Bài viết này chỉ nhằm thể hiện suy nghĩ, đánh giá của người viết dựa trên những gì người viết quan sát được từ một vụ việc gần đây và thêm một chút cảm nghĩ ngoài lề.
(Vì việc gõ tifosi thật là buồn chán khi mà cứ phải nện nút f hai lần, từ đây trở đi xin viết viết tắt tifosi = T)
Tóm tắt vụ việc:
- T viết một bài đề cập đến một dự án của một số thành viên của một số nhóm, cộng đồng.
- T viết thêm một bài kèm bằng chứng để chứng minh cho những gì mình đã viết.
- Những bằng chứng mà T đưa ra bị bóc mẽ là ngụy tạo.
- Có nhiều cmt thắc mắc nhằm làm rõ ràng thêm sự việc thì T vòng vo hoặc lấy cớ để không trả lời.
- T cũng nhắc đến trình độ học vấn của mình trong một cmt, rằng T là thủ khoa đầu vào và có văn bằng gì đó ở một trường ĐH. Sau đó một số bạn sinh viên của trường ĐH đó có bóc mẽ ra rằng thông tin đó cũng không đúng thực tế.
- Bài viết có kèm bằng chứng của T biến mất. Có người nhắn tin hỏi T tại sao, T nói là do bị report. Trong khi đó T viết trong nhóm riêng để “giải thích” về việc T xóa bài.
- Người viết nhận định luôn rằng T đã sai lè và lươn lẹo trong vụ việc này.
- Người viết nhận thấy vẫn có những người ủng hộ T sau vụ việc, và có những người thắc mắc tại sao vẫn có những người ủng hộ T sau vụ việc.
Dĩ nhiên vẫn có những người không ủng hộ, và có những người chẳng quan tâm cóc gì đến chuyện của T, nhưng giờ tôi xin chỉ bàn về nhóm đối tượng vẫn ủng hộ T.
Nhóm này có thể được chia thành hai nhóm đối tượng sau:
- Những người không theo dõi vụ việc và/hoặc không nắm được thông tin chi tiết, nhưng từ trước họ đã ủng hộ T thì giờ vẫn thế thôi. Nhóm đối tượng này tôi cũng xin bỏ qua không bàn tới.
- Những người theo dõi và nắm được thông tin vụ việc, nhưng họ vẫn ủng hộ T (lưu ý là sự ủng hộ liên quan đến vụ việc này nhé). Bài này sẽ viết về nhóm đối tượng này, chủ yếu nhằm đưa ra lý giải của tôi về thắc mắc tạo sao lại có một nhóm như thế. Tôi xin gọi nhóm này là têfosê để cho gọn và giúp mọi người dễ định hình. Và vì tôi thấy nó nhộn :).

Khoa học về sự cứng đầu

Gặp một sự kiện đáng lẽ đánh đổ niềm tin của mình thường sẽ khiến con người càng giữ vững nó hơn.


 “Không gì cứng đầu cứng cổ hơn một kẻ có niềm tin vững chắc. Anh nói không đồng ý thì hắn liền quay đi. Anh chỉ cho hắn thấy sự thật, hoặc số liệu, thì hắn sẽ hỏi anh trích nguồn ở đâu. Trình bày với lý lẽ và dẫn chứng thì hắn lại không hiểu quan điểm của anh” 


Những lời này được viết bởi nhà tâm lý học của Đại học Stanford, Leon Festinger, để nhằm đề cập đến một case study rất nổi tiếng trong tâm lý học [1] [2].
Vào cuối năm 1954, Festinger và một số đồng nghiệp của ông đã thâm nhập vào nhóm Tầm nhân (Seekers), một giáo phái nhỏ ở khu vực Chicago mà các thành viên của nó nghĩ rằng họ đang liên lạc với người ngoài hành tinh - trong đó có một ‘người’ tên là “Sananda” - được họ tin là hóa thân của chúa Jesus. Nhóm được lãnh đạo bởi Dorothy Martin, vốn sùng đạo Dianetic, người truyền đạt lại thông điệp từ các vì sao thông qua việc viết-nhập-hồn.
Thông qua người phụ nữ này, người ngoài hành tinh đã đưa ra ngày tháng chính xác sẽ xảy ra một trận đại hồng thủy trên Trái Đất: ngày 21 tháng 12 năm 1954. Một số tín đồ của Martin đã bỏ việc và bán hết tài sản, với hy vọng sẽ được giải cứu bởi một chiếc đĩa bay khi lục địa đứt gãy khiến phần lớn nước Mỹ bị nuốt chửng bởi một đại dương mới được sinh ra. Các môn đệ thậm chí đã đi xa đến mức loại bỏ hết các miếng đồng ở áo lót ngực, xé dây kéo khỏi quần, vì họ tin rằng kim loại sẽ gây nguy hiểm cho tàu vũ trụ.
Festinger và nhóm của ông đã ở cùng với giáo phái tại thời khắc lời tiên tri xịt khói. Đầu tiên, “mấy anh giai lầu trên” (người ngoài hành tinh ấy) đã không xuất hiện để giải cứu các Tầm nhân. Tiếp đến, chẳng có sự cố gì vào ngày 21 tháng 12 cả. Festinger đã rất mong chờ khoảnh khắc đó : Liệu những con người cuồng tín mê muội này sẽ phản ứng thế nào đây, khi lời tiên rõ ràng đã không ứng nghiệm?
Thoạt đầu, không ai trong số họ đưa ra được lời giải thích thỏa đáng. Nhưng sau đó sự hợp lý đã được thiết lập. Một tin nhắn mới được gửi đến, nhắn rằng tất cả, ý nói nhân loại, đã được tha vào phút cuối. Festinger đã tóm tắt ngắn tuyên bố của người ngoài hành tinh như sau : “Nhóm người nhỏ, ngồi suốt đêm, đã truyền đi nhiều ánh sáng hi vọng đến nỗi khiến Chúa cứu thế giới khỏi sự hủy diệt”. Chính lòng tin tha thiết của họ vào lời tiên tri đã cứu Trái Đất khỏi chính lời tiên tri đó!
Từ sau thời điểm đó, những Tầm nhân này, trước đây vốn rất ngại báo chí và thờ ơ với việc truyền giáo, lại bắt đầu tích cực lan tỏa hơn. “Họ cảm thấy rằng đó là một việc cấp bách vô cùng khẩn thiết”, Festinger viết. Trải qua sự kiện khiến niềm tin của họ vỡ vụn hóa ra lại càng khiến họ vững vào niềm tin của mình hơn.
Và kể từ thời Festinger, một loạt các khám phá mới về tâm lý học và khoa học thần kinh đã vén mở dần về cách mà niềm tin cố hữu có thể bẻ lệch suy nghĩ của chúng ta, và thậm chí giật dây điều khiển khi ta đưa ra những nhận định mà ta nghĩ là công bằng và hợp lý nhất. Khuynh hướng này, còn được gọi là lý luận có động cơ [3].
Khoa học thần kinh hiện đại cho rằng, lý trí thực ra bị bao trùm bởi cảm xúc (hoặc như các nhà nghiên cứu thường gọi, “bị ảnh hưởng”) [4]. Đây là hai thứ vốn không thể tách rời, và hơn thế nữa, cảm giác tích cực hay tiêu cực về con người, sự vật và ý tưởng nào đó xuất hiện nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ có ý thức của chúng ta, trong một phần nghìn giây, đủ nhanh để phát hiện bằng thiết bị điện não đồ, nhưng lại là rất lâu cho đến khi ta nhận thức được cảm giác đó. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: Sự tiến hóa đòi hỏi chúng ta phải phản ứng rất nhanh với các kích thích từ môi trường sống. Đây đơn giản là một kỹ năng sinh tồn cơ bản của con người. Chúng ta có xu hướng tránh xa những kích thích môi trường có tính đe dọa và gần gũi những thứ thân thiện. Và không chỉ đối với thú dữ mà ngay cả với thông tin cũng vậy.
Hãy thử đoán xem người ta sẽ phản ứng thế nào sau khi tiếp xúc với thông tin có tính thách thức lớn đến niềm tin của họ. Điều xảy ra tiếp theo, nhà khoa học chính trị Charles Taber, Đại học Stony Brook giải thích, sẽ là một phản ứng tiêu cực trong tiềm thức đối với thông tin mới, và phản ứng đó, khi được kích hoạt, sẽ điều hướng các ký ức và liên tưởng đã hình thành sẵn trong ý thức. (1) “Họ sẽ bám lấy những suy nghĩ phù hợp với niềm tin sẵn có của mình”, ông nói, (2) “và điều đó sẽ khiến họ bắt đầu tranh luận và thách thức những gì họ mới được nghe” [2].
Nói cách khác, (1) có liên quan đến thiên kiến xác nhận, khi mà ta chỉ tập trung vào những bằng chứng và lập luận giúp củng cố niềm tin của bản thân, và (2) tương đồng với thiên kiến phủ nhận, tức là thể hiện cảm xúc một cách quá đà để vạch trần và bác bỏ những lập luận mà ta thấy không thích hợp (gân cổ lớn tiếng, mắt long sòng sọc, mặt đỏ tía tai…hoặc khoe mình là học sinh giỏi 4 môn chẳng hạn)

Một nghiên cứu khác tập trung vào những gì có thể xảy ra trong tâm trí một người khi họ kháng cự lại việc bị thuyết phục [5]. Nhà xã hội học Monica Prasad, thuộc Đại học Northwestern, và các đồng nghiệp của bà muốn kiểm tra xem liệu họ có thể đánh bật quan điểm ‘Saddam Hussein và Al Qaeda đang bí mật hợp tác’ giữa những đối tượng có xác suất cao sẽ tin vào khả năng này – những người theo phe Cộng hòa đến từ các hạt thân với phe này. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu trong đó họ thảo luận riêng về chủ đề này với từng đối tượng : Họ trích dẫn những phát hiện của Ủy ban 11/9, cũng như một tuyên bố trong đó chính George W. Bush phủ nhận chính quyền của mình đã “nói rằng các cuộc tấn công 11/9 được dàn xếp bởi Saddam và Al Qaeda”.
Kết quả thật ngạc nhiên, ngay cả những lời của chính Bush nói cũng không thể thay đổi suy nghĩ của những cử tri ủng hộ ông này - chỉ có duy nhất 1 trong số 49 người tham gia đã thay đổi suy nghĩ của mình. Phản ứng phổ biến nhất giữa những người này thường là kháng cự lại thông tin điều chỉnh theo nhiều cách khác nhau, bằng cách đưa ra các phản biện hoặc đơn giản là không thay đổi bất chấp tất cả:
Người phỏng vấn: Ủy ban 11/9 không tìm thấy bất kì mối liên hệ nào giữa Saddam và sự kiện 11/9, và đây là những gì Tổng thống Bush nói. Bạn có ý kiến gì về một trong hai điều này không? 
Đối tượng: Chà, tôi cũng cho là những điều Ủy ban nói về vụ không tìm thấy bằng chứng là thật, nhưng tôi đoán chúng ta vẫn có thể giữ ý kiến và cảm giác của mình dù ai nói thế nào đi nữa. 
Vậy là đôi khi không phải một người không hiểu được những thông tin nào đó, mà là họ từ chối hiểu hoặc bất chấp hoặc tảng lờ nó nhằm giữ vững niềm tin của mình. Và nghĩ mà xem, “kệ chứ, dù anh ấy xạo l về trình độ học vấn, dù anh ấy gặp vấn đề tâm lý gì đó nên phải xóa bài, chỉ cần anh ấy X, Y, Z là em tha thứ hết, ủng hộ hết” nghe có giống giọng điệu một nhóm các fan cuồng ủng hộ thần tượng bất chấp mà một bài viết gần đây của một trang hơn 150k theo dõi đề cập đến và tạo ra sự lên án gay gắt không nhỉ :)). Không biết cảm giác của họ sẽ thế nào khi nhận ra mình đã trở thành chính những người mình ghét bỏ.
Nhưng X, Y, Z là những gì mà có thể khiến một số người trở nên ‘mù quáng’?


Tifosi và têfosê: chuyện chúng ta và chúng nó


Bạn vẫn tưởng, hoặc chính xác hơn là vẫn muốn, rằng mình đủ tỉnh táo và không phải là dạng người dễ bị lôi kéo bởi một nhân vật có tiếng tăm và lôi cuốn – nhưng thực tế thì hầu như ngược lại.
Và có một câu mà tôi thích như này, “văn hóa thần tượng, nhất là tuổi teen, hầu như đều bắt nguồn từ sự thiếu tự tin, chưa có danh tính cá nhân và cần phải bấu víu vào một hình tượng nào đó để chứng tỏ sự hiện diện của mình.” 
Theo hai ý đó, X, Y và Z chính là những đặc điểm mà bạn khao khát có hoặc giống với hình ảnh lý tưởng về bản thân mà bạn hình dung. Và khi bạn mến mộ ai đó, tức là họ có các X, Y, Z mà bạn khao khát và theo dõi họ giúp bạn khẳng định danh tính của mình.
Cụ thể hơn ở trường hợp của các têfosê, tôi đồ rằng các đặc điểm của T mà họ thích là:
- Khả năng viết. Vì ừ, hầu hết chúng ta đều không giỏi Văn, không viết hay.
- Lập trường và quan điểm. Vì ừ, tôi nghĩ rằng đây là thứ mà đa số chúng ta đều không có, hoặc nếu có thì cũng rất chung chung.
- Lý tưởng. Vì ừ, tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều đang sống rất mơ hồ với khả năng tư duy chưa được rèn luyện.
Phần này tôi sẽ tập trung vào gạch đầu dòng cuối cùng bên trên, chính là cái định hướng cho hai gạch đầu dòng còn lại.
Lý tưởng là một thứ có thể gây nghiện, đặc biệt là với những ai chưa có lý tưởng của riêng mình và/hoặc có lập trường mờ nhạt. Vì với đối tượng này, họ sẽ có xu hướng bám víu rất lâu và rất chặt đến lý tưởng đầu tiên mà họ bắt gặp (và thấy thích) mà chẳng bao giờ đắn đo tính hợp lý của nó. Vì họ đang sống rất mơ hồ, chưa rèn luyện tư duy mà.
Việc mến mộ và đi theo ai đó sẽ khiến ta cảm giác rằng những lý tưởng của họ cũng chính là của mình, những điểm hay ho của họ cũng chính là một phần của mình. Sẽ dễ dàng và dễ chịu hơn nhiều khi ta có thể lười biếng, khỏi cần tư duy và vay mượn luôn lập trường và quan điểm của người khác. Và nghiễm nhiên ta trở nên hay ho và tốt đẹp, vì chẳng ai mến mộ một người sẽ làm mình xấu đi, mà chẳng tốn công. Việc này không xấu, cũng chẳng tốt, nó bình thường về mọi mặt. Chẳng có gì đáng bàn nếu mọi thứ cứ diễn ra bình bình, nhưng cuộc sống luôn có những va chạm, chắc chắn có.
Và như phần đầu đã nói đến, chúng ta giờ đã biết mình sẽ làm gì khi lý tưởng và quan điểm của ta bị tấn công, thách thức: ta sẽ không tỉnh táo nhận sai mà sẽ tìm mọi cách để biện minh cho hành động của mình trước đã (vì ta luôn mơ hồ chứ đã tỉnh táo bao giờ đâu).
Nguyên nhân rất dễ hiểu, chúng ta sẽ ko chấp nhận những bằng chứng có nguy cơ làm tổn hại đến niềm tin về hình ảnh lý tưởng của bản thân mà ta đang có, vì một là tự vuốt ve thì sướng, hai là nó khiến ta lộ ra mình là những con người chẳng hay ho lắm, chẳng tốt đẹp lắm như ta hình dung.
Một nguyên nhân khác nữa, ấy là thừa nhận sai tức là ta đã ngầm trao quyền cho đối phương: lúc này họ có quyền lựa chọn giữa việc tha thứ, giúp giảm bớt nỗi xấu hổ của ta, và chì chiết, thứ sẽ tiếp tục giày xéo ta. Nghe thật chẳng thoải mái chút nào (dù về bản chất, quan trọng là liệu ta có để điều đó tác động đến mình không).
Khi ai đó lập ra page, ý đồ rõ ràng và thường thấy nhất của người đó là (1) sản xuất ra các nội dung thể hiện các quan điểm nhằm phục vụ cho một lý tưởng nào đó và (2) tạo ra một cộng đồng chấp nhận lý tưởng ấy – tức là tạo ra “chúng ta”. Đây là một mục tiêu bình thường và vô cùng tự nhiên, chẳng có gì đáng nói. Nhưng vấn đề bắt đầu xuất hiện khi bắt đầu xuất hiện “chúng nó”.
Theo cảm nhận của tôi từ một số bài viết của T, thì luôn có một “chúng nó” được đề cập đến. Có “chúng ta” thì chưa chắc đã có “chúng nó”, nhưng khi có “chúng nó” thì chắc chắn phải có “chúng ta” để so sánh và đối chiếu.
Các tiêu đề bài viết của T hầu như đều áp dụng công thức “A và B”. Nội dung bài viết sẽ nhắm đến một B nào đó và hoặc nói thẳng toẹt, hoặc ngầm ám chỉ rằng B thật đáng xấu hổ. Trong khi đó, có một A thật tốt đẹp, và A càng tốt thì càng làm B tệ hơn. Tôi không nói là những vấn đề mà T đả động đến là những vấn đề vớ vẩn, không đáng quan tâm, nhưng cách mà T tiếp cận vấn đề đó là ít khi nói về/giải thích rõ vấn đề và/hoặc phương hướng giải quyết mà chỉ tập trung vào hoặc là tôn vinh A, hoặc là đả kích B, hoặc là cả hai cùng lúc. Điều này ngầm tạo dựng lên một cảm giác lờ mờ rằng: có “nhóm A” và “nhóm B”.
Con người luôn có khao khát được thuộc về một nhóm nào đó và lý tưởng nhất đó là nhóm gồm toàn những con người thú vị hoặc có điểm chung với họ. Vì chúng ta đã được lập trình để có nhu cầu như vậy, đấy đơn giản là bản năng sinh tồn đã có từ thời rất rất xưa.
Đây không nhất thiết thể hiện rằng bạn là một con người luôn cảm thất bất an và yếu đuối về mặt tâm lý.
Và chúng ta thường rất ít khi bạn “gia nhập” một hội nhóm nào đó, ta chỉ đơn giản dành thời gian rồi tự lúc nào đã trở thành một phần của nhóm đó. Giống như khi quan sát một dải màu, ta dễ dàng phân biệt được khi màu vàng chuyển sang cam, nhưng để biết chính xác là lúc nào thì rất khó.
Vì thế, và vì các têfosê, cũng là con người, luôn muốn nghĩ tốt về mình, đặc biệt khi họ đang đi theo lý tưởng của T, nên luôn có sự ngầm hiểu rằng: vì A tốt, nên “chúng ta” sẽ là A; B không tốt, “chúng nó” sẽ là B. Hai nhóm đã được dựng lên, và giờ có thêm sự đối lập được quăng vào giữa.
Công bằng thì, sự đối lập cũng sẽ chẳng có gì đáng trách, nếu nó không kích động lên sự thù ghét. Nhưng văn phong, tức phần viết của T có cổ vũ sự thù ghét hay không, dù lộ liễu hay ngấm ngầm, hay sự thù ghét vốn nằm sẵn trong đầu của những người đọc?
Tôi thiên về vế thứ nhất (dù sao, đây vẫn là một yếu tố chủ quan thiên về cảm nhận. Vì vậy hãy tự mình đọc những gì T viết và tự rút ra kết luận).
Với tôi, hành động khi ai đó, người biết mình có sức ảnh hưởng, sử dụng viết lách để gây nên sự chia rẽ, kích động sự thù ghét phe phái, chính là sự bất lương. Không, phải gọi là bất lương một cách đê tiện và khốn nạn.
Chốt lại thì xin được dùng một chút ngụy biện, vì tôi thấy nó cũng thú vị: Trong tifosi đã có si, tức có sự cuồng theo hướng cực đoan.

P/s: Bài viết còn nhiều thiếu sót, mong được góp ý của mọi người. Nếu ai đó cảm nhận được bài viết mang tính phân biệt, thù ghét đến một nhóm đối tượng, thì đó hoàn toàn không phải chủ ý của tác giả.
_____________________________
Tham khảo:
“You are not so smart” – David McRaney