Getting kids to eat healthier | WSU Insider | Washington State ...
(Ảnh: Washington State University)
Có lẽ bạn đã nghe về chuyện “nhai” cả thảy bảy bảy bốn chín lần, nhưng mình vẫn muốn để lại vài dòng ở đây như một lời nhắc nhở bản thân về thói quen ăn uống, sinh hoạt.
Có thể nhiều người sẽ nghĩ, ăn uống là chuyện thường ngày, thế nào chẳng được. Nhưng với mình thì không, mình luôn tin vào câu nói: “Bạn sẽ trở thành những gì bạn ăn”, vậy nên việc ăn uống với mình là cái nền, là sự chuẩn bị quan trọng để làm những việc khác quan trọng hơn.
Rồi! Vào chủ đề thôi!

1. Tại sao cần nhai kỹ?

Trong cuốn sách Phương thức sống lành mạnh thuộc bộ sách Nhân tố enzyme của tác giả Hiromi Shinya có viết rằng cơ thể làm việc nhờ enzyme, cụ thể hơn là 5000 mẫu enzyme diệu kỳ được phân bổ vào từng bộ phận của cơ thể. Việc sử dụng nhiều enzyme để khắc phục một hoạt động của cơ quan nào trong cơ thể cũng gây thiếu hụt cho enzyme ở cơ quan khác.
Đi sâu vào cơ quan tiêu hóa, việc không nhai kỹ thức ăn từ khoang miệng sẽ không cho ta nhiều enzyme amylose để phân giải tinh bột, thức ăn cũng không được nghiền nhỏ để rồi dạ dày phải co bóp nhiều hơn. Nhưng cái này thì chắc chắn ai cũng biết, dạ dày làm gì có răng để nghiền nát thức ăn.
Tưởng tượng thức ăn là miếng đậu phụ, ở miệng ta có răng như chiếc máy xay, còn dạ dày co bóp như việc ta lấy tay bóp miếng đậu phụ (viết thôi mình đã muốn đi rửa tay rồi ^^), thì bóp đến khi nào để đậu phụ được nghiền nát bằng việc cho nó vào máy xay và xay trong 10 giây?
Và sau đó thì mình cá là các cậu cũng biết: Đau dạ dày, viêm loét dạ dày, và hàng loạt các loại chứng, bệnh liên quan đến dạ dày ập tới, hoặc không phải ở dạ dày thì cũng là ở một chỗ nào đấy trong hệ tiêu hóa, hoặc thậm chí là ở 1 hệ cơ quan khác. Bởi vì thiếu hụt enzyme mà! :)

2. Nhai kỹ có lợi gì?

Science says: eat with your kids
(Ảnh: The Conversation)

2.1. Ăn ít hơn nhưng vẫn khỏe 

Nhai kỹ giúp kéo dài thời gian thức ăn lưu lại trong miệng của bạn, kích thích hệ thần kinh giao cảm để cả cơ thể bạn biết là bạn đang “ăn”, từ đó hệ tiêu hóa sẽ làm việc một cách có sự chuẩn bị. Cũng từ đây, cơ thể bạn sẽ tiếp nhận thức ăn một cách phù hợp với bản thân mỗi người hơn. Dạ dày chúng ta vốn như một quả bóng có thể co giãn và có thể chứa lượng thức ăn nhiều hơn cơ thể cần. Nhưng nếu bạn nhai kỹ, khi bạn ăn no 80 - 90% thể tích dạ dày, nó sẽ “thông báo” đến các cơ quan khác rằng “no rồi”, và cả cơ thể bạn sẽ thấy no. 
Và từ việc ăn ít hơn thì chắc chắn là bạn sẽ giảm năng lượng nạp vào cơ thể, mà giảm năng lượng nạp nhưng năng lượng tiêu đi giữ nguyên thì bạn sẽ giảm cân và giảm nguy cơ béo phì á. Thâm hụt 7000 kcal là giảm được 1kg mỡ rồi cố lênnn^^

2.2. Hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn (1)

Mình tin là điều này thì ai cũng biết, nhưng để chi tiết hơn thì:
Việc nhai kỹ giúp tinh bột trong thức ăn được tiêu hóa một phần trước khi đi vào dạ dày. Thế là dạ dày có thời gian và năng lượng để xử lí chất dinh dưỡng khác nữa rồi.
Nhai kỹ giúp phá hàng rào cellulose trong tế bào thực vật, từ đó hấp thụ các chất bên trong rau củ quả mà thông thường nếu không nhai kỹ là không làm được điều này đâu á.

2.3. Bảo vệ các cơ quan trong cơ thể 

Bảo vệ răng: Có thể bạn đã nghe về khả năng diệt khuẩn của nước bọt, và việc nhai kỹ khi ăn cũng giúp tiết nhiều nước bọt để làm công việc này. Nước bọt tiết ra nhiều còn giúp rửa trôi thức ăn đọng lại trong khoang miệng, trả lại đúng hình hài đẹp đẽ cho bộ nhá của bạn.^^
Bảo vệ niêm mạc họng và thực quản: Việc ăn nhanh và nuốt những miếng lớn có thể làm tổn thương lớp niêm mạc họng và thực quản dẫn đến việc trào ngược. Và nếu bạn chưa nghe đến trào ngược dạ dày thực quản bao giờ, thì bạn vừa nghe rồi đó!
Bảo vệ dạ dày: Trong nước bọt có mmunoglobulin giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể và muccus protein có nhiệm vụ bảo vệ niêm mạc dạ dày. (2)
Bảo vệ hệ tiêu hóa: Chắc chắn rồi, bạn vừa đọc trên kia kìa. :v

2.4. Khử độc từ thức ăn 

Việc nhai kỹ trên 30 giây còn có tác động khử độc mạnh mẽ. Điều này đã được chứng minh qua thí nghiệm của các bác sỹ người Nhật Bản: Họ cho chất ung thư gây hại vào 1 ống nghiệm có chứa nước bọt và quan sát. Khi cho ống nghiệm đứng yên và lắc nhẹ, không có hiện tượng gì xảy ra và chỉ khi ống nghiệm được lắc đến 30 giây, họ thấy chất ung thư đã biến mất khoảng 80 - 100%.
Vậy bạn đã nhai 1 miếng ăn trong 30 giây chưa? Một cách đơn giản hơn việc đếm giờ là đếm số lần nhai, mỗi miếng nhai 30 lần cũng giúp khử độc đáng kể rồi đấy!

2.5. Tăng cường trí tuệ

Cơ thể con người là một khối thống nhất khép kín, việc nhai có tác động đến cả khoang đầu, giúp lượng máu và oxy ở đây và cả não bộ được tuần hoàn tốt hơn, giúp ích cho sự phát triển trí tuệ của trẻ em và giảm triệu chứng xấu liên quan đến trí nhớ của người già.
6 Reasons Why You Should Raise Your Kids Vegetarian | LoveToKnow
(Ảnh:  Love to know)
Nhưng mở ngoặc một xíu là mình đã thực hành nhai kỹ gần nửa năm rồi mà vẫn hay quên như thường, cơ mà về già mà giữ được mức độ quên như bây giờ thì mình cũng mừng. :D
Việc nhai kỹ cần đến hoạt động của cơ hàm, kích thích các dây thần kinh giao cảm điều hòa hoạt động không chỉ của các cơ quan khác trong cơ thể, mà còn cả suy nghĩ, tiềm thức của con người nữa.
Có một bài viết về thực dưỡng từng viết rằng: “Có lẽ vì lý do này, người Việt Nam đã ghép liền chữ “nghiền” với chữ “ngẫm”, nghĩa là nhai nghiền có kỹ thì ngẫm nghĩ mới sâu.” (3)
Quào! ^^

2.6. Duy trì sức khỏe cơ

Bao gồm cơ hàm, cơ gò má, cơ mặt. Và thế là bạn sẽ có khuôn mặt đầy biểu cảm đấy! :D

2.7. Tất nhiên, “nhai kỹ no lâu”

Mình nhớ như in lời giảng của cô giáo môn Sinh học lớp 7 rằng: "No ở đây là no về sinh lí, khi ăn từ từ và nhai kỹ cho cảm giác thức ăn ngon hơn vì thưởng thức được trọn vẹn hương vị của món ăn."
Nếu như bạn thực sự yêu quý bản thân, thì việc ăn đáng được bạn trân trọng hơn bây giờ vì nó là khởi nguồn năng lượng giúp bạn thực hiện những kế hoạch khác từ lớn đến bé!
Nếu bạn hỏi “Nhai không kỹ có tác hại gì?”, thì cứ suy ngược lại 7 thứ mình vừa nói nhó! ^^
Vậy nên làm gì để ăn chậm, nhai kỹ?
Nào mình cùng lên, à đến phần 3. :D

3. Thực hành thôi!

Mình thường nhai từ 30 – 50 lần mỗi miếng tùy loại thức ăn, nhưng bạn có thể nhai lâu hơn hoặc nhanh hơn, miễn là đảm bảo thức ăn hóa lỏng trước khi bạn nuốt chúng. Mình còn đọc một số bài về thực dưỡng và cách nhai trong thực dưỡng là 100 – 120 lần cơ.
When is Snacking a Healthy Habit? – Boston Heart
(Ảnh: Boston Heart Diagnostics)
Dưới đây là vài thứ mình thu thập được để áp dụng trước khi tập nhai:

3.1. Trước khi ăn

Ngồi thẳng lưng và thoải mái, chuẩn bị không gian ăn sao cho mình không bị phân tâm, đặc biệt là vừa ăn vừa xem hoặc vừa nói chuyện.
Thực ra mình vẫn vừa ăn vừa nghe^^ (bữa trưa nghe Thời sự, bữa tối nghe Podcast), khi ăn thế mình vẫn cảm nhận hương vị thức ăn và không bị phân tâm với việc nghe.
Đừng vừa ăn vừa hậm hực nhé bạn ơi vì trước khi nhai bạn đã nghẹn mất ùi! :D

3.2. Trong khi ăn

- Ăn từng miếng nhỏ, đủ để bạn không phải nhai 1 ít rồi nuốt rồi mới nhai tiếp.
- Không ăn nhiều thức ăn trong 1 miếng ăn, vì độ dai, mềm, cứng của từng thức ăn khác nhau và bạn cần nhai chúng trong thời gian khác nhau.
- Nhai ngậm miệng và đảo thức ăn theo vòng xoắn ốc, nhai qua nhai lại nhai lên nhai xuống. Điều này không chỉ là phép lịch sự trong bữa ăn mà còn giúp cho thức ăn đang đang nhai không bị oxy hóa. Như được đề cập trong cuốn Phương thức sống lành mạnh (ôi lại cuốn này :P), thì khi nạp thức ăn bị ô xy hóa vào, cơ thể sẽ oxy hóa theo.
- Và cuối cùng, vừa ăn vừa cảm nhận hương vị món ăn bằng nhiều giác quan nhất có thể và với sự biết ơn món ăn và những người làm ra nó. Việc này thì mình hoàn toàn tự tin vì mẹ mình luôn dạy: “Khi thốt ra lời khen đồ ăn ngon thì kể cả chưa cần ăn thì món ăn đã ngon lên rồi”.
==
Phát hiện nho nhỏ của mình, ăn rau củ quả và ngũ cốc  thì càng ăn càng ngon ngọt, chứ ăn thịt thì càng ăn lại càng bã hoặc dai, kể cả cá, nếu nhai nhiều hơn một chút thì sẽ ngọt, nhưng nhai lâu hơn thì cũng bã á.
Thế nên là sau một hồi tìm hiểu về thực phẩm, dinh dưỡng, mình đã tạm biệt thịt cá, bằng chứng qua chiếc blog nhỏ bé này nè: https://www.instagram.com/anchaycung_tahutra/
Dài thế. Mình không hề thích viết dài mà bài này đã dài hơn mình nghĩ, nhưng mình hi vọng bạn đã đọc rồi thì cứ thử ăn chậm nhai kỹ 1 tuần này xem sao! 
Sau đây sẽ là những “endnotes”. À nhưng mình có đọc và chọn lọc thông tin rồi, khi đọc những bài gắn link ở đây bạn sẽ thấy mình làm khác họ một chút đó!
(1) Kiều Vân, “Ăn chậm, nhai kỹ có lợi ích gì?”, truy xuất từ https://doisongphaply.phapluatxahoi.vn/an-cham-nhai-ky-co-loi-ich-gi-62394.htm, truy cập ngày 24/8/2020
(2) Nguyễn An, “Nhai kỹ để bớt bệnh tật”, truy xuất từ https://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/nhai-ky-de-bot-benh-tat-27013.html, truy cập ngày 24/8/2020
(3) Truy xuất từ gaolut.vn/nguyen-ly/loi-ich-cua-viec-nhai-ky-61.html, truy cập ngày 24/8/2020
À nữa, về cuốn sách Phương thức sống lành mạnh mình hay nhắc tới ở trên, các bạn có thể tìm mua ở nhà sách, tìm ebook trên Google hoặc nghe đọc trên Youtube, Spotify nhé!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài ạ ahuhu dài quá
*Đặt tay lên ngực cúi đầu cảm ơn*