Cơn thịnh nộ, hay sự hận thù là một loại axit ăn mòn trái tim của một người. Khi tâm trí và linh hồn bị lấp đầy bởi sự giận dữ, thì con người không thể nhìn thấy hay lắng nghe những nhận định đúng đắn được nữa. Người cuồng nộ sẽ luôn có một lý do để biện minh cho sự bực tức của mình lên người khác thay vì thương lượng trong hòa bình. 
Và cơn thịnh nộ, sự bực tức hay nỗi thù hằn là điều mà nhân loại khó lòng mà tránh khỏi. 
Thánh John Cassian, một tu sĩ nổi tiếng của Cơ đốc giáo gọi nó là “Thuốc độc chết người”. Nó khiến cho tâm hồn của một Cơ đốc nhân trở thành “ngọn núi lửa”, đang chờ phun trào để trút bỏ những áp lực bên trong lên bất cứ thứ gì, và người hứng chịu điều đó sẽ là kẻ thù của họ.  
Phẫn nộ thường xuất hiện ở những người có tâm niệm báo thù. Từ sự thù ghét, nó có thể tạo nên những mối hận thù kéo dài hơn hàng thế kỷ. Và đó chính là những gì mà Vlad Tepes III, hay còn gọi là bá tước Dracula thực hiện để trả thù cho người thân của mình.

Hạt Giống thù hằn

Nếu sự tàn độc của Đát Kỷ - Trụ Vương đến từ Dục Vọng bản thân mà bộc phát, hay trong Marcus Licinius Crassus đại diện cho tội tham lam được kể trong hai video trước, thì giờ đây, sự thù hằn của ngài bá tước Vlad III là vì được nuôi cấy mà hình thành. Cụ thể là những người mà ông có chủ đích giết hại một cách vô cớ, có liên quan mật thiết đến cái chết của người thân ông mà chúng ta sẽ được biết sau đây. 
Để hiểu rõ tội thù hằn của Vlad III và những cuộc trả thù đáng sợ, thì chúng ta phải bắt đầu từ quá khứ, lúc ông còn nhỏ tuổi. Điều gì đã tạo nên nhân vật lịch sử đáng sợ này? 
Vlad Tepes III sinh năm 1431 ở Transylvania, Romania ngày nay. Ông là con thứ 2 của Vlad II Basarab, là con ngoài giá thú của nhà quý tộc Walachian, dưới triều đại Sigismund. 
Cũng cùng vào năm Vlad ra đời, cha ông được nhận vào “Order of the Dragon”, là một chế độ quân chủ của người Cơ đốc giáo được thành lập bởi nhà vua Sigismund. Đặc biệt, “Order of the Dragon” chỉ dành cho các quốc vương và quý tộc được tuyển chọn vào.
Và cha của Vlad III khi gia nhập hàng ngũ, ông đã được đặt cho danh hiệu là Dracul - nghĩa là “Đứa con của Rồng”. Và đây cũng là lý do vì sao sau khi Vlad Tepes III lên nắm quyền, thì người dân gọi ông là Dracula, nghĩa là con trai của Dracul.
Năm 1436, cha ông, ngài Vlad II được triều đình Sigismund phong làm thống đốc của, Walachia. Trái ngược với mong đợi của triều đình, Vlad II “tạo phản”, ông quay sang liên minh với vua Sultan Murad II của đế quốc Ottoman nhằm chiếm lấy Wallachian.
Năm 1442, Vlad II được triệu tập tới một cuộc họp ngoại giao với Sultan Murad II, ông đã mang theo hai con trai nhỏ của mình là Vlad III và Radu the Fair. Tuy nhiên, cuộc gặp mặt này đã được dàn xếp để bắt ông và hai người con làm con tin vì nghi ngờ lòng trung thành. Nhưng may mắn dù bị bắt làm con tin, Vlad III và em trai vẫn được học khoa học, triết học và nghệ thuật chiến tranh. 
Không lâu sau đó, tại Wallachia xảy ra một cuộc đảo chính được dàn dựng bởi các lãnh chúa địa phương Boyars đã lật đổ Vlad II Dracul. Năm 1447, Cha của ông bị giết trong đầm lầy gần Balteni, Wallachia. Người con trai lớn Mircea II của ông thì bị tra tấn, chọc mù mắt và cho chôn sống. Vlad III và Radu may mắn được giải thoát. 
Năm 1448, Vlad III thành công trong việc giành lại ngôi vương tại Wallachia cho dòng tộc từ tay vị vua mới, Vladislav II. Kể từ sau sự kiện này, Vlad III ngày càng trở nên nổi tiếng bởi những hình phạt hung tợn, thậm chí ông còn được đặt cho biệt danh là “kẻ đâm xuyên”.  
Một số học giả cho rằng, những gì đã xảy ra với gia đình mà ông đã chứng kiến đã dấy lên sự hận thù trong lòng, khiến hàng ngàn người chết chỉ vì liên quan đến các vương triều gây nên cái chết cho cha và anh mình. 
Vậy chuyện cụ thể là như thế nào?

Sự trừng phạt đẫm máu

Sau khi nắm được quyền hành, để củng cố quyền lực sau cuộc lật đổ chính quyền, và khẳng định vị thế của mình với danh xưng thống đốc, Vlad III biết rằng mình cần phải dập tắt những xung đột giữa Boyards tại Wallachia. 
Vlad III bắt đầu triều đại của mình bằng một cuộc đàn áp và răng đe hết sức tàn bạo. Ông đưa ra chính sách không khoan nhượng đối với tội lỗi nhỏ nhất, cụ thể là việc nói dối. 
Đối với hệ thống chính trị, ông lựa chọn cẩn thận những người dân thường, thậm chí là người nước ngoài vào các vị trí công với mục đích có thể sâu sát và nắm trọn quyền lực, nói cách khác thì tất cả phải hoàn toàn phụ thuộc vào ông. 
Với tư cách là một thống đốc, ông cho phép mình sử dụng quyền hành mọi lúc mọi nơi, ông có thể bổ nhiệm, bãi nhiệm và thậm chí là xử tử các quan chức của mình mà không cần bất kỳ sự góp ý hoặc cân nhắc nào từ cấp dưới. Theo ông thì đó là mệnh lệnh. 
Và khi đã có đầy đủ quyền lực trong tay, Vlad III đã có một kế hoạch báo thù các nhân vật cấp cao đã tham gia trong quá trình giết cha và anh trai mình. Năm 1459, ông tổ chức 1 buổi tiệc Phục sinh và cho mời 200 người cùng với gia đình của họ đến tham dự. Chính ngay trong buổi tiệc, ông đã đâm chết phụ nữ và người già. Ông cho xiên cọc từng người một rồi dựng đứng cây cọc ấy lên. Và đàn ông thì ông bắt giữ lại làm nô lệ lao động. Nhiều người trong số họ đã chết vì kiệt sức khi xây dựng lâu đài Poenari, một trong những nơi yêu thích của bá tước. 
Sau đó, ông tìm cách thay thế các nhà quý tộc Boyards của chính quyền trước bằng lực lượng kỵ binh ưu tú mới. Và đó chính là The Viteji mang ý nghĩa dũng cảm, bao gồm những người nông dân nổi bật trong chiến đấu và các Sluji, là binh đoàn của quốc gia. 
Loại bỏ dần những “kẻ thù địch” trong bộ máy chính trị, vị bá tước bắt đầu triệt tiêu những thành phần mà ông cho rằng là đồng minh cho kẻ thù của ông, những người Saxon. Họ hầu hết là các thương gia người Đức đến và định cư tại Transylvania vào thế kỷ 12 sau khi khu vực này bị Hungary thu phục. Tuy nhiên, bất chấp nghề nghiệp và việc họ có tham gia vào cái chết của cha và anh mình hay không, với Vlad III thì sự thù hằn là “lý lẽ” để từ đó tạo nên những cuộc giết hại đầy man rợ. 
Vào năm 1459, khi người dân trong thành phố Kronstadt của Transylvanian ủng hộ phe đối thủ của Vlad III, thì ngay lập tức số phận của họ còn hơn cả một thước phim kinh dị. 
Đầu tiên, ông đặt ra các hạn chế thương mại đối với người Đức Saxon ở Walachia. Bên cạnh đó ông còn cho đóng đinh 30.000 người. Theo trang nationalgeographic, vị bá tước này đã dùng bữa tối ngay giữa những chiếc cọc này để tận mắt chứng kiến những đau đớn của họ. Và một lần nữa sai quân thiêu trụi Kronstadt. Sau đó, ông trở lại Wallachia và trừng phạt những thương nhân Saxon vi phạm luật thương mại do ông đặt ra. 
Vlad III cũng tiến hành một số cuộc tấn công nhằm chống lại cộng đồng Công Giáo. Bá tước Dracula đã cho quân tấn công hủy diệt các thành phố Sibiu, Tara Barsei, Amlas và Fagara, buộc họ phải đầu hàng vào năm 1460. Theo giáo hoàng Puis II, Bá tước Vlad III đã giết khoảng 40.000 người Công Giáo. 
Cũng như cha mình, Vlad III cũng đã chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lần này kết cục có phần đau đớn và khốc liệt hơn. Và liệu khi thực hiện những điều này, Vlad III đã có nhớ về cha mình mà ra tay tàn nhẫn? 
Năm 1459, Mehmed II của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ cử sứ bộ đến Vlad III và cống nạp cho ông 10.000 ducat cùng với 300 chàng trai trẻ. Trong cuộc gặp mặt, các nhà ngoại giao đã từ chối tháo mũ của họ và giải thích rằng đó là phong tục tôn giáo. Nghe đến đây, bá tước đã đáp lại sự tận tâm này bằng cách đóng đinh những chiếc mũ đó trên đầu của hai nhà ngoại giao, để chúng gắn liền với họ mãi mãi. 
Một lần khác, năm 1461, người Thổ Nhĩ Kỳ lập kế phục kích Vlad, họ đề nghị được gặp ông để đàm phán hòa bình. Đáp lại mong muốn ấy, vị bá tước đã tấn công vào vùng phía Nam sông Danube của Thổ Nhĩ Kỳ. Một năm sau đó, Mehmed II, vị vua thứ 3 của vương quốc Ottoman đã tập hợp 90.000 binh lính cho tiến vào Wallachia. Về phần bá tước, ông đã cho xiên hơn 23.000 tù nhân lên cọc, bao gồm cả gia đình của họ rồi cho đóng các cọc này dọc theo tuyến đường của kẻ thù, bên ngoài thành phố Targoviste. Cảnh tượng này kinh hoàng đến nỗi Mehmed II, sau khi nhìn thấy “khu rừng” của người chết, đã rùng mình và cho rút quân trở lại Constantinople. Vậy điều này đáng sợ đến mức nào? 
Trong một ghi chép của nhà sử học người Pháp Matei Cazacu, ông đã viết rằng: “Những con chim đã làm tổ trong ruột của các thi thể ấy.”
Chưa hết, Vlad đã từng đề cập đến việc giết người Thổ Nhĩ Kỳ trong bức thư gửi cho vua Matthias I của Hungary. Ông kể rằng mình đã giết đàn ông, phụ nữ, cả người già, trẻ nhỏ và hầu hết là những nông dân Serbia theo đạo Cơ đốc và người Bulgari đã bị người Thổ Nhĩ Kỳ thu phục.
“Chúng tôi đã giết 23.884 người Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể đến những người bị chúng tôi đốt nhà hoặc những người Thổ Nhĩ Kỳ bị binh lính của chúng tôi chặt đầu”.
Và có lẽ quyền lực và sự thù hằn đã “châm dầu” cho những hành vi tàn nhẫn trên, từ đó, Vlad nghiễm nhiên xem chúng là một hình phạt thông thường và “giáng” xuống chính những người dân của mình.

Những quy luật khủng bố 

Trong quá trình trị vì tại Wallachia, bá tước Vlad vì muốn loại bỏ những người vô gia cư và những người ăn xin, những người mà ông ta xem là bọn trộm. 
Ông đã “mời” những người này đến dự tiệc, sau đó cho khóa cửa và thiêu sống tất cả. Với những người dân trong nước mình, ông ta đã tiêu diệt những người La Mã hoặc buộc họ phải nhập ngũ. Ông áp đặt gánh nặng thuế nặng lên người dân Đức và ngăn cản việc giao thương của họ nếu họ không trả tiền.
Vlad có lẽ đã tạo ra “cơn ác mộng” cho nhân loại, và vì thế người dân, cụ thể là các tầng lớp quý tộc đã “quay xe” và chuyển sang ủng hộ Radu, chính là người em trai của Vlad III. Radu nhờ vậy đã thu hút được sự ủng hộ của người dân Romania, những người đã quá mệt mỏi với Vlad III. Và điều này đã châm ngòi cho cái kết của vị bá tước tàn ác này. 

Cái kết cho vị bá tước Ma cà rồng 

Năm 1462, của cải và quân đội của Vlad III bắt đầu cạn dần, bá tước lúc này tìm đến vua Matthias I nhờ hỗ trợ; trái lại với kỳ vọng, ông đã bị vua Hungary bắt làm tù binh trong 12 năm. Khoảng năm 1475, Matthias I cử Vlad III đi chiếm lại vùng đất Wallachia và ông đã giành được chiến thắng đầu tiên vào tháng 11 năm 1476. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, Vlad thất bại và bị chặt đầu. Đầu ông đã được gửi đến Mehmed II ở Constantinople để treo trước cổng thành.