thông cảm vì tác giả quá lười, mới hồi phục sau Corona, nên mãi mới có phần 2
___

2) Ác quỷ:

Ngày nay, những người theo Kitô giáo trên toàn thế giới đều có quan niệm rằng ác quỷ là những nhân vật có nhân dạng như sau: có sừng, tay cầm một cây đinh ba, thỉnh thoảng có cánh dơi, thỉnh thoảng có đuôi nhọn, thường có da màu đỏ. Đó là hình tượng được gán cho Lucifer. 
bức tượng Satan tại trường Harvard
Tín đồ Kitô giáo trên toàn thế giới có xu hướng cùng nhau chửi bới miệt thị Lucifer. Trong khi đó, một đám đông khác lại khó chịu với sự miệt thị này cùng với sự tôn thờ Thiên Chúa của cánh Kitô giáo, nên họ quay sang tôn thờ Lucifer. Satan giáo đã trở thành một thứ “mốt” trong giới trẻ trên thế giới, và người ta đã đặt một tượng Satan vào trong khuôn viên trường Harvard rồi gọi đó là Lucifer. Thực ra, hai đám người thù địch ấy đều thiếu hiểu biết và hiểu sai bản chất. Trước tiên ta phải truy về các kinh điển cũ.  

a. Se’irim - שע י רי ם và Shedim - שֵׁדִים

Kinh Tanakh của người Do Thái cổ chỉ nhắc đến hai loại ác quỷ, là se’irim và shedim. Nhất là trong suy nghĩ của người Do Thái sau này, đại diện bởi Targumim và có thể gồm cả 3 Baruch, cùng với bản dịch của các kinh thánh Hebrew như Peshitta và Vulgate, các Se'īrīm được hiểu như quỷ. 
ảnh minh họa Se’irim


Se’irim nghĩa là “kẻ lông lá” trong tiếng Do Thái (tương đương với Satyr - σάτυρος hay Silenos - σειληνός trong thần thoại Hy Lạp; ngoài ra Se’irim cũng đã được so sánh với Jinn - جن của tiền Hồi giáo Arabia - Pre-Islamic Arabia - شبه الجزيرة العربية قبل الإسلام ). Từ này ám chỉ những đối tượng có dạng sinh vật lông lá, có sừng, như cừu và dê, mà một bộ phận dân Do Thái thờ làm thần linh trong thời điểm mà các kinh điển được sáng tác. Các Se’irim được thờ ở các bàn thờ lộ thiên, trong những nghi lễ bao gồm các điệu nhảy và các hành vi hoang dã. Các tôn giáo này khá giống với các tôn giáo phù thủy được miêu tả trên phim ảnh, họ dùng bùa chú và tôn thờ sức mạnh tình dục cũng như quyền năng phép thuật. Những người soạn sách kinh điển thời ấy nhất trí với nhau rằng như thế là không tốt. 
 Shedim

tượng Lamassu
Shedim là một đối tượng khác được một bộ phận dân Do Thái tôn thờ. Từ này được cho là bắt nguồn từ chữ Shedu (chữ nêm khắc có ký hiệu là 𒀭𒆘 , đây là tiếng Akkadian của người Sumerian) là một từ đồng nghĩa để chỉ Lamassu - 𒀭𒆗 (đôi khi còn được gọi là Lamassus) (Lưu ý: đây khác với Lamashtu - nữ quỷ trong Thần Thoại Lưỡng Hà). Đây là một vị thần hộ mệnh của người Assyria cổ. Lamassu có dạng một con bò đực (hoặc sư tử) có đầu người, có râu rậm và có cánh chim. Như vậy, Shedim ít nhiều có liên quan đến tín ngưỡng thờ bò vàng đầy tính thực dụng mà Moses đã lên án.
Điểm chung giữa việc thờ Se’irim và Shedim của các sắc dân xung quanh là các phù thủy đều đem những phép thuật tâm linh tạo ra những kết quả vật chất, chẳng hạn như gây dựng tích lũy tiền bạc, hoặc nguyền rủa ai đó tới chết. Điều này hoàn toàn trái với hệ thống lề luật của Moses: để giữ được sự tinh khiết, sạch sẽ, dân Do Thái phải từ chối những cám dỗ về mặt vật chất.
Như vậy, các khái niệm ban đầu này mở ra cho ta những quan niệm sơ khởi của dân Do Thái về ác quỷ. Ác quỷ, cả Se’irim lẫn Shedim đều là các thần linh ngoại giáo được dân Do Thái mang về thờ; và những người lãnh đạo dân Do Thái cổ như Moses tin rằng sự thờ phụng những vị thần này sẽ khiến họ trở nên hư hỏng, lạc lối.

b. Demon (tiếng La Tinh: Daemon/Daemonium) 

Khi tôn giáo Do Thái thông qua Jesus được truyền rộng ra thế giới nói tiếng Hy Lạp cổ, trong những nhánh Kitô giáo cổ xuất hiện một đối tượng ác quỷ khác, được gọi là Demon.
Xuất phát từ chữ δαίμων (Daimon) trong tiếng Hy Lạp, hoặc chữ δαιμόνιον (Daimonion) trong Cựu ước Hy Lạp - Septuagint. Có nghĩa là chia nhỏ, chia cắt, phân chia, chia chác (do liên quan đến động từ tiếng Hy Lạp daiesthai - chia, phân phối). Ngay từ ban đầu Daimon không mang ý nghĩa tiêu cực mà mang ý nghĩa là một thần linh hay quyền lực thiêng liêng (tương tự như từ Genius-thiên tài). Từ Divide trong tiếng Anh cũng xuất phát từ nghĩa cổ đó
Daemon chỉ một nhóm những linh hồn có quyền năng. Khi xuất hiện bên cạnh Theos/Theoi (thần-deity) trong cùng một văn bản tiếng Hy Lạp, thì Deamon được dùng để chỉ những linh hồn cấp thấp hơn. Bản thân từ Theos được cho là xuất phát từ một gốc từ mang nghĩa “đặt” (về một vị trí).
 tượng đồng điêu khắc minh họa Daemon
Nhìn vào mối tương quan ngữ nghĩa này, ta có thể đặt ra một giả định rằng trong cái nhìn của người Hy Lạp cổ: Theos là những linh hồn có quyền năng dựa trên việc sắp đặt mọi vật vào đúng chỗ, còn Daemon là những linh hồn có quyền năng dựa trên việc chia rẽ con người hoặc cắt nhỏ thông tin. Trong thần thoại Hy Lạp, ta dễ dàng bắt gặp những nhân vật được “gọi bừa” là thần, nhưng theo nguyên nghĩa ban đầu thì đó không phải là Theos, mà chỉ là Demon mà thôi. Chẳng hạn như nhân vật nữ thần bất hòa Eris (Ἔρις), kẻ gây chia rẽ giữa các Theos dẫn đến cuộc chiến thành Troy - Trojan War. Những thực thể nắm sức mạnh từ việc chia rẽ này được mô tả rất nhiều trong các nhánh huyền môn, thần học ngày nay. Ví dụ như trong “Câu chuyện vô hình & Đảo - A láthatatlan történet, xuất bản năm 1943” của Hamvas Béla, ông miêu tả những con người hiện đại như là những con người bị cắt nhỏ linh hồn, mỗi mảnh linh hồn vỡ nát không còn ủ trong mình nữa mà gắn vào các vật chất. Chẳng hạn như trường hợp người ta quên mất giá trị của bản thân mình, mà gán giá trị của mình vào cái Iphone mình khoe ra, khi đó mảnh linh hồn anh ta bị gắn vào Iphone. Nói cách khác, toàn bộ hệ thống thông tin trong đầu con người, cách suy nghĩ của con người không còn bị liền mạch nữa, mà bị chia nhỏ ra, gắn vào vật chất, đem vật chất làm thước đo giá trị tinh thần. Mô tả của Hamvas Besla thực ra khá gần với cái nghĩa mà người Hy Lạp cổ khi nói Demon, rồi ngày nay chúng ta gọi là ác quỷ.

c. Lucifer - הֵילֵל

Hiện nay, người ta thường cho rằng ác quỷ đứng đầu là Satan. Thực chất Satan là gì? Trong tiếng Do Thái cổ, Satan - הַשָּׂטָן có nghĩa là kẻ địch (sự cản trở, sự đối kháng, sự phản đối, accuser) không rõ là ám chỉ một nhân vật cụ thể hay là những thần linh ngoại giáo.
ảnh minh họa Lucifer
Bên cạnh đó, một ác quỷ nổi tiếng rất hay được đưa vào phim ảnh và âm nhạc là Lucifer. Ngày nay, giáo hội vẫn đang tuyên truyền rằng Lucifer là ác quỷ rất nguy hiểm, hay ác quỷ tối cao của các ác quỷ. Đặc biệt, các nguồn tiếng Việt đều đồng loạt cho rằng Lucifer vốn là Tổng lãnh thiên thần vào thời điểm con người bắt đầu sinh ra, Lucifer ghen tị với con người vì được Thiên Chúa ưu ái hơn và lãnh đạo các thiên thần nổi dậy chống lại Thiên Chúa. Sau đó Lucifer bị thiên thần Michael đánh bại và bị đày dưới địa ngục.
Cho dù các nhà thờ ở Việt Nam ra rả tuyên truyền câu chuyện này, nhưng hóa ra câu chuyện thật lại không như vậy. Lucifer là một từ tiếng Latin, vì vậy chắc chắn nó không xuất hiện trong bản kinh Hebrew gốc. Không ai biết từ Lucifer xuất hiện trong kinh điển Kitô giáo từ bao giờ. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng lúc khởi thủy, từ này chắc chắn không dùng để chỉ ác quỷ. Trong bản dịch kinh Tanakh sang tiếng Latin của thánh Jerome (trong tiếng Latin gọi là bản dịch Vetus Latina) năm 382 SCN, từ Lucifer được dùng để dịch cụm từ הֵילֵל trong tiếng Do Thái có nghĩa là “ngôi sao buổi sớm (Morning Star hoặc Shining One)”. Lý do Lucifer nguyên văn mang nghĩa “ngôi sao sáng” (tính từ Lucifer nghĩa là mang lại ánh sáng, tỏa sáng), và đây là từ mà người La Mã đương thời dùng để chỉ “ngôi sao buổi sớm” tức sao Mai hay còn gọi là sao Kim - Venus. Cần lưu ý là văn cảnh mà từ Lucifer xuất hiện trong bản dịch của thánh Jerome cũng không liên quan gì đến ác quỷ. Chẳng hạn như trong sách Isaiah chương 14 câu 12 thì từ này dùng để chỉ một nhân vật lịch sử cụ thể là vua Nebuchadnezzar II, người được tiên tri Isaiah ví như ngôi sao mai. 
Một bằng chứng văn bản khác cho thấy Lucifer không có liên quan gì đến ác quỷ là những trước tác của thánh Augustine thành Hippo. Trong đó, ông cũng dùng từ Lucifer với nghĩa “ngôi sao buổi sớm”.
Lucifer chỉ bị gán với ác quỷ khi Kitô giáo trở thành quốc giáo chính thức của toàn bộ đế chế La Mã sau thời Constantinus, và buộc phải pha trộn với các tôn giáo cũ để thiết lập và bành trướng quyền lực. Nhưng tại sao Lucifer lại gắn với ác quỷ? Là vì từ trước đó đã có một tôn giáo khác lên ngôi ở La Mã gắn ngôi sao kim với Ác Quỷ, đó là tôn giáo cổ Hy Lạp. Trong tôn giáo này có một nhân vật là Phaethon - φαέθων , tên này trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “kẻ tỏa sáng”. Phaethon là con của thần Mặt trời Helios - Ἥλιος - Ἠέλιος . Ghen tị với vầng hào quang của cha, cậu ta xin phép lái chiếc xe mặt trời một ngày thay cha, Helios miễn cưỡng đồng ý. Lái được một đoạn, vì không thể kiểm soát con ngựa, Phaethon loạng choạng lao chiếc xe xuống mặt đất, khiến ngọn lửa bốc lên khắp nơi trông như ở hỏa ngục. Để mọi thứ không bị đốt cháy, thần Zeus thấy vậy liền phóng tia sét giết chết Phaethon. Câu chuyện Phaethon cố gắng thay thế vị trí mặt trời rất giống câu chuyện Lucifer cố gắng lật đổ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, thần thoại gần nhất với câu chuyện về “cuộc chiến trên thiên đàng” giữa Michael và Lucifer lại đến từ tôn giáo thờ thần Ba'al (Ancient Canaanite religion), là một tôn giáo mà cả Do Thái giáo lẫn giáo hội Công giáo La Mã đều coi là tà giáo. Trong thần thoại của hệ thống tôn giáo này, Attar (tiếng ả Rập: عثتر ) vị thần đại diện cho sao mai đã thất bại trong việc lật đổ vị thần tối cao Ba'al - Βάαλ , nên phải rút xuống làm kẻ đứng đầu địa ngục. Ba'al dịch ra là “Chúa”. Câu chuyện này còn có thể bắt nguồn từ chuyện một chiến binh hùng mạnh tên là Helel chống lại thần tối cao Canaanite El và những thần khác, nhưng đã thất bại và đày đọa đời đời dưới địa ngục. Ở đây rõ ràng có sự pha trộn giữa một tôn giáo cổ bị bài bác bởi Do Thái giáo với chính Do Thái giáo trong nội hàm của Kitô giáo hiện nay.
Tại sao lại có sự xuất hiện của các câu chuyện tương tự nhau, giữa Phaethon với Helios, giữa Attar với Baal, giữa Lucifer với Thiên Chúa? Điều này xuất hiện từ một hiện tượng tự nhiên: vào buổi sớm, sao Mai (sao Kim) vẫn hiện trên bầu trời và vẫn tỏa sáng dù các vì sao khác đều lần lượt biến mất, sao Kim chỉ biến mất khi Mặt trời xuất hiện. Những người dân thời xa xưa đã gán những câu chuyện thần thoại cho hiện tượng tự nhiên này; theo đó, một ngôi sao nhỏ tìm cách soán ngôi vị của thần Mặt trời tối cao, nhưng sau đó bị đánh bại.
Thế câu chuyện Michael chống Lucifer trong cuộc chiến trên thiên đường mà tất cả các nhà thờ ở Việt Nam đang rao giảng thì sao? Trên thực tế, kinh điển Do Thái giáo không hề đề cập đến một cuộc chiến nào như thế. Cuộc chiến trên thiên đường chỉ được đề cập đến trong sách Khải Huyền (Khải thị - Revelation - Apocalypse - ἀποκάλυψις ) thuộc kinh Tân Ước mà thôi. Kinh này được viết muộn và chỉ lưu truyền trong Kitô giáo chứ không phải Do Thái giáo. Theo kinh Tân Ước, cuộc chiến nổ ra giữa Michael và Satan (chứ không phải Lucifer) là cuộc chiến sẽ diễn ra trong tương lai, vào thời điểm Tận thế được tiên đoán trong Khải huyền chứ không phải một cuộc chiến đã xảy ra trong quá khứ.
 tranh vẽ Cuộc chiến trên Thiên đàng - War In Heaven 
Còn câu chuyện được mọi tín đồ Kitô giáo thuộc lòng và được lưu truyền trên toàn quốc, rằng Lucifer ghen tị với loài người nên đã nổi dậy trên thiên đường hóa ra không xuất phát từ kinh điển chính thức nào, mà chỉ là chi tiết hư cấu trong cuốn tiểu thuyết Paradise Lost (tạm dịch: Thiên Đường đã mất) của John Milton, xuất bản lần đầu năm 1667. Không biết từ bao giờ, chi tiết này được mọi giáo sĩ Việt Nam giảng dạy trong nhà thờ, và mọi giáo dân mặc nhiên tin tưởng.
Một trong những lý do quan trọng khiến Milton và sau đó là chúng ta gắn từ Lucifer với ác quỷ, là những lỗi dịch thuật trong bản dịch Kinh Thánh ra tiếng Anh đời vua James [The King James Version (KJV), còn được gọi là King James Bible (Kjb) hoặc gọi đơn giản là Authorized Version (AV)], được bắt đầu vào năm 1604 và hoàn thành cũng như xuất bản năm 1611. Các bản kinh dịch sau này chỉ là bản sửa từ đợt dịch năm 1611. Trong bản dịch này, chịu ảnh hưởng bởi tai tiếng mà giáo hội gán cho từ Lucifer (do tham chiếu tôn giáo thờ Ba'al và tôn giáo cổ Hy Lạp) người dịch đã tưởng rằng mỗi lần chữ Lucifer xuất hiện trong các đoạn Kinh Thánh thì chữ này dùng để chỉ tên riêng của Satan. Vì vậy, họ giữ nguyên chữ Lucifer như một tên riêng thay vì dịch nó ra thành “kẻ mang ánh sáng”, “vị tinh tú rạng ngời” hay “ngôi sao mai”, từ đó văn bản bị thay đổi toàn bộ ý nghĩa. Chẳng hạn Nebuchadnezzar II thay vì được coi như một người đầy tham vọng như ánh sao buổi sớm, lại bị coi như ác quỷ. Đây hoàn toàn là lỗi dịch thuật, khiến Milton nhầm lẫn, dẫn đến sự ra đời của “chân lý mới” được rao giảng suốt những năm sau này.

3) Địa ngục và phán xét:

Nhắc đến khái niệm ác quỷ, không thể không tìm hiểu thêm một khái niệm liên quan: địa ngục. Địa ngục gắn liền với một vấn đề quan trọng trong Kitô giáo: vấn đề phán xét. Trong giai đoạn sơ khởi, các kinh của đạo Do Thái không hề nhắc đến khái niệm địa ngục. Chỉ đến giai đoạn khu vực Địa Trung Hải chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, người Do Thái bắt đầu có khái niệm về cuộc sống sau cái chết. Chẳng hạn như trong sách của ngôn sứ Daniel - דָּנִיֵּאל (the Book of Daniel) đoạn 12 câu thứ 2 có câu như sau (tạm dịch): “Và nhiều người từng ngủ yên trong cát bụi của đất sẽ thức dậy. Một số để sống vĩnh hằng, một số để hổ thẹn và bị khinh thường vĩnh viễn.”
Cần lưu ý trong giai đoạn của Daniel, Do Thái giáo không có một học thuyết chính thức về địa ngục. Chỉ có các thuyết của các nhánh huyền môn riêng biệt, mỗi nhánh mô tả thế giới sau cõi chết một cách khác nhau. Nhìn chung, các nhóm không mô tả nó như một thứ địa ngục, nơi ác quỷ giam giữ và hành hạ con người. Ban đầu, thế giới cõi chết thường được mô tả chỉ như một nấm mộ, một nơi khác con người tiếp tục tồn tại sau khi chết, chứ không phải bị giam giữ. Sau đó, vào những giai đoạn muộn hơn, nó được mô tả như một địa điểm diễn ra sự phán xét, nơi mọi người nhận thức đầy đủ những thiếu sót và hành động xấu mà họ từng có trong đời. Điều này là ảnh hưởng từ văn hóa Hy Lạp, bởi vì theo truyền thống Hy Lạp khi con người xuống địa ngục họ bị buộc phải đối mặt với các vị phán quan. Có một dòng tu Kabbalah - קַבָּלָה mô tả nó như là một “phòng chờ - Entry Way”, nơi mọi linh hồn (chứ không chỉ những linh hồn tội lỗi) dừng lại trên đường đi. Tuyệt đại đa số các truyền thống Do Thái đều khẳng định rằng các linh hồn không dừng lại trong thế giới cõi chết vĩnh viễn. Điều này rất khác so với Kitô giáo hiện nay.
Truyền thuyết Do Thái không mô tả địa ngục như một cõi vật lý. Thay vào đó, nó giống một nơi mà mọi người rơi vào cảm giác xấu hổ mãnh liệt về tội lỗi của họ, nghĩa là gần như một trạng thái tâm lý thay vì một địa điểm vật lý. Các cánh cổng để hối cải trở về (teshuva - תשובה - return) luôn luôn mở, và các linh hồn luôn có cơ hội chỉnh sửa ý chí của mình theo ý chúa, để hối cải trở về với Chúa.
Đi sâu vào chủ đề địa ngục trong Do Thái giáo cổ, ta có thể tìm hiểu thêm hai khái niệm: SheolGehinnom.

a. Sheol - שְׁאוֹל

Sheol là tên của địa ngục xuất hiện trong các nguyên thể kinh Do Thái giai đoạn đầu. Nguyên thể của Sheol là Shaol, hàm ý “câu hỏi, chất vấn”. Đây là nơi (hay trạng thái tâm lý) mà tất cả người chết (cả tốt lẫn xấu) đều bước vào sau khi chết, giống như một phiên tòa phán xét mà người ta buộc phải tự soi lại bản thân, đối diện với mọi tội lỗi xấu xa của mình.
ảnh mô tả vị trí Sheol
Sau này, trong giai đoạn Hy Lạp hóa -Hellenistic period (không phải giai đoạn du nhập văn hóa Hy Lạp, mà là giai đoạn Do Thái giáo truyền bá ra bên ngoài thông qua Kitô giáo cổ), từ Shaol được dịch thành Hades - ᾍδηςhádēs , Ἅιδης Háidēs là tên vị thần cai quản địa ngục của thần thoại người Hy Lạp cổ đại. Sau đó từ này lại được dịch thành Hell (ban đầu từ tiếng Anh cũ là Hel, Helle) là thứ địa ngục bây giờ ta biết. Nhưng Hell và Hades là hai địa ngục có sắc thái hoàn toàn khác nhau, chẳng hạn Hades dịch ra là “không nhìn thấy, không biết” - một nơi hoàn toàn bí ẩn, một “cõi không biết” mà linh hồn con người đến sau khi chết, nhưng lại không có cách nào tìm biết được khi vẫn còn sống. Còn Hel là một vị nữ thần cai quản địa ngục Nifheim trong thần thoại Bắc Âu, có một nửa thân trên hình người, nửa còn lại bên dưới là xương bị dòi bọ gặm nhấm lở loét ghê rợn (một số khác lại mô tả Hell có gương mặt một nửa da thịt bình thường, nửa còn lại chỉ là xương). Địa ngục Hell là một địa ngục kinh dị, với các quái thú đe dọa và trừng phạt con người, đó cũng là hình dung phổ biến về địa ngục ngày nay. Trong khi đó, địa ngục Sheol ban đầu, hay Hades sau này thì bị lãng quên.
 thần cai quản địa ngục Hades và chó ba đầu canh giữ cửa trong thần thoại Hy Lạp 
 ảnh phác họa nữ thần Hel (Hela)
Kitô giáo vào thời La Mã thêm vào quan điểm rằng vào ngày tận thế, những người chết sẽ trỗi dậy từ Hades để chịu sự phán xét của Chúa trời. Sau đó kẻ xấu xuống hỏa ngục chịu đau khổ đời đời, người tốt sẽ lên thiên đàng để sung sướng đời đời. Nhưng địa ngục được nói tới ở đây lại không phải là Sheol hay Hades hay Hell, mà là một khái niệm khác đó là Gehinnom.

b. Gehinnom (hoặc Gei Hinnom) - גהנום

Gehinnom dịch ra là Thung lũng Hinnom (xuất phát từ địa danh có tên Gehenna - גֵּי בֶן־הִנֹּם ) là nơi trẻ em được hiến tế cho một vị thần ngoại giáo của dân Canaan là Moloch (còn gọi là molech, mollok, milcom, hay malcam). Ở địa ngục này có lửa cháy vĩnh hằng để thiêu đốt các xác chết và các đống rác rưởi xung quanh.
 thung lũng Hinnom
Khái niệm này chỉ được thêm vào kinh sách Do Thái từ thời kì họ lưu vong ở Babylon - Babylonian captivity hoặc Babylonian exile (vào khoảng thế kỷ thứ 6 TCN - từ 16 tháng 3 năm 597 TCN tới 538 TCN), Gehinnom cũng không phổ biến trong kinh sách Do Thái giáo bằng khái niệm Sheol/Shaol. Tuy nhiên sau này giáo hội Công giáo La Mã dùng kinh điển Do Thái, họ dịch hết thành Hades. Điều khá buồn cười là họ lại không hiểu nó như Hades hay Sheol, mà lại hiểu như Gehinnom.
 The valley of Hinnom (Gehenna)
Khái niệm địa ngục của Kitô giáo hiện lên rõ nhất lại qua một tác phẩm văn học chứ không phải thần học, đó là: Thần khúc của Dante (Divine Comedy). Địa ngục trong đây được mô tả gồm nhiều tầng, mỗi tầng phán xét một tội lỗi riêng, có kiểu trừng phạt riêng. Nhưng những mô tả này chỉ là phát triển từ khái niệm Gehinnom hiểu lầm mà thôi. Địa ngục mà chúng ta hiểu ngày nay, hóa ra mang nhiều tính văn chương hơn là tính tôn giáo.
 
 cấu trúc các tầng địa ngục dựa trên mô tả của Thần khúc Dante

4) Học thuyết Ba Ngôi (Τριάς - Trinity - Trinitas):

(phần này chỉ tóm lược một cách dễ hiểu nhất có thể, phải có bài viết riêng để nói chi tiết hơn về chủ đề này)
Trong Công giáo La Mã hiện nay, người ta cùng đồng thuận một quan điểm: có Ba Ngôi Thiên Chúa. 
Ngôi đầu tiên là Chúa Cha-vị Chúa thống trị toàn thể nhân loại. 
Ngôi thứ hai là Chúa Con-là Jesus. 
Ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần-một điều gì đó vô hình vô dạng từ Thiên Chúa đã giáng xuống các vị Thánh tông đồ sau khi Chúa Jesus thăng thiên, khiến các vị này có quyền năng và đi rao giảng đức tin khắp nơi. 
 ảnh mô tả đơn giản về giáo lý Một Chúa Ba Ngôi
Trong toàn bộ lịch sử của Giáo hội, phần lớn thời gian người ta vẫn cãi vã với nhau về mối quan hệ giữa ba ngôi Thiên Chúa này. Có những nơi, người ta không công nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần, mà chỉ coi Chúa Cha và Chúa Con là quan trọng. Trong đa số dòng Kitô giáo cổ trước thời Constantinus, người ta lại không cho Chúa Con là Thiên Chúa và cũng không cho rằng Jesus có vai trò quyết định trong đức tin, không cho rằng Jesus có thần tính của Chúa mà chỉ là một nhà tiên tri bình thường, một giảng sư đi rao lời Chúa mà thôi. Ngày nay, vẫn có một tôn giáo lớn là Islam (tức Hồi giáo) có quan điểm như vậy. 
Vào thời điểm giáo hội Công giáo bắt đầu ra đời, đây là một vấn đề gây tranh cãi lớn. Constantinus khi đưa Kitô lên làm quốc giáo đã rất băn khoăn bởi giữa các trường phái Kitô đang hiện diện trên La Mã có mâu thuẫn với nhau do họ không đồng nhất quan điểm về vai trò của Jesus hay Jesus có thực sự có phép lạ hay không, liệu Jesus có là Thiên Chúa hay không. Constantinus cuối cùng ra một quyết định đầy tính chính trị: quy tụ một đội ngũ biên soạn Kinh Thánh Tân Ước chỉ bao gồm những vị giáo sĩ Kitô giáo đã quy thuận ông ta, gạt bỏ tất cả những phần tử có dấu hiệu chống đối ra ngoài. Nhóm biên soạn này thảo luận kín với nhau và bỏ phiếu để giải quyết bất đồng ( đây là một trong vài diễn biến của sự kiện triệu tập Công đồng Nicaea - Νίκαια năm 325, nền móng cho sự hình thành tín điều Nicea - Nicene Creed - symbolum nicaenum - Σύμβολο τῆς Νικαίας - τῆς πίστεως ) . Nói cách khác, vị Chúa được bầu lên một cách dân chủ. Về sau khi bỏ phiếu, người ta kết luận Đức Mẹ Maria đồng trinh, Jesus có quyền năng của Thiên Chúa v…v… Từ đó thần tính của Chúa Jesus đã ra đời như thế. 
Sau này, chuyện thần tính của Jesus hay Đức Mẹ Maria vẫn thường được đem ra bàn cãi. Chẳng hạn như khi Tin Lành (Kháng Cách) xuất hiện, một trong những lý do họ kiên quyết ly khai là bởi họ không chấp nhận được việc Đức Mẹ vẫn còn trinh. Để đảm bảo thần tính cho Chúa Jesus, người ta phải giải thích rằng bà Maria không phải là mẹ Chúa Jesus. Họ dựa vào cuộc bỏ phiếu xưa để có căn cứ rằng Jesus là hiện thân Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì không sinh ra, không mất đi, chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, do đó Đức Mẹ chỉ là một cổng để Thiên Chúa giáng xuống thế giới mà thôi. 
Ngay cả tác giả cũng cảm thấy điều trên thật nực cười; bởi vì thực tế Jesus chỉ là một công cụ tuyên truyền, với mục đích lợi dụng hình ảnh Jesus để phục vụ, củng cố, thần thánh hóa cho quyền lực của giáo hội và nhà cầm quyền (do sau khi đạo Kitô lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng dân cư thời đó, họ đã nhận thức được lợi ích to lớn mà hình tượng Jesus đem lại, lẫn mối dây liên kết giữa niềm tin các tín đồ với Jesus để qua đó có thể khai thác). 
Mặt khác, một vài nguồn tin dưới Deepweb/Darknet còn khẳng định rằng thực chất Jesus chỉ là một thằng con hoang, đứa con được sinh ra bởi cuộc tình lăng nhăng vụng trộm giữa Maria và người lính La Mã có tên là Tiberius Julius Abdes Pantera; và Maria đã giấu kín cái thai trong bụng cho đến khi đính hôn với Joseph, và ông ta không muốn làm to chuyện để tránh cái nhục cho cả mình lẫn Maria. Jesus sau này lớn lên vì mặc cảm lẫn tổn thương nên khi tiếp xúc với những kinh điển Do Thái đã ảo tưởng tự cho rằng bản thân mình là Đấng Messiah, là người được sai đến để cứu rỗi. Tuy nhiên đây chỉ là vài tài liệu "không chính thống" ít ỏi còn sót lại, vì vậy sẽ chẳng bao giờ có thể được chứng minh cách đầy đủ và Giáo hội Công giáo sẽ luôn luôn tìm đủ mọi cách để bác bỏ. Tài liệu chỉ được công bố âm thầm dưới internet chìm để những ai đủ sáng suốt, tỉnh táo thì có thể đọc hiểu và suy ngẫm. Nếu muốn tìm hiểu thêm các bạn có thể tìm kiếm những thông tin sau: Sefer Toledot yeshu - ספר תולדות ישו , triết gia Celsus. (lưu ý: để tránh sự chỉ trích vô cớ từ những người sùng bái Kitô giáo cách thái quá, tác giả sẽ không tuyên bố hay khẳng định những điều này là đúng. Đây chỉ là quan điểm cá nhân-cụ thể ở đây chính là bản thân tác giả, về phần tác giả thì tác giả đồng tình với điều ấy) . 
. . . 
Những cuộc cãi nhau như thế thường được lấy làm bình phong tuyên truyền và cái cớ cho các cuộc chiến tranh cướp bóc của phe Công giáo La Mã nhắm vào những người Islam trong nhiều thế kỷ. Tin Lành và Công giáo cũng có nhiều cuộc chiến tranh đã định hình diễn biến chính trị ở nhiều vương quốc, chẳng hạn ở Anh và Đức. Qua đây, một lần nữa ta thấy rằng Thiên Chúa mà nhiều người tôn thờ ngày nay là một sản phẩm chính trị, và đức tin của những người tôn thờ Thiên Chúa không hề thiêng liêng mà dựa nhiều trên sự thiếu hiểu biết.

 "Phải chăng mọi đức tin đều lấy sự thiếu hiểu biết làm cơ sở ?"

Khi tự mình truy nguyên xem Chúa từng có những tên nào, tên ấy ra đời và được sử dụng chính thức qua những biến cố chính trị nào, ta liệu có còn đức tin vào Thiên Chúa một cách mù quáng và sùng bái giống như Nhà thờ rao giảng hay không?
 
****

III. Đề xuất cách tiếp cận các văn bản tôn giáo

Để phòng tránh tình trạng thiếu hiểu biết, ta cần có một hướng khác để tiếp cận và tìm hiểu tôn giáo.
Trước đây, khi tôn giáo có tính bao cấp và bắt buộc, người ta thường tiếp cận tôn giáo qua các khóa học, các bài giảng trong nhà thờ. Gần đây, khi thị trường tôn giáo mở cửa tự do, người ta tìm đến các vị thầy tâm linh, các vị dạy thiền, dạy nhân điện nhan nhản trên thị trường và nghe những người này diễn giải các văn bản tôn giáo theo cách hiểu của họ. Tuy nhiên cách học này rất đáng nghi ngờ, bởi thay vì căn cứ vào kinh điển và tài liệu lịch sử thì người dạy thường chỉ diễn giải các khái niệm tôn giáo một cách bừa bãi, theo sự phóng chiếu các dục vọng và ảo tưởng của chính bản thân. Cần ý thức rằng tất cả các khái niệm tôn giáo ngày nay chúng ta bắt gặp trong các văn bản tôn giáo đều không nguyên bản và đã qua quá trình bóp méo vì nhiều lý do, có thể vì mục đích chính trị, vì lỗi dịch thuật, hoặc vì những sáng tác của các nhà văn như Dante hay Milton.
Trước tình hình này, chúng tôi đề xuất một hướng tiếp cận tôn giáo khác:
_ Khi đọc một văn bản, ta cần bắt đầu bằng việc hiểu kỹ lịch sử của các khái niệm. Ví dụ, khi tiếp cận Phật giáo, thay vì thuê một vị thầy về giảng cho tiện, hãy tự tìm hiểu xem từng khái niệm trong Phật giáo có lịch sử ra sao. Hãy tự đọc các kinh điển, bằng một ngôn ngữ dịch khác ngoài tiếng Việt nếu có thể, và tìm hiểu lịch sử thật sự đằng sau các cuốn kinh này. Đừng ngạc nhiên nếu sau quá trình này, bạn phát hiện ra rằng hầu hết “kinh Phật” vốn không liên quan mấy đến lời Thích Ca, và ngay cả lời Thích Ca cũng bị định hình bởi những khái niệm, kiến giải và mối quan tâm vốn có trong các trường phái Hindu giáo từ trước.
_ Sau khi biết rõ nghĩa gốc từ nguyên, hãy tìm hiểu những vận động lịch sử xoay quanh các cuộc chuyển đổi khái niệm. Chẳng hạn, khi khái niệm “Thiên Chúa” chuyển dịch từ El đến Yahweh, Deus, God…, đã có những thay đổi nhân khẩu, chính trị, văn hóa, kinh tế nào kèm theo. Càng đọc, bạn sẽ càng thấy tiền và quyền lực đã thay đổi thần thánh nhiều như thế nào, và tôn giáo là thứ trần tục như thế nào.
_ Sau khi nắm chắc bản chất, nguồn gốc và những lý do lịch sử đằng sau các cuộc chuyển đổi khái niệm, có một việc rất quan trọng chúng ta cần làm: quan sát những vận động bên trong tâm trí và cảm xúc của mình khi đọc các văn bản tôn giáo. Thay vì đọc các văn bản tôn giáo như đọc các sách giáo khoa, rồi coi đó như chân lý để mặc nhiên chấp nhận, chúng ta nên quan sát xem khi đọc nó thì trong ta có cảm xúc và suy nghĩ gì, và coi những cảm xúc và suy nghĩ ấy như một văn bản để phân tích sâu. Rốt cuộc thì mục đích của tôn giáo có là gì khác, ngoài giúp ta tìm hiểu thế giới tinh thần của mình?  Như lời Rumi (Jalāl AD-Dīn Muhammad rūmī - جلال الدین محمد رومی ) nhà thơ, nhà huyền môn thời Kỷ Nguyên Vàng Islam: “Khi bạn tìm kiếm Thượng Đế, bạn thấy bản thân mình. Khi bạn tìm kiếm bản thân mình, bạn tìm thấy Thượng Đế”.
Để đi sâu tìm hiểu thế giới tinh thần của mình khi đọc các văn bản tôn giáo, có một phương pháp mà bạn có thể áp dụng. Trước hết, hãy chọn một văn bản tôn giáo, rồi đọc nó một mạch, và thưởng thức nó như thể thưởng thức văn chương. Khi bạn đọc lại văn bản này lần thứ hai, hãy nghiên cứu lịch sử của từng khái niệm trong văn bản, như cách mà tác giả đề nghị trong phần đầu của mục này. Còn khi bạn đọc lại văn bản lần thứ ba, hãy vừa đọc, vừa tự quan sát bản thân, và đặt cho mình những câu hỏi:
Một: Cảm xúc thật của mình khi đọc từng phần của văn bản là gì?
Hai: Trong số những cảm xúc đó, có những cảm xúc nào chỉ xuất hiện thoáng qua rồi thôi, và những cảm xúc nào lặp đi lặp lại như một nỗi ám ảnh?
Ba: Vì sao mình lại có những cảm xúc thoáng qua nêu trên? Và những kí ức trong quá khứ nào của mình có thể đã sinh ra những cảm xúc lặp đi lặp lại như một nỗi ám ảnh?

Bốn: Khi đã biết những nỗi ám ảnh của mình và nguyên nhân phát sinh của chúng, mình có lựa chọn nào khác, ngoài việc cứ đi vào lối mòn tâm lí ấy hay không?
Năm: Đâu là thứ cuối cùng còn sót lại trong thế giới tinh thần của mình sau khi mình gạt bỏ hết những nỗi ám ảnh được văn bản tôn giáo gợi lên? Nhưng đó thật sự là một thành tố tinh thần của mình, hay đó chỉ là thứ mà mình từng đọc hoặc nghe trong một văn bản khác?
Qua cách đọc văn bản tôn giáo ấy, ta không chỉ hiểu thêm về văn bản, về những trạng thái tinh thần đằng sau huyền thoại mà các bậc giảng sư ngày xưa nhắc đến, mà còn hiểu thêm về thế giới tinh thần bên trong mình mà các văn bản, các huyền thoại đó đã mô tả. Đó mới là điều ta cần thực sự hướng đến khi ta đi vào đọc các văn bản tâm linh. Chứ không phải chỉ để tìm một vị Chúa để tôn thờ. Hay chỉ để tìm một đức tin để trói mình vào, sao cho không cảm thấy trơ vơ trong cuộc sống.

HẾT! 

* bài kỳ sau sẽ là một chủ đề mới, đó là: Khảo cổ Kinh Thánh Cựu Ước *


*mong muốn nhỏ nhoi: tác giả rất hy vọng bài viết sẽ được các bạn ủng hộ upvote để có thể được đưa lên page Facebook. Hi hi. Thân,