Cách đây hai hôm, mình có đi uống cafe với thằng bạn học chung cấp 3. Nó chia sẽ với mình là nó vừa mua cuốn “Hack não 1500”, hiểu nôm na thì đó là cuốn sách giúp chúng ta học thuộc 1500 từ vựng tiếng anh một cách nhanh nhất với nhiều mẹo bằng kỹ thuật gợi nhớ. Bọn mình có bàn luận một chút về vấn đề này:
“Tao mua cuốn này về học tiếng anh chứ giờ tiếng anh tao ngu vl, m thấy sao?”
“M học tiếng anh để thi IELTS à?”
“Ừ”
“Vậy lúc m học tiếng Việt thì có cuốn sách nào chỉ m mẹo học thuộc 1500 từ vựng tiếng việt không?”
“…”
Thằng bạn mình chỉ lắc đầu cười trừ vì nó nhận ra không có cuốn sách nào chỉ người ta học từ vựng tiếng Việt bằng mẹo cả. Kể cả có đi nữa thì 1500 từ tiếng việt đó chỉ giúp nó giao tiếp được với một thằng nhóc 2 tuổi trong khi trung bình một người Anh trưởng thành ghi nhớ được 30.000 từ, chưa kể là nó còn phải học cách phân loại từ và ghép chúng lại với nhau để có một câu hoàn chỉnh.
Mặc dù đây chỉ là câu chuyện phiếm nhưng trong đầu mình lại nổi lên nhiều suy nghĩ. Học ngôn ngữ bằng mẹo? Có thật sự mang lại hiệu quả?
Ban đầu, mục đích cao cả của việc học tiếng anh là để giao tiếp với người ngoài hay đối với đa phần là để lấy bằng IELTS phục vụ cho lấy học bổng, du học, dễ tìm được việc,…Riêng đối với mình thì để lấy le với gái là chính. Theo thời gian tiếng nhu cầu học tiếng anh tăng cao, các trung tâm tiếng anh lớn nhỏ được khai trương khắp nơi, giáo viên dạy tiếng anh có lẫn không có chuyên môn trở nên bão hòa nhưng học phí học IELTS chưa bao giờ là vừa túi tiền vì cầu luôn duy trì nhiều hơn cung. Cuốn sách “Hack não 1500” ra đời như một giải pháp hoàn hảo phục vụ cho những người muốn học tiếng anh một cách đơn giản, điều này thể hiện rõ ngay trên bìa sách với hai từ “hack não”.

Hack não nhiều nên đau não luôn

Năm cấp 2, cô giáo dạy môn tiếng anh thường bắt mình chép một từ tiếng anh nhiều lần để ghi nhớ từ vựng. Để học thuộc một từ, bạn phải ghi nghĩa của từ vựng đó lên đầu hàng sau đó chép lại 10 lần cho mỗi từ rồi tiết sau lên kiểm tra bài cũ. Cách học này giúp mình lấy được điểm miệng cao thôi chứ nó không có tác dụng gì cả, học xong mai mốt cô hỏi thì bảo em quên rồi.
Thay vì sống đều đặn với tiếng anh để ghi nhớ từ vựng, cô lại bắt bọn mình học theo kiểu chụp dựt, học một lần. Kiểu tư duy học tiếng anh này chính là tinh thần của cuốn sách Hack não 1500, chỉ khác là mình còn được cô kiểm tra miệng còn cuốn sách kia thì học xong không ai kiểm tra cả.
Nguyên tắc để ghi nhớ từ vựng: Quên x 20 lần = Nhớ
Nhận diện từ mới -- tra nghĩa -- quên -- gặp lại -- tra nghĩa lần 2 -- quên -- gặp lại -- NHỚ.
“U là tr”, “nhà bao việc”, “còn cái nịt”, “khum”, “xu cà na”,…. Các bạn thấy mấy từ này có quen không? Mình mà ngồi kể hết mấy từ lóng kiểu này thì tới sáng mai mới xong được một nữa. Dù có muốn nhớ hay không thì những từ lóng này vẫn nằm trong đầu bạn như thường vì những người xung quanh chúng ta sử dụng nó như là ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Điều này áp dụng tương tự đối với học tiếng anh hay bất kì ngôn ngữ nào.

Chúng ta học tiếng việt thế nào?

Hai tuổi là khoảng thời gian trẻ em bắt đầu tập nói những câu dài hơn ba chữ để thể hiện trạng thái của bản thân cho người xung quanh biết mà họ còn kịp thời đáp ứng lại. Ví dụ khi bọn nó đói nó sẽ không chọn gào khóc như trước nữa mà sẽ sử sụng ngôn ngữ tự học được từ ba mẹ và những người xung quanh nó “Mẹ ơi, con đói bụng”. Việc này dễ dàng hơn rất nhiều so với việc phải tốn nhiều sức để gào khóc mà bố mẹ chưa chắc đã hiểu. Bọn trẻ sau đó sẽ cố học được nhiều câu hơn để thể hiện được nhiều trạng thái cảm xúc, nhu cầu hơn. Trẻ em rõ ràng là đã nghe được và nói được ngôn ngữ khó như tiếng Việt trước cả khi được đến trường lúc 6 tuổi. Và đó là cách chúng ta học nói và học nghe nhờ môi trường xung quanh sử dụng tiếng việt giao tiếp hằng ngày.
Ngay khi bước vào lớp một, bọn trẻ sẽ được làm quen với mặt chữ trong những buổi học đầu tiên. Ngày nào cũng được cô nắn nót từng chữ, rồi từng từ dần dần viết thành từng câu. Tương tự với kỹ năng đọc, bắt đầu bằng đọc thuộc từng chữ cái, từng từ, từng câu và cuối cùng là đọc được những mẫu chuyện ngắn qua các bài tập đọc. Càng lên cao thì càng được nâng level lên, ví dụ như viết bài văn miêu tả sự vật ở cấp hai, viết và đọc văn nghị luận ở cấp ba, viết tiểu luận và làm đồ án khi lên đại học. Đây là cách ta học đọc và viết.
Chúng ta học và thành thạo tiếng việt xuất phát từ nhu cầu giao tiếp với những người xung quanh. Nhu cầu này là động lực giúp ta học ngôn ngữ tiếng Việt mà không bỏ cuộc, khác với tiếng anh là để lấy bằng IELTS phục vụ cho những mục đích mình đã nói ở trên. Và các bạn thấy đó, từ nhỏ đến giờ làm quái gì có ai dạy chúng ta học tiếng việt bằng mẹo bao giờ.
Ở thời buổi công nghệ 4.0, bạn chỉ cần có một chiếc điện thoại hoặc laptop có kết nối internet thì bạn đã có một trung tâm anh ngữ xịn xò ngay tại nhà cho mình rồi, vấn đề là bạn có thật sự chủ động trong việc tự học tiếng anh hay không thôi.

Tóm lại

Nạp siêu tốc tiếng anh vào đầu là cách học không khác gì học vẹt là mấy. Kiểu học chụp dựt này thường khiến người học bỏ cuộc sớm khi sự hưng phấn ban đầu do cái bìa sách tạo ra dần biến mất. Thầy mình từng dạy mình rằng để đam mê một thứ gì đó, bạn phải thật sự lăn lộn với nó, phải vật vả với nó và cùng nó trãi qua thời gian thì mới xuất hiện cái ta gọi là đam mê.
Cảm ơn các bạn đã đọc.