Nhiều người biết tới Nam Sudan qua quân mũ nồi xanh Việt Nam đang ở đó. Trong suy nghĩ (và thực tế) thì đa phần nghĩ Nam Sudan là quốc gia non trẻ trên thế giới, mới chỉ độc lập từ năm 2011, giờ đang chìm trong nghèo đói và xung đột.
Sự thật thì thời gian độc lập của một quốc gia không tỷ lệ thuận với quá trình đấu tranh của người dân quốc gia đó. Với những người quan tâm lịch sử châu Phi, cái tên Nam Sudan đã được biết đến trước cả khi nó xuất hiện trên bản đồ thế giới. Đó là vùng đất gắn liền với cuộc chiến giành độc lập dài nhất lịch sử châu Phi - hơn nửa thế kỷ. Không chỉ có lịch sử lâu dài, cuộc chiến độc lập của Nam Sudan còn chứa đựng những điều bất ngờ mà đến ngày nay vẫn chưa được công bố hết. Ví dụ như sự can thiệp của Liên Xô lẫn Israel, hay sự bức hại Đảng Cộng sản Sudan sau năm 1971,...

Nam Sudan độc lập năm 2011. Cùng năm đó Gaddafi ở Libya bị lật đổ. Có liên quan gì không??? Cùng đọc 2 phần bài viết này nhé.

Phần 1: Lịch sử Nam Sudan và Nội chiến Nam Sudan lần thứ Nhất (1955-1972).
1/ Sơ lược lịch sử Sudan tiền độc lập.
Đất nước Sudan từ nhiều thế kỷ đã bị nước láng giềng Ai Cập xâm chiếm và thôn tính. Nhưng cuối thế kỷ 19, sự can thiệp của các cường quốc châu Âu đã làm Ai Cập suy yếu. Tận dụng cơ hội này, Muhammad Ahmad, một thủ lĩnh Hồi giáo đã tự xung ''Chúa Cứu thế'', nổi dậy đánh đuổi cả quân Ai Cập lẫn quân Anh đang chiếm đóng Sudan. Muhammad Ahmad đã dẫn quân bao vây thủ đô Khartum, làm cả nước Anh chấn động. Tháng 1/1885, quân Sudan hạ được thành Khartum, giết chết viên tướng Anh thủ thành và giải phóng được đất nước khỏi tay Ai Cập.
Muhammad Ahmad - ''Đấng cứu thế'' lãnh đạo khởi nghĩa giành độc lập Sudan khỏi Ai Cập
Tuy nhiên, thủ lĩnh Muhammad Ahmad qua đời vì bệnh sau đó không lâu. Người thay ông Abdallahi ibn Muhammad, lại ảo tưởng mộng bá vương nên mang quân đánh sang các nước láng giềng. Đầu tiên, họ đánh sang Ethiopia thảm bại. Sau đó Sudan lần lượt thất trận trước các cường quốc châu Âu là Ý ở Eritrea, Bỉ ở Congo và trước chính người Anh trong cuộc Bắc tiến chinh phạt Ai Cập.

Việc Sudan bị suy yếu bởi chiến tranh đã thúc đẩy Anh-Ai Cập tái chiếm Sudan. Năm 1899, liên quân Anh-Ai Cập tấn công nước này. Sudan tan vỡ và một lần nữa chịu sự thống trị của nước ngoài. Nhưng để xoa dịu sự phản đối, lần này người Anh không cho Sudan sáp nhập vào Ai Cập và đặt dưới quy chế ''đồng trị'', tức là Anh cai trị Ai Cập thế nào thì Sudan bình đẳng như thế. Vậy nên năm 1936, khi quân Anh chấm dứt chiếm đóng Ai Cập, triều đình Ai Cập mới tái lập sự cai trị với Sudan. Từ lúc này, người ta hay coi Ai Cập và Sudan là một quốc gia.

Nhưng đến năm 1952, tướng Nasser làm cuộc cách mạng ở Ai Cập, lật đổ nền quân chủ để thiết lập nền Cộng hòa. Lúc này trên danh nghĩa, triều đình Ai Cập sụp đổ thì Anh vẫn có quyền cai trị với Sudan, dựa trên hiệp ước bảo hộ với Ai Cập. Vậy nên Nasser coi cách duy nhất để ngăn người Anh quay lại Sudan, là trao trả độc lập cho nước này để vô hiệu hóa hiệp ước giữa Ai Cập và Anh.

Sau một thời gian dài thỏa thuận, Anh và Ai Cập thống nhất cho Sudan tự quyết số phận mình. Đúng ngày năm mới 1/1/1956, lá cờ Ai Cập tại Cung điện nhân dân thủ đô Khartum được hạ xuống, chính thức mở đầu cho nước Sudan độc lập.


Ngày 1/1/1956, Sudan hạ lá cờ Ai Cập khỏi Cung điện Nhân dân Khartum, chính thức độc lập khỏi Ai Cập.
2/Xung đột Bắc-Nam Sudan.
Tuy nhiên, nước Sudan mới độc lập lại tồn tại hai vùng khác biệt nhau tương đối lớn. Ranh giới giữa 2 vùng này không đâu khác chính là ''Vĩ tuyến thứ 10 Bắc'', được coi là ''Vĩ tuyến ngăn cách Hồi giáo''. Đó chính là vĩ tuyến ngăn Malaysia, Indonesia với phần còn lại Đông Nam Á, ngăn người Hồi giáo Nigeria với phần còn lại đất nước,...và dĩ nhiên, ngăn cách hai miền Sudan.
Từ vĩ tuyến thứ 10 trở lên phía Bắc Sudan, là khu vực của người Hồi giáo. Nơi này chủ yếu là hoang mạc khô cằn, khắc nghiệt, nhưng một số vùng ven sông Nile lại có nông nghiệp phát triển, dẫn tới dân số đông. Năm 1960 miền Bắc Sudan có dân số 7,5 triệu trong khi miền Nam là 3 triệu người. Miền Bắc cũng có nhiều tài nguyên khoáng sản hơn miền Nam.

Miền Nam Sudan dưới vĩ tuyến 10, người dân chủ yếu là người da đen khác xa với miền Bắc. Họ theo tín ngưỡng truyền thống và Thiên chúa giáo. Địa hình ở đây phần lớn là đồng cỏ và xavan khô, chỉ thuận lợi cho chăn nuôi. Tài nguyên miền Nam ít hơn miền Bắc, và người dân cũng thường xuyên gánh chịu dịch sốt rét.

Ngay từ thời cai trị của người Anh, chính quyền cai trị đã có sự tách bạch 2 miền Sudan. Để bảo vệ truyền thống của các bộ lạc phía Nam, người Anh không cho truyền đạo Hồi từ miền Bắc. Những người miền Nam cũng phải chịu sự kiểm soát khi đi lên miền Bắc để hạn chế mang bênh sốt rét kinh niên rất khó chữa. Trong khi miền Bắc Sudan được cai trị như Ai Cập, miền Nam Sudan có quy chế như các thuộc địa Đông Phi của Anh như Uganda, Kenya,... Điều kiện giáo dục ở hai miền cũng khác nhau, với miền Bắc Sudan có trình độ cao hơn.

Với những khác biệt lớn như vậy, điều gì khiến các lãnh đạo Hồi giáo ở Bắc Sudan quyết tâm giữ lại vùng đất của ''những con khỉ da đen truyền sốt rét'' ở lại. Đó chính là vì một tài nguyên mang 3 chữ thần thánh "O-I-L'' hay ''D-Ầ-U''.

Miền Nam Sudan thua kém về cả nông nghiệp tài nguyên, nhưng lại có một tài nguyên đủ để lấn át các tài nguyên khác: dầu mỏ. Do cơ sở hạ tầng yếu kém lúc đó không cho phép Sudan phát triển nhanh công nghiệp, các mỏ dầu ở Miền Nam Sudan có thể cho phép thu lợi nhuận nhanh để phát triển nền kinh tế. Đó là con đường mà Libya, Arab Saudi,...đã đi lúc đó.

Và để miền Nam Sudan không dám tách khỏi, các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở Bắc Sudan đã có một biên pháp phải nói là xuất sắc: xây toàn bộ các nhà máy lọc dầu ở phía Bắc vĩ tuyến 10. Điều đó có nghĩa là miền Nam Sudan không thể tự lọc được dầu mà phải đưa lên phía Bắc. Điều này nhằm gieo rắc suy nghĩ cho người dân Nam Sudan không muốn tách khỏi Sudan, bởi tách ra thì nền kinh tế của họ sẽ không còn gì cả.
Bản đồ 2 miền Sudan với vị trí các mỏ dầu và đường ống dẫn dầu.
Tuy nhiên, ''không có gì quý hơn độc lập tự do''. Người Nam Sudan biết rõ điều này, và bất chấp việc phải mất đi các nhà máy lọc dầu ở miền Bắc, họ vẫn đứng lên chiến đấu để làm công dân một đất nước độc lập, hoặc chí ít là không bị áp đặt luật Hồi giáo Sharia khắc nghiệt từ miền Bắc.

3/ Nổi dậy Any-anya và sự can thiệp của nước ngoài vào Nam Sudan
Từ năm 1955, từ trước khi Anh trao trả độc lập cho Sudan, một số sĩ quan, binh lính người Nam Sudan đã phản đối ý định thống nhất với miền Bắc và nổi dậy chống lại. Giai đoạn này dù không có chiến sự lớn, nhưng người ta vẫn coi là mở đầu cho phong trào kháng chiến vũ trang ở Nam Sudan.
Từ nòng cốt là những binh lính chống đối từ năm 1955, bắt đầu từ năm 1962 đã hình thành các nhóm ly khai có tổ chức chiến đấu chống lại chính phủ trung ương Sudan mà họ cho là những kẻ chiếm đóng. Các binh sĩ nổi dậy này không có một đảng phái hay quân đội thống nhất nào, nhưng người dân Nam Sudan gọi họ với cùng một cái tên là ''Anya-nya'', lấy theo tên một loài rắn ở Nam Sudan. Sự hình thành của quân du kích Anya-nya đã bắt đầu giai đoạn chiến đấu ác liệt của Nội chiến Sudan lần thứ Nhất, gọi là ''Loạn Anya-nya''.
Truyền đơn của du kích Anya-Nya: ''Một dân tộc đấu tranh cho sự sống còn chống lại Quân đội đế quốc Arab và cố vấn Liên Xô cho một thế giới công bằng
Vào lúc đỉnh cao của mình, các du kích Anya-nya có 10.000 quân. Vùng hoạt động của họ chủ yếu ở hai tỉnh là ''Thượng sông Nile'' và ''Bahr el Ghazal'', trong khi thủ đô Juba và các đô thị lớn khác vẫn bị quân chính phủ Sudan kiểm soát. Do quân đội Sudan lúc đó không thực sự mạnh, họ chỉ tập trung bảo vệ các thành phố và mỏ dầu quan trọng, nhường lại vùng nông thôn cho quân Anya-nya. Vì vậy mà vùng tại các vùng nông thôn Nam Sudan giai đoạn này, quân Anya-nya thoải mái xây dựng căn cứ, thiết lập được cả đội ngũ bác sĩ chữa bệnh sốt rét cho người dân mà không lo bị quân chính phủ Sudan tấn công.
Bác sĩ đang khám bệnh trong căn cứ du kích Anya-Nya
Hướng dẫn phẫu thuật trong căn cứ du kích
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1965 một sự kiện ở nước ngoài đã diễn ra ảnh hưởng lên tình hình Nam Sudan. Khủng hoảng ở Congo dẫn đến cuộc nổi dậy của những người Cộng sản tự nhận mình là ''Simba'' ở miền Đông Congo. Vào lúc đó, Congo là điểm ''nóng nhất của Chiến tranh Lạnh'', với cả quân đội Mỹ, Bỉ lẫn Liên Xô, Cuba đã xuất hiện trên lãnh thổ Congo. Từ năm 1961, chính phủ của Thủ tướng Lumumba của Congo đã mời 2000 cố vấn Liên Xô đến nước này. Đến năm 1965 khi thủ tướng Lumumba bị sát hại và những người Cộng sản Congo nổi dậy ở miền Đông, Che Guevara cùng hàng trăm binh lính Cuba đã đến Congo để hỗ trợ. Để tiếp viện cho cuộc chiến này, quân đội Liên Xô đã có một kế hoạch chung với chính quyền Sudan thiết lập một căn cứ hậu cần ở miền Nam Sudan cho các lực lượng đang chiến đấu ở Congo.

Thực hiện kế hoạch này, các đoàn xe của quân đội Liên Xô từ năm 1964 đã đi qua lãnh thổ Nam Sudan để đến Congo. Một cầu không vận cũng được thiết lập ở sân bay ở thủ phủ Juba của Nam Sudan. Tuy nhiên, kế hoạch này có vẻ đã bị tình báo một số nước phát hiện. Ít nhất là CIA của Hoa Kỳ và Mossad của Israel đã nhận thấy sự xuất hiện của cố vấn và vũ khí Liên Xô ở Nam Sudan. Vì vậy năm 1965, một kế hoạch đã được lập ra giúp quân nổi dậy Anya-nya tấn công các đoàn xe Liên Xô để họ tự kiếm vũ khí cho mình. Một kế hoạch khác nhằm theo dấu các đoàn xe Liên Xô cũng đã cung cấp cho lực lượng chính phủ Congo vị trí chính xác của các căn cứ quân Simba, và nhờ vậy họ tấn công có hiệu quả.

Cuối năm 1965, một phần nhờ các cuộc tấn công của Anya-nya, cuộc nổi dậy Simba ở Congo đã bị đánh bại. Tất cả các lực lượng nước ngoài, kể cả châu Âu hay lực lượng Cuba (có cả Che Guevara) và Liên Xô đều phải rời khỏi Congo. Cùng với đó, các cố vấn Liên Xô cũng rời khỏi Nam Sudan để trở về Ai Cập. Sự có mặt ngắn ngủi của các cố vấn cùng vũ khí Liên Xô ở Nam Sudan đã có tác động làm tăng các cuộc tấn công của du kích Anya-nya, và cũng để một số lượng lớn vũ khí rơi vào tay các du kích này.
Tranh vẽ trên truyền đơn của du kích Anya-nya về hoạt động quay phim tuyên truyền của cố vấn Liên Xô-Đông Đức (chữ viết xấu quá đọc không ra :v)
Tuy nhiên, sau khi các cố vấn Liên Xô rút đi, vẫn còn lại các điệp viên nước ngoài ở Nam Sudan. Những hoạt động này đến nay vẫn còn là bí mật chưa được công bố, nhưng có ít nhất 2 trường hợp cá nhân của các điệp viên hỗ trợ cho quân du kích Anya-Nya.
Đầu tiên là trường hợp của Rolf Steiner - một lính đánh thuê Đức từng tham gia nhiều cuộc chiến ở châu Phi. Rolf Steiner được các điệp viên mua chuộc để đến Nam Sudan hỗ trợ quân du kích Anya-nya chống lại chính phủ Sudan. Rolf Steiner đã ở đó trong hơn 2 năm, giúp đỡ lớn trong việc hỗ trợ du kích Anya-nya và thậm chí còn giúp họ xây một sân bay dã chiến. Rolf Steiner thường xuyên đi qua đi lại giữa Nam Sudan và nước láng giềng Uganda, nhưng trong vào năm 1971, Rolf Steiner không may đi qua Uganda trong lúc nước này đang hỗn loạn sau khi nhà độc tài Idi Amin lên nắm quyền. Rolf Steiner bị chính quyền Idi Amin bắt giữ và sau khi phát hiện ông là lính đánh thuê, họ trao ông cho chính phủ Sudan ở Khartum.
Rolf Steiner - lính đánh thuê Đức trong hàng ngũ du kích Anya-Nya
Rolf Steiner cùng các du kích Anya-nya làm nghi lễ truy điệu cho các du kích hy sinh
Vụ bắt giữ Rolf Steiner gây chấn động thế giới lúc bấy giờ. Chính phủ Sudan coi Rolf Steiner là bằng chứng cho thấy tình báo các nước phương Tây đang hỗ trợ quân ly khai Nam Sudan chống lại chính phủ Khartum. Một đoàn làm phim Đông Đức đã đến Sudan, quay cảnh ''nhận tội'' của Rolf Steiner. Tháng 1 năm 1979, tòa án Sudan đưa Rolf Steiner xét xử tội gián điệp và kết án tử hình. Nhưng do sự can thiệp của Tây Đức, Rolf Steiner được ân xá sau 3 năm giam giữ. Trở về Đức, Rolf Steiner viết lại hồi ký trong thời gian ở Nam Sudan, cung cấp một nguồn tài liệu hiếm hoi về những gì đã diễn ra ở Nam Sudan trong thời gian đó.

Phiên tòa xét xử Rolf Steiner ở Sudan năm 1971, quay bởi các nhà báo Đông Đức.
Thứ hai là trường hợp của David Ben-Uziel, một điệp viên Mossad kỳ cựu đã ở Nam Sudan công khai từ năm 1969 đến 1972. Hoạt động của ông được ghi lại rất rõ trong cuốn A ''Mossad Agent In Southern Sudan: 1969-1971 An Operation Log'' - bán trên Amazon, vậy nên bạn nào có điều kiện có thể đọc cuốn này. Ít nhất thì nó cũng cho biết tình báo Israel đã đóng vai trò khá lớn trong việc hỗ trợ du kích Anya-nya ở Nam Sudan.

David Ben Uziel (giữa) -điệp viên Mossad của Israel hỗ trợ du kích Anya-Nya ở Nam Sudan
4/ Cuộc đảo chính 1971 ở Sudan - chấm dứt nội chiến Sudan lần 1 và sự bức hại Đảng Cộng sản Sudan.
Trước năm 1971, chính quyền trung ương Sudan ở thủ đô Khartum được chia sẻ quyền lực giữa các nhóm khác nhau. Trong số này Đảng Cộng sản Sudan, lúc đó là Đảng Cộng sản lớn nhất trong thế giới Arab kể từ sau khi Đảng Cộng sản Iraq sụp đổ năm 1963, chiếm phần lớn nhất. Tuy nhiên, đứng đầu chính phủ Khartum lại là Tổng thống Jaafar Nimeiry, một người theo Chủ nghĩa Xã hội Arab như Nasser của Ai Cập. Với thành phần chính phủ như vậy, chính phủ Sudan nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô tương đương như Ai Cập. Để dễ hình dung thì các bạn cứ nghĩ Liên Xô ''support'' cho Ai Cập như thế nào trong Chiến tranh 6 ngày thì Sudan ít nhất cũng bằng như thế. Chỉ có điều cố vấn Liên Xô ở Sudan không được đến Nam Sudan do lo ngại có thể trở thành mục tiêu bắt cóc của du kích Anya-nya ở Nam Sudan.

Nhưng từ năm 1971, thất vọng với các chính sách của chính quyền Jaafar Nimeiry với cuộc chiến Nam Sudan, những người Cộng sản trong chính quyền Khartum đã lên kế hoạch đảo chính, đưa Sudan trở thành nhà nước độc đảng như mô hình Liên Xô, tách khỏi thế giới Arab. Ngày 19/1/1971, một nhóm sĩ quan Cộng sản trong quân đội do Thiếu tá Hashem al Atta đã làm đảo chính, tuyên bố thành lập chính phủ Cộng sản mới cho Sudan. Hai thành viên khác là Babiker Al Nour và Farouk Osman Hamdallah lên máy bay đến London, Anh để thông báo với quốc tế về chính phủ mới, do liên lạc quốc tế giữa Sudan và nước ngoài gặp vấn đề.
Hashem al Atta - lãnh tụ Cộng sản Sudan trong cuộc đảo chính năm 1971 ở Sudan
Cuộc đảo chính của những người Cộng sản ở Sudan đã làm bất ngờ cả thế giới, thậm chí cả Liên Xô cũng không biết về kế hoạch này của Hashem al Atta, vì thế đã không kịp hỗ trợ. Ngược lại, ngay khi tin tức đảo chính ở Sudan lan ra, các nước Arab là Libya và Ai Cập đã nhanh chóng phản ứng. Các lực lượng quân đội Ai Cập ở phía Nam giáp Sudan đã được lệnh sẵn sàng can thiệp. Còn ở Libya, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã cho chiến đấu cơ chặn đầu máy bay chở 2 thành viên chính phủ Cộng sản Sudan là Babiker Al Nour và Farouk Osman Hamdallah đang bay sang London. Máy bay buộc phải hạ cánh xuống Libya và bị quân của Gaddafi bắt giữ.

Lúc đó, liên lạc với bên ngoài của Sudan đã bị cắt đứt. Ngày 22/1/1971, Thiếu tá Hashem al Atta ra sân bay Khartum đón máy bay của Babiker Al Nour và Farouk Osman Hamdallah mà không hề biết rằng họ đã bị Gaddafi bắt giữ. Cũng trong ngày hôm đó, các lực lượng trung thành với Tổng thống Jaafar Nimeiry đã phản công đánh về thủ đô Khartum. Cuộc phản công thắng lợi và chính phủ Cộng sản Sudan sụp đổ chỉ sau 3 ngày.

Ngày 23/1/1971, máy bay của Libya chở 2 thành viên Babiker Al Nour và Farouk Osman Hamdallah của Đảng Cộng sản Sudan về đến thủ đô Khartum. Tại đây sau một phiên tòa nhanh, các Thiếu tá Hashem al Atta, Babiker Al Nour, Farouk Osman Hamdallah cùng 6 thành viên khác bị xử tử tại chỗ bằng súng trường, kết thúc cuộc đảo chính năm 1971.
Hashem al Atta thản nhiên khoanh tay trước họng súng của quân đội trung thành với chính phủ Sudan - sau thất bại của cuộc đảo chính 1971
Theo sau cuộc đảo chính này, là một cuộc bức hại Đảng Cộng sản Sudan với quy mô lớn nhất Thế giới Arab kể từ sau sự đàn áp Đảng Cộng sản Iraq của Saddam Hussein. Hàng chục nghìn Đảng viên Cộng sản Sudan đã bị bắt giữ, tra tấn và sát hại. Đảng bị cấm hoạt động và mọi thành viên của Đảng trong chính phủ đều bị sa thải. Như vậy là sau khi Đảng Cộng sản Iraq bị Saddam Hussein lật đổ năm 1963, sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Sudan năm 1971 được coi như chấm dứt mọi sự phát triển của phong trào Cộng sản trong thế giới Arab.

Bên cạnh việc chấm dứt Đảng Cộng sản Sudan, cuộc đảo chính năm 1971 còn có các tác động quốc tế khác. Sudan sau năm 1971 đã trục xuất các cố vấn Liên Xô, Đông Đức,...về nước và xích lại gần hơn với các nước Arab như Ai Cập, Libya, Arab Saudi,...Và tác động quan trọng nhất, là nó đã trực tiếp chấm dứt Nội chiến Sudan lần 1. Sau năm 1971, để đối phó với các rối loạn trong nước, chính phủ trung ương Sudan đã quyết định đàm phán hòa bình để tạm ngưng cuộc chiến dai dẳng ở Nam Sudan.

Quyết định này được cả các nước Arab lẫn châu Phi đánh giá cao. Năm 1972, tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, các lãnh đạo của chính phủ Sudan - Tổng thống Jaafar Nimeiry và lãnh đạo du kích Nam Sudan - tướng Joseph Lagu đã ký hiệp định hòa bình lịch sử, chấm dứt Nội chiến Sudan lần 1. Theo Hiệp định Addis Ababa, miền Nam Sudan trở thành ''Khu tự trị Nam Sudan'', có chính phủ cai trị và luật pháp khác biết với phần còn lại của Sudan, mà quan trọng nhất là Luật Sharia khắc nghiệt của Đạo Hồi sẽ không bị áp đặt vào miền Nam Sudan. Các tay súng du kích Anya-nya được giải giới và gia nhập quân đội Sudan.
Joseph Lagu - thủ lĩnh du kích Anya-nya ở Nam Sudan
Thỏa thuận Addis Ababa năm 1972 đã chấm dứt một cuộc chiến đẫm máu đã làm nửa triệu người Nam Sudan thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải rời bỏ nhà cửa. Sau năm 1972, Sudan đã có một thời gian thống nhất và hòa bình trong 10 năm, với việc khai thác dầu mỏ chung đã giúp đất nước Sudan đạt được sự thịnh vượng nhất định. Những năm 1980, Sudan từng có hy vọng trở thành ''Libya thứ 2'' với nguồn lợi to lớn từ dầu mỏ. Nhưng một quyết định tai hại của Tổng thống Jaafar Nimeiry năm 1983 đã phá hỏng tất cả, và đẩy Sudan vào cuộc chiến còn dai dẳng và đẫm máu hơn rất nhiều sau đó. Những sự kiện này sẽ được kể ở phần sau của bài.

(Hết phần 1).

Tham khảo:
-The Sudanese Communist Party: Ideology and Party Politics.
-“One People, One Struggle”: Anya-Nya propaganda and the Israeli Mossad in Southern Sudan, 1969–1971