Từ trước đến giờ mình ấn tượng bởi thiết kế đồ họa của hai sản phẩm, một là của cô Susan Kare (Apple Macintosh ngày xưa) và hai là của anh Matías Duarte (Thiết kế Palm WebOS, giờ làm việc cho Google). Thiết kế font của Apple hầu như không thay đổi từ 1984 tới khoảng 2004, họ đều dùng font Chicago cho tất cả các sản phẩm của mình. Năm 2001, chiếc iPod đen trắng vẫn còn dùng font bitmap Chicago. Các điện thoại đen trắng của Nokia sau này cũng dùng một font gần giống font Chicago. Khi dùng một chiếc máy Mac từ 1984 mới thấy nó có sự ảnh hưởng lớn đến thiết kế giao diện đồ họa hiện đại như thế nào. Đó cũng là cảm giác của mình khi dùng chiếc điện thoại Palm hồi năm 2009, thiết kế này có những điều mà cả chục năm sau các điện thoại khác mới làm.
MacPaint - "Killer App" của máy Macintosh, 1984
iPod, 2001
Trong thời gian làm việc ở Apple, cô Susan Kare có vẽ ra một số biểu tượng bất hủ như chiếc máy Mac có hai mặt cười, bàn tay, quả bom sắp nổ, cây cọ, cái bút chì, cái chổi quét sơn (như mình thấy trong Photoshop), hay con chó/bò. Đó là những thiết kế tiên phong, khơi nguồn cho những phát kiến hiện đại như emoji. Cái khó của người làm chữ trong quá khứ là họ phải vẽ như thế nào để ngay cả độ phân giải thấp, màn hình nhỏ tí cũng đọc được, và chỉ được dùng đen trắng chứ không được dùng màu và chi tiết như hiện nay. Vì vậy người thiết kế phải làm thế nào để thể hiện được cái thần của điều mình muốn diễn tả trong một không gian rất hẹp. Nhân tiện, việc vẽ emoji màu cùng với chữ là một việc rất khó, khó như hỗ trợ nhiều ngôn ngữ vậy -- mình sẽ phải nói dài hơn sau.

Một số thiết kế khác của Susan Kare
Hôm nay được vinh dự đến xem thì mình nhận ra rằng ngay cả biển hiệu đường phố của họ cũng cố tình dùng các font cổ ngày xưa cho vui.
Số: Chicago (Bitmap)
Tên đường: Garamond Italics