
Cuộc sống nhiều cạm bẫy. Ta không có ý hại người, lại cần có tâm phòng người. Nhưng việc duy trì tâm lý phòng ngự rõ ràng khiến ta thêm áp lực, dễ căng thẳng và cản trở đối thoại cởi mở cũng như khó xây dựng lòng tin. Theo quan điểm của mình, thay vì phòng người, ta nên răn mình trước.
Không tham lợi nhỏKhông tranh giành những thứ không phải của mìnhLắng nghe trước, phân tích sau, cuối cùng mới là hành động.
Việc người khác thành công, có mưu đồ hay gì cũng được. Tâm ta luôn hướng về mục tiêu của riêng mình, làm việc một cách chính trực, không nghiêng lệch, không theo đường ngang lối tắt. Có thể không chiếm được lợi, nhưng tất ở thế bất bại.
Bài viết để tham gia kể truyện trên PiepAudio. Còn nhiều sơ sót, mong được mọi người góp ý.
#chương_trình_đọc_thơ_trên_PiepAUDIO
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất