Sự trở lại của điệp viên Trung Quốc(P4): Học được gì trong luật giao thông và những kỳ thi sát hạch lái xe của xứ sở tỷ dân?
Chào các bạn, một lần nữa, điệp viên 00... số, thường trú tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây. Tình hình là mình....bị sa thải và sắp...
Chào các bạn, một lần nữa, điệp viên 00... số, thường trú tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây. Tình hình là mình....bị sa thải và sắp phải cuốn gói về Việt Nam bởi viết quá nhiều thông tin mật ở bên này cho các bạn rồi... Buồn lắm, viết bằng tiếng Việt mà cũng lộ :((((
Thôi đùa đấy :D chả có vụ sa thải nào hết, tháng sau mình về Việt Nam thi bằng lái xe B2. Mà cái truyền kỳ thi lái xe chắc những bạn thi rồi sẽ tặc lưỡi, "úi dào, thi dễ như bóc kẹo", còn những bạn sắp thi hoặc chưa có ý định thi cũng thờ ơ "có gì mà ghê gớm". Đúng, chả có gì ghê gớm khi mấy gói chống trượt lý thuyết bây giờ căng như dây đàn sau phốt to như con bò mù chữ vẫn qua được kỳ thi sát hạch lái xe B2 . Báo chí cũng đang sốt sắng đưa tin sẽ thay đổi gói câu hỏi lý thuyết, và người thi bằng lái xe có thể bị trượt lý thuyết dù chỉ sai một câu.
Chẳng biết căng được bao lâu, nhưng hiện tại mấy gói chống trượt lý thuyết đã bị vô hiệu hóa. Mình cũng chắc là lướt news mỗi ngày, bạn sẽ thấy dăm ba cái bài báo về tai nạn do "xe điên", đâm liên hoàn trên đường phố, nữ" quái xế", đạp nhầm chân ga phi xuống sông Hồng, bla bla... Nghe thì như tấu hài, nhưng thực sự đây là tình trạng báo động đỏ cho luật giao thông cũng như những khe hổng lớn trong các kỳ thi sát hạch lái xe của nước nhà. Bỏ qua cơ sở hạ tầng đường bộ, ý thức tham gia giao thông, biết luật giao thông của người dân mới là thứ cần nâng cao. Vậy nâng cao như thế nào, cùng nhìn sang anh hàng xóm to đùng bên cạnh để học hỏi cái nha!
Đầu tiên, hệ thống giao thông của Trung Quốc được xây dựng theo chuẩn quốc tế, bố trí khoa học vững chắc. Tốc độ xây, sửa đường của họ thực sự rất đáng nể bởi những máy móc tiến bộ - các "quái vật sắt" như máy xây cầu, máy đào hầm, máy xếp đường ray có thể tiết kiệm sức người và thời gian vượt trội. Tham khảo thêm tại đây về máy móc của Trung Quốc nha.
Hệ thống giao thông ở Trung Quốc đa dạng từ đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường cao tốc, tất cả đều có để phục vụ nhu cầu đi lại, mua bán hàng hóa trong nước và nước ngoài. Hầu hết, đường sá ở Trung Quốc bằng phẳng, rộng và đẹp, hệ thống thu phí ở đây cũng rất hiện đại. Tất cả những điều này làm nên một Trung Quốc hiện đại, gọn gàng không có những cảnh chờ đợi, chen lấn vì bị tắc đường.
Nếu ở các nước khác, xe lửa được xem là khá mắc thì giá vé xe lửa ở Trung Quốc lại là một trong các phương tiện giao thông công cộng có giá rẻ nhất để đến các nơi có khoảng cách khá xa. Ngay cả Tây Tạng – là khu vực rất khó tiếp cận trên thế giới – cũng có thể đến thông qua tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng. Khách du lịch cũng đi đến Moscow (Nga), Ulan Bator (Mông Cổ), Hà Nội (Việt Nam) và Bình Nhưỡng (Triều Tiên) bằng các tuyến xe lửa quốc tế xuất phát từ Trung Quốc.
Tuy nhiên có một điều cần lưu ý là nhân viên trên tàu và sân ga ở Trung Quốc thường không biết nói tiếng Anh. Các bảng chỉ dẫn cũng không được viết bằng tiếng Anh. Nên mấy bạn mà không biết đọc tiếng Trung như mình cần phải cẩn thận để tránh trường hợp mua nhầm vé hay lên không đúng chuyến tàu cần đi :)))
Tàu điện ngầm chỉ được tìm thấy ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Nam Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến và Hồng Kông. Mặc dù các tuyến tàu điện ngầm vẫn chưa phát triển rộng rãi, nhưng đây cũng là một phương tiện giao thông công cộng ở Trung Quốc giúp khách du lịch đến các trung tâm thương mại dễ dàng hơn. Vì gần các khu trung tâm ở một số thành phố lớn thường có ga tàu điện ngầm.
Nếu bạn muốn hít thở bầu không khí trong lành, dạo quanh những điểm đến ở Trung Quốc 1 cách chậm rãi thì xe đạp là phương tiện được ưa chuộng hơn cả. Vào năm 1987, Trung Quốc đã có hơn 500 triệu chiếc xe đạp. Đối với người dân địa phương, xe đạp không chỉ dùng để đi dạo khắp nơi mà đó còn là cách tập luyện thể dục và nâng cao sức khoẻ.
Thứ hai, luật giao thông của Trung Quốc rất nghiêm. Mọi tuyến đường từ đường lớn đến hẻm nhỏ đều đặt rất rất nhiều camera, thậm chí ở công viên, các khu vực gắn camera đều ghi chú rõ ràng "bạn đang ở trong khu vực có camera theo dõi, hãy chú ý những hành động của mình". Trên mỗi chiếc xe có đến 6 chiếc camera được kết nối trực tiếp với trung tâm điều hành, cảnh sát, bộ phận cứu hộ... Các hành khách đi trên xe dứt khoát phải thắt dây an toàn và khi xe đã chuyển bánh không ai được rời khỏi ghế ngồi. Hành khách nào không chấp hành đều bị bác tài nhắc nhở rồi mới cho xe rời bến.
Trong suốt 3 năm ở đây, mình hiếm khi thấy có tai nạn trên đường, nếu có chỉ là va chạm nhẹ, gây xước xe, chứ hầu như không nguy hiểm đến tính mạng con người. Từ khi nhà nhà có ô tô, rượu bia ở Trung Quốc tiêu thụ được rất ít, bởi đã lái xe là không được phép uống bia rượu. Vì vậy, ở đây cũng không còn văn hóa ép rượu như ở Việt Nam mình nữa, còn một khi đã vui uống là phải bắt taxi hoặc có người đưa về.
Thứ ba, điều đặc biệt quan trọng không thể không kể đến là sự minh bạch trong các kỳ thi sát hạch lái xe. Kỳ thi sát hạch lái xe B2 trở lên của Trung Quốc được chia làm 4 kỳ, bao gồm 1 kỳ thi lý thuyết và 3 kỳ thi thực hành. Khác với 30 câu thi lý thuyết như ở Việt Nam, ứng viên thi sát hạch lái xe bên này phải vượt qua 90/100 câu mới đủ điều kiện thi tiếp vòng 2,3,4. Kỳ thi thực hành bao gồm 11 bài thi sa hình (2 kỳ liên tiếp) + thi đường trường + thi ứng xử khi gặp tình huống khẩn cấp hay tai nạn (kỳ 4).
Ứng viên sẽ phải nộp hồ sơ trước 3 tháng, tập thực hành tại các trung tâm dạy lái xe. Mỗi ứng viên có 1 mã số để tập luyện riêng, khi bạn lên xe, thầy giáo hướng dẫn bạn cũng nhập mã số của bạn để camera quét gương mặt và bắt đầu tính thời gian tập. Mỗi một buổi bạn được tập 1 tiếng, và phải liên hệ trước với giáo viên về lịch tập của mình. Song song với đó, bạn tải app học lý thuyết về để ôn luyện và tự thi thử trên app. App cũng sẽ link với số chứng minh thư nhân dân và mã số theo hồ sơ bạn đăng ký thi. Mỗi lần mở app học, app sẽ quét Face ID để theo dõi quá trình học của bạn. Không chỉ có các mục lý thuyết, các bài thi sa hình, biển báo và mẹo ôn tập, app còn có các videos của Bộ Giao Thông Trung Quốc hướng dẫn các bài thi thực hành và xử lý tình huống khẩn cấp trên đường bằng animation, có thuyết minh đầy đủ, sau mỗi video là các tóm tắt ý chính video vừa học. Mỗi video dài khoảng 40 phút và bạn phải HỌC HẾT. Sau khi quá trình học của bạn cho kỳ thi lý thuyết trên app đã đạt 100%, bạn nhận được lịch thi cho vòng chính thức kèm địa điểm, số báo danh tương ứng với nơi bạn đăng ký thi. Các địa điểm thi cho các vòng không giống nhau, thi lý thuyết ở trung tâm sát hạch lý thuyết riêng và thi thực hành ở trường thi thực hành riêng.
Như vậy, không ai có thể học hộ và càng không thể thi hộ bạn. Tất nhiên, đăng ký thi ở đây cũng có gói VIP, và gói VIP ở đây là gì? Là bạn được chọn giờ học thực hành với mô hình giáo viên 1:1, có 5 lần chống trượt trong cả gói lý thuyết. Tạch 1 lần, được thi lại lần tới tại điểm thi luôn, nhưng tự bạn thi, học chưa tốt thì phải thi lại nhiều lần cho đến khi qua thì thôi.
Ý thức chấp hành luật giao thông cũng là một cơ sở để chấm điểm công dân. Một công dân vi phạm luật giao thông ngoài bị phạt tiền hành chính, còn bị trừ điểm vào "điểm công dân". Không có bằng lái xe, mà cố ý điều khiển phương tiện sẽ bị phạt rất nặng, đây là hành vi không chỉ coi thường luật pháp mà còn coi thường tính mạng của người thân và chính mình.
Ở Trung Quốc, bằng lái xe có 12 ô, mỗi lần vi phạm sẽ bị cắt đi một ô. Nếu bằng lái nào bị cắt hết 12 ô thì không còn giá trị nữa. Trên đường đều có hệ thống camera giám sát chặt chẽ nên các vi phạm của lái xe đều được ghi lại chính xác. Đặc biệt, xe chở khách không được phép hoạt động từ 2 giờ đến 5 giờ sáng để tránh các trường hợp lái xe buồn ngủ. Lái xe cứ sau 2 tiếng chạy trên đường bắt buộc phải vào trạm nghỉ ít nhất 30 phút và cán bộ quản lý trạm nghỉ đó phải ký vào giấy xác nhận lái xe đó có vào nghỉ.
Quay trở lại câu chuyện thi bằng lái xe B2 ở nước mình, mình có đăng ký gói chống trượt với giá là xx triệu đồng, được hứa hẹn là "bao" lý thuyết, tức là lúc thi có người nhắc cho, chỉ việc học thực hành. Thực hành cũng sẽ được bao theo kiểu: nếu bạn tạch bài số 3 - lên dốc, bạn sẽ đóng thêm 5 triệu để được thi lại lượt nữa. Và các thầy đưa học viên đi thi cũng đã có thủ thuật "bao" mua chip trên xe. Ví dụ bạn ra trường thi trước 1,2 hôm, tập xe số 09 chẳng hạn, thì lúc thi bạn cũng sẽ được xếp thi xe số 09. Xe ấy sẽ có 1 vài tính năng mà xe thông thường khác không có, ví dụ trong lúc thi mà xe chết máy, thì chip vẫn không trừ điểm. Và muôn vàn hứa hẹn khác, rằng chỉ cần biết chữ là qua rồi, thậm chí lái quá yếu thầy có thể "lái hộ" trong lúc thi, với điều kiện học viên thi bài đầu tiên và bài kết thúc để camera chụp ảnh. Còn đến đây bạn nào hỏi làm sao mà thi hộ như thế được, thì gói này đóng xx triệu đồng, thầy sẽ ngả ghế ra để không ai để ý rồi thi hộ các bài số 2 đến 10 nha. Trường hợp này có nhưng không nhiều vì chi phí đắt và rủi ro cao.
Rất rất nhiều người đã có bằng lái xe theo các gói chống trượt mình đã liệt kê bên trên. Và mình không hề đánh đồng những người đã thi bằng đúng năng lực và sự tự học của bản thân. Nói vậy để thấy, sự lách luật trong thi cử, mang đến cái lợi trước mắt cho những người bận bịu, không có thời gian hoặc lười không học, nhưng lại đem lại hậu quả nguy hiểm khôn lường.
Không hiểu biết về luật giao thông, không thành thạo kỹ năng lái xe và xử lý tình huống khẩn cấp, đặc biệt là khi phụ nữ điều khiển. Lái xe luôn luôn cần sự bình tĩnh, bản lĩnh còn phụ nữ thì hay lúng túng khi có trường hợp đột xuất xảy ra. Mỗi lần cảnh sát giao thông tuýt còi hẳn nhiều bạn sẽ kêu "đen thế, lại gặp pikachu", nhiều bác tài sẽ" lại mất tiền rồi". Vì đâu mà chúng ta mất tiền? Vì mọi sự ngu dốt và thiếu hiểu biết đều phải trả giá bằng tiền mặt.
Giao thông luôn là một vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay. Hàng năm, táo Giao Thông lại phải giải trình một bản tấu sớ thật dài cho Ngọc Hoàng trong chương trình Táo quân. Bộ trưởng Giao thông liên tục bị réo tên ầm ĩ, người dân kêu ca về hệ thống hạ tầng, cảnh sát giao thông, những dự án dài gần như cả thập kỷ vẫn bỏ ngỏ... Vậy thay vì không ngừng kêu ca, chúng ta đã nghiêm túc học luật giao thông hay chưa? Hay chúng ta cũng từng vì vội nên vượt đèn đỏ, từng leo vỉa hè vì đường phố tắc quá lâu? Trộm nghĩ, cũng đến lúc chúng ta phải kiểm soát người dân về vấn đề học quy tắc tham gia giao thông, chặn đường các gói chống trượt lý thuyết, học thật thi thật bằng app học lái xe có quét mã khuôn mặt. Hoàn thành xong các bộ câu hỏi và video học lái xe mới được đi thi lý thuyết. Chăm chỉ làm ăn một vài năm thậm chí nhiều năm để mua được xe tham gia giao thông, vậy thì khó khăn gì mà không học thêm vài tháng luật để thi cho tốt?
Khi viết những series về cuộc sống ở Trung Quốc, mình luôn mong muốn đem lại một góc nhìn thân thiện và toàn diện hơn về bức tranh hiện thực của anh bạn láng giềng, những điều tốt hơn, hay hơn mà chúng ta có thể học tập. Mình cũng không bao giờ cổ súy văn hóa tự nhục "đấy, nhìn nước người ta thế, còn nước mình thì...", đừng bao giờ đổ lỗi cho chính quyền khi ở một quốc gia không còn chiến tranh đã là một hạnh phúc rồi. Nhìn sang Trung Quốc, vượt trội văn minh là thế, nhưng mọi hoạt động của người dân đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ. Vậy ai cũng nghĩ "ôi mình mất tự do quá", thì liệu họ có phát triển được như thế hay không? Tại sao chúng ta lại phản đối dự án "cấm xe máy ở Hà Nội", trong khi nó góp phần giảm ô nhiễm không khí lẫn ô nhiễm tiếng ồn và cả tai nạn giao thông? Mọi cải cách sẽ đều nhận được phản ánh trái chiều khi mới bắt tay vào thực hiện. Khi chúng ta cho nhau một cơ hội để chấp nhận và dung hòa với thứ mới, tự khắc sẽ thấy nó tốt hơn bởi đơn giản là: chất lượng cuộc sống thay đổi, khi bản thân chúng ta thay đổi...
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất