Gần đây, vụ em học sinh lớp 10 tự tử ở Nghệ An thu hút sự chú ý của tôi. Bình thường tôi ít dùng mạng xã hội và không theo dõi tin tức thường xuyên, nhưng vụ việc này khiến tôi có nhiều suy ngẫm về thời cấp 3 của chính mình ngày xưa và vai trò của những người làm giáo dục như tôi hiện tại.
Bản thân tôi cũng từng học chuyên Anh của một trường chuyên có tiếng ở tỉnh. Nhưng câu chuyện của tôi lúc đó khác với em N. vì tôi không phải đối diện với bạo lực học đường hay việc bị tẩy chay và đánh hội đồng. Đó là may mắn của tôi.
Tôi không nắm rõ nội tình câu chuyện của N. Những lời đồn thổi trên mạng vẫn cần điều tra và kiểm chứng. Nhưng có một điểm khiến tôi đau đáu, đó là trách nhiệm của người giáo viên trong vụ việc này. Đâu đó, tôi cảm thấy người giáo viên chủ nhiệm và nhiều thầy cô khác đã không làm đủ để cứu sống em.
Ban đầu, khi nghe chuyện, tôi có cảm giác tức giận vì sự thờ ơ và lãnh đạm của phía giáo viên và nhà trường. Nhưng nghĩ kỹ hơn, tôi nhận ra đây không phải là vấn đề của riêng giáo viên đó hay riêng ngôi trường chuyên ĐH Vinh Nghệ An. Thực ra nó có thể là vấn đề của toàn hệ thống giáo dục trường chuyên nói chung.
Tại sao tôi lại nói vậy? Để tôi giải thích. Đầu tiên phải khẳng định đây là quan điểm từ góc độ cá nhân của riêng tôi.
Bản thân tôi có mẹ là giáo viên trường chuyên. Tôi lớn lên trong khu nhà tập thể dành cho giáo viên chuyên. Tất cả hàng xóm nhà tôi đều là giáo viên chuyên. Năm lớp 10 tôi thi và đỗ thủ khoa vào chính trường chuyên nơi mẹ tôi công tác. Trong thời gian ở trường tôi cũng tham gia và giành giải ở nhiều kỳ thi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Các anh chị em trong nhà tôi đa phần cũng là học sinh chuyên.
Từ những trải nghiệm cá nhân này, tôi xin nói rằng hệ thống trường chuyên không được xây dựng để quan tâm đến sự phát triển toàn diện hay hạnh phúc của học sinh.
Về bản chất, trường chuyên là một môi trường cực kỳ khắc nghiệt và đề cao sự cạnh tranh hơn là sự hợp tác. Mục tiêu của nhiều trường là luyện được càng nhiều học sinh giỏi đạt giải càng tốt. Danh tiếng của trường và của giáo viên phụ thuộc vào số lượng giải thưởng và thành tích đầu ra của học sinh.
Nói một cách dễ hiểu, trường chuyên chính là kết tinh đỉnh cao của việc chạy đua thành tích - điều mà chúng ta luôn nói cần chống và phải chống, nhưng chưa từng thực sự chống. Và theo tôi, đây luôn là một sự thật đáng buồn, là một sai lầm cực lớn, chưa nói là một sai lầm "chết người" trong giáo dục.
Chính vì cái sự thật trên, việc các thầy cô giáo trường chuyên không quá quan tâm đến tâm tư nguyện vọng hay vấn đề tâm lý của học sinh là điều hết sức dễ hiểu. Thực ra họ chịu rất nhiều áp lực về thành tích của học sinh. Điểm số và thành tích đã chiếm hết tâm trí và thời gian của họ. Những cái khác chỉ là phụ, có cũng được, không có cũng được.
Tôi không nói tất cả các giáo viên trường chuyên đều như vậy. Tất nhiên luôn có những thầy cô rất tâm huyết, yêu thương và quan tâm học trò sát sao. Nhưng tôi đang nói hệ thống trường chuyên và những mục tiêu phi giáo dục của nó khiến các thầy cô khó lòng có thể thực sự làm chỗ dựa và nâng đỡ học sinh về mặt tinh thần.
Ngoài việc môi trường trường chuyên không ủng hộ cho điều đó, các thầy cô đa phần cũng thiếu kiến thức hay kỹ năng để thấu cảm và hỗ trợ học sinh. Tôi đã học 4 năm sư phạm, và chương trình sư phạm đó không hề dạy tôi về cách nhận diện hay đối diện với học sinh bị trầm cảm, cách xử lý các trường hợp bạo lực học đường, hay đơn giản là cách cảm thông với những học sinh yếu kém. Hoặc có thể những gì tôi được học quá lý thuyết, quá xa vời khiến tôi hoàn toàn không nhớ là đã từng được học.
Đương nhiên, mỗi người giáo viên đều phải tự học hỏi và phát triển kỹ năng qua kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng không phải ai cũng có thời gian nhìn lại mình, nhìn lại những thiếu sót của mình trong vai trò của một nhà giáo để bổ sung hay cập nhật những điều cần thiết.
Những vấn đề mà thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z thời nay gặp phải như các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, tự tử, với nhiều giáo viên thuộc thế hệ trước, là thứ họ không thể hiểu, không thể cảm, và vì vậy, chúng không tồn tại đối với họ.
Rất tiếc phải nói ra điều này. Bản chất giáo viên là một nghề làm việc với con người và đòi hỏi sự thấu cảm cực kỳ cao, đặc biệt trong thời đại VUCA (volatility, uncertainty, complexity, and ambiguity) hiện nay - một thời đại bất trắc, bất ổn, mơ hồ và phức tạp - như PGS. TS. Nguyễn Phương Mai gọi trong một bài viết về giáo dục của chị.
Tuy nhiên, bao nhiều phần trăm giáo viên Việt Nam nói chung, và giáo viên trường chuyên lớp chọn nói riêng được trang bị kỹ năng này? Nếu đã không được trang bị thì bao nhiều phần trăm tự trau dồi cho mình kỹ năng này? Tôi biết rất nhiều thầy cô xung quanh tôi đã và đang làm được điều này, nhưng nếu xét trên bình diện rộng của cả nước thì tôi không lạc quan cho lắm.
Có thể tôi đang có cái nhìn khá tiêu cực về tình hình giáo dục, hay nói cụ thể hơn là việc chăm sóc người học của nền giáo dục nước nhà. Có lẽ việc chứng kiến và đọc về những vụ việc học sinh liên tục tự sát hoặc bị giết ngay tại lớp học đã khiến tôi bi quan như vậy.
Với vai trò là một giáo viên và người quan tâm đến giáo dục, tôi không khỏi thấy buồn và lo lắng. Trong khi khái niệm "trường học hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc và học sinh hạnh phúc" được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trên truyền thông, dường như nó vẫn mãi dừng lại là một khẩu hiệu, một thứ xa xỉ không tưởng với quá nhiều học sinh, những em đang chết dần chết mòn dưới áp lực học hành, thi cử, trước cái nhìn lãnh đạm vô cảm của nhiều người lớn.
Dù đau lòng và buồn như vậy, tôi vẫn tin vào hành động hơn là việc ngồi không. Ai đó cần phải làm gì đó. Tôi cần phải làm gì đó trong khả năng của mình. Với tinh thần Be the change you want to see in the world, tôi đã và đang cùng một số giáo viên trường cũ của tôi lập kế hoạch cho một đợt tập huấn hè về "Nhà giáo dục hạnh phúc" để các thầy cô có cơ hội thấu cảm với chính mình, học cách thấu cảm với học sinh với những kỹ năng thiết thực nhất có thể.
Dù những gì chúng tôi đang làm và sẽ làm là nhỏ bé, tôi tin rằng nó có thể lan toả dần và mang lại những điều tích cực thực sự. Nếu các bạn đọc bài viết này, tôi mong các bạn cũng sẽ suy nghĩ và làm một điều gì đó, dù nhỏ đến đâu để thay đổi thực trạng này. Hi vọng rằng những nỗ lực đó sẽ làm bớt đi những đứa trẻ như em N. phải tự mình mua dây thừng treo cổ và ra đi trong sự bế tắc, tuyệt vọng cùng cực ở một độ tuổi lẽ ra là đẹp và rực rỡ nhất cuộc đời như vậy.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
P/s: xin đính kèm bài viết rất hay và ý nghĩa về giáo dục của PGS. TS. Nguyễn Phương Mai cho các bạn tham khảo: