Trong tiếng Việt, khi người ta muốn so sánh sự vật, hiện tượng nào về tính chất của nó, ngoài mặt đáp ứng được ý nghĩa, thì cái mà người ta đem ra so sánh thường phải có nét nghĩa thích hợp, có sự tương xứng với cái được so sánh.
Ví dụ, ca dao Việt Nam có câu:
"Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuộc lạt*, nhớ ông bà bấy nhiêu."

*Nuộc lạt là vòng dây lạt buộc trên mái nhà lá
Như vậy, hình ảnh nuộc lạt trên mái nhà, ngoài ý nghĩa chỉ sự nhiều, sự đáng kể của "nỗi nhớ" tác giả dành cho ông bà, ta còn thấy sự tương xứng về nét nghĩa. Hình ảnh tác giả dùng là "nuộc lạt" ở trên "mái nhà", thứ nằm ở trên đầu người ta. Cũng như với ông bà, thái độ của người con, người cháu là ở dưới, ngước nhìn lên trên. Rõ ràng, hình ảnh được dùng so sánh ở đây có sự chọn lọc, sao cho diễn đạt được không những trọn vẹn về nghĩa mà còn có sự phù hợp về nét nghĩa với cái được so sánh.
Hay để ca ngợi Bác Hồ, nhà thơ Tố Hữu viết:
"Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm đủ vì sao
Đố ai đếm đủ công lao Bác Hồ."
"Công lao Bác Hồ" nhiều như thế nào được ví với "lá rừng", "tầng trời cao", "vì sao", là những sự vật dần dần lên cao đến vô tận. Những sự vật được liên kê ra mang nét nghĩa trong sáng và tốt đẹp, thích hợp dùng để ca ngợi như trong trường hợp này.
Ngược lại, để diễn tả sự "nhiều", sự "đáng kể" mang ý nghĩa tiêu cực, người ta thường dùng những hình ảnh mang nét nghĩa không tốt, như "lúc nhúc như giòi", "như ngả rạ". Ví dụ, trong truyện cổ tích Thánh Gióng, có đoạn:
"Gióng nhảy lên lưng ngựa, ngựa phun lửa phi thẳng đến nơi có giặc, Gióng vung một roi, hàng chục tên giặc chết như ngả rạ, giặc chạy không kịp, bị roi sắt của Gióng giáng vào người."
Trong trường hợp này, hình ảnh quân giặc chết nhiều được đem ra so sánh với "ngả rạ". Rạ là thứ còn lại của cây lúa sau khi gặt, chỉ có thể vứt đi hoặc cho động vật ăn. Ngoài ra, rạ là thứ ngoài ruộng, ở chỗ thấp, dính với bùn nhơ, lại ngả xuống không khỏi dơ bẩn. So sánh hình ảnh quân giặc chết với rạ ngoài ý nghĩa mô tả sự nhiều, còn hàm ý khinh rẻ.
Có một trường hợp dùng từ so sánh hết sức là sâu sắc và khéo léo như vậy, đó là hình ảnh "chó hùa". Trong cuộc sống, tôi từng nghe những người bạn của tôi dùng từ này vài lần. Hình ảnh này được đem ra so sánh khi có hiện tượng một hoặc nhiều người miệt thị một người/nhóm người/sự vật nào đó, mà lại cũng có (những) người khác, tuy chưa hiểu sự tình gì nhưng cũng a dua miệt thị, lên án theo.
Cái khéo léo ở chỗ, việc chọn hình ảnh những con chó (sủa). Ở nhà quê tôi, vào những đêm thanh tĩnh, bỗng có tiếng chó ở một nhà hàng xóm nào đó sủa. Có thể là con chó đó nghe/thấy động tĩnh gì đó tôi không biết, nhưng sau đó, có rất nhiều con chó khác, ở những nhà hàng xóm khác nghe thấy tiếng sủa cũng hùa sủa theo, mặc dù không biết chuyện gì xảy ra. Như vậy, hình ảnh "chó hùa" không chỉ nói lên sự a dua, a tòng, hùa theo miệt thị, lên án, chửi bới, mà còn có ý nghĩa rằng những đối tượng hùa theo đó chưa hiểu rõ chuyện mà họ đang lên tiếng là gì.
Gần đây, một phóng sự của VTV24 có hình ảnh những con chó sủa theo giai điệu một bài hát, với cách giải thích là có thể một ngày nào đó các bài hát cũng đơn giản có mấy tiếng, đến thú cưng cũng có thể hát được. Điều đó được bắt nguồn từ một trào lưu trên mạng tin rằng tất cả chữ viết và tiếng nói đều có thể biến thành 3 hình: vuông, tròn và tam giác!
Hình ảnh mà VTV24 đưa ra (kèm với cách lý giải của họ), dễ làm cho tôi liên tưởng tới hình ảnh so sánh "chó hùa", người ta chửi theo một cách hội đồng, hùa theo mà đôi khi không rõ vấn đề mình chửi là gì.
Clip này cũng là một kết quả, một điều trả lại dành cho những hiện tượng "chó hùa" trên mạng mấy ngày qua, bởi những người chửi đó mấy ai quay lại xin lỗi!
Đúng như VTV24 nói, may mà Công nghệ Giáo dục đã được thực hiện và chứng minh sự hiệu quả từ 40 năm rồi. Chứ nếu Công nghệ Giáo dục mới xuất hiện thì đã bị vùi dập bởi cộng đồng mạng!
Rõ ràng, việc so sánh các hình ảnh với sự vật, hiện tượng trong tiếng Việt thật sâu sắc và khéo léo!