Vũ khí du hành thời gian do Đức Quốc xã chế tạo giờ ở đâu?
Vũ khí tuyệt mật này có tên là Die Glocke hoặc Nazi Bell. Tất cả các nhà khoa học chế tạo ra thiết bị này đều bị Đức Quốc xã sát hại vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai.
Chuông Đức Quốc xã (Nazi Bell, Die Glocke) được cho là một vũ khí công nghệ tuyệt mật của Đức Quốc xã. Nó được mô tả lần đầu tiên bởi nhà báo - tác giả người Ba Lan Igor Witkowski trong cuốn “Prawda o Wunderwaffe” (xuất bản năm 2000).
Sau đó, câu chuyện về Chuông Đức Quốc xã đã được nhà báo - tác giả Nick Cook truyền bá rộng rãi qua cuốn “The Hunt for Zero Point” (xuất bản năm 2001), ông đã liên kết nó với các giả thuyết và các thuyết âm mưu như:
- Chủ nghĩa huyền bí phát xít (truyện Hellboy là một ví dụ).
- Đàn áp năng lượng mới (chính phủ và các nhóm lợi ích liên kết với nhau tiêu hủy những khám phá về nguồn năng lượng chi phí thấp như: động cơ vĩnh cửu, động cơ chạy bằng nhiên liệu nước…).
- Nghiên cứu phản trọng lực (giả thuyết tạo một vật thể, như đĩa bay, không chịu tác dụng của lực hấp dẫn).
- Cỗ máy du hành thời gian, teleport.
Cook mô tả chiếc chuông là "một thiết bị quay, phát sáng" có các tính năng như phản trọng lực, du hành thời gian… Ông cũng nói rằng tất cả các nhà khoa học tạo ra chiếc chuông này đã bị Đức Quốc xã sát hại vào cuối cuộc chiến, còn chiếc chuông đã được cất giấu ở một nơi nào đó.
Sự thật là...
Tác giả Witkowski kể rằng ông đã đọc được thông tin về Chuông Đức Quốc xã trong một "tài liệu tuyệt mật" nào đó được viết bởi một điệp viên Ba Lan nào đó thẩm vấn một viên sĩ quan Đức Quốc xã nào đó... Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy viên sĩ quan ấy, điệp viên ấy hay tài liệu tuyệt mật ấy từng tồn tại, bản thân Witkowski cũng chẳng cung cấp được bằng chứng gì.
Sau đó, câu chuyện Chuông Đức Quốc xã đã được các tác giả khác thêm mắm dặm muối để cuối cùng ra cái hình như trong ảnh trên. Hoàn toàn không có bản ghi chép nào từ các bên trong cuộc chiến, thậm chí là ám chỉ đến sự tồn tại của bất kỳ thứ gì gần giống nó.
Các nhà phê bình chính thống đã chỉ trích những thông tin về Chuông Đức Quốc xã là ngụy khoa học, đồn đại, trò bịp.
Gần đây, năm 2017, nhà sử học Eric Kurlander đã bàn về chủ đề này trong cuốn sách của ông về Chủ nghĩa huyền bí phát xít “Hitler's Monsters: A Supernatural History of the Third Reich”. Ông cho rằng nó “bắt nguồn từ cái kho thuyết âm mưu sau chiến tranh” và “chủ yếu dựa vào các ghi chép giật gân trộn lẫn với văn học giật gân đương đại, kể một nửa sự thật rồi hư cấu thêm.”
Nhà phê bình Kurt Kleiner của trang Salon nhận định: “Đó là một câu chuyện lợi dụng sự cả tin. Khi ta mua một cuốn sách, trừ khi ta thích những tiếng cười rẻ tiền, chứ không thì ta hy vọng tác giả sẽ kể ra một câu chuyện hợp lý, cẩn trọng và thuyết phục. Cook không phải là tác giả kiểu này.” Kleiner chỉ trích việc làm của Cook là “gom những chi tiết mâu thuẫn, kỳ quặc, mơ hồ để đưa ra làm bằng chứng”, và kết luận rằng “bài học mà cuốn sách mang lại cho chúng ta là thấy được cái cách mà các thuyết âm mưu hấp dẫn được con người”.
Tác giả theo chủ nghĩa hoài nghi Robert Sheaffer đã chỉ trích cuốn sách của Cook là "một ví dụ kinh điển về cách bịa ra một câu chuyện thú vị mà hầu như chẳng có căn cứ gì. Ông ta đã đến thăm những nơi mà người ta đồn từng là trung tâm nghiên cứu bí mật về UFO, phản trọng lực... và viết về những gì mà ông ta cảm nhận và tưởng tượng ra, mặc dù ông ta không phát hiện ra điều gì hữu hình hơn những lời đồn đại vô căn cứ." Sheaffer cũng lưu ý rằng thông tin về Chuông Đức Quốc xã được lan truyền bởi các nhà nghiên cứu UFO và các tác giả theo thuyết âm mưu như Jim Marrs, Joseph P. Farrell, và người cổ súy thuyết phản trọng lực John Dering.
Tác giả - nhà sử học Robert F. Dorr mô tả Chuông Đức Quốc xã là một trong những “thuyết âm mưu giàu trí tưởng tượng nhất” nảy sinh trong những năm sau Thế chiến thứ hai, và là điển hình cho những tưởng tượng về vũ khí ma thuật của Đức Quốc xã – những thứ thường được phổ biến trên các tạp chí lá cải như The Police Gazette.
Chuông Đức Quốc xã và những “vũ khí ma thuật” khác của Đức Quốc xã đã được kịch tính hóa trong game, truyện tranh, tiểu thuyết, phim ảnh… thậm chí là trong một quyển sách tâm linh ở Việt Nam.
(Bài tham khảo từ nguồn Wikipedia)
Một số bài viết liên quan đến cuốn Luật tâm thức:
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất