Mình vừa đọc xong cuốn sách Súng, vi trùng và thép. Đây là quyển sách lược sử loài người đầu tiên mình đọc. Đối với một người thường đọc tiểu thuyết với như mình, thì đây là như là một thách thức lớn với mình.
Mình thú nhận với mọi người rằng, mình chỉ hiểu được 40-50% thông tin mà tác giả Jared Diamond. Nhưng, mình nghĩ, chừng đó cũng đủ để bản thân mình có một góc nhìn lớn hơn về xã hội loài người và con người hiện đại.
Mặc dù chỉ hiểu được một phần nhỏ của vấn để, mình cũng xin mạn phép trình bày ý kiến và quan điểm của mình về quyển sách này.
Điều đầu tiên: NÔNG NGHIỆP LÀ BƯỚC LÙI CỦA CHỌN LỌC TỰ NHIÊN
Khi đọc sách, bạn sẽ hiểu được nông nghiệp sơ khai và phát triển như thế nào khi mà con người có mặt trên thế giới. Vấn đề ở đây, mình muốn nói và mình cảm nhận được khi đọc về nền nông nghiệp, mình thấy cây trồng và vật nuôi không đi theo tiến trình tiến hoá tự nhiên như học thuyết Darwin (mình từng học ở những năm cấp 3), mà theo chọn lọc nhân tạo.
Mình quay lại lí thuyết cơ bản của chọn lọc tự nhiên (CLTN) một chút nhé! Những cá thể mang gen đột biến (có thể tốt hoặc xấu) diễn ra trong tự nhiên, và vì lợi ích của sinh vật mà có thể tiếp tục phát triển và sinh sản. Tuy nhiên, nếu gen đột biến này không tốt, thì dần dần sẽ được chọn lọc tự nhiên đào thải.
Khi một cái cây cho ra quả đột biến, cái quả đó nếu để trong tự nhiên sẽ gây bất lợi cho sinh vật và cho thế hệ tiếp theo của cái cây đó. CLTN sẽ đào thải nó đi. Tuy nhiên, bất ngờ thay, khi con người biết trồng trọt, nông dân giữ lại những cái cây cho ra quả đột biến phù hợp với tiêu chí của con người. Thì dần dần, nông dân tích luỹ những biến dị đó, để phù hợp với nhu cầu cơ bản của mình. Dần dần, những thứ con người ăn vào, nó không đúng với bản chất của tự nhiên nữa, mà đáp ứng với bản chất tham lam con người, thích ăn cái ngon.
Điều này dẫn đến làn sóng tranh luận mạnh mẽ rằng, từ khi con người biết trồng trọt, con người là sự tiến hoá ngược của thiên nhiên.
Điều thứ hai: BỆNH TẬT SINH RA TỪ KHI CON NGƯỜI BẮT ĐẦU BIẾT LÀM NÔNG
Tại sao lại như vậy?
Từ thuở sơ khai, con người luôn sống theo bầy đàn, và theo lối sống săn bắt hái lượm. Trong đời sống của những người theo lối sống săn bắt hái lượm này, họ phải đi tìm thức ăn, săn bắt thú để tìm cái ăn cho mình. Họ rất ít và rất hiếm khi chết vì bệnh. Tại sao? Vi trùng cần thời gian đủ dài để tích tụ và xâm nhập vào cơ thể con người. Khi nhóm người này đến một vùng, họ luôn mang theo một loại vi trùng nào đó. Tuy nhiên, số lượng vi trùng này chưa đủ lớn mạnh để gây bệnh, và nếu có thì chỉ một hai cá thể yếu sẽ chết đi. Sau khoảng thời gian săn bắt hái lượm, thì nhóm người này sẽ đi đến một vùng đất khác để tìm kiếm thức ăn. Vì luôn di chuyển và thích nghi môi trường mới, vi trùng chưa đủ thời gian để tạo ra một hệ sinh thái xâm nhập vào con người.
Khi con người bắt đầu làm nông và thuần hoá động vật, nhu cầu di chuyển không còn nữa. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho vi trùng. Mỗi con vật đều sống ở một lãnh thổ khác nhau. Sư tử có nơi ở của sư tử, cá sấu sống nơi đầm lầy, hươu nai thì sống ở đồng cỏ. Khi nào có nhu cầu ăn uống, thì sư tử mới tìm cách đến nơi của hươu nai mà săn mồi. Vậy mà con người thuần hoá động vật, nuôi chúng trong nhà và lấy thịt. Dần dần, vi trùng của các loài động vật có cơ hội tiến hoá, bám lấy sinh vật sống là người để sinh sôi và phát triển. Thế là con người bị bệnh. Càng ngày, lại càng có nhiều người bị bệnh hơn.
" Vi trùng đã sáng tạo ra nhiều cách đa dạng để phát tán từ người này sang người khác và từ loài vật sang người. Vi trùng nào phát tán giỏi hơn thì sinh con đẻ cái nhiều hơn và rốt cuộc là loài có ưu thế trong quá trình CLTN."
Điều thứ ba: Các phát minh vĩ đại thật ra chỉ là sự sao chép, và cần đạt đủ các điều kiện thương mại thì phát minh mới trở nên hữu dụng.
Khi dân cư trở nên đông đúc hơn, nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ dần trở nên bình thường. Con người lại tìm tòi và phát minh ra những công nghệ mới, nhằm mục đích để phục vụ cho đời sống này tốt hơn.
Trong sách có một đoạn như thế này:
"Tất cả các nhà phát minh lừng danh được thùa nhận đều có những bậc tiền bối cũng như những kẻ bước tiếp mình, và đã tiến hành cải tiến tại một thời điểm khi xã hội có khả năng sử dụng sản phẩm của họ."
Các nhà phát minh thường phải kiên trì mày mò tìm kiếm suốt một thời gian dài trong khi xã hội không cần tới, bởi các mẫu đầu tiên thường hãy còn quá thô sơ khi không hề cần sử dụng.
Chúng ta có thể tìm hiểu các phát minh động cơ hơi nước của James Watt, ông này đã tìm hiểu và sửa chửa một mẫu động cơ hơi nước của một người tên là Thomas Newcomen. Hay phát minh bóng đèn của Edison là sự cải tiến từ nhiều bóng đèn khác đã được cấp bằng sáng chế từ các năm trước đó.
Điều thứ tư: Công nghệ phát triển, bà sự bành trướng của chiến tranh
Khi công nghệ phát triển, con người dễ dàng di chuyển từ nơi này đến nơi khác để chiếm lĩnh. Và để tự bảo vệ mình bởi những tên giết người, vùng lãnh thổ đó bắt buộc phải cập nhật và tiếp thu công nghệ mới. Nếu không, họ sẽ chết.
Câu chuyện Bồ Đào Nha xâm lược Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Để tự vệ, Nhật Bản đã phát triển kỹ thuật súng ống, và đến năm 1600 họ đã sở hữu súng nhiều hơn, và tốt hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Nhật Bản chỉ là một ví dụ nhỏ của sự bành trướng một dụng cụ công nghệ và dẫn đến chiến tranh. Điều này cũng xảy ra tương tự với một số vùng lãnh thổ và quốc gia khác.
Đối với mình, đây là một quyển sách khó đọc và khó thẩm thấu, nhưng không nhàm chán. Lượng thông tin và kiến thức rất nhiều và khiến mình cảm thấy choáng ngợp. Mình thấy khá đuối khi đọc phần cuối của quyển sách.
Bản thân mình thay đổi góc nhìn về thế giới mình đang sống. Hành tinh loài người mình đang sống theo góc nhìn của tự nhiên, thì chúng ta đang đi ngược. Bệnh tật và chiến tranh cũng là một phần hậu quả của phát triển nông nghiệp Dưới góc nhìn của đôi mắt lịch sử, chúng ta có thể nhìn lại và thấu hiểu được thế giới này vận hành và phát triển theo cái cách phi khoa học. Những kiến thức về vật lí, hoá học, thiên văn học không thể dự đoán tương đối chính xác thế giới 100 hay 1000 năm nữa như thế nào.